• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Chó Trắng Mũi đỏ

ki_ki

Member
CHÓ TRẮNG MŨI ĐỎ

Tác giả: TOAN ÁNH




Theo lời các cụ truyền lại, trong nhà không nên nuôi lọai chó trắng mũi đỏ, lọai chó này là yêu ma đội lốt chó, có thể gây hại cho chủ nuôi. Nuôi nó, lúc thường thì là chó; nhưng có khi nó biến được thành hình người để gây hại cho lòai người.
Tôi đã từng được nghe nhiều câu chuyện chó trắng thành tinh, và những chủ nhân nuôi chó đã là nạn nhân của nó.
Có một phú ông nuôi một con chó trắng mũi đỏ, chỉ khi nào chó có mũi đỏ mới đáng đề phòng, còn nếu chó trắng mũi trắng hoặc mũi đen hoặc màu khác, thì con chó chỉ là con chó đã gặp nhiều tai họa. Khi con chó cái nhà ông sinh được một đàn chó năm con, trong đó có con chó trắng mũi đỏ, nhiều người khuyên ông nên đập chết nó đi, hoặc nuôi nó choai choai thì đem mà rựa mận, ông không nghe và bảo:
- Chó thì con nào chẳng là chó, chó trắng, chó đen, chó khoang, chó vàng, chó vẫn là chó dù mũi nó đen, nâu vàng hay trắng đã sao.
Ông cứ nuôi đàn chó. Có bạn bè lân bang thấy nhà ông có lứa chó, họ xin ông cho, và người xin không ai lựa con chó trắng mũi đỏ.
Con chó này, sau thời kỳ bú mẹ, bắt đầu biết ăn cơm rất mau lớn, lúc nó choai choai trông thật đẹp mã, nó lại là một con chó dữ, giữ nhà rất đắc lực, và cuộc sống của nó cũng như những con chó khác, cũng dọn phân trẻ em và cũng thích ăn dơ!
Người ta khuyên ông nên đề phòng, kẻo nó có thể thành tinh được, ông không tin, ông cho đó là một chuyện huyền hoặc, tin theo chỉ là mê tín dị đoan.
Nhà ông nhà ngói, mái dốc, có máng xối để hứng nước mưa vào những bể cạn, mái dốc khó leo, mỗi khi nhà dột muốn thay một hòn ngói leo lên cũng khó khăn. Vậy mà một đêm kia, ông nghe như có tiếng người chống gậy đi trên nóc nhà. Ông cho đó là kẻ trộm, ông bèn giả bộ ho để kẻ trộm thấy nhà có người còn thức thì đi ra. Với tiếng ho của ông, quả nhiên tiếng động trên nóc nhà nhè nhẹ dần đi, khi tới mé đầu hồi thì mất hẳn. Đêm hôm sau ông lại nghe tiếng động tương tự, ông ngồi dậy thắp đèn lên, tiếng động lại dần dần mất. Rồi đêm thứ ba, đêm thứ tư, sự kiện này lại tái diễn. Tên trộm này thật gan lì, lối đuổi trộm của ông chỉ có hiệu nghiệm qua từng đêm, không khiến cho kẻ trộm sợ hẳn. Ông phải rình và cho tên trộm này một trận để từ sau nó không dám tới tìm cách kiếm chác tại nhà ông nữa. Ông lấy chiếc nỏ, xưa nay vẫn gác ở mái nhà, với bó tên xuống, rồi đêm hôm thứ năm, ông lắp sẳn tên vào nỏ ngồi chờ, cửa mở ra sân, không đóng chỉ khép hờ.
Vào khỏang quá nửa đêm, ông lại nghe thấy tiếng động như bốn đêm trước, ông rón rén, khi đẩy cửa bước ra sân, tay lăm lăm cầm chiếc nỏ.
Đêm hôm ấy tối trời, không trăng, tuy nhiều sao, nhưng ánh sao không đủ chiếu sáng để người ta nhìn rõ vật muốn nhìn. Bước ra tới sân, phú ông ngẩng lên nhìn nóc nhà. Phòng ông ngủ ở gần một đầu hồi, khi ra sân ông đứng trước gian phòng này, do đó nhìn lên nóc nhà, ông chỉ nhìn rõ phía ông đứng, còn về đầu kia ông nhìn không thấy rõ. Phía nhìn rõ ấy, ông thấy lờ mờ một bóng người, đầu đội nón, tay chống gậy đang đi bước một. Ông ngạc nhiên, trộm gì mà lạ lùng vậy, đi ăn trộm lại đội nón và chống gậy. Ông định thần nhìn kỹ, xuyên qua bóng tối, ông thấy một người không cao lắm, hình vóc như trẻ con bảy tám tuổi, hai tay ngắn và hai chân cũng ngắn! Con nhà nào mà nghịch ngợm ma quỷ thế này? Bóng đen ấy có lúc như ngước đầu nhìn về phía xa xa, có vẻ như chờ đợi hoặc trông ngóng cái gì!
Mặc kệ, muốn gì thì gì, dù là kẻ trộm hay trẻ con nghịch ngợm, ông cũng giương nỏ bắn một mũi tên về hướng bóng đen, cố ý bắn hơi xa đích cốt để dọa dẫm, ông không định tâm bắn trúng, e chết con trẻ lại ân hận. Mũi tên vút buông ra, cách bóng đen khỏang một thước. Bóng đen giật mình, rồi chỉ đánh vút một cái, nó lao mình vào đêm tối biến mất!
Ông quay trở vào, không khỏi băn khoăn về những điều vừa xảy ra, ông nằm suy nghĩ vẩn vơ mãi mới ngủ được.
Sáng hôm sau, ông vừa dậy, chưa kịp pha trà uống nước, vợ ông đã hỏi:
- Thầy nó này, chiếc nón chiều qua tôi để ở nhà bếp, thầy nó có làm gì đến không?
- Chiều tối rồi, tôi làm gì đến nón, u mày để đâu rồi quên đấy chứ
Vợ ông không quên, lúc ở ngòai đồng về, chính tay bà móc chiếc nón lên tai cối xay lúa, sáng nay định ra đồng tìm không thấy nữa.
Phú ông pha trà, rót đưa mời vợ chén nước. Lúc ấy thằng con ông ở ngòai vườn đi vào, tay cầm chiếc nón của mẹ và nói:
- Nón của mẹ, ai mang vứt ra hàng rào vườn, con tìm thấy. Bên cạnh chiếc nón có chiếc gậy này.
Phú ông nói:
- Chắc đứa nào nó nghịch chứ gì.
Bà vợ không nói gì, uống xong chén trà, cầm chiếc nón đội lên đầu rồi đi ra đồng trông nom thợ cày thợ cấy làm việc. Phú ông tiếp tục băn khoăn về chiếc nón và chiếc gậy. Sau đó có ông hàng xóm sang chơi, phú ông thuật lại cho ông này nghe những điều đã xảy ra đêm qua, nói rõ cả sự kiện chiếc nón của bà vợ bị vứt ngòai hàng rào. Ông hàng xóm không nói gì, uống nước, ăn trầu hút thuốc rồi ra về. Ra tới cổng, ông mời phú ông sang chơi nhà ông vì ông có câu chuyện cần nói.
Trong lúc phú ông nói chuyện với vợ con, cũng như lúc nói chuyện với ông hàng xóm, con chó trắng mũi đỏ cứ loanh quanh dưới gầm giường hoặc đi ra sân rồi lại trở vào. Giá đó là một con người, ắt đã bị nghi là có ý rình nghe trộm.
Một lúc lâu sau, phú ông sang chơi nhà ông hàng xóm. Mời khách vào nhà ăn trầu uống nước xong, ông hàng xóm nói:
- Tôi sở dĩ phải mời ông sang vì câu chuyện nói với ông, tôi không muốn con chó trắng mũi đỏ nghe được. Tôi để ý nó cứ quanh quẩn để nghe trộm những điều ông nói với tôi, và lẽ tất nhiên những điều tôi sẽ nói với ông.
Phú ông ngạc nhiên hỏi:
- Con chó trắng biết nghe trộm?
- Đúng! Con chó trắng này không phải là chó, nó là yêu ma, và bóng đen ông trông thấy trên nóc nhà chính là nó.
Phú ông nói:
- Tôi không tin, chó làm sao biết đội nón lại biết đi hai chân.
Ông hàng xóm bảo:
- Trời ơi! Ông chất phát quá! Là yêu ma, nó đi một chân còn được nữa là đi hai chân. Ông không nghe thấy các cụ nói gì về chó trắng mũi đỏ hay sao?
Phú ông lắc đầu. Ông hàng xóm nói tiếp:
- Các cụ bảo rằng chó trắng mũi đỏ là yêu ma mang hình chó. Nó thường đội nón chống gậy đi trên nóc nhà.
- Nó làm thế để làm gì?
- Vậy ông cho cái bóng đen đi trên nóc nhà ông là một đứa nhỏ hay sao? Con nhà nào lúc đêm hôm lại nghịch ngợm như vậy! Vả lại, một đứa nhỏ làm sao dám lao mình đi khi ông buông ra phát tên! Có mà ngã giập xác! Còn có leo lên nóc nhà để làm gì thì tôi nghĩ rằng, nó leo lên để ngóng chờ đồng bọn yêu ma của nó. Có thể nó đã hẹn hò một cuộc họp với nhiều yêu ma khác đội lốt chó trắng mũi đỏ hoặc ở nhà ông hoặc ở nơi khác. Nó ngước nhìn về phía xa để ngóng nhìn bạn hữu của nó đấy.
Phú ông hơi suy nghĩ, nhưng ông bảo:
- Ở làng ta, ngoài tôi có ai nuôi chó trắng mũi đỏ nữa đâu!
Ông hàng xóm cười nói:
- Ông khờ khạo quá! Đâu có phải nó chờ đợi những con chó ở làng ta! Là giống yêu ma, chúng nó có thể hẹn hò dù cách xa nhau cả ngàn dặm. Chó nhà ông, chắc nó hẹn với đồng bọn nó, lũ đồng bọn này ở nơi không gần nhau.
Phú ông không nói năng gì, vẻ mặt nghi hoặc, ông với chiếc điếu hút mồi thuốc lào, nhặt miếng trầu nhai, rồi ông bảo ông hàng xóm:
- Ông nói vậy thì tôi biết vậy, nhưng không tin chó trắng mũi đỏ lại là yêu ma. Chó là chó, yêu ma là yêu ma, sao chó lại có thể là yêu ma được.
- Tin hay không là quyền của ông, nhưng dù tin hay không tin, ông cũng nên hoá kiếp cho con chó trắng nhà ông đi.
Phú ông cám ơn ông hàng xóm về những điều ông đã nói. Ông ra về trong lòng nghi hoặc. Ông thấy lời ông hàng xóm nói cũng có đôi điều hợp lý: con nhà ai lại đi nghịch ngợm dại dột như vậy lúc đêm hôm. và nếu là con người thì làm sao lại vút lao mình đi được khi ông bắn ra một mũi tên.
Đi về đến sân nhà, con chó trắng vẫy đuôi mừng. Nhìn nó ông không thấy có vẻ gì là yêu ma. Ông không nghe lời ông hàng xóm hóa kiếp cho nó, ông vẫn thương nó là một con chó biết vẫy đuôi mừng chủ. Vả lại khuyển mã chí tình cũng thắm thiết lắm!
Ông vẫn nuôi con chó cho đến khi ở nhà ông xảy ra một chuyện không hay. Ông có đứa con gái đầu tên là Vách năm đó 18 tuổi. Cô Vách trông rất mặn mà duyên dáng. Trai làng đã nhiều cậu muốn lăm le làm giai tế phú ông.
Cô Vách tự nhiên mang bệnh, thuốc thang chữa trị thế nào cũng không khỏi, nhiều khi lại mê sảng. Trong lúc tỉnh, cô đã nói cho cha mẹ hay là đêm đêm cô cứ mơ thấy một chàng thanh niên đẹp trai, vượt qua lối cửa sổ vào nài cô ân ái, cô chống cự không nổi, và kể từ khi cô bị vào tay thanh niên này, cô bắt đầu mang bệnh. Cô lại cho cha mẹ biết thanh niên rất kỳ lạ, không bao giờ nói năng câu gì, hắn đến, nài ép cô, mây mưa xong là hắn đi. Cô hỏi không bao giờ hắn trả lời, cô chống cự lại không nổi, muốn kêu lên chỉ ú ớ kêu không ra tiếng.
Ông bà phú ông lo lắng, chắc con gái mình bị tà ma ám ảnh. Một mặt ông lo canh gác, ông mời thầy tự xin bùa dán nơi phòng cô Vách, và cúng trừ tà.
Ông muốn làm gì thì làm, đêm đêm cô Vách vẫn thấy chàng thanh niên đẹp trai không nói lẳng lặng tới cưỡng hiếp cô, người cô ngày một gầy guộc, xanh xao.
Phú ông mượn lực điền canh cửa phòng và cửa sổ, và chính ông đêm hôm cũng đôi khi thức giấc đi tới buồng ngủ của con gái. Song, với sự việc cô Vách bị tà ma quấy nhiểu, nhà phú ông lại xảy ra một sự lạ nữa. Thỉnh thoảng đêm khuya, ông nghe có người rửa bát ở ngoài vại nước, một lần ông và một người thợ cày chạy ra xem thì có bóng người vụt chạy đi, để lại tại vại nước một rổ bát đĩa dơ. Và cứ đêm nào như thế, y như gạo nhà ông thấy vơi nhiều, có người đã múc gạo lúc đêm hôm. Ai vậy, ông lo lắng lắm.
Ông bày tỏ sự lo lắng của mình với ông hàng xóm. Ông này nói:
- Trước tôi đã bảo ông chẳng nghe! Tất cả mọi việc xảy ra ngày nay đều do con chó trắng mũi đỏ nhà ông cả. Nó là yêu ma, chính nó đã hóa ra thằng con trai câm cưỡng hiếp con ông, chính nó đã mời đồng loại yêu ma tới nhà ông ăn uống rồi rửa bát! Coi chừng rồi có ngày bọn chúng nó sẽ giết hết gia đình ông! Các cụ bảo rằng ngày trước có nhà nuôi chó trắng thành yêu, gặp lúc vận nhà suy, người trong nhà lần lượt chết, người nọ chưa chôn người kia đã chết theo, phải có thầy tự cao tay lắm mới trị được!
Lời ông hàng xóm làm cho phú ông càng lo lắng thêm. Ông hỏi bây giờ nên làm thế nào, ông hàng xóm đáp:
- Chỉ có cách mời thầy bùa. Và cần nhất phải làm sao hóa kiếp được chó trắng mũi đỏ đi. Nhưng nó đã thành tinh rồi, ông coi chừng, ý định gì của ông nó có thể biết được. Nó mà biết ông định hóa kiếp nó, ông phải cẩn thận kẻo nó lại hóa kiếp ông trước. Ông đừng nói năng ý định của ông cho ai biết, kể cả bà ấy và các con ông, rồi lúc nào thuận tiện và bất thình lình, ông cho một nhát dao hoặc một búa may ra mới trừ được nó.
Phú ông buồn rầu ra về. Ông hối hận đã không biết nghe ông hàng xóm từ trước hóa kiếp con chó trắng mũi đỏ đi! Giờ đây ông đã rắp tâm rồi, ông sẽ giết con chó trắng để trừ giống yêu ma!
Ông rắp tâm trừ chó trắng mũi đỏ, nhưng việc đó ông không sao làm nổi. Có lẽ chó biết rõ ý định của ông, nên tuy vẫn ở nhà ông, nhưng không ai gần được nó, và có lúc ông và một người lực điền săn bắt thì không hiểu nó có phép mầu nhiệm gì, nó luôn luôn tránh thoát, kể cả lần người lực điền đã choàng được nó vào thòng lọng xích ống.
Người hàng xóm hỏi thăm ông về tình trạng cô Vách và hỏi cả về con chó trắng nhưng ông này không bao giờ đem những câu chuyện ấy nói ngay tại nhà phú ông, chuyện chỉ được nói khi ông gặp phú ông ở ngoài đường, hoặc khi phú ông sang chơi nhà ông, hút thuốc ăn trầu uống nước. Ông khuyên phú ông phải hết sức cẩn thận, đừng để con chó biết rõ ý định ông muốn giết nó, nó biết, nó sẽ tìm cách giết ông trước.
Lời nói của ông hàng xóm khiến ông càng lo lắng thêm, thôi thì bùa bèn đủ mọi nơi nghe tiếng thầy pháp nào cao tay ông cũng mời tới nhà để trừ yêu ma, chữa bệnh cho cô Vách. Thật là tốn kém mà kết quả không đi tới đâu!
Rồi một đêm khuya, thức giấc, ông tới buồng cô Vách thăm con và xem chừng sự canh phòng của người lực điền. Người lực điền gục đầu ngay cửa sổ ngủ, còn trong màn cô Vách như có bóng người lục đục. Ông lên tiếng đánh thức lực điền thì vụt từ trong màn cô Vách lao ra một bóng trắng, nhào theo lối cửa sổ, vượt qua đầu người lực điền biến mất. Bóng trắng không ra hình người, không phải hình vật trông tương tự như chếc bóng chống gậy đội nón trước đây ông đã trông thấy trên nóc nhà. Đích hai bóng là một, và chắc chỉ là con chó trắng mũi đỏ!
Sự lo lắng của ông tăng gấp bội. Ông ngồi nói chuyện với người lực điền một lúc để canh chừng con gái, rối lại trở về phòng ngủ của mình. Khi ông đi về phía đầu hồi nhà ngủ, ông nghe phía sau nhà, nơi vườn cây có tiếng lào xào. Nghi là kẻ trộm đang bàn tính để vào ăn trộm, ông rón rén tới bờ tường, nhìn qua khe tường. Không phải kẻ trộm, những điều nhìn thấy đã làm ông kinh sợ toát mồ hôi hột! Ông thấy một đám vừa người vừa chó đang ngồi quây tròn ăn uống với nhau, có hai người, còn lại toàn chó hết, hai người đều chỉ bằng tầm vóc đứa trẻ lên bảy lên tám. Có con chó, thân chó nhưng đầu người, có con chó nguyên hình chó. Chúng đang ăn uống và bàn tán với nhau. Nhìn chiếc mâm đặt giữa bọn người và chó này, thì chính là chiếc mâm nhà ông vẫn dùng để dọn cơm. Bát đũa cũng chính những bát đũa vẫn dùng hàng ngày.
Nhìn thấy bọn người và chó ăn uống hội họp, tóc gáy ông dựng ngược, nhưng khi nghe bọn chúng bàn tán với nhau, ông không còn hồn vía nào nữa. Chúng nó bàn nhau, sau khi bắt xong hồn con gái ông, một con chó cái sẽ bắt hồn thằng con trai ông, cậu Tường, em cô Vách, năm nay mới mười sáu tuổi.
Một con chó đầu người bảo một con chó khác:
- Chị muốn bắt thằng Tường, chị phải bắt ngay! Coi chừng bố nó biết, bố nó gửi nó đi chỗ khác thì hỏng việc đấy!
Con chó kia cũng đầu người, đáp:
- Bố nó biết làm sao được. Chuyện mình nói ở đây, ai lọt vào mà nghe.
Một trong hai ngừơi, chó mang hình người, nói:
- Rồi bố con anh em nhà nó, bọn mình sẽ bắt hết. Chúng nó sẽ chết không kịp chôn!
Sợ quá, phú ông lẳng lẳng rón rén về buồng ngủ, đi rất nhẹ nhàng, sợ kinh động đến bọn chó yêu ma sẽ có hậu quả không hay.
Sáng hôm sau, ông nhìn trước nhìn sau không thấy con chó trắng mũi đỏ, ông mới khẽ thuật lại những điều ông trông thấy đêm trước cho vợ nghe, và ngay sáng hôm đó, vợ ông đã mang thằng Tường đi gửi ở nhà ông ngoại, ở cách xa nhà ông tại một thôn khác.
Ông cũng lại sang nhà ông hàng xóm thuật lại những điều đã xảy ra đêm trước tại nhà ông, và vấn kế ông này về cách đối phó với lũ chó yêu ma, Ông hàng xóm nói:
- Bây giờ chỉ còn cách tìm thầy Tự cao tay và xin bùa về yểm khắp nhà, may ra có trừ được lũ chúng chăng!
Ông nói ông đã mời mấy thầy Tự cao tay và đã xin bùa yểm khắp nhà nhưng không ăn thua gì. Ông hàng xóm bàn bây giờ chỉ có một cách cầu Trời và lễ Phật. Ông khuyên cả hai ông bà đêm đêm nên thắp hương khấn Trời, và chia nhau đi lễ các chùa để cầu xin Phât tế độ. Ông cũng khuyên phú ông nên năng ra lễ tại đình làng để cầu với đức Thành Hoàng để ngài dùng uy quyền trừ khử lũ yêu ma.
Không có cách gì khác, hai vợ chồng phú ông đành chia nhau đi lễ chùa lễ đình để xin Phật, Thần phù hộ giúp đở cho gia đình ông tai qua nạn khỏi. Đêm đêm hai vợ chồng ông đều thắp nhang ra giữa trời khấn vái.
Ông bà đi lễ cứ đi lễ, cầu Trời cứ cầu Trời, những việc bất thường vẫn cứ xảy ra ở nhà ông như thường. Cô Vách vẫn đêm đêm trong giấc mơ, có kẻ tới nài hoa ép liễu, và vẫn luôn luôn ông nghe trong đêm có tiếng rửa bát đủa ngoài vại nước. May mắn, ông đã nghe trộm được những lời bàn tán của lũ chó, gửi cậu Tường đi nên đã tránh được tai nạn cho con! Hai ông bà lo lắng, sợ hãi, cả hai gầy rộc đi, người trông hốc hác như mất hết tinh thần.
Trong khi gia đình ông đang ở trong tình trạng ấy, thì một hôm có một bà sư già tới nhà ông khuyến giáo. Ông mang tiền gạo ra cúng. Lẽ ra, nhận tiền gạo xong, nhà sư ra đi để tới những nhà khác, nhưng thay vì ra đi, nhà sư đã xin với ông cho nghĩ tạm trong nhà mấy ngày. Bà sư nói:
- Bần ni từ xa xôi tới đây, mêt mỏi, không tiếp tực đi quyên giáo được, xin thí chủ, nhà có rộng cho bần ni ở nhờ ít bữa, khi nào lại sức bần ni sẽ ra đi.
Cả hai ông bà phú ông đều trịnh trọng đón tiếp và mời nhà sư lên nghĩ ở ngôi nhà trên, nghĩa là ngôi nhà chính của gia đình. Sư già lại ngõ ý với hai ông bà muốn có chỗ để tựng kinh niệm Phật. Sư già nói:
- Bần ni là kẻ tu hành, hàng ngày phải tụng kinh niệm Phật. dám phiền thí chủ cho bần ni mượn một chiếc hương án để thiết lập bàn thờ Phật, có bàn thờ, việc tụng niệm sẽ được nghiêm túc.
Hai vợ chồng phú ông mời sư già đặt ngay bàn thờ Phật trên bàn thờ gia tiên nhà mình, như vậy tổ tiên của phú ông cũng sẽ được nghe kinh.
Sư già lấy ở trong đãy ra một pho tượng Phật, đặt lên hương án, cao hơn đỉnh trầm. Ngay sau đó đèn hương được thắp lên và sư già bắt đầu niệm Phật. Phú ông không hiểu sư già đã tụng những kinh gì, chỉ biết sư già chăm chú đến việc kinh kệ, không chú ý gì đến mọi sự bên ngoài, một ngày người chỉ ăn một bữa vào lúc ngọ, cơm chay do vợ chồng phú ông cung cấp, và đêm đêm sư già tụng kinh rất khuya. Sư già tụng kinh như vậy, luôn ba ngày liền, chỉ nghĩ vào lúc thụ trai, và vào quá nữa đêm tới sáng
Vợ chồng phú ông hầu hạ sư già cơm nước, tự thấy trong lòng như nhẹ nhỏm, và mọi sự lo lắng như tiêu tán. Điều đáng kể là trong suốt ba đêm liền, từ hôm sư già bắt đầu tụng kinh, những sự kiện ma quái không xảy ra như về trước. Cô Vách đêm đêm không thấy yêu ma tới quấy nhiểu cưỡng hiếp và đàn chó thành tinh dường như cũng không thấy tới hội họp ở nhà phú ông.
Sáng ngày thứ tư, sư già từ giả vợ chồng phú ông để tiếp tục đi khuyến giáo. Hai ông bà cố giữ cũng không được, đưa tặng gạo tiền sư già đều từ chối lấy cớ trong mấy ngày ở lại, sư già đã quấy quẻ ông bà nhiều rồi. Hai ông bà tiễn chân nhà sư ra đến đầu xóm mới quay trở về.
Về tới nhà, phú ông được người lực điền cho biết, con chó trắng mũi đỏ không hiểu tại sao nằm chết rục ở bụi tre.
Bây giờ phú ông mới hiểu sư già là một vị cao tăng đã vì gia đình mình tụng kinh niệm Phật trừ yêu quái.
 

smalbacba

Member
Hay...Hay TUY...Ê..Ệ...Ê..T.....những truyện như thế này làm cho VP thêm sinh động .
 

ki_ki

Member
Con chó chống gậy

Quê em là làng Bắc Biên, nằm ngay bờ bên kia sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên. Bà ngoại có 4 người con: mẹ em là cả, dưới có cậu D. rồi đến cậu C. và dì T. (em xin phép được viết tắt vì nhiều lí do). Năm 86 cậu D sinh con đầu lòng, cái Linh, bà em cũng xin được trong làng về 1 đôi chó, đặt tên là Tin và Mic. Bà em yêu động vật lắm. Bà bảo coi như con Linh và 2 con này bằng tuổi nhau.. Cứ thế 2 con chó ở với bà em, cho đến khi chuyện xảy ra năm 2001, năm đấy cái Linh tròn 15 tuổi
15 năm sống với chủ, con Tin đặc biệt rất khôn và hiểu ý người. Nó hay tha thẩn chơi ngoài sân, hoặc trông đàn gà cho cậu D. Người ta bảo chó càng già càng thông minh. Có khi cậu em bảo vào lấy cái rổ trong bếp, nó cũng lững thững đi vào và tha ra cái rổ. Trái với con Tin, con Mic hay gầm ghè, và chỉ thích thui thủi 1 mình. Nó ít sủa, chỉ gừ trong cuống họng nhưng trông nhà cực tốt. Hình như có vía nó, chó mèo hàng xóm không bao giờ sang phá phách trong vườn nhà em. Bà và cậu D. tự hào về 2 con chó lắm.
Năm đấy nước sông lên cao.
Chiều tối, con Tin không về ăn cơm như mọi khi.. Sáng hôm sau cậu D em ra sông thì thấy nó nằm chết cạnh bờ tre. Cậu đưa nó về, và chôn ở gốc chuối trong vườn. Bà em buồn lắm. Cả buổi sáng chẳng nói năng gì.
Giữa trưa trời nắng to, bà em tranh thủ mang cơm ra phơi. Bỗng có tiếng gậy gỗ gõ cọc... cọc... xuống đất, đều đặn từng tiếng một ở sân sau. Nghĩ bụng có khách, bà em vào nhà lấy cái nón định chạy ra thì thấp thoáng sau gốc cây, con Mic đang chống gậy, đi bằng 2 chân sau, đầu đội cái nón lá của bà... Nó đi từng bước một từ sân sau, hướng ra cổng.. Bà em mồm cứng đơ, chỉ lắp bắp được mấy tiếng "D. D... ra cứu mẹ". Cậu mợ em từ nhà dưới chạy lên, nhìn thấy con Mic, đứng khựng lại.. Con Mic đi từ từ, đứng bằng 2 chân sau, 2 chân trước nó kẹp lấy cái đầu gậy, đầu đội nón, lưỡi lè ra đỏ hỏn tiến dần ra cổng. Từ sân sau ra cổng khoảng hơn 10m, 3 người nhà em đứng như tượng đá, đến khi nó đến gần cổng thì cậu D. vùng ra đuổi theo. Bóng con Mic khuất sau cái cổng, cũng là lúc cậu em lao ra đến nơi nhưng nó đã biến mất Bà em lúc này mới hoảng hồn vào nhà thắp hương... Cả 3 người mặt cắt không còn giọt máu.
Về kể lại chẳng ai tin. Lại bảo cả 3 bị hoa mắt.
Đêm đấy mưa to. Nhà em sát bờ sông, năm 2001 chưa có kè, nước vào sâu đủ nghe cả tiếng vỗ í oạp. Sáng hôm sau cậu D. ra vườn thì chỗ chôn xác con Tin bị đào be bét, cái xác cũng chẳng còn. Xung quanh chi chít dấu chân chó.
Đến giờ bà em vẫn bảo, 2 con đấy chưa đi đâu cả, vẫn ở trong vườn, nhưng nhà mình không nhìn thấy mà thôi...
TGVH
 

gàsiêunhân

Active Member
cái này mình cũng được nghe kể nhiều, bà ngoại cũng kêu chó trắng là ngựa của ma!
các bạn tuyên truyền cái này nhà ai đẻ ra chó trắng lại hóa kiếp nó luôn thì khổ thân nó! giờ nhà ai mà có trắng chống gậy đi bằng hai chân làm live show chủ lại đổi đời luôn ý chứ :)):)):))
 

ki_ki

Member
Thật ra chuyện này em cũng tin nhưng đâu phải chó trắng nào cũng là ma,như chihuahua cũng có con màu trắng,chó nhật cũng có con màu trắng,rồi chó ta cũng vậy,chó ma là những con chó thành tinh,dưới quê em có nuôi một con chó cái,nhìn cũng to,tướng thì giống chó săn nhưng 2 mắt đỏ như lửa,nó nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống người ta,lúc nó lại gần cứ thấy trong người bất an,cứ như là sắp có chuyện
 

gàsiêunhân

Active Member
đọc người sói truyện tranh với cả xem film Red Riding Hood, vanhelsing nên đang bị thích ma sói và người sói :D:D:D
 
thấy bảo trong nhà nuôi chó trắng thì sẽ có mỹ nhân xuất hiện...nhưng chó trắng mà mũi đỏ thì nghe cũng hơi ghê... chưa nhìn thấy bao giờ..bạn nào chụp hình đăng lên coi nó mặt mũi ra sao nào..:(
 

gàsiêunhân

Active Member
thấy bảo trong nhà nuôi chó trắng thì sẽ có mỹ nhân xuất hiện...nhưng chó trắng mà mũi đỏ thì nghe cũng hơi ghê... chưa nhìn thấy bao giờ..bạn nào chụp hình đăng lên coi nó mặt mũi ra sao nào..:(
thường là con giữ vị trí đầu đàn trong cuộc săn, bên TQ giá cũng tương đối chát, đắt hơn giá thành 1 con husky ở chợ























 
quá đẹp... có lẽ vì nó khôn và thống trị quá nên người ta ghét bỏ hay sao... tội nghiệp.. mũi đỏ giống Pitbull vậy, bao giờ cũng là con hầm hố nhất... mặc kệ ma quỷ...được em như vậy nuôi cũng đã...:))
 
Câu chuyện này thì sao, dân gian thêu dệt cũng giống nhau nhỉ:D
Ma chó
Con chó cái nhà phú ông đi hoang một thời gian bỗng quay về. Ông mừng rỡ, lại càng mừng hơn, khi thấy cái bụng nó có chửa. Ít lâu sau, con chó cái đẻ được năm con chó con, trong đó có một con chó đực toàn thân đen như mực, mũi trắng, giữa trán có một đốm trắng, bốn bàn chân như mang vớ trắng, chót đuôi cũng trắng phau.
Các bậc trưởng lão đến chơi đều khuyên ông nên đập chết con chó đen đó, hoặc nuôi nó lớn một chút rồi đem nấu vài món cầy tơ nhậu quách cho rồi. Phú ông gạt phắt đi:
- Chó nào chả là chó? Hơi đâu mà tin dị đoan.
Thế là phú ông cứ nuôi cả sáu mẹ con chó đen có bộ lông kỳ lạ đó. Bà con lối xóm thấy nhà ông có nhiều chó con nên đến xin, ông đều cho, nhưng không ai lựa con chó đen đốm trắng.
Con chó còn lại này, sau thời kỳ bú mẹ, biết ăn, rất mau lớn, trông thật đẹp mã. Riêng cái đốm trắng chính giữa trán, nếu tinh ý nhìn kỹ, càng giống hình cái... đầu lâu. Nó là một con chó rất hung hăng, giữ nhà, giữ cửa rất đắc lực. Nhưng một thời gian sau người ta phát hiện nó thích ăn thịt sống, thường lén chạy sang nhà hàng xóm bắt gà vịt, mèo con hoặc chạy ra đồng hoang bắt rắn và chuột ăn tươi nuốt sống.
Lúc săn mồi, nó chạy nhanh cực kỳ, miệng hả lớn, lưỡi thè dài, răng nhọn hoắt, bốn chân sải vun vút trong gió như không chạm đất, chìa các móng sắc bén ra tứ hướng như thị oai, răn đe. Nó luôn luôn giành ăn và cắn chó mẹ cho đến chết lần chết mòn. Thấy vậy, nhiều người khuyên phú ông nên đề phòng kẻo nó thành tinh. Phú ông cũng cho đó là chuyện huyền hoặc, tin theo chỉ là mê tín dị đoan.

Ngôi nhà phú ông lợp ngói, mái dốc rất khó leo. Mỗi khi nhà dột, muốn leo lên thay một miếng ngói cũng khó. Vậy mà một đêm kia, phú ông nghe như có người chống gậy đi trên mái nhà. Ông cho đó là kẻ trộm nên giả bộ ho để kẻ gian nghe thấy trong nhà có người còn thức mà bỏ đi. Quả nhiên, sau tiếng ho của ông, tiếng động trên mái nhà nhẹ dần rồi mất hẳn.
Đêm hôm sau, ông lại nghe thấy những tiếng động tương tự. Ông ngồi dậy thắp đèn, tiếng động lại mất dần.
Rồi đêm thứ ba, thứ tư... sự kiện này lại tái diễn. Thật là một tên trộm gan lì, lối đuổi trộm của ông chỉ hiệu quả qua từng đêm, chẳng làm nó sợ. Ông phải rình và cho tên trộm này một trận để từ nay về sau nó không dám tới kiếm chác tại nhà ông nữa.
Nghĩ vậy ông lấy cây cung xưa nay vẫn gác trên kèo nhà và bó tên xuống. Đêm thứ năm, ông lắp sẵn tên vào cung ngồi chờ, cửa chỉ khép hờ. Quá nửa đêm, vừa nghe tiếng động như bốn đêm trước, ông vội rón rén bước ra sân.
Hôm ấy tối trời, nhiều sao, nhưng ánh sao không đủ chiếu sáng để ông nhìn rõ những vật xung quanh. Ra tới sân, phú ông nhướng mắt nhìn lên mái nhà. Ông chỉ thấy lờ mờ một bóng người đầu đội nón lá, đang đi từng bước một. Ông vô cùng kinh ngạc tự hỏi: Người gì mà lạ lùng vậy, đi ăn trộm sao lại đội nón và chống gậy?
Ông định thần nhìn kỹ. Trong bóng tối mờ mờ ảo ảo ông thấy người đó không cao lắm, chỉ cỡ một đứa trẻ năm sáu tuổi, hai tay ngắn và hai chân cũng ngắn. Ông tự hỏi: Con nhà nào mà nghịch ngợm như ma quỷ thế nhỉ? Bóng đen ấy đang nghểnh đầu nhìn về phía xa xa, có vẻ như chờ đợi hoặc đang trông ngóng điều gì!
Mặc kệ! Muốn gì thì gì, dù là kẻ trộm hay trẻ con nghịch ngợm, ông cũng bắn một mũi tên về phía bóng đen, nhưng chỉ bắn để dọa dẫm, chứ không định tâm bắn trúng nó. Mũi tên vút qua mặt, bóng đen giật mình và cũng chỉ đánh vút một cái, nó lao mình vào đêm tối biến mất.
Ông quay trở vào nhà, đặt mình nằm, nhưng băn khoăn về những điều vừa xảy ra, bán tín, bán nghi suy nghĩ vẩn vơ mãi mới ngủ được. Sáng hôm sau, ông vừa thức dậy chưa kịp pha trà uống nước đã nghe vợ ông hỏi:
- Chiếc nón chiều qua, tôi để ở nhà bếp, ông có lấy làm gì không?
- Chiều tối rồi tôi làm gì đến nón? Chắc bà để đâu rồi quên đấy thôi!
Vợ ông không quên. Lúc ở ngoài đồng về, chính tay bà móc chiếc nón lên tay cối xay lúa, sáng nay định đội ra đồng, tìm không thấy nữa.
Phú ông pha trà, rót mời vợ. Bỗng có anh tá điền từ ngoài vào, tay cầm chiếc nón và một chiếc gậy tre, nói:
- Nón của ai vứt ra hàng rào ngoài vườn, bên cạnh lại có cả chiếc gậy!
Phú ông nói:
- Chắc đứa nào nó nghịch chứ gì!
Tuy nói thế nhưng phú ông rất băn khoăn, khó hiểu về điềm gở này. Hôm sau, có ông hàng xóm qua chơi, phú ông thuật lại những chuyện đã xảy ra đêm qua, không quên nói thêm về chiếc nón và chiếc gậy ở hàng rào ngoài vườn. Ông hàng xóm không nói gì, uống nước, ăn trầu, hút thuốc rồi ra về.
Ra tới cổng, ông lên tiếng mời phú ông sang nhà chơi, ông có chút chuyện cần nói…

Gần trưa, phú ông sang nhà ông hàng xóm chơi. Sau khi mời nước, ông hàng xóm nói:
- Tôi phải mời ông sang đây, vì tôi biết câu chuyện nói với ông sẽ bị con chó lông đen mũi trắng nhà ông nghe hết. Tôi để ý thấy nó cứ quanh quẩn để nghe trộm những điều chúng ta nói với nhau.
Phú ông ngạc nhiên hỏi:
- Chó mà cũng biết nghe trộm à?
- Đúng! Con chó này nó là Khuyển tinh, chó yêu ma, chứ không phải chó thường như bao con chó khác. Bóng đen ông thấy trên nóc nhà chính là nó.
Phú ông lắc đầu nói:
- Tôi không tin! Chó làm sao biết đội nón, lại biết đi hai chân!
Ông hàng xóm bảo:
- Trời ơi, ông ngây ngô quá! Là yêu ma, nó có thể đi một chân, hai chân, thậm chí còn bay được nữa là đằng khác ấy chứ. Ông không nghe các cụ nói gì về chó ma hay sao?
Phú ông lắc đầu. Ông hàng xóm lại nói tiếp:
- Các cụ bảo rằng nó là yêu ma mang hình chó gọi là Khuyển tinh. Loại Khuyển tinh này thiên biến vạn hoá, lúc thì hữu hình, lúc thì vô hình.
- Nó làm thế để làm gì?
- Thế ông cho cái bóng đen đi trên nóc nhà là một đứa nhỏ? Con nhà ai mà lúc đêm hôm lại đi như thế? Vả lại một đứa nhỏ làm sao có thể vút mình, khi ông buông ra phát tên. Có mà ngã dập xác. Còn con chó ma này leo lên nóc nhà là để ngóng đồng bọn yêu ma của nó đó. Ở cái vùng đất đai nhà cửa bán sơn, bán địa, âm u ám khí như cái vùng chúng ta đang sống này có nhiều ma quái lắm. Hằng đêm, âm khí vượng nên chúng quy tụ lại. Chúng sẽ họp tại nhà con chó ông đang nuôi để bàn bạc gieo tai họa trả thù, trả hận con người. Năm nay lại nhằm vào năm chó. Dân các nước Âu Mỹ rất thương yêu quý trọng chúng, còn ở xứ ta thì con người bắt chúng đem ra đập đầu cắt cổ hoặc trấn nước làm thịt, chế biến thành bảy, tám, chín món cầy tơ ăn nhậu lu bù khắp làng quê, phố phường. Con chó nhà ông nó ngước nhìn về phía xa xa là để chờ đợi bộ tham mưu của nó đến đó. Ông sớm mà trừ nó đi kẻo mang tai hoạ đấy!
Phú ông nhíu mày suy nghĩ rồi hỏi:
- Ở làng ta, ngoài tôi ra, có ai nuôi một con chó như vậy đâu?
Ông hàng xóm cười nói:
- Tin hay không là quyền ở ông! Nhưng dù không tin ông cũng nên hóa kiếp con chó cho yên thân.
Phú ông cảm ơn ông hàng xóm những điều đã nói và ra về. Ông thấy cũng có đôi điều hợp lý nhưng trong lòng vẫn hơi nghi hoặc. Về đến sân nhà, ông thấy con chó đen chạy ra vẫy đuôi mừng rối rít. Nhìn nó vẫn là chó, lòng ông tan biến mọi nghi hoặc và vẫn để nó sống yên trong nhà mình.

Ông vẫn nuôi con chó lông đen mũi trắng đó cho đến khi nhà ông xảy ra một chuyện lạ.
Ông có đứa con gái đầu lòng mới 18 tuổi, trông rất duyên dáng và dễ thương. Trai làng đã nhiều cậu lăm le muốn làm rể.
Bỗng con gái ông tự nhiên mang bệnh, thuốc thang chữa trị thế nào cũng không khỏi, nhiều khi còn mê sảng. Trong lúc tỉnh, cô đã nói cho cha mẹ cô biết rằng đêm đêm cô cứ mơ thấy một bóng đen lách qua cửa sổ vào ép cô ân ái. Cô chống cự không nổi nên đành phải làm theo ý hắn. Kể từ khi rơi vào vòng tay hắn cô bắt đầu phát bệnh.
Cô cho cha mẹ biết bóng đen ấy rất kỳ lạ, không bao giờ nói năng câu gì. Hắn đến ép buộc cô mây mưa xong rồi đi ngay cô hỏi nhưng không bao giờ hắn trả lời. Nhiều lần cô chống cự không được, chỉ ú ớ kêu không thành tiếng.
Ông bà phú hộ lo lắng, tin chắc con gái mình bị tà ma ám ảnh. Một mặt phú ông cho người đi khắp nơi tìm thầy pháp xin bùa dán nơi buồng con gái để trừ tà. Một mặt phú ông nhờ một anh lực điền canh gác cửa chính và cửa sổ buồng ngủ cô con gái cưng. Chính ông, đôi khi đêm hôm thức giấc, cũng đến rình xem trong buồng ngủ con gái có động tĩnh gì không. Tuy nhiên, ông muốn làm gì thì làm, đêm đêm con gái ông vẫn phải làm theo ý muốn của bóng đen ma quỷ kia nên người cô ngày một xanh xao.
Một đêm kia thức giấc, phú ông tới buồng thăm con gái bỗng phát hiện anh lực điền gục đầu ngay cửa sổ, còn trong mùng cô con gái có người lục cục. Ông vội đập cửa báo động thì một bóng đen từ trong mùng lao nhanh ra cửa sổ, vượt qua đầu anh lực điền biến mất. Cái bóng đen ấy không phải hình người, không phải hình vật, trông y hệt cái bóng đen chống gậy và đội nón đi trên nóc nhà trước đây. Hai bóng đen là một và… đó là con chó.
Phú ông buồn rầu về buồng mình. Ông hối hận vì đã không hóa kiếp con chó cho xong. Bây giờ, ông phải quyết định giết nó để trừ giống yêu tinh đang gieo họa cho con gái mình. Nhưng một mình làm không nổi, ông phải nhờ một anh lực điền giúp sức.
Có lẽ con chó biết rõ ý định của chủ, nên tuy vẫn ở trong nhà ông, nhưng không để ai gần được nó. Có lúc bị ông và anh lực điền đuổi bắt không hiểu nó có phép nhiệm màu gì mà tránh thoát một cách dễ dàng, kể cả một lần anh lực điền đã choàng được vào cổ nó sợi dây thòng lọng bằng sắt.
Sau đó, con chó thấy phú ông đuổi anh lực điền đi, không cho ở nữa. Trong nhà chỉ còn người già và con gái nên nó có vẻ khinh thường và vẫn tác oai tác quái. Một ngày nọ, nó đang nằm giữa nhà thì thấy một ông già mặc quần áo thụng màu lá khô đến gõ cửa. Phú ông chạy ra chấp tay bái, mời khách vào tiếp đãi.
Con chó cảnh giác đi loanh quanh nhưng thấy hai người chỉ nói chuyện mùa màng, thời tiết nên yên tâm nằm tự nhiên bên cạnh không cần phải nghe lén, theo dõi. Bỗng…
Vút! Xoẹt… Vút! Xoẹt…
Khắp nhà ngời lên những tia chớp sáng.
Thì ra ông khách đã bất thần móc ra một sợi dây ngũ sắc dấu kín trong người, quất trúng vào con chó. Con chó dị hình đã bị thần pháp trói chặt. Nó ngơ ngác ngước cặp mắt đỏ ngầu nhìn lên mọi người rồi từ từ nhắm kín lại. Bấy giờ cũng chính là giờ Tuất, ngày Tuất, tháng Tuất. Trước giây phút bị kết liễu mạng sống, nó còn kịp biết ông già mặc quần áo thụng màu lá khô là một vị pháp sư do anh lực điền rước về. Anh ta đã vâng lệnh phú ông âm thầm lặn lội lên núi thiêng rừng cao sát tận biên giới tìm pháp sư cao tay. Vị pháp sư này đã dùng phép của một sợi dây ngũ sắc. Khi ma quỷ vừa chạm vào sợi dây, tức khắc bị sợi dây thần trói chặt. Không còn biến hình được nữa.
Nó giống như ánh sáng mặt trời, thuộc dương. Ma quỷ hay yêu tinh thuộc âm, đều phải chết, hoặc tan rã dưới dương quang, không thể gây tai họa cho con người được nữa…
>>>>>bác nào up cái hình con "ma chó" này lên coi..:eek:h go on:
 

kucut3

Member
thế dogo cũng là ma chắc ......nhảm nhí ...xếp DIAMOND mà đọc đc bài này thì đừng hoá vàng em dob nhé :)
 

smalbacba

Member
Đây là chuyên mục "góc văn nghệ"mà các Bác ơi ! Mà đã là VĂN NGHỆ thì có phóng đại hay gì gì đi nữa thì cũng chỉ mang tính giải trí mà thôi.Các Bác chém nhẹ tay chút !!!để các tác giả còn có hứng sáng tác nữa chứ !!
 

sonbim

Member
hồi xưa nhà em cũng có 1 em chó nhật lai lông trắng mũi đỏ mà có sao đâu :X dễ thương lắm. nhưng mà em í chỉ thọ đc 4 năm do bị tiêu chảy:-< hồi đấy bác sỹ thú y cũng chưa thịnh hành nên cả nhà chẳng biết làm thế nào:-< chỉ nhớ đêm em í mất chó cả xóm tru nhiều lắm:-ss
 

gàsiêunhân

Active Member
Khi Bảo lên mười thì gia đình dọn về sống tại một thành phố phía Nam San Francisco. Mỹ họ gọi nơi này là Colma City, chữ city dịch là thành phố thì đúng, nhưng tiếng Việt gọi là một rẻo đất hẹp, nằm giữa Daly City và South San Francisco là thành phố thì thựkhôi hài, nhất là chỉ gồm mấy khu nhà rẻ tiền, lèo tèo dựa vào sườn đồi, còn phần lớn đất đai là rừng thưa và bốn khu nghĩa trang đầy mồ mả, có ngôi cổ tới trăm năm, quanh năm ảm đạm vì mây mù che phủ. Nhưng nếu gọi theo lối phiên âm tiếng Việt là thành phố "Con Ma" thì lại rất ý nghĩa...vì nơi nào nhiều mồ mả thì nơi đó nhiều ma là cái chắc!

Nhà Bảo thuê nằm trên con đường Foothill, vòng quanh ngọn núi chạy dài tới khu kỹ nghệ rộng lớn trong vùng. Bên kia đường, xế cửa nhà Bảo cũng là một nghĩa trang không lớn, với những ngôi mộ nho nhỏ, có cái bằng hoa cương, có cái đắp hồ, có cả tượng thiên thần trông thật xinh xắn. Bãi cỏ chung quanh bốn mùa xanh mướt. Những tàng cây mát, lá thu vàng rụng đầy gốc trông thực nên thơ. Những ngày cuối tuần, xe hơi lại đậu dài dài. Các bà, các cô mang bông tới đặt trên mộ phần, do đó nghĩa trang rựcrỡ hẳn lên.

Tuy nhiên, những ngày mới đến đây, đêm đêm từ cửa sổ lầu hai, nhìn sang cái khu nghĩa trang tối đen, mịt mùng đó, đám con nít anh em Bảo không khỏi rùng mình sợ hãi. Nhưng chỉ it' lâu sau, cả nhà hết sợ, nhưng lại ngạc nhiên khi chú của Bảo khám phá ra đó không phải là nghĩa trang chôn người...mà là nghĩa trang của súc vật...nhất là chó và mèo!Mặc cho tụi nhỏ léo nhéo hỏi bố, hỏi ông nội, rồi cả chú nữa xem có ma chó, ma mèo không...ba người đàn ông đó mỗi khi tụ nhau ăn uống lại xuýt xoa nhớ tới món thịt chó ở quê nhà mà ông nội gọi là thịt cầy:

-"Sống ở trên đời đánh miếng dồi chó,
Chết xuống âm phủ biết có hay không..."

Mỗi khi ngâm câu này, ông nội lại lắc đầu:
-Cái bọn Mỹ thật kỳ cục...tốn tiền mua đất chôn với cất...Người mình cứ táng nó ngay vào bụng cho được việc...vừa khoái khẩu...lại vừa khỏi mất công thăm viếng.

Rồi có một hôm ba người đàn ông trong nhà này được toại nguyện...khi nhận được một...cái đùi chó do cậu của Bảo gửi express từ Spockane, tiểu bang Washington. Me. Bảo rất rành làm những món "chó", dù bà không bao giờ dám đụng đũa. Buổi chiều hôm đó, ông nội, chú, và ba của Bảo hí hửng đợi món rựmận. Nhưng khi ăn, mọi người đều thất vọng và chê chó Mỹ chắc là không ăn "cái món kia" nên dở ẹt, chả có cái mùi vị gì. Bảo không biết chó Việt Nam ăn cái gì mà ông nội khen thịt thơm phức...trong khi chó Mỹ ăn những đồ hộp mà nhiều người nghèo ở đây cũng mua về dùng mà thịt lại bị chê. Có điều nghe nói đến ăn thịt chó, mấy anh em Bảo đều ghê sợ, không hiểu những con vật "friendly" thế mà người ta có thể giết mà ăn được...Tin một người Cam-Bốt bị bắt ở phi trường Los Angeles vì trong hành lý có mang theo mấy đùi thịt chó được đăng trên báo khiến ông nội chửi Mỹ suốt mấy ngày!

Nhưng cũng từ đó, Bảo không còn thấy ba người đàn ông trong nhà tiếc rẻ cái khoản "thịt cầy" ở khu nghĩa trang kia nữạ Ðể chiều lòng, me. Bảo thỉnh thoảng làm món giả cầy bằng giò heo cho quý vị đó sơi cho đỡ nhớ. Ông nội nói món này ăn tạm được, riêng Bảo thấy cũng rất vừa miệng, vì vậy không biết thịt cầy chính hiệu còn ngon đến cỡ nào.

Bẵng đi hơn mười năm, gia đình Bảo dọn về San Jose. Bố mẹ làm ăn khá giả, mua được nhà cửa thênh thang, ba anh em Bảo giờ khôn lớn cả, Thanh đứa em gái út cũng đã mười một tuổi, đời sống đã khả quan. Người Việt sống quần tụ với nhau tại thung lũng điện tử này ngày càng đông. Nhưng từ khi nền kinh tế gặp khó khăn, người làm ở sở bắt đầu thất nghiệp, kẻ buôn bán cũng bị ảnh hưởng, kinh doanh thua lỗ, tạo cảnh nghèo khó dây chuyền khiến tệ nạn ăn trộm, cướp bóc xảy ra như cơm bữa. Nhà Bảo cũng như phần đông người mình đã phải bắt hệ thống báo động. Nhưng cũng có những bọn cướp khôn lanh, biết cả cách cắt các hệ thống này trước khi đột nhập vào nhà nạn nhân.
-Nếu có một con chó để giữ nhà thì tuyệt.
Ðó là ý kiến của ông nội. Cả nhà đồng ý, nhất là nhỏ Thanh. Thế là một ngày đẹp trời, con Dave của một người quen sắp dọn đi tiểu bang khác cho, được đón về.

-Chó đự nhưng đã...bị xẹt , lai giống NhậtÐức, gần một tuổi, đã có bảng số, mới chích ngừa...cắt lông, dũa móng chân và đánh răng tháng trước.

Ðó là lý lịch của con Dave, Dave chỉ ăn mì xào theo kiểu nhà hàng tàu, ăn cơm vào là đau bụng, tiêu chảy vì người chủ cũ bán xe "lunch", đã quen cho ăn món đó từ nhỏ. Nhưng được một điều là nó rất khôn, đi vệ sinh có giờ giấc. Biết ý, đưa nó ra đường đúng lúc nhà cửa sẽ không bao giờ bị dơ.

Công tác phục vụ "ông" Dave được chia cho từng người: Buổi sáng, Bảo lo dắt Dave ra ngoài làm vệ sinh, Thanh ngày hai bữa hâm mì do mẹ xào sẵn cho nó ăn, Tâm tắm cho nó tuần một lần...

Con Dave coi nhà rất giỏi. Nó có thể phân biệt được tiếng xe chạy qua đường hay ngừng lại ở trước cửa nhà hoặc ngoài garage để sủa báo động. Bóng người chỉ thoáng qua gần cửa sổ, hoặc bờ dậu đã bị nó phát giác. Ðêm hôm trộm cướp rình mò bị chó sủa ầm nhà đánh thức gia chủ cũng đủ làm chúng không dám đột nhập rồi. Vì thế, từ ngày có con Dave, gia đình Bảo rất yên tâm.

Nhưng mấy tháng nay, ít thấy những tin cướp bóc đăng trên báo chí địa phương, việc phục dịch ông Dave xem ra đã có phần chểnh mảng. Sáng mùa đông lạnh cóng, bảy giờ trời còn tối thui, Bảo thấy vất vả phải đưa nó đi vòng vòng mấy block đường, ngửi chỗ này, hít chỗ kia, chán chê rồi mới chịu "poo poo". Thằng Tâm mặc cả chỉ chịu tắm cho Dave hai tháng một lần...còn mẹ bắt đầu lo tốn kém và bất bình vì ngày ngày phải cung phụng mì xào dầu hào cho "ông" Dave như hầu ông cố nội! Chỉ có con Thanh là chăm chỉ lo ngày hai bữa và còn thân thiện với con chó.

Con Dave được săn sóc cẩn thận nên đẹp và mập ra . Tuy biết là thịt chó Mỹ chẳng ra gì, nhưng đôi khi ôm nó, nắn ức, nắn đùi, rồi ông nội vừa gật gật đầu, vừa nói:
-Nhất bạch, nhì khoang, tam vàng, tứ đốm...Con chó trắng này bây giờ mà thịt thì phải biết...
Thanh nghe phát rùng mình, nhưng không dám phản đối.

Bố phải về Việt Nam một tháng để lo giấy tờ đoàn tụ cho bà nội. Khi trở lại Mỹ, ông kể nhiều chuyện ở quê nhà, nhất là những món ăn lâu ngày mà những người Việt tỵ nạn hồi 75 đã lâu không được thưởng thức như món rựa mận, chả chìa, dồi chó...Có một lúc, vô tình, Bảo nghe ông bố khoe với mẹ:
-Này em, anh học được cách làm thịt chó Mỹ ăn cũng không kém gì chó ta!

Mẹ ngạc nhiên hỏi lại:
-Thế nào...thửkhông...
-Thử.dễ vậy mà mình không nghĩ ra...thôi để hôm nào...

Ông nghĩ ngợi sao đó, không nói tiếp nữa. Chuyện rồi cũng qua, không ai để tâm. Một buổi chiều, mẹ nói ông nội, bố và chú đi ăn cơm khách, nhà chỉ còn mấy mẹ con. Tới bữa, con Thanh phát hiện sựắng mặt của Dave, vì thường ngày nó hay quanh quẩn nơi bàn ăn. Mẹ nhìn quanh, rồi gượng cười:
-Buổi sáng có khách, bố mở cửa, vô ý để nó chạy ra đường mất...chắc chốc nữa nó về đấy mà.

Sau bữa ăn, Thanh và Tâm ra ngoài đường tìm con Dave. Nhưng cho đến khuya, nó vẫn biệt tăm. Và không những đêm đó, mà về sau này, không bao giờ thấy nó nữa. Mấy anh em đều buồn và nhớ con Dave, nhất là Thanh, chiều nào đi học về, cũng ra cổng ngóng Dave cả giờ hy vọng thấy nó trở về.

Lâu dần, mọi người cũng quen với sựắng mặt của Dave. Thôi cũng xong, khỏi vất vả chăm sóc nó: Bảo hết phải dậy sớm dắt nó đi tiêu, Tâm không càu nhàu vì phải tắm cho nó nữa...và mẹ chả còn tốn công, tốn của...chỉ có Thanh là vẫn nhớ thương dai dẳng.

Có lần phải tìm it' đồ trong nhà kho, Bảo vô tình thấy cái vòng đeo cổ có bảng tên và số của con Dave. Bảo thựbàng hoàng và thương Dave khi nhớ lại lời khoe của bố ngày ở VN về, vụ đi ăn cỗ của ba vị đàn ông hôm nào...chắc là có liên quan tới sựất tích của nó. Lòng Bảo thắt lại...Con Dave đã bị đưa đi làm thịt, xác nó chắc đã chôn trong...bụng người ta rồi! Dù nó chỉ là giống vật...nhưng thực sựcó mối thân tình giữa nó và mọi người trong nhà..không khác một người bạn...một người thành viên của gia đình. Tuy nhiên, vì kính trọng bậc trên, Bảo cũng chỉ âm thầm biết một mình...

Bỗng một đêm, cả nhà đều choàng thức giấc vì tiếng chó sủa ầm nhà. Con Thanh từ trong phòng phóng ra mừng rỡ la lên:
Ðave...con Dave đã...

Câu nói chưa dứt thì một phát súng từ ngoài bắn vào nhà làm vỡ tan kính cửa sổ phòng khách, mọi người sợ hãi nằm rạp cả xuống.
Bố la:
-Có trộm...cẩn thận...
Bên ngoài, có tiếng người hét lớn:
-Chạy...

Nhiều tiếng chân chạy rầm rập...tiếng mở, đóng cửa xe, tiếng máy nổ...và tiếng bánh xe rít trên mặt đường trước nhà. Ðợi cả mươi phút, khi chắc chắn bọn trộm cướp đã thực sự bỏ đi, mọi người trong nhà mới lồm cồm đứng dậy.
Thanh lên tiếng trước:
-Con Dave đã về, bố ơi.

Ðúng âm thanh chó sủa ở trong nhà đã đánh thức mọi người khiến bọn cướp sợ hãi bỏ chạy. Nhưng có phải là do con Dave không? Cả nhà xôn xao tìm kiếm khắp nơi..kể cả ngoài vườn hoa...nhưng không thấy bóng một con chó nào cả. Con Thanh thất vọng khóc rưng rức. Mọi người yên lặng buồn xo. Cuối cùng, ông nội khẽ nói:
-Thôi nín đi...để mai ông mua đền cháu con Dave khác nhé...
Con Thanh lắc đầu...
Bảo thấy lời ông có chút nghẹn ngào...Và cũng từ đó Bảo biết rằng...quả thực có ma chó, mà lại là một loài ma không đến nỗi tệ!
 

kucut3

Member
bó táy với mấy người này ......chó nhà nuôi mà cũng ăn ............
 

zZĩnz

Member
truyện ma huhuhuhuuhuhuuhuhuh Nhưng mà em thấy nhiều em chó mũi cũng đỏ đỏ mà có cái j đâu 8->8-> chả nhẽ thiên hạ đồn thổi sao ???
 

hoabattuqn

Cấm truy cập vì vi phạm nội quy
Cho trắng mũi đỏ , mấy con chó này chắc là khôn lắm nhỉ.nhưng nó mà được tắm rửa sach sẽ nhìn còn đáng yêu hơn đó.
.............
Hat
Nhac, nghe nhac
Tap hat
 
Top