• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Chiêm ngưỡng anh Hồ Giáo

Vladavia

Member
Đọc được 2 kỳ phóng sự "chiêm ngưỡng anh Hồ Giáo" trên báo Thanh Niên thấy tâm đắc quá, mạn lòng được post ở đây để anh chị em cùng đọc.

Chiêm ngưỡng anh Hồ Giáo






26/11/2008 22:25


79 tuổi vẫn không kém thanh niên - ảnh: H.H.V
Báo chí đã viết nhiều về Hồ Giáo, đã có truyện về Hồ Giáo, có thơ về Hồ Giáo, có bài hát về Hồ Giáo. Nhưng mấy chục năm nay Hồ Giáo vẫn là một đơn nhất, không lặp lại.
Kỳ 1: "Hỏi anh: có thú vui gì..."

Tôi đến trại trâu Mura của ông Hồ Giáo vào ngày 23 tháng 10 âm lịch - cái ngày gắn với câu ca của bà con xứ Quảng: "Ông tha bà chẳng tha/Làm ra cái lụt hăm ba tháng mười". Kinh nghiệm dân gian quá chính xác. Ngày này mà không có lụt lớn thì là ngày cuối cùng của mùa mưa bão.
Quảng Ngãi bắt đầu tạnh, trời chỉ còn mưa lất phất. Trại trâu "đóng" tại xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Thành), cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 6 km. Nghe nói hằng ngày ông Hồ Giáo sáng đến chiều về, đi bộ một quãng đường 12 km. Nói là trại nhưng không rào giậu, là một dãy nhà cũ lợp ngói, bên trong là một hàng chuồng phần lớn trống không, chỉ 4 ngăn có 4 con trâu to vạm vỡ, đen mướt. Không một bóng người. "Ông ấy đi cắt cỏ ngoài kia kìa, các anh đi vòng qua phía sau thì gặp", một thanh niên đi ngang qua chỉ chúng tôi.
"Ở Quảng Ngãi này ai cũng biết ông Hồ Giáo là người chăn bò hai lần được phong anh hùng, ai cũng biết giờ ông đã sắp 80 tuổi rồi mà vẫn còn chăn trâu. Hằng ngày ông vẫn đi từ thị xã đến trại trâu, ai đi qua đều nhìn thấy. Nhưng người ta chỉ biết vậy thôi. Hồ Giáo vẫn là một bí mật, ngay cả đối với người Quảng Ngãi", nhà thơ Thanh Thảo nói đầy ẩn ý trước khi nhờ một anh bạn đưa tôi đến đây. Tôi hiểu ý ông Thanh Thảo. Báo chí đã viết nhiều về Hồ Giáo, đã có truyện về Hồ Giáo, có thơ về Hồ Giáo, có bài hát về Hồ Giáo. Nhưng mấy chục năm nay Hồ Giáo vẫn là một đơn nhất, không lặp lại. Phải nhìn ở một góc khác mới hiểu được người chăn bò siêu phàm này.

Ông Hồ Giáo mặc áo mưa đi cắt cỏ - ảnh: H.H.V Tôi không hiểu vì lý do gì mà có đến mấy thế hệ học trò cứ nhầm lẫn Hồ Giáo là nguyên mẫu của nhân vật Nhẫn trong truyện Cỏ non của nhà văn Hồ Phương. Truyện Cỏ non tôi không rõ được đưa vào sách giáo khoa năm nào, nhưng nó được giải thưởng của Báo Văn Nghệ năm 1959, năm đó ông Hồ Giáo còn là anh bộ đội, chưa về nông trường Ba Vì để đi chăn bò. Giáo viên nhầm lẫn, học sinh nhầm lẫn, thậm chí nhiều nhà báo viết về ông Hồ Giáo, đã gặp người thật việc thật, mà cứ nghĩ mình vừa gặp nguyên mẫu của Cỏ non. Cho đến gần đây ông Hồ Phương mới cải chính (xem Nhà văn Hồ Phương: Đừng nhầm nhân vật trong Cỏ non với anh Hồ Giáo! đăng trên website Báo VH-TT ngày 12.6.2008). Sự nhầm lẫn như vậy không có hại gì, nó chỉ khiến cho người ta nghĩ về ông Hồ Giáo không giống như ông Hồ Giáo thật. Giữa đám cỏ voi cao quá đầu, Hồ Giáo đang mặc áo mưa lom khom cắt, lom khom bó cỏ thành từng bó, sắp vào chiếc xe cút kít. Thấy khách đến ông không ngạc nhiên, không khó chịu, không vui mừng, cũng không hỏi gặp ông có việc gì. Nghe lời chào, ông ngước mặt lên mỉm cười, rồi tiếp tục lom khom cắt cỏ.
Tôi hiểu thông điệp của ông là: lúc này không có chuyện gì quan trọng hơn cắt cỏ.
Hỏi anh: có thú vui gì ?
Anh cười: vui thú đời đi chăn bò...

Nghĩ đến Hồ Giáo ai cũng nhớ hai câu thơ đó. Ông Tố Hữu viết bài thơ Gặp anh Hồ Giáo hồi trước là để cổ vũ tinh thần lao động xã hội chủ nghĩa, nhưng ông Thanh Thảo bảo hai câu thơ trên đây có lẽ là hai câu thật nhất về Hồ Giáo.
Ông vừa cắt cỏ vừa nói chuyện với chúng tôi. Tôi hỏi ông vì sao sau khi tập kết ông lại đến Ba Vì đi chăn bò, ông chậm rãi: "Tập kết ra Bắc tôi vẫn là bộ đội, ở Sư đoàn 350 bảo vệ thủ đô. Đến năm 1960 theo lời kêu gọi của Bác Hồ giảm 8 vạn quân, ai ở miền Bắc thì về nhà, ai ở miền Nam ra thì được chuyển ngành, ưng đi đâu thì đi. Tôi nghĩ mình bộ đội cũng là nông dân, làm nghề nông là chắc chắn nhất. Làm việc khác tôi không thích, như ngành xây dựng xây xong công trình rồi đi mất, mình không ở lại với cái mình làm ra. Nghĩ thế nên tôi tình nguyện đi Ba Vì làm chăn nuôi luôn. Về đó nuôi heo 5 năm, sau nông trường có bò tôi được điều qua nuôi bò sữa, nuôi bò sữa miết đến năm 1976 chuyển về Sông Bé nuôi trâu sữa, nuôi trâu sữa miết đến năm 1991 thì về hưu...". Tự thấy đã đáp ứng đủ yêu cầu của khách, ông dừng lại không nói nữa.
"Bác có thành tích gì ở Ba Vì mà được phong anh hùng?", tôi hỏi tiếp, một câu hỏi hơi vô duyên. Ông nói: "Phong anh hùng là cho cả nuôi bò lẫn nuôi heo. Trình độ chăn nuôi của mình hồi đó chưa như bây giờ. Có cái phức tạp người khác không làm được nhưng tôi làm được. Ví dụ bò sinh khó, heo bị bịnh, bê bị bịnh, thuốc tây chữa khó hết, còn tôi thì chữa hết". "Bác học ở đâu mà biết chữa?". "Hồi nhỏ ở quê đã biết một ít, ra đây học bà con xung quanh. Đầu tiên là từ chuyện thụ tinh nhân tạo cho heo, anh em học năm sáu tháng về làm không có kết quả. Tôi chỉ đi theo phụ việc, coi họ làm rồi làm có kết quả luôn. Biết nông trường phối tinh lợn được, dân nhờ giúp. Tôi xuống giúp, cũng có kết quả. Giúp họ rồi mình hỏi họ kinh nghiệm. Ví dụ như lợn đi tả, phân trắng, phải chữa như thế nào, bà con chỉ tôi vào rừng, xuống dưới khe suối có một thứ lá như lá gừng, nhổ về phơi khô nấu nước; bò, bê, nghé, trâu, heo bị đi tả đổ vào cho uống là hết bịnh ngay. Cả con người bị bịnh, uống cũng hết. Tôi hái rất nhiều lá đó về phơi khô để dành cho nông trường...".
Tôi không cần phải nói lại những thành tích và niềm say mê lạ lùng của Hồ Giáo đối với nghề chăn nuôi. Sách báo đã tốn nhiều giấy mực. Nhưng từ miệng ông nói ra thì đại để là như vậy. Ông chỉ biết làm, không biết nói những lời hoa mỹ.
Hình như chuyện gì ông vụng về thì ông nhớ rất kỹ. Ông bảo cuộc đời ông khó nhất là đi học. Sau khi trở thành anh hùng lần thứ nhất, ông học mãi vẫn không qua khỏi lớp hai. "Ở nông trường mỗi tuần tôi học 3 buổi tối, thứ hai thứ tư thứ sáu, nhiều khi có mấy chữ mà học ba bốn ngày không thuộc. Bộ Nông trường cho tôi xuống Bắc Ninh học. Đi đợt đó có 3 người chưa hết lớp hai, là tôi, một ông ở Cà Mau, một ông người Lào. Ông Bí thư trường bổ túc nói: trường này tối thiểu phải xong lớp bốn mới nhận, riêng ba anh thuộc diện đặc biệt không xong lớp nào hết. Phải ở lại đây học cho đến bao giờ đỗ cấp 2 mới được về.

Ông Hồ Giáo - ảnh: H.H.V Học khó quá anh ơi, một bài toán chia 2 con số mà ba đứa tôi ướt hết cả áo vẫn không chia được. Nhưng tôi quyết tâm học, học cho xong để về. Học ngày học đêm, mười tháng tôi dớt (*) luôn cái bằng cấp hai. Lớp có 43 người chỉ một mình tôi đậu. Hai ông kia phải vào Đồng Dao học tiếp". Xếp bó cỏ vào xe cút kít, ông cười nói thêm: "Tôi cũng gặp may. Ba bốn ngày trước khi thi tôi tập trung ôn bài, hôm đó đề thi ra đúng phần tôi học kỹ, bây giờ gọi là trúng tủ đó". "Môn toán tôi dở chứ môn văn tôi điểm mười", ông lại cười tươi như hoa. Rồi ông hứng thú kể tiếp: "Sau khi hoàn thành việc học, ông Bí thư gọi tôi bảo: Chuyến này anh về chắc chắn sẽ đi xa. Tôi hoảng quá. Đi học tiếp thì tôi sợ quá, chuyển đi làm việc khác chắc tôi không làm được. Tôi chỉ biết nuôi bò nuôi heo thôi, nên rất lo. Hỏi ổng tôi sẽ đi đâu thì ổng nói: Xuống Hải Phòng. Hỏi xuống Hải Phòng để làm chi thì ổng bảo: Để nhận bò. Trời đất ơi, vậy mà ổng làm tôi lo quýnh lên. Đó là đợt bò sữa đầu tiên do Cuba viện trợ, tôi xuống cảng Hải Phòng nhận đưa thẳng về Ba Vì. Ông bí thư này trước là thiếu tá quân đội chuyển ngành về đây. Ổng là đồng hương Quảng Ngãi của tôi, vui tính lắm".
Sắp xong 12 bó cỏ vào xe, trời dứt mưa hẳn. Ông đứng thẳng cởi áo mưa, tôi thấy rõ lưng ông đã còng. Ông đã quá già. 79 tuổi ít người lưng còn thẳng. Chúng tôi nói để chúng tôi kéo xe giúp, ông bảo: "Các anh kéo không nổi đâu. Tránh ra cho tôi lấy trớn".
(Còn tiếp)


* Dớt: lấy, đoạt, giật (tiếng lóng miền Trung)
 

Vladavia

Member
Chiêm ngưỡng anh Hồ Giáo (2)






27/11/2008 22:40


Ông Hồ Giáo với đàn trâu con ở trại trâu Hành Thuận trước đây - Ảnh: Trà Sơn
Mục đích phát triển đàn trâu Mura là sức kéo và sữa. Nhưng đồng ruộng bây giờ đã dùng máy, rất ít nơi cày bằng trâu, nên trâu dù hay đến bao nhiêu cũng đâu có ai cần đến nữa. Sữa trâu Mura, từ Sông Bé đến Quảng Ngãi, vắt ra đem cho các cháu nhà trẻ mẫu giáo ở làng quê, điều này là rất tốt rất nhân văn, nhưng chỉ như vậy thôi, sữa trâu không ai mua.
Kỳ 2: Lý luận về trâu Mura
Ông Hồ Giáo kéo xe cỏ vào trại, xếp từng bó vào cái kho đối diện với 4 ngăn chuồng có trâu. Bốn con trâu chồm lên phía trước khịt mũi mừng rỡ. "Đây là con Tây Trà mười tuổi, đây là con Trà Câu cũng mười tuổi, còn kia là con Cà Đam hai tuổi, con ở ngăn cuối cùng là Núi Tròn một tuổi", ông Hồ Giáo mở bó cỏ cầm một nắm đưa vào miệng con Tây Trà rồi trân trọng giới thiệu tên từng con với khách. Ông lấy tên của các địa danh Quảng Ngãi để đặt cho những con trâu của mình.
Tôi hỏi ông hồi ở Ba Vì ông có đặt tên cho những con bò hay không, ông bảo bò Ba Vì không có tên mà chỉ gọi theo số. Việc đặt tên là đặt từ lứa trâu Mura đầu tiên đến Sông Bé. Ông kể: "Sau giải phóng, Ấn Độ tặng Việt Nam 502 con trâu, trong đó có 2 con Thủ tướng Ấn Độ tặng riêng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ba chuyến máy bay chở đàn trâu xuống sân bay Tân Sơn Nhất năm 1977. Từ đó tôi chuyển qua nuôi trâu".

Với Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi được phong anh hùng lần thứ nhất - Ảnh tư liệu "Ở Sông Bé bác giữ chức vụ gì?", tôi lại hỏi một câu vô duyên. "Không. Tôi chỉ nuôi trâu thôi. Hồi ở Ba Vì tôi nuôi bò, làm đội trưởng đội 1, lãnh đạo bảo tôi làm phó giám đốc, nhưng tôi không làm được, tôi nói với mấy ổng: tôi lớn tuổi, trình độ không có, để người trẻ có trình độ làm. Về Sông Bé cũng bảo tôi làm phó giám đốc, tôi cũng không nhận. Trước khi về đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi tôi lên, có ông Viện trưởng Viện Chăn nuôi nữa. Tôi nói: đưa tôi vào làm chăn nuôi trực tiếp thì tôi làm, làm quản lý thì không". Ông bảo ở Ba Vì thời ông làm có 1.200 công nhân nhưng chỉ có 8 kỹ sư, còn ở Sông Bé công nhân có 330 người, có 30 kỹ sư. "Ở Sông Bé vắt sữa trâu mệt hơn, ở Ba Vì vắt sữa bò nhẹ hơn, nhưng bò có con trái nết nếu không khéo bị nó đá. Tính chung lại thì hai bên như nhau". Đưa đàn trâu Mura về Sông Bé lúc ấy mục đích là phát triển nhân giống cho dân làm sức kéo và xây dựng một cơ sở làm sữa trâu, đáp ứng nhu cầu sữa cho nhân dân, vì lãnh đạo nghĩ sữa trâu rất tốt. Ông Hồ Giáo lại đem hết tài nghệ để chăm lo cho đàn trâu. Các chuyên gia Ấn Độ hồi ấy đã kinh ngạc khi chứng kiến từng con trâu do ông Hồ Giáo chăm sóc tự bước lên bàn cân để kiểm tra trọng lượng khi được gọi tên. Tại đây, ông được phong anh hùng lao động lần thứ hai (1986).
"Đàn trâu nhân ra nhanh, nhân dân nuôi rất nhiều, có ông nuôi tới 100 con, đến lúc tôi nghỉ hưu Sông Bé có 1.404 con". Ngừng một lát, ông buồn rầu: "Nhưng bây giờ chỉ còn 40 con thôi". Nghĩ đến trâu, ông tiếc nuối, cũng như bây giờ đây ông tiếc nuối cho cái trại trâu Hành Thuận này. Điều quan trọng nhất khiến cho đàn trâu không phát triển mà ông Hồ Giáo không hiểu được: thị trường!

Đội mũ bảo hiểm để đi nhờ xe máy - Ảnh: H.H.V Lấy tiếp nắm cỏ cho con Núi Tròn ăn, ông Hồ Giáo kể tiếp: "Năm 1990 tôi đến tuổi hưu. Đầu tiên tôi định ở lại thành phố (TP.HCM), một số anh bảo đừng về Quảng Ngãi làm chi cho cực, ở lại đây làm, lương tháng 800 ngàn". "Họ muốn bác làm gì?". "Cũng nuôi bò sữa. Nhưng ông Phạm Văn Đồng nghe tôi về hưu gọi ra. Ổng đưa 15 con trâu Mura về Quảng Ngãi, bảo tôi về nuôi đàn trâu, là cái trại này đây". Ông lại hào hứng: "Cái trại này lúc nhiều nhất là 20 con. Nhưng từ 15 con đầu tiên nhân ra nhiều lắm. Đẻ bao nhiêu phân cho các huyện, Nghĩa Hành bao nhiêu, Tư Nghĩa bao nhiêu… Huyện giao trâu về xã, xã giao xuống cho dân. Sông Bé trước đây cũng vậy. Xã chọn người để giao, không bán. Yêu cầu là, trâu nuôi lớn rồi phải lai tạo với trâu mình, một trâu đực phải phối cho ra 15 trâu con, một trâu cái phải đẻ 2 con. Làm được như vậy thì tất cả trâu mẹ trâu con là của anh, cho anh hết, Nhà nước không thu tiền, cũng không lấy lại trâu". Ông nắm rất chắc những ưu điểm nhược điểm của trâu Mura so với trâu ta. Ông nói: "Lúc đầu nhiều ông già bà già chê trâu Mura: chóp đuôi có chòm lông trắng, trán cũng có chòm lông trắng. Ông bà ta coi trâu trước hết là coi xoáy, nhưng xoáy của trâu này lung tung không giống trâu ta. Còn mắt thì trâu này có con hai con mắt đều đen hết, có con mắt phải đen mắt trái trắng, bà con nói trâu này mù. Giải thích cho họ khó lắm. Tôi nói: bác đứng đó tôi đem nắm cỏ cho nó ăn xem nó có thấy không. Nó thấy và ăn hết. Giải thích mãi mấy ổng mới chịu". Ông giải thích cho dân và chứng minh trong thực tế là trâu Mura rất nhiều ưu điểm: "Trâu Mura đuôi dài, ăn khỏe. Cỏ, rơm rạ, đọt mía non, bột mì (sắn), bắp, đậu tương… thứ gì cũng ăn tuốt. Trâu này kéo cày rất tuyệt, mỗi ngày cày được 3-4 sào trong khi trâu mình chỉ cày 2 sào là cùng, thêm cái hay nữa là nó đi tới đầu bờ thì đứng lại, khác với trâu ta. Hồi xưa có ông mới nuôi đem ra cày, thấy hay dân xúm lại xem đông quá chừng. Còn kéo xe thì nó nhất, 2 con kéo bằng một chiếc công nông, xe công nông sa lầy không lên được, còn nó thì lên như không".

Cho trâu ăn - Ảnh: Hiển Cừ
Tôi hỏi: "Nó nhiều ưu điểm vậy tại sao không phát triển được?". Ông đáp: "Do trên. Do mấy ổng không tính toán. Cuba mỗi người dân có một con bò sữa, còn mình thì mấy ông cán bộ cả đời không đến trại chăn nuôi". Như đã nói, ông Hồ Giáo không kịp hiểu thị trường, ông cũng không hiểu mấy những chuyện bên ngoài trại trâu. Mục đích phát triển đàn trâu Mura là sức kéo và sữa. Nhưng đồng ruộng bây giờ đã dùng máy, rất ít nơi cày bằng trâu, nên trâu dù hay đến bao nhiêu cũng đâu có ai cần đến nữa. Sữa trâu Mura, từ Sông Bé đến Quảng Ngãi, vắt ra đem cho các cháu nhà trẻ mẫu giáo ở làng quê, điều này là rất tốt rất nhân văn, nhưng chỉ như vậy thôi, sữa trâu không ai mua. Ông Hồ Giáo bảo: "Sữa trâu giá trị cao hơn sữa bò, hàm lượng bơ đến 70 phần trăm trong khi sữa bò 30, 40, nhiều nhất là 50 phần trăm; đạm đến 7 phần trăm, sữa bò cao nhất 5-6 phần trăm. Hồi ở Sông Bé mỗi ngày được cấp một lít sữa trâu, tôi uống hết". Dù nhiều người biết vậy, báo chí cũng có nói như ông Hồ Giáo, nhưng sữa trâu vẫn khó mà bán được, khó mà thành thương phẩm như sữa bò. Do thói quen, do tập tính. Tôi thầm nghĩ nếu như các nhà khoa học phát hiện trong sữa trâu có những chất rất hay, như chất chống ung thư chẳng hạn, và báo chí tuyên truyền rầm rộ về giá trị của nó, thì liệu sữa trâu có bán được không? Khó nói lắm. Thực tế là thị trường đã đẩy ông Hồ Giáo cùng với đàn trâu thu hẹp còn 4 con vào cảnh đơn chiếc, không ai ngó tới. Chỉ thỉnh thoảng mới có người đến chiêm ngưỡng, ví dụ như tôi đây.
Cho 4 con trâu ăn xong, ông Hồ Giáo bảo: "Thôi, tôi phải đi tắm. Các anh về nhé". Tôi nói chúng tôi đợi để đưa ông về. Ông vui vẻ đi tắm, rồi đi ngược lên một gian nhà phía trước trại để thay quần áo. Cuối cùng ông xuất hiện, trên đầu đội chiếc mũ bảo hiểm nhãn hiệu "Honda" hẳn hoi. Tôi ngạc nhiên hỏi ông đi bộ thì đội mũ bảo hiểm làm gì, ông cười: "Đội để trên đường gặp ai quen đi xe máy thì đi nhờ". Hằng ngày, ông đi bộ đến trại trâu này từ năm 1991 đến nay, đi 6 km về 6 km, mỗi năm 365 ngày, kể cả chủ nhật, ngày lễ, ngày tết. Cho đến gần đây ông mới có con rể, mỗi tuần ông chỉ đi bộ… 6 ngày, thỉnh thoảng trên đường mới gặp người quen đi xe máy. Con rể ông, anh Huỳnh Ngọc Quang, là kỹ sư làm ở Dung Quất, sáng phải đi rất sớm bằng xe đưa đón công nhân, chiều lại về muộn. Chủ nhật anh mới ở nhà đưa đón bố vợ. (còn tiếp)
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Khi còn là sinh viên Khoa Thú Y, tôi đã rất ấn tượng được gặp Hồ Giáo- Một người chăn bò trở thành Anh hùng Lao động. Khi say mê thì bất cứ nghề gì đều vinh quang và tự hào. Chính tôi đã vinh dự được hát tặng anh Hồ Giáo bài hát" Ca ngợi anh Hồ Giáo" với ca từ:

Rộn rã tim Anh tiếng khèn pi,
Âu yếm say mê những đàn bê,
Đất nước trải hoa nông trường thắm,
.....
Không thích bốc cao, cũng không hề dữ dội,
Mà say mê êm ả như tiếng khèn pi.
......
Ơi anh Hồ Giáo ơi !


Hồi đó chiến tranh, rồi thời bao cấp, cả miền Bắc đói nghèo, gian khổ, nhưng tình người thì bao la, không đắn đo suy tính thiệt hơn. Giờ trông ông Hồ Giáo qua hình vẫn các đường nét khắc khổ một thời. Dù sao thì thấy ở tuổi "thất thập cổ lai hy" mà sức khỏe ông rất tốt là điều tôi ngạc nhiên và chúc mừng cho ông.

Rất cảm ơn Vladavia đã gợi lại trong tôi kỷ niệm về một con người bình dị nhưng anh hùng !



 

Vladavia

Member
Chiêm ngưỡng anh Hồ Giáo (3)






29/11/2008 2:32


Ông Hồ Giáo -Ảnh: Hiển Cừ

Hồ Giáo chăm sóc trâu bò như bố chăm sóc cho con, nên người ta mới bảo ông yêu thương trâu bò. Điều đó đúng. Nhưng bảo vì ông yêu thương trâu bò mà 79 tuổi rồi vẫn không nghỉ là không chính xác.
Kỳ 3: Cõi riêng


Chúng tôi đưa ông về nhà, trên đường tôi hỏi xin số điện thoại, ông nói: “Nhà có điện thoại nhưng tôi không biết số, tôi có bao giờ gọi cho ai đâu”. Nhà ông Hồ Giáo ở thị xã Quảng Ngãi. Ông sống với vợ là bà Huỳnh Thị Thành, con gái Hồ Thị Tuyết Minh, con rể Huỳnh Ngọc Quang và một cháu ngoại còn bé. Trong nhà không treo bằng anh hùng, không treo huân chương, không treo ảnh ông chụp với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngoài bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo như bao nhà khác. Tôi không hỏi lý do, vì ông là Hồ Giáo, không thể có lý do làm mình làm mẩy nào. Hỏi nhỏ chuyện riêng, ông tủm tỉm cười: “Năm 1982 tôi mới lấy vợ, khi ấy tôi đã lớn (52 tuổi). Ở Sông Bé đi phép về Quảng Ngãi, thằng cháu con bà chị tôi làm mối cho bà này, bả là bộ đội chuyển ngành làm ở cửa hàng ăn uống thị xã”. Ông thật thà kể tiếp: “12 ngày phép nhưng mất 6 ngày đợi tàu xe, chỉ còn có 6 ngày. Bọc vé tàu trong túi rồi, tôi dự định dành 2 tiếng để gặp, nhưng rủi là lúc đó có khách, nên chỉ còn nửa tiếng, tàu xe lúc đó rất khó khăn, không trễ được”. “Chỉ nửa tiếng bác làm gì mà lấy được vợ?”. “Chỉ chào rồi hỏi thăm cha mẹ có còn không, anh chị em như thế nào... Nói chuyện thế thôi, sau đó tôi phải đi cho kịp tàu.

Bà Huỳnh Thị Thành (vợ ông Hồ Giáo) với cháu ngoại -Ảnh: Hiển Cừ Vào đó mới viết thư”. “Bác viết thư nói gì ?”. Lại cười: “Thì giới thiệu tôi trước đây ở bộ đội, chuyển ngành làm cái này cái kia, cha mẹ mất hết, còn mấy đứa em... Hoàn cảnh của tôi như thế, nếu cô ưng tôi thì tôi về tổ chức, không ưng thì thôi”. “Cô ấy trả lời như thế nào?”. “Tôi viết ba lá thư. Viết thư đã khó, gửi được thư rồi chờ mãi không thấy gì hết. Mãi rất lâu tôi mới nhận thư trả lời đồng ý. Đồng ý rồi thì làm đám cưới. Cũng may hồi đó đúng kỳ họp Quốc hội (ông Hồ Giáo là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền), tôi họp xong mua một túi bánh kẹo từ Hà Nội về đám cưới luôn. Hồi đó đơn giản chứ như bây giờ thì cưới không nổi đâu anh”.
Cưới xong ông lại vào Sông Bé, mỗi năm về phép một lần, mãi đến năm 1991 vợ chồng mới sum họp. Bà Huỳnh Thị Thành năm nay 62 tuổi, người hiền lành thật thà như đếm. Bà bảo hồi đó nhận thư ông bà chỉ viết lại “vài chữ đồng ý” thôi.
Căn nhà cấp bốn rộng khoảng 120 mét vuông gia đình ông Hồ Giáo đang ở không phải do nhà nước cấp cho một lão đồng chí hai lần anh hùng, mà là của vợ chồng ông tự mua, từ tiền lương công nhân mà ông bà tiết kiệm được trong nhiều năm và của một số người giúp đỡ, đầu tiên mua với giá một cây sáu vàng với diện tích là một nửa của nhà bây giờ, sau đó mới tích cóp mở rộng thêm. Ai giúp ông cái gì ông đều nhớ rõ.
Ông kể một công ty Canada (có lẽ là Việt kiều, ông không nói rõ) đọc bài báo ông Huỳnh Dũng Nhân viết về ông, đã giúp ông hai chỉ rưỡi, Viện chăn nuôi cho hai triệu, Bộ Nông nghiệp cho một triệu, Công ty hàng hải Khánh Hòa cho hai triệu rưỡi... Bà Thành nhớ lại: “Khi ở Sông Bé, dành dụm được bao nhiêu ổng đều gửi về cho tôi, khi hai triệu, khi năm trăm, khi hai trăm, khi một trăm ngàn. Ổng nói nếu hồi ở Ba Vì mà dành dụm thì bây giờ chắc giàu rồi, hồi đó tiền lương ăn tiêu còn dư ổng cho người ta hết”. Tôi hiểu “giàu” theo quan niệm của vợ chồng ông Hồ Giáo là hơn bây giờ một chút, chứ lương công nhân dù không ăn tiêu gì cũng có đáng là bao.
Tôi lại tò mò hỏi bà Thành vì sao chính quyền không cấp đất cho anh hùng Hồ Giáo làm nhà, trong khi rất nhiều cán bộ khác thì được cấp, bà Thành nói: “Thật ra là có cấp, nhưng họ chỉ một cái ao rất sâu. Vợ chồng tôi làm gì có tiền mà lấp được cái ao đó nên không nhận. Họ lại chỉ một chỗ khác cạnh nghĩa địa, ở đó sợ quá nhận làm gì”.


Gặp bạn cũ ở Ba Vì - Ảnh: Trà Sơn Tôi ghi lại chuyện này là cho vui thôi, ông bà không hề có bất cứ thắc mắc nào, tôi cũng không viết ra để đề nghị chính sách. Vả lại trên nguyên tắc đất ao cũng là đất, đất cạnh nghĩa địa cũng là đất, có gì đâu mà thắc mắc. Chỉ là do vợ chồng ông Hồ Giáo không cần thôi. Vào nhà ông Hồ Giáo tôi lại nhớ câu “tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc” (biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì biết bao giờ mới đủ). Ông làm việc ở trại trâu Hành Thuận mỗi tháng được nhà nước trả bảy trăm ngàn đồng, lương hưu của ông bây giờ lên một triệu tám (ông tính tròn hai triệu), lương hưu của bà một triệu tư, lương con rể một triệu tám, lương giáo viên con gái một triệu tư. Ông cho biết ngày tết ông được tặng “vài cân gạo, vài cân thịt và ba bốn trăm ngàn”.
Thu nhập của ông, ông “kê” chung không tính toán, nhưng cần hiểu rằng công lao động chăn trâu của ông nhà nước chỉ trả bảy trăm ngàn một tháng, là tiền công lao động rẻ mạt nhất trong thị trường lao động hiện nay. Không thể nói là ông “làm thêm”, vì ông làm toàn thời gian, không chỉ toàn thời gian mà còn vượt rất xa cái toàn thời gian ấy. Cũng không thể tính lương hưu một triệu tám và phụ cấp anh hùng ba trăm ngàn của ông vào đây được, đó là khoản tiền không làm gì ông vẫn được hưởng, vì nó là lao động quá khứ của chính ông. Tôi phải nói rõ điều ai cũng biết này vì thấy quá bất nhẫn.
Chừng đó thu nhập cho 5 nhân khẩu. Đối với ông Hồ Giáo như vậy là đủ. Thời gian gần đây ông không xách theo cặp lồng cơm để ăn trưa, mấy anh thanh niên nuôi heo gần đó nấu cơm trưa cho ông ăn, tiền ăn trưa mỗi tháng một trăm ngàn. Tôi hỏi bà Thành đến bao giờ thì vợ chồng con gái bà ra ở riêng, bà nói: “Ở chung như vậy là được rồi, ở riêng lấy tiền đâu mua nhà anh”.
Anh hùng Hồ Giáo, hai lần anh hùng, năm lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, người được Thủ tướng Phạm Văn Đồng thương yêu như con, nhưng chưa bao giờ, đúng hơn là không bao giờ ông “khoe” với ai về điều đó. Mà ông khoe để làm gì kia chứ, ông có ý định nhờ vả ai việc gì đâu. Có lẽ đời ông chỉ có một nguyện vọng riêng, đó là mong cô con gái độc nhất của ông được công tác gần nhà.
Nguyện vọng đó là hoàn toàn chính đáng đối với một người cống hiến trọn vẹn cả cuộc đời cho nhà nước như ông, càng chính đáng hơn khi vợ chồng ông sinh con rồi mà do bận nhiệm vụ nhiều năm sau ông mới được gần con mặc dù đất nước đã hòa bình, nhưng chị Hồ Thị Tuyết Minh con gái ông học sư phạm ra trường “được” ngành giáo dục địa phương đưa lên dạy tận trên vùng xa Sơn Bao.
“Tôi biểu ổng đi xin cho con về dạy gần nhà nhưng ổng không chịu, ổng nói biết có được không mà xin”, bà Thành kể. Ông Thanh Thảo thấy không chịu được, tức khí viết luôn bài lên tiếng trên Báo Thanh Niên, nhưng mãi đến năm ngoái chị Minh mới được điều về thị xã, sau ba năm tít mù trên núi. Nhưng không sao, cuối cùng con gái ông vẫn được về gần nhà.
Tôi hỏi ông có vị lãnh đạo nào đến thăm ông ở trại trâu không, ông bảo không. Điều này thì đúng, cũng không nhất thiết đến thăm ông với 4 con trâu làm gì. Hỏi tết nhất có ai đến thăm ông không, ông bảo không luôn. Điều này ông sai. Vì tôi hỏi vợ ông thì bà nói có, chỉ do ông không biết mà thôi. Ông có ở nhà đâu mà biết. Ông chưa bao giờ ăn tết ở nhà ban ngày, tết nhất ông vẫn ở trại trâu như những ngày thường, lãnh đạo đến thăm nhà làm sao ông biết. Còn vợ ông thì có lẽ thấy chuyện thăm viếng này bình thường thôi nên không nói lại với ông.
Hồ Giáo chăm sóc trâu bò như bố chăm sóc cho con, người ta mới bảo ông yêu thương trâu bò là do vậy.
Điều đó không sai. Nhưng bảo vì ông yêu thương trâu bò mà 79 tuổi rồi vẫn không nghỉ là không chính xác. Hỏi ông có muốn nghỉ không? Ông trả lời: “Không, ở nhà cực quá”. “Ở nhà làm gì mà cực?”. “Không làm gì nên cực”. Hỏi giờ nếu người ta mang 4 con trâu đó ra Hà Nội (tôi có nghe nói vậy) thì ông có buồn không? Trả lời: “Buồn lắm. Tôi sẽ về quê kiếm một miếng đất để làm. Đất thị xã khó chứ đất ở quê dễ kiếm”. “Làm sao bác có tiền mua được trâu bò mà nuôi?”. “Có trâu bò thì vui hơn, nhưng không có thì tôi làm việc khác, ở không cực lắm, tôi không chịu được”. Bạn đọc nghĩ sao về điều đó? Ông là một người lao động, không lao động ông không sống được, chỉ đơn giản vậy thôi.
Khi tôi viết bài này ông Thanh Thảo gọi điện nói: “Hồ Giáo là tấm kính chiếu yêu. Người chính trực soi vào đó sẽ thấy mình chính trực. Yêu quái đội lốt người mà soi vào đó, sẽ hiện nguyên hình”. Xin mượn lời ông Thanh Thảo để kết thúc ký sự này ở đây.
Quảng Ngãi – TP.HCM, tháng Mười âm lịch 2008
 

Vladavia

Member
Khi còn là sinh viên Khoa Thú Y, tôi đã rất ấn tượng được gặp Hồ Giáo- Một người chăn bò trở thành Anh hùng Lao động. Khi say mê thì bất cứ nghề gì đều vinh quang và tự hào. Chính tôi đã vinh dự được hát tặng anh Hồ Giáo bài hát" Ca ngợi anh Hồ Giáo" với ca từ:

Rộn rã tim Anh tiếng khèn pi,
Âu yếm say mê những đàn bê,
Đất nước trải hoa nông trường thắm,
.....
Không thích bốc cao, cũng không hề dữ dội,
Mà say mê êm ả như tiếng khèn pi.
......
Ơi anh Hồ Giáo ơi !


Hồi đó chiến tranh, rồi thời bao cấp, cả miền Bắc đói nghèo, gian khổ, nhưng tình người thì bao la, không đắn đo suy tính thiệt hơn. Giờ trông ông Hồ Giáo qua hình vẫn các đường nét khắc khổ một thời. Dù sao thì thấy ở tuổi "thất thập cổ lai hy" mà sức khỏe ông rất tốt là điều tôi ngạc nhiên và chúc mừng cho ông.

Rất cảm ơn Vladavia đã gợi lại trong tôi kỷ niệm về một con người bình dị nhưng anh hùng !

Vâng chú Báu ạ, trong cuộc sống có những người làm những điều thật bình dị, thật êm đềm, nhưng câu chuyện của họ là bài học lớn cho chúng ta. Đâu phải lúc nào đao to búa lớn mới là tốt, mới là hiện hữu của chính trực. Cám ơn chú đã quan tâm đến loạt bài.
 

amifidele

Member
Hôm trước mình có đọc loạt bài này trên báo Thanh niên và rất xúc động, cũng muốn post lên đây chia sẻ với mọi người nhưng lại sợ là không phù hợp với mục này của Vietpet nên thôi. May quá, Vladavia đã làm điều đó.

E là mình không đủ ngôn từ để ca ngợi một Anh Hùng Lao Động như Hồ Giáo, mình xin phép trích bài viết dưới đây của nhà văn - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:


Có lẽ bây giờ còn lại rất ít người nhớ đến Hồ Giáo. Nhưng với tôi, ông luôn luôn là một hình ảnh xúc động, ám ảnh và nhiều suy ngẫm.

Lần thứ nhất trở thành Anh hùng, nhiều người nghĩ ông sẽ ngồi vào vị trí một người quản lý. Nhưng người anh hùng ấy vẫn dậy sớm mỗi ngày để buồn vui cùng những con bò và âu lo cho chúng; và đêm đêm người anh hùng ấy vẫn xách đèn đi dọc những dãy chuồng lắng nghe tiếng thở từng con bò như một bà mẹ lắng nghe tiếng thở của những đứa con. Năm nay ông đã 79 tuổi và chuyện phong Anh hùng lần thứ nhất của ông đã trở thành chuyện cũ như của trăm năm trước nhưng nó vẫn còn nguyên giá trị về một điều không ít lớn lao trong cuộc đời này.

Và cho đến lần thứ hai trở thành Anh hùng, người ta lại nghĩ ông sẽ làm một chức vụ nào đó. Nhưng ông vẫn không làm gì. Hình như ông không hề hay biết ông được phong tặng Anh hùng hai lần. Hình như ông không biết rằng ngoài những con bò và những đồng cỏ còn có những thứ khác đang càng ngày càng làm mê lú triệu triệu người. Nhưng chỉ có những con bò là có thể thay đổi ông. Bò vui thì ông vui, bò no thì ông no, bò ốm thì ông ốm…

Khi người ta hỏi ông là sau khi được phong Anh hùng thường người ta sẽ làm giám đốc, cớ sao ông lại không màng tới một chút gì. Ông đã nói như nổi giận: “Mỗi người làm một việc, hãy làm đúng khả năng của mình. Anh tưởng người ta không gợi ý tôi làm giám đốc chắc? Có đấy. Nhưng tôi chối từ vì nghĩ rằng mình chỉ biết mỗi việc nuôi bò. Đừng ham những gì mà khả năng mình không có, điều đó chỉ làm khổ mình thôi”. Câu trả lời này của ông thực sự là một chân lý của cuộc sống. Ông không đọc triết học, ông không là tiến sĩ, ông không là nhà văn, nhà thơ… nhưng ông thấu hiểu lẽ đời này hơn quá nhiều những người với cái danh nói trên.

Ở nước ta trong thời đại này, có không ít nhà triết học không làm triết học, không ít tiến sĩ không làm tiến sĩ và không ít nhà văn, nhà thơ không làm nhà văn, nhà thơ mà họ lại u mê trong những gì mà họ không có. Bởi cái mà xã hội cần ở nhà triết học là triết học, ở tiến sĩ là những công trình tầm cỡ tiến sĩ và ở nhà văn, nhà thơ là tác phẩm chứ không phải những cái khác. Ông là một ví dụ sống của một chân lý giản đơn mà quá ít người trong chúng ta nhận ra.


Niềm vui - món quà kỳ diệu của lao động chân chính



Tôi hỏi ông ở tuổi 79 ông còn điều gì quan trọng chưa làm được mà nó làm ông dày vò. Ông nói rằng chuyện đó khó nói lắm. Tôi không dám gạn hỏi ông đó là điều gì. Và tôi tin chắc rằng có gạn hỏi thì cũng không bao giờ ông nói. Nhưng ông có than thở về tình người mỗi ngày một khác xưa. Có phải vì thế mà nhiều lúc ông thấy nhớ những con bò ông đã chăm sóc. Nhiều đêm ông tỉnh giấc và nhớ về chúng. Ông nhớ những cái tên đầy yêu thương ông đặt cho chúng. Có những con đã chết, có những con đã già lắm rồi và nhiều con ông không biết số phận sau đó của chúng ra sao. Ông nhớ những con bò như nhớ kẻ tri âm.

Hồ Giáo, ông là ai và ông mang cho chúng tôi điều gì trong cuộc sống này? Đấy chính là câu hỏi quan trọng nhất của tôi. Điều gì đã làm cho ông chưa một ngày vơi lòng yêu thương da diết với những con bò? Điều gì làm cho ông không hề một ngày nao núng với cuộc sống đạm bạc của gia đình ông trước sự giàu có quá trọc phú của nhiều kẻ quanh ông? Tôi thấy, chưa bao giờ chúng ta lại cần đặt lại câu hỏi này như bây giờ.

Tình yêu thương với những con vật và sự đắm say với công việc của ông làm cho không ít người chúng ta xấu hổ. Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta yêu được như thế và đắm say được như thế? Chính sự hờ hững và nguội lạnh của chúng ta đối với con người, thiên nhiên và đối với công việc hàng ngày đã làm con người và công việc của chúng ta trở nên nhạt nhẽo.


Trong một thời gian quá dài từ thuở đôi mươi đến bây giờ, ông vẫn mải miết đi với đàn bò qua những cánh đồng, những thảo nguyên mà không hay biết quanh ông bao vô cảm, bao tranh giành, bao đố kị, bao ích kỷ, bao trục lợi, bao ngạo mạn, bao thù hận… đang tua tủa mọc lên như gai sắc, như nấm độc. Con đường ông đã đi là con đường của một vẻ đẹp tinh khiết và dâng hiến.

Hồ Giáo đã được phong Anh hùng hai lần. Chúng ta có nghĩ tới việc phong Anh hùng lần thứ ba cho ông không? Nhưng phong Anh hùng lần này không phải phong cho việc chăn bò của ông mà vì một điều khác. Điều đó vô cùng cần thiết cho đời sống của con người giờ đây trong xã hội hậu hiện đại. Theo tôi, lớn hơn tất cả những gì ông đã làm là: Ông là người khắc họa một cách mãnh liệt và lộng lẫy một ví dụ về Hình ảnh nhân tính của thế gian. Và tôi là người đề cử đầu tiên danh hiệu ấy cho một người chăn bò có tên Hồ Giáo./.


Nguyễn Quang Thiều (VieTimes)
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
amifidele à !

Loạt bài rất có ý nghĩa, đặc biệt về pets đấy chứ. Khi còn là sinh viên, được mục kích Hồ Giáo chăn bò, gọi tên từng con bò, BSGV đã ngộ ra một điều rằng: " Nếu các nhà chăn nuôi, các Bác sỹ thú y đều say mê và hiểu vật nuôi như người chăn bò Hồ Giáo thì chắc hẳn con vật sẽ được sống sung sướng hạnh phúc nhất, kể cả gia súc khai thác thực phẩm như trâu bò, lợn gà..." Có lẽ cũng từ đó, cái nghiệp gắn bó với con vật với tôi cho đến bây giờ và mãi mãi, tới khi ngừng thở.

Nếu có gặp lại ông, chắc ông không thể nhận ra được vì khi đó tôi là một cậu bé mới lớn ở tuổi 19-20, đã từng ngắm ông rực rỡ mà bình dị với đàn bò dưới ánh nắng vàng chân núi Ba-Vì !

Tôi chợt nghĩ ra một ý tưởng: Có anh chị em nào của Vietpet gặp được ông Hồ Giáo chụp hình và viết bài về tấm lòng yêu thương vật nuôi của ông post lên trang Vietpet. Hồ Giáo " một tấm gương yêu quý vật nuôi" đáng để học tập trong thời hiện đại.




Gặp anh Hồ Giáo

( Tố Hữu )

Lần trước gặp anh
Chăn bò trên Tam Đảo
Sáng nay lại gặp anh Hồ Giáo
Chăn bò ở Ba Vì
Hỏi anh: Có thú vui gì?
Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò...
Cách mạng cần, việc nhỏ việc to
Đánh Mỹ, nuôi bò, việc gì cũng quý.
Đó anh coi... Giống bò này, Hà Lan, Thụy Sĩ
Trại mới xây, hiện đại nhất đời.
Cái nghề này cũng không dễ, anh ơi!
Để tôi kể anh nghe chuyện nhỏ:
Chuyện thằng Cu
Tên một con bò đó.
Khi mới về, tính nó rất hung
Đã có lần nó dám hất tung
Mấy y sĩ, kỹ sư suýt chết!
Có gì đâu? Buổi đầu chưa quen nết
Tính con bò không chỉ biết ăn ngon
Những trứng gà, rau giá, cỏ non
Nó còn thích thương yêu, đùa nghịch
Nên rất ghét những mũi giày, dây xích.

Sớm chiều tôi với nó chơi thân
Thiệt lòng tôi cũng thương nó nhiều phần
Đất nước mình đang cần thịt sữa
Nó sang ta cũng là ra tuyến lửa
Tôi gãi đầu, tôi vuốt cái chân
Nên thằng Cu cũng ngoan nết dần dần
Ôi cũng chẳng khó gì đâu, anh nhỉ!
Anh làm thơ, chắc có nhiều thú vị?
Hồ Giáo ơi, con mắt đẹp như sao...
Cầm tay anh, lòng những xôn xao
Câu chuyện ngắn, nghĩa tình vô hạn:
Cuộc đời không chỉ thiết miếng ngon
Cần vui có tâm hồn bè bạn
Con người không chỉ biết trí khôn
Còn phải đẹp tấm lòng cộng sản.

(1-1972)

Thơ » Việt Nam » Tố Hữu » Máu và hoa (1977) » Gặp anh Hồ Giáo
 
Top