• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Giới thiệu về nuôi nhện kiểng Tarantula

Bạn thích giống mèo Havana Brown?

  • Rất thích

    Votes: 1 100.0%
  • Không thích

    Votes: 0 0.0%
  • Bình thường

    Votes: 0 0.0%

  • Total voters
    1

testdasi

New Member
Bài 1: Giới thiệu về nhện Tarantula

Tarantula là tên thường gọi của một nhóm nhện thuộc họ Theraphosidae, bao gồm khoảng 900 loài đã được ghi chép. Đặc điểm của Tarantula là kích thước to lớn so với các loài nhện thông thường. Thân có thể dài từ 2.5 tới 10cm, nếu tính luôn chân thì 8 tới 30cm. Ngoài ra, trên toàn bộ vỏ ngoài của Tarantula đều có một lớp lông bao phủ. Tarantula đều có thể nhả tơ như tất cả các loài nhện khác. Nhện Tarantula trong môi trường tự nhiên có thể chia thành 2 nhóm dựa vào địa bàn săn mồi: nhóm săn trên mặt đất (bao gồm cả những loài đào hang) và nhóm săn mồi trên cây (tiếng Anh: terrestrial và arboreal). Cả hai nhóm chủ yếu ăn côn trùng và săn mồi bằng cách mai phục và chờ đợi. Những con kích thước lớn có thể ăn những loại động vật có xương sống như chuột, chim, thậm chí cả rắn. Mặc dù có kích thước “khủng” và vẻ dữ tợn, đa số các loài Tarantula đều không gây hại cho người. Một số loài còn được nuôi làm kiểng, hoặc là một món ẩm thực như tại Campuchia. Lưu ý là trong bài viết, nếu không có nói gì thêm thì từ "nhện" chỉ để chỉ nhện Tarantula, không phải những loài nhện khác.


Nhện gối đỏ Mexico - Brachypelma Smithi - thường thấy trên phim ảnh​

Nhện Tarantula có thể được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Cái loài nhện tìm thấy ở “Tân Thế Giới” - TTG (New World - châu Mỹ, Úc) có một số khác biệt đối với nhện “Cựu Thế Giới” - CTG (Old World – châu Âu, Á, Phi). Nhện TTG, ngoài những sợi lông thông thường, còn có lông gây ngứa (urticating hair) trên bụng. Khi cảm thấy nguy hiểm, nhện TTG sẽ dùng chân sau quẹt lên bụng để tung lông ngứa về phía kẻ thù. Lông ngứa chỉ dùng được 1 lần vì chỉ mọc lại khi nhện lột xác. Loài Theraphosa Blondi (nhện Goliath ăn chim). Nhện CTG không có lông ngứa. Cách tự vệ duy nhất là cắn. Lưu ý là cả nhện TTG và CTG đều có thể cắn, chỉ là nhện TTG thường sẽ tung lông ngứa trước rồi mới cắn. Nhện CTG do không có lông ngứa nên thường hung dữ và thích cắn hơn.

Lông ngứa của nhện TTG có móc và nếu dính vào da sẽ gây ngứa. Nếu hít phải thì sẽ gây dị ứng đường hô hấp và khỏ thở. Lưu ý là nếu để lông ngứa dính trúng mắt thì cần phải rửa mắt kỹ với nhiều nước và đi khám bác sĩ, tuyệt đối không được dụi mắt. Nếu để dính vào da thì dung dịch 2% hydrocortisone có thể làm giảm ngứa. Nếu bạn nghi ngờ bị dính lông ngứa thì nên rửa tay kỹ càng trước khi dụi mắt hoặc ngoáy mũi. Xin nhấn mạnh là loại lông ngứa này có thể gây hại vĩnh viễn cho mắt. Nói nghe dễ sợ vậy chứ ít ai tới gần con nhện đến nỗi bị lông dính vào mắt. Những ca thường gặp là do chơi đùa với nhện, để dính lông vào tay, rửa tay không kỹ mà dụi mắt.

Lông ngứa được chia làm nhiều loại, đánh số từ I tới VI tùy vào kích thước và hình dáng. Lông loại II không thể tung lên không khí mà phải chạm trực tiếp vào thân nhện thì mới bị “dính”. Lông loại III và loại IV gây dị ứng nhiều nhất với động vật có vú (con người!!!). Avicularinae và Theraphosinae có lông loại I, II, III, IV. Lasiodora và Acanthoscurria có lông loại I và III. Grammostola có lông loại III và IV. Lông loại II thường được tìm thấy trên Avicularia, Pachistopelma và Iridopelma. Lông loại III thường tìm thấy trên Theraphosa, Nhandu, Megaphoboema, Sericopelma, Eupalaestrus, Proshapalopus, Brachypelma, Cyrtopholis, Iracema và những chi dưới phân họ Theraphosinae. Lông loại V thường được tìm thấy trên chi Ephebopus, loại VI tìm thấy trên chi Hemirrhagus. Lasiodora, Grammostola và Acanthoscurria được coi là những chi có nhiều lông ngứa nhất.

Giờ nói tới vụ cắn. Tất cả các loài nhện Tarantula đều có nọc độc. Ảnh hưởng của vết cắn hiện vẫn còn là nghi vấn. Tuy nhiên, chưa hề có một trường hợp nào được ghi nhận là có người bị nhện Tarantula cắn chết. Một số loài nhện trông hơi hơi giống nhện Tarantula nhưng có nọc rất độc. Những loài này cắn người, lại gây hiểu lầm cho những con Tarantula tội nghiệp. Nọc độc nhện Tarantula thường yếu và thường được miêu tả là “không tệ hơn bị ong chích” (1 con ong, không phải 1 đàn ong). Nhện TTG có nọc ít độc hơn nhện CTG. Một số vết cắn là vết cắn “khô” (dry bites), nghĩa là con nhện cắn nhưng không đưa nọc độc vào. Vết cắn thường sâu, do nhện lớn nên răng lớn nên vết cắn lớn, nên cần vệ sinh kỹ để tránh bị nhiễm trùng. Vấn đề lớn nhất của vết cắn của nhện là một số ít người bị dị ứng với nọc độc và các phản ứng dị ứng này rất nguy hiểm. Nếu bạn bị dị ứng khi bị ong chích thì nhiều khả năng cũng sẽ bị dị ứng với nọc nhện Tarantula. Thông tin trên chưa được kiểm chứng khoa học, chỉ là kinh nghiệm của những người nuôi nhện nói lại nên không bảo đảm đúng 100%.

Nói nghe ghê quá nhỉ. Thật ra, hãy tưởng tượng bị một sinh vật lớn gấp trăm lần “để ý”, phản ứng đầu tiên là gì? CHẠY!!! Điều đó cũng đúng với nhện Tarantula. Những con nhện tội nghiệp thật ra sợ con người nhiều hơn nên phản ứng đầu tiên thường là chạy. Một số trường hợp ngoại lệ thường là nhện CTG. Trước khi cắn, nhện Tarantula thường có dấu hiệu cảnh báo: giơ chân trước lên, nhe nanh ra, một số loài còn kêu xì xì. Nếu kẻ thù vẫn chưa bỏ đi, nhện có thể đập chân trước xuống (chưa cắn) hoặc tung lông ngứa. Nếu chạy được, con nhện sẽ bỏ chạy. Chỉ khi vào đường cùng nó mới lao tới để cắn. Nhện Tarantula thường di chuyển khá chậm chạp nên nhiều người bị bất ngờ vị nhện có thể lao tới rất nhanh. Tất nhiên đây chỉ là phản ứng “thông thường”, có ngoại lệ. Một số loài thích tung lông ngứa ở bất cứ trường hợp nào (nổi tiếng nhất là Brachypelma smithi – nhện gối đỏ Mexico). Một số loài cứ cắn, như một số loài nhện CTG. Có một người nuôi nhện cho biết, có một con Grammostola rosea (nhện hoa hồng Chile) cứ từ từ bò tới rồi cắn tay người này một phát mà không hề có dấu hiệu cảnh báo gì.


Đi chỗ khác chơi!!! Không ta cắn!!!​

Có một loài nhện Tarantula được gọi là Haplopelma sp."Vietnam" (một loài thuộc chi Haplopelma được tìm thấy ở Việt Nam). Tên thường gọi là Vietnamese Earth Tiger Tarantula (nhện hổ đất Việt Nam) hoặc ngắn gọn là Vietnamese Tiger Tarantula (nhện hổ Việt Nam). Loài này mới được ghi nhận gần đây nên tên khoa học vẫn còn lộn xộn. Nhà nghiên cứu nhện Gunther Schmidt gọi loài này là Haplopelma vonwirthi (một loài riêng). Có người cho rằng đây chỉ là một biến thể của loài Haplopelma minax (nhện đen Thái Lan). Có người lẫn lộn loài này với Haplopelma longipes (nhện hổ Thái). Một số nơi bán nhện này dưới tên là Cyriopagopus paganus. Hiện chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể về loài này. Những người nuôi và nhân giống nhện thì vẫn coi đây là một loài riêng biệt. Bởi vậy cho nên có thể coi như đây là một loài nhện Tarantula Việt Nam!!!


Haplopelma vonwirthi - Nhện hổ đất Việt Nam​

Đây là một loài rất dữ và kích thước có thể lên tới 15cm, trung bình so với những loài Tarantula khác. Đây là nhện cạn, săn mồi trên mặt đất và thích đào hang. Loài này cần môi trường nhiệt độ và độ ẩm cao vì thường được tìm thấy ở Thái Lan và Việt Nam - 2 nước nhiệt đới nóng ẩm. Đây là nhện CTG - chỉ thích cắn và không có lông ngứa.

Thú nuôi nhện Tarantula làm kiểng đang dần nhận được sự đồng tình và hưởng ứng ở nhiều nước như Anh, Mỹ. Nói chung, nhện Tarantula dễ nuôi. Môi trường sống đơn giản chỉ cần một cái lồng thoáng khí, đất, một chỗ trú ẩn, hết. Tuổi thọ nhện rất dài. Nhện đực có thể sống tới 5 năm. Nhện cái tùy loài, thường từ 5 tới 20 năm. Nhện không cần nhiều sự chăm sóc như chó, mèo. Thường chỉ cần cho ăn 1 lần/tuần. Thậm chí, có trường hợp ghi nhận, một con nhện Tarantula bị bỏ đói suốt 2 năm trời vẫn sống. Những loài cần độ ẩm thi có thể phun nước nếu đất quá khô. Nếu sợ cắn, bạn hoàn toàn có thể giữ nhện trong lồng mà không cần đụng tay tới. Hoặc bạn có thể đeo găng (loại găng cao su dày) khi chơi đùa với nhện. Thậm chí, việc chơi đùa với nhện gây nhiều nguy hiểm cho con nhện hơn là bản thân người nuôi. Vì bụng nhện rất yếu và dễ vỡ, chỉ cần vô tình làm rơi nhện xuống sàn gạch từ khoảng cách khoảng 20 cm là con nhện có thể vỡ bụng mà chết.

Đây chỉ là bài mở đầu cho loạt bài về nuôi nhện Tarantula làm kiểng. Do quỹ thời gian có hạn nên không biết khi nào bài sau sẽ xong. Bạn sẽ thấy một cái “disclaimer” ở phí dưới. Cái này là phải viết chứ không thôi mất công. Giống như viết bài về nuôi chó kiểng, có người bị chó cắn lại đi kiếm mình “uống cà phê” thì mệt.

Những thông tin trong bài viết này được thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau như Wikipedia và các hội người nuôi nhện kiểng. Người viết sẽ cố gắng tìm thông tin chính xác nhưng không thể bảo đảm tất cả thông tin được viết là chính xác hoàn toàn. Người viết sẽ không chịu trách nhiệm nếu bất kỳ vật thể vô tri, virus hay bất kỳ loài sinh vật nào (kể cả con người) phải chịu ảnh hưởng xấu trực tiếp hay gián tiếp hay dưới bất kỳ hình thức nào khác vì những lý do có liên quan (thậm chí không liên quan gì) tới bài viết. Ví dụ (chỉ mang tính tượng trưng): Bạn nuôi nhện, bị nhện cắn, người viết bài không chịu trách nhiệm. V.v…

Vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự cho phép của người viết.

Tui không có liên quan gì tới bất kỳ cá nhân/tổ chức buôn bán nhện kiểng, thú kiểng hay bất kỳ cái gì kiểng ở Việt Nam. Việc viết bài hoàn toàn là do sở thích cá nhân của tác giả.
 

testdasi

New Member
Giới thiệu về nuôi nhện kiểng Tarantula - bài 2

Bài 2: Kỹ thuật nuôi cơ bản

1. Lưu ý khi mua nhện Tarantula

Chân nhện không co quắp vào trong. Nhện không đơ ra khi bị chạm vào người. Những triệu chứng trên thường gặp trên nhện đã/sắp chết

Con nhện trong hình là nhện đã chết.​

Bụng nhện lớn tối thiểu gần bằng phần đầu-ngực và không bị teo tóp. Bụng teo tóp (trông khô và nhỏ) thường là dấu hiệu của chấn thương hoặc nhện bị thiếu nước.

Nhện đi lại chững chạc, không có triệu chứng “mất phương hướng” như đoạn video dưới đây. Đây là triệu chứng của bệnh “Dyskinetic Syndrome” (DS), hiện chưa rõ nguyên nhân và cách điều trị. Nhện bệnh thường sẽ chết, nhanh thì 1 ngày, chậm thì 1 tuần. Nhiều khả năng DS chỉ là một dạng triệu chứng chung trên nhện Tarantula khi hệ thần kinh bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây hại như thuốc trừ sâu hoặc vi khuẩn.

Triệu chứng DS. Clip được quay bởi Talkenlate04

Tất nhiên, phải có đủ 8 chân, 2 “tay” (pedipalp – nằm 2 bên của răng nanh), 2 răng nanh.

Tay chân đầy đủ​

Nếu biết được giới tính thì càng tốt. Nhện cái sống lâu hơn rất nhiều so với nhện đực. Về cách chọn giới tính sẽ viết ở một bài khác.

2. Bể nuôi nhện

Đối với nhện cạn (terrestrial), cái bể tối thiểu là dài khoảng gấp 3 lần, rộng gấp 2 lần, cao gấp 2 lần chiều dài con nhện. Bể dài gấp 2 lần có thể miễn cưỡng dùng được. Chiều dài nhện tính từ đầu chân trước tới đầu chân sau khi nhện đứng với tư thế bình thường. Đối với nhện cây (arboreal), lật cái bể nhện cạn đứng lên là được. Lưu ý: bể nhện quá lớn sẽ làm nhện khó tìm mồi, thậm chí gây ra stress. Nhện có thể thịt ăn lẫn nhau nên không nên nuôi chung 2 con nhện trong 1 bể. 2 con nhện trong 1 bể bằng 1 con nhện mập. Lưỡng hổ phân tranh, thể nào cũng 1 chết, 1 bị thương.

Mẫu bể nhện "nhí"​

Chất liệu thường dùng cho bể nhện có thể làm bằng nhựa, thủy tinh hoặc acrylic. Hồ cá cảnh rất hay được dùng làm bể nhện, chỉ cần phải có nắp đậy chắc chắn. Hộp nhựa đựng đồ ăn, keo nhựa, keo thủy tinh đều có thể dùng được. Trên nắp/bên hông bể phải có lỗ thoáng khí để nhện thở. Có thể dùng lưới để giúp thoáng khí nhưng phải bảo đảm con nhện không thể cắn đứt miếng lưới và lỗ không quá lớn để nhện có thể bị kẹt chân vào. Khi bị kẹt chân, con nhện có thể “hi sinh” cái chân, rớt xuống, bể bụng, chết. Tất nhiên, bất kỳ lỗ thông ra “thế giới bên ngoài” nào cũng không lớn hơn đầu nhện. Đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng tẩu thoát của nhện Tarantula. Nhện không thể chỉ có thể cắt rách lưới nhựa mỏng hay chui qua những cái lỗ “bé bé xinh xinh” mà còn có thể mở một cái nắp đậy hờ.

Mẫu bể nhện cây​

3. Đất

Đất có 2 mục đích. Mục đích chính là để giữ độ ẩm. Mục đích phụ là để cho một số loài nhện cạn đào hang. Các loại đất có thể dùng: đất mùn (lựa loại không có mùi hôi), đất chậu (dùng để trồng hoa), mùn dừa (đất ủ từ xơ dừa – loại này khá thông dụng ở nước ngoài). Không nên dùng: vỏ gỗ bào, cát, sỏi (đều có thể gây thương tích cho con nhện). Quan trọng nhất: không dùng cái gì liên quan tới cây tuyết tùng (cedar) và không có thuốc trừ sâu và phân bón!!! Nếu nhà có lò vi sóng/lò nướng, bạn có thể “nấu” đất trong khoảng 30-40 phút để diệt ve/vi khuẩn (cẩn thận cháy!!!), để nguội (trừ khi bạn muốn ăn nhện nướng giòn) rồi mới sử dụng.

Đối với nhện cạn, đất nên dày tối thiểu 5cm. Khoảng cách từ mặt đất tới nóc bể khoảng 1.5 đến2 lần chiều dài con nhện. Nhện đất cũng thích leo trèo tìm hiểu thế giới đó đây nên nếu nóc bể cao quá, nhện có thể trèo cao té chết. Lượng đất có thể dùng để điều chỉnh độ cao cho phù hợp. Nhện cây thì đất chủ yếu để giữ độ ẩm, không cần quá dày.

Mẫu bể nhện cạn​

4. Trang trí

Đối với nhện cạn, đồ trang trí quan trọng nhất là một chỗ trú ẩn. Có thể dùng nửa cái gáo dừa, cắt một lỗ đủ để cho con nhện chui vào. Hoặc một nửa cái chậu đất nung (loại trồng hoa) hoặc lõi giấy vệ sinh để nghiêng. Đối với nhện cây thì tất nhiên phải có một khúc cây để nhện leo trèo.

Nhện Tarantula dài hơn 7cm cần một đĩa nước cạn để uống (nhện nhỏ hơn sẽ “uống” nước từ đất – cần giữ đất ẩm). Đĩa nước không được quá sâu để không làm nhện (hoặc con mồi như dế) chết chìm. Nếu sâu quá có thể thêm một vài viên sỏi vào đĩa nước.

Những vật trang trí khác tùy ý. Chỉ cần lưu ý tránh ẩm mốc, không để đồ trang trí biến thành chỗ trú ẩn cho mồi nhện, không có góc nhọn cứng có thể làm nhện bị thương và tuyệt đối không dùng cái gì liên quan tới cây tuyết tùng (cedar) và không có thuốc trừ sâu và phân bón.

Cần phải cân bằng giữa đẹp và an toàn.​

5. Nhiệt độ – độ ẩm – ánh sáng

Nhện Tarantula là loài sống về đêm nên không cần ánh sáng đặc biệt và cũng không được để đèn sáng liên tục. Tuyệt đối không được để bể nhện tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời – có thể nướng chín con nhện.

Yêu cầu về nhiệt độ và độ ẩm khác biệt tùy loài. Thông thường thì nhiệt độ tốt nhất là vào khoảng 23 tới 29 độ C. Độ ẩm không được xuống dưới 50%. Nếu quá khô, có thể phun sương hoặc đơn giản hơn là để một đĩa nước cạn trong bể. Tuyệt đối không để quá ẩm vì dễ gây mốc (mốc có thể bít phổi nhện, làm nhện chết ngạt) hoặc biết cái bể nhện thành ổ ve.

6. Mồi

Có thể cho nhện lớn ăn mồi sống mỗi tuần một lần. Mồi có thể là bất kỳ con vật gì không thể tấn công hay làm tổn thương con nhện. Ví dụ: dế, châu chấu, cào cào, gián, nhộng. Kích thước mỗi con mồi không nên lớn hơn bụng con nhện. Khi nhện dài khoảng 15cm trở lên có thể cho ăn chuột con mới sinh (không khuyến khích vì nếu không có nguồn mồi tốt, chuột con thường có nhiều vi khuẩn) hoặc thằn lằn nhỏ. Với nhện quá nhỏ thì ruồi dấm, loại không có cánh, hoặc một cái đùi dế là món ăn tốt, mỗi tuần 2-3 lần. Khi nhện no không ăn nữa thì phải loại bỏ thức ăn thừa (sống và chết) trong vòng 24 giờ. Nên cho ăn vào buổi tối.

Nhện ăn dế. Clip được quay bởi PrivateBong

Không cần thiết phải cho nhện ăn mỗi lần một lượng nhất định. Trong tự nhiên, 4 con cào cào không mời bạn nhện ra ăn vào mỗi tối chủ nhật. Có thể cho ăn nhiều miễn là không để mồi thừa sống trong bể – nhất là dế. Mồi thừa sống trong bể không những có thể gây stress mà còn có thể tấn công con nhện. Mồi thừa chết – như một cái đùi dế, một cái đầu gián – là mầm ẩm mốc số 1 La Mã. Thông thường, 3-4 con dế là đủ.

Gián cũng ăn. Clip được quay bởi radicaldementia

Không nên bắt mồi trong tự nhiên và cho nhện ăn liền. Đó là tính luôn cả gián bắt được trong nhà. Mồi “tự nhiên” nhiều khả năng chứa nhiều hóa chất và vi khuẩn độc hại, không tốt cho nhện Tarantula. Mồi nuôi nên cho ăn uống đầy đủ, mập mạp. Bạn chắc không muốn ăn một đĩa thịt gà lắm xương nhưng “còi thịt”. Con nhện cũng vậy.

Chuột cũng ăn nốt. Clip được quay bởi jrader

7. Dọn dẹp

Nhắc lại: mồi thừa, sống hay chết, bị ăn hay chưa bị ăn đều phải bị thủ tiêu.

Con nhện thỉnh thoảng cũng phải “ị”. Cái “ị” của con nhện màu trắng. Bạn có thể gắp ra. Nếu dính lên thành bể, có thể dùng khăn giấy chùi sạch.

Mấy cục tròn tròn trắng trắng trong đĩa nước là mấy cục "ị" của nhện.​

Nếu phát hiện trong bể có mốc, nhiều ve (một vài con ve thì không sao) hoặc mùi “tởm tởm” thì bạn cần phải thay đất. Bắt con nhện ra, cho vào một cái cốc lót bằng khăn giấy ẩm. Mấy con ve bám trên mình nhện sẽ nhảy xuống lớp giấy. Đổ hết đất trong bể đi và rửa sạch bằng nước nóng nhiều lần. Nhớ rửa cả đồ trang trí. Không khuyến khích dùng hóa chất vì có thể làm hại tới nhện. Có thể dùng xà phòng nếu có thể xả thật sạch (nếu bạn còn ngửi thấy “hương chanh tươi mát nồng nàn” của xà phòng thì là xả chưa đủ sạch). Cho đất và đồ trang trí vào bể rồi thả con nhện trở lại.

Nếu nhện giăng tơ thì không nên phá đi. Làm vậy nhiền lần có thể gây stress. Nên nhớ, nhện giăng tơ là điều tự nhiên.

8. Lột xác

Nhện cần phải lột xác để lớn. Trước khi lột xác vài ngày (có khi vài tuần), con nhện sẽ không ăn mồi nữa. Ngay trước khi lột xác, nhện sẽ lật người lại theo tư thế “ngửa bụng nhìn trời”. Nhiều người nuôi mới thường mắc sai lầm khi thấy nhện nằm ngửa thì tưởng nhện chết (chắc tưởng giống cá chết thì ngửa bụng). Khác với con người, nhện chết sẽ nằm sấp. Nhện nằm ngửa là nhện đang lột xác. Bạn tuyệt đối đừng đụng tới nó. Thậm chí đừng di dời cái bể. Bất kỳ tác động bên ngoài nào lúc này cũng có hại cho con nhện. Tìm kỹ càng, bảo đảm không có một con mồi sống nào còn ở trong bể. Có con nào, thủ tiêu con đó (thủ tiêu = bắt ra khỏi bể, đừng có lấy súng ra bắn!!!).

Tui chưa chết!!!​

Nhện nhỏ có thể lột xác vài lần mỗi tháng. Nhện lớn chừng 1-2 lần mỗi năm. Trong quá trình lột xác, độ ẩm là điều quan trọng nhất. Thiếu độ ẩm, con nhện có thể không tách rời ra khỏi vỏ cũ được. Mất chân, răng nanh, thậm chí vỡ bụng mà chết là đều không thể tránh khỏi. Do đó, nếu con nhện “khoe bụng” thì bạn nên phun sương xung quanh (không phun lên con nhện) để giữ độ ẩm. Sau khi lột xác xong, bạn nên chờ 1 tuần trước khi cho ăn. Khoảng thời gian này là để cho vỏ nhện cứng lại, nếu không, ngay cả con mồi ngây thơ nhất cũng có thể giết chết con nhện.

Quá trình lột xác. Clip được quay bởi MrTopherProductions

Ở trên chỉ là những hướng dẫn chung. Một số loài sẽ cần những hướng dẫn cụ thể hơn trong những bài tới. Hạ hồi phân giải.


Những thông tin trong bài viết này được thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau như Wikipedia và các hội người nuôi nhện kiểng. Người viết sẽ cố gắng tìm thông tin chính xác nhưng không thể bảo đảm tất cả thông tin được viết là chính xác hoàn toàn. Người viết sẽ không chịu trách nhiệm nếu bất kỳ vật thể vô tri, virus hay bất kỳ loài sinh vật nào (kể cả con người) phải chịu ảnh hưởng xấu trực tiếp hay gián tiếp hay dưới bất kỳ hình thức nào khác vì những lý do có liên quan (thậm chí không liên quan gì) tới bài viết. Ví dụ (chỉ mang tính tượng trưng): Bạn nuôi nhện, bị nhện cắn, người viết bài không chịu trách nhiệm. V.v…


Vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự cho phép của người viết.

Tui không có liên quan gì tới bất kỳ cá nhân/tổ chức buôn bán nhện kiểng, thú kiểng hay bất kỳ cái gì kiểng ở Việt Nam. Việc viết bài hoàn toàn là do sở thích cá nhân của tác giả.
 

nguyentrachuy

New Member
Thanks cho bài viết có chất lượng. Nhận tiện cho mình hỏi là sao e Mexican red leg của mình nó cứ bò liên tục. Hya là đặc tính của loài này là leo trèo. ??

Hy vọng nhận đựoc tiếp loạt bài dịch của bạn về cách phân biệt đực và cái trong dòng Brachypelma smithii. Tks
 

testdasi

New Member
Wow, nếu bạn có hình chụp thì nên post lên cho pà con cô bác coi. Nhện chân đỏ Mexico (Brachypelma emilia) đẹp, tính hiền và chắc chắn là nhện cạn. Giống này tương đối đắt tiền nhưng rõ đẹp :-bd

"Đi lang thang trong sân, có con nhện, có con nhện" nhiều khả năng là vì con nhện của bạn là một con đực trưởng thành (Mature Male - MM). MM sẽ tìm mọi cách tìm nhện cái để giao phối. Không biết con nhện của bạn kích thước bao lớn?
 

testdasi

New Member
Bài 3: Phân biệt giới tính

Mấy hôm nay đang dọn nhà nên không rảnh viết bài. Định là lười nên gom hết mọi thứ vào một bài nâng cao. Nhưng thể theo yêu cầu của bác nguyentrachuy nên viết một bài thật chi tiết về phân biệt giới tính nhện Tarantula.

Bài 3: Phân biệt giới tính

1. Các biện pháp đơn giản

Con đực trưởng thành (Mature Male – MM) thường là dễ phân biệt nhất. MM có 2 bộ phận đặc biệt không có ở con cái và chỉ xuất hiện sau lần lột xác cuối cùng. Đó là móc chân (tibial apophysis còn gọi là tibial spur hoặc tibial hook – dùng để giữ 2 răng nanh của con cái khi giao phối) và găng tay (palpal bulb – dùng để đưa tinh trùng vào cơ thể con cái). Móc chân nằm ở 2 chân trước còn găng tay nằm ở 2 "tay" (pedipalp). Gọi là găng tay là vì phần đầu của "tay" phồng to lên, trông giống như đang đeo găng. Bạn có thể nhìn kỹ tấm hình "Tay chân đầy đủ" ở bài 2 để phân biệt. Lưu ý là găng tay nhiều khi nhìn không rõ, móc chân dễ nhìn thấy hơn. Nếu con nhện của bạn không có 2 bộ phận này không có nghĩa đó là con cái. Bạn phải bảo đảm là con nhện đã trưởng thành mà điều này là không đơn giản.

Móc chân


Móc chân cận cảnh


Găng tay


Găng tay cận cảnh​


Lưu ý là một số chi không có móc chân. Những chi mà tui biết không có móc chân: Annandaliella, Anoploscelus, Augacephalus, Chilobrachys, Citharischius, Coremiocnemis, Euphrictus, Heteroscodra, Heterothele, Hysterocrates, Ischnocolus, Lyrognathus, Metriopelma, Nhandu, Orphnaecus, Pachistopelma, Phlogiellus, Phoneyusa, Phormingochilus, Plesiophrictus (một số loài), Poecilotheria, Selenocosmia, Selenotholus, Selenotypus, Sericopelma, Stromatopelma, Theraphosa (một số loài) và Thrigmopoeus.

Còn một cách tương đối không chính xác, đó là nhìn bụng và chân. Thường thì con đực có chân dài, bụng nhỏ so với con cái. Nhện đực thường cũng lớn nhanh hơn con cái vì tuổi thọ thấp hơn. Nếu con nhện của bạn lớn nhanh như thổi nhưng lại thuộc giống lớn chậm thì nhiều khả năng đó là một bác đực rựa. Nhưng đây chỉ là cảm quan, không thể khẳng định.


Nam tả, nữ hữu​

2. Xem bụng tìm chàng

Đối với cách này, bạn sẽ phải bắt con nhện lên để nhìn bụng – chính xác là mặt dưới của con nhện. Đối với nhện dữ thích làm xã hội đen thì sẽ khó khăn hơn, gợi ý: “lòe” nhện leo lên thành bể hoặc thả vào một cái bể kính/hộp nhựa trong suốt. Cái bạn phải tìm là một bộ phận nhả tơ đặc biệt gọi là epiandrous fusillae (EF). EF chỉ có ở con đực và xuất hiện khá sớm nên bạn có thể phân biệt được giới tính trước khi anh chàng sống những ngày cuối đời trong suy tư tình ái. EF hình giống như là một cái vòm hoặc hình tam giác bầu. Nếu nhện không có bộ phận này thì 100% là nhện cái. Vấn đề là đối với những loài có bụng màu sáng, nhiều lúc rất khó phân biệt. Và muốn nhìn thấy rõ, thường sẽ cần ánh sáng đầy đủ và cả kính lúp đối với nhện nhỏ.Ngay cả những chuyên gia phân biệt giới tính bằng cách này cũng gặp sai lầm, tưởng le le nhưng hóa ra là vịt đực.


Bên trái là chàng, bên phải là nàng. Lưu ý phần vẽ đậm.
Nguồn: "The Spinnerets and Epiandrous Glands of Spiders" by B. J. Marples, J. Linneaus Society (Zool.), vol. 46, 1967​

Giờ thực hành nhé.

Đờn ông

Đờn bà


Đờn ông

Đờn bà

Nếu bụng sáng khó thấy được EF thì còn 1 cách nhìn bụng nữa. Xem hình dưới đây (bên trái là vịt đực, bên phải là le le):
4 cái cục ở 2 bên thân nhìn giống cái lục lạc là phổi nhện. Khoảng cách giữa 2 phổi trước (phía trên, 2 mũi tên 2 đầu màu đen) ngắn là nhện đực, dài là nhện cái. Vòng 2 (cái đường màu đỏ là chĩa vào vòng 2 - khoảng nối giữ phần đầu-ngực và phần bụng) thẳng là nhện đực, cong là nhện cái. Đừng tiếp tuyến (trời ạ, hình học!!!) giữa phổi trước và vòng 2 (đường màu xanh lá cây) tạo thành góc gần 90 độ so với trục thẳng đứng (trời ạ, lại hình học!!!) thì là con đực, nếu là góc gần 45-60 độ thì là con cái. Không cần lấy thước đo độ ra đo đâu.

Xin nhận mạnh là phương pháp số 2 này chính xác 100% về mặt khoa học. Tuy nhiên, yếu tố con người (tìm không thấy EF) có thể gây sai số khá lớn. Bạn có thể dùng cả 2 cách xem bụng để xác định giới tính. Nếu cả 2 mũi tên chỉ cùng một hướng thì độ chính xác sẽ rất cao. Nhưng nếu 1 mũi tên hướng này mà mũi tên kia lại chọt hướng khác (xem hình số 2 trong phần thực hành - không thấy EF tức là con cái nhưng vòng 2 thẳng, góc gần 90 độ đều chỉ là "đờn ông"). Khi đó cách duy nhất để khẳng định 100% và giảm thiểu yếu tố con người (nhìn sai) là phương pháp thứ 3 - mổ xác!!!

3. Mổ xác tìm nàng

Nếu bạn nào thích xem phim điều tra án mạng thì chắc cũng biết là mổ tử thi là một phần vô cùng quan trọng. Việc phân biệt giới tính ở loài nhện cũng vậy. Rất may là bạn không cần phải thủ tiêu bạn nhện để giết người diệt khẩu – nhầm, để mổ tử thi. Chỉ cần giữ lại cái xác nhện sau khi lột xác (nhớ không? Nhện phải lột xác để lớn – nghĩa là bạn sẽ có một vài cái xác khô làm kỷ niệm). Bộ phận mà bạn cần phải tìm là spermathecae – bộ phận chỉ có trên con cái để nhận/chứa tinh trùng từ con đực khi giao phối. Đầu tiên, bạn phải tìm cặp phổi trước ở trên bụng (gần phần đầu-ngực, màu trắng rất rõ). Con cái ở giữa cặp phổi này sẽ có một bộ phận khác thường (có khi nhìn giống như một miếng da) còn con đực thì không có. Tất nhiên là phần xác phải còn tương đối nguyên vẹn thì mới phân biệt được.


Tọa độ điểm G, nhìn cho kỹ chỗ gần cây tăm​

Bài tập về nhà:

Chồng

Vợ

Bộ phận này trông sẽ khác nhau tùy loài. Dưới đây là hình dạng tham khảo cho một số loài thường gặp. Dài lắm đấy nhé








Lưu ý cuối cùng là với phương pháp 2 - xem bụng, bạn tìm dấu hiệu của nhện đực. Nếu không thấy bộ phận của nhện đực thì bạn kết luận là nhện cái (không đực là cái). Còn ở phương pháp 3 - xem xác thì bạn tìm dấu hiệu của nhện cái. Nếu nhìn không thấy bộ phận của nhện cái thì bạn kết luận là nhện đực (không cái là đực). Sẵn hứng làm thơ, viết thành khẩu quyết cho dễ nhớ. :D

Thị bụng tìm phu
Vô đực tất cái
Thị xác tìm phụ
Vô cái tất đực​

Hi vọng là sau khi đọc bài này, bạn sẽ biết con nhện yêu dấu của mình là le le hay vịt đực. Nếu bạn thấy ngứa đầu vì không nhìn ra sự khác biệt thì cũng đừng nản. Phân biệt giới tính cho nhện là một chuyện không phải đơn giản. Nhiều chuyên gia vài chục năm kinh nghiệm có khi còn nhìn không ra (ngay cả khi đeo kính), huống hồ chi người trần mắt thịt mới thấy lần đầu. Vạn sự khởi đầu nan mà. Loạt bài sẽ còn tiếp tục. Bài sau chắc sẽ là cách “chơi đùa” với nhện.

Những thông tin trong bài viết này được thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau như Wikipedia và các hội người nuôi nhện kiểng. Người viết sẽ cố gắng tìm thông tin chính xác nhưng không thể bảo đảm tất cả thông tin được viết là chính xác hoàn toàn. Người viết sẽ không chịu trách nhiệm nếu bất kỳ vật thể vô tri, virus hay bất kỳ loài sinh vật nào (kể cả con người) phải chịu ảnh hưởng xấu trực tiếp hay gián tiếp hay dưới bất kỳ hình thức nào khác vì những lý do có liên quan (thậm chí không liên quan gì) tới bài viết. Ví dụ (chỉ mang tính tượng trưng): Bạn nuôi nhện, bị nhện cắn, người viết bài không chịu trách nhiệm. V.v…

Vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự cho phép của người viết.

Tui không có liên quan gì tới bất kỳ cá nhân/tổ chức buôn bán nhện kiểng, thú kiểng hay bất kỳ cái gì kiểng ở Việt Nam. Việc viết bài hoàn toàn là do sở thích cá nhân của tác giả.
 

nguyentrachuy

New Member
Rất rất cám ơn bài viết của bạn. Rất tuyệt. Hiện nay con Mexican red knee của mình được 6cm. Để về check thử xem e nó là đực hay cái. Lại là một tai hoạ lớn. Vì từ lúc mua về tới giờ, mình đã phải chịu bao nhiêu là trận ngứa khủng klhiếp. Chưa lần nào bắt mà nó tha cho mình cả. ;)). Hiện tại mình cũng vừa tậu thêm một e Mexican fire leg -Brachypelma boehmei. e này có kích thước khá. 8cm.



Hình minh hoạ, nhưng e nó cũng ngang ngữa e này. ;))
 

Yunny

New Member
Nhìn nhện của các bác đẹp quá, nhưng em sợ nhất là nhện ,hic ^^
 

nguyentrachuy

New Member
mừng quá, cả hai e của tớ đều là e cái. cách quan sát theo cách thứ 2 rất dễ quan sát.
Nhân tiện cho mình hỏi là ví dụ như một e mexican red leg đực có thể giao phối với e Mexican fire leg và ngược lại được ko?
 

testdasi

New Member
6cm là từ đầu chân trước tới đầu chân sau đúng không (tại nếu không tính chân thì là nhện khá lớn rồi)? Nếu thế thì vẫn còn là nhện choai choai. Nhện choai choai mà đi linh tinh thì kiểm tra kỹ lại đất với kích thước bể. Đặc điểm của nhện Tarantula là nó rất tò mò về môi trường xung quanh. Nếu bể lớn quá thì nhện có xu hướng đi nhiều để tìm hiểu. Bạn coi lại cái bể coi có quá lớn hay không. Còn nếu không thì chắc là không sao. Còn vụ ngứa thì hehe, brachypelma là giống nổi tiếng thích đá lông ngứa mà. :D
 

nguyentrachuy

New Member
vậy nhện của tớ là nhện choai choai roài. Dạo này e nó cũng đã quen tớ. Bớt bắn lông đi một ít.
 

catsamac

Member
Nhện này không biết đem nướng ăn có chữa được bệnh đái dầm ở trẻ con như một số loại nhện bự ở VN không nhỉ=))
 

nhocbomb_duy

New Member
Bạn Testdasi cho mình hỏi con Redknee là nhện cạn hay nhện ưa ẩm? mình vừa mua 1 con về, nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay thôi. Ko biết lọai này nên lót sàn bằng đất trồng, mùn dừa hay là mạc cưa( lọai lót tổ cho Hamster). Mình có bỏ vô 2 thanh gỗ mục cho nó leo, ko biết làm vậy có hại gì ko? Testdasi có thể cho mình xin nick chat để dễ hỏi thăm kinh nghiệm được ko? cám ơn bạn nhiều.
 

testdasi

New Member
Sorry bà con. Phải đi làm kiếm tiền sống qua ngày nên không rảnh viết. Nhưng mà dạo này rảnh rồi, sẽ cố gắng viết tiếp.

@Kelvin Vu & catsamac: 2 bác muốn ăn nhện thì qua Campuchia ấy. Nó có món nhện Tarantula chiên giòn ăn ngon phết. Bán như mình bán đậu phộng ấy, cả rổ.
 
Nhện dễ thương mà,nhìn tụi nó cũng giống mấy cục bông gòn ghê,chỉ tiếc ở nhà mình ai cũng dị ứng nhện,lại thêm con cún sát nhện nữa,việc nuôi nhện là bất khả thi,hu hu,mà testdasi nói sẽ có bài hướng dẫn cách chơi với nhện mà,đâu mất tiêu òi,post tiếp đi,mình muốn đọc
 

archmonde11

New Member
mình sợ nhất là nhện, trông nó cứ khiếp khiếp sao ý. Mấy con nhện nhà mà nó bé tí ý, chân nó dài dài là đã khiếp rồi. H còn trông con to thế này chắc mình ngất xỉu :praying:

Chuyện mình nhớ nhất là hôm đó ~3h đêm xuống nhà mò đồ ăn, bật đèn thì phát hiện ra trên bờ tường (cách đó 3m) có 1 con nhện dài khoảng 6 cm - mặt tái mét đi tất tả ko nói dc gì nữa, lên gác vồ vội khẩu shotgun bắn cho nó 1 phát. Con nhện nó cũng khôn, bò bò rồi ko động đậy gì nữa. Mình thấy thế tắt đèn đi, thấy nó lờ mờ bò, mình bật nhanh đèn lên. Hình như nó hoảng, rơi 2.5m xuống đất đánh bộp. Mình cứ ngồi cách đó 3m canh cho đến 6h sáng thì bỏ. Con nhện đó thân thì to mà đ ít thì bé. Người dạng dẹt, màu đen ghi. Bi h mình viết lại những dòng này trong tư thế 2 chân cho lên ghế. :nailbitting:

Ko phải mình độc ác gì đâu. Hình như bị bệnh đó. Mình đã tìm hiểu và biết nhiều người bị bịnh này. Thế mà nhìn bọ cạp thì bt nhé. :straight face:
 

Mr.Bao

New Member
Chilean Rose Hair.
Môi trường sống của Chile Rose Hair Tarantula là các vùng sa mạc của Chile. Nó là một loại khá lớn, rất ngoan ngoan dành cho những người mới nuôi Tarantula lần đầu. Những màu sắc có thể có là từ màu xám, hồng, đến màu nâu hơi đỏ. Các con đực thường sống khoảng 5 năm, con cái sống lâu hơn chừng 20 - 25 năm.


Cobalt Blue
Tarantulas Cobalt Blue sống trong các khu rừng nhiệt đới của Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Nó có thể đạt đến kích thước tối đa 5 inch. Lưu ý: Đây là 1 loài rất dữ và hung hăng, chỉ dành cho những người có kinh nghiệm nuôi Tarantula.


Goliath Bird Eating
Goliath Bird Eating một giống nhện được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới của Nam Mỹ, nó là những loài lớn nhất của dòng Tarantula trên thế giới với một khoảng chân 10-12 inches.. Là loài rất lớn với một cơ thể có lông màu cà phê, Loài này có thể sống tới 25 năm. Cũng giống như tên gọi của nó thực phẩm ưa thích của chú này là Chim.



Green Bottle Blue
Green Bottle Blue Tarantula được tìm thấy từ Venezuela. Nó là một trong những loài nhiều màu sắc nhất của dòng tarantulas. Chú này có chân màu xanh tươi sáng, mai màu xanh dương-màu xanh lá cây và bụng màu da cam, con đực sẽ đạt được một sải chân khoảng 4 ½ inch, trong khi nữ giới có thể đạt đến 6 inches.
Blue Greenbottle Tarantula là một loại có thể nuôi được. Nhưng chú này cũng khá là hung hăng, rất thích cắn và cắn. Chỉ dành cho nhưng ai có kinh nghiệm nuôi Tarantula rồi.



Mexican Red Knee ( Tarantula gối đỏ) Là một giống nhện đầu gối màu đỏ bắt nguồn từ scrubland bán sa mạc của Mexico và Panama. Bụng của nó là màu đen với một vài sợi lông đỏ. Chân của nó màu đen sọc với vằn màu da cam.Một con nhện trưởng thành đầy đủ sẽ có một khoảng sải chân từ năm đến sáu inch. Con cái có thể sống được đến ba mươi năm. Con đực có tuổi thọ ngắn hơn nhiều. Do tính chất ngoan ngoãn của loại nhện này,và đầy màu sắc, kích thước lớn và sống lâu nó đã trở thành một loại hình phổ biến của Tarantula để giữ như là vật nuôi. Đây là một lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn, ko cần phải có kinh nghiệm mới nuôi đc. Đây là loài ít cắn, nhưng nuôi pé này là phải chịu ngứa nhiều đấy.

 
Top