thêm một truyện nữa nè:
Hai con chó & Bản năng sinh tồn
Con thứ nhất:
Nó là con chó lai giống Becgiê, chúng tôi mua giống tận thành phố Đà Nẵng mang về. Nó ăn nhiều và lớn nhanh như thổi, chỉ 6 tháng sau nó đã to khỏe nhất làng.
Nhờ to khỏe nhất làng nên nó có thể đi bất kỳ nơi đâu mà không sợ bị đám "ỉ gần nhà" rượt. Nó có thể đến bất kỳ nhà ai để ăn, thậm chí đến nhà người khác để rượt "chủ nhà". Nó được xòm làng đặt tên "chó đi ăn giỗ" chỉ vì nhà nào có đám giỗ là nó đến ăn cả ngày.
Nhờ to khỏe nên nó có thể giành "gái" dễ dàng, bất kỳ nơi nào có "gái" là nó đến và được đáp ứng ngay, con nào lén phén là nó cắn chết mẹ, vì thế mà nó không phải thức khuya dậy sớm để tranh với các con cho khác.
Người ta nuôi chó để giữ nhà, còn nhà tôi nuôi chó phải giữ chó, xóm làng thì ai cũng biết nó là con chó của nhà tôi nên không ai đánh đập, nhưng có bọn bắt cho trộm thì nó thèm con chó nhà tôi lắm. Vì vậy, cứ mỗi tối về là nhà tôi phải dắt con con chó vào nhà, trải khăn bông cho nó nằm, không dám thả ra trong đêm.
Lại phải thường xuyên tắm gội cho nó, thỉnh thoảng mua thịt tươi cho nó ăn, tập cho nó nhảy cao, chạy tốc độ...
Gia đình tôi tự hào vì con chó, ai đụng đến nó cứ như là đã xúc phạm đến danh dự của nhà. Được cái nó khôn, không cắn người, không bắt gà vịt hàng xóm nên cũng ít khi đụng độ.
Con chó thứ 2:
Đó là một ngày mồng 1 Tết, nhà tôi ngủ dậy thấy có con cho con xù xì cứ vẫy đuôi mừng, rồi liếm chân mọi người trong nhà, nó cứ như đã ở nhà tôi lâu lắm rồi. Theo tục nhà quê “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì may” nên cả nhà tôi cứ mặc kệ nó sống trong nhà.
Nhà tôi có 1 trang trại, đó là một cánh đồng rộng cách biệt khu dân cư. Từ trang trại đến nhà dân gần nhất phải 4km, trang trại này được nuôi sống bằng mồ hôi và sự sáng tạo của ba má tôi, đó là nơi giúp anh em chúng tôi có cái ăn, cái mặc. Đó cũng sẽ là nơi con chó này sống.
Ba tôi mang con chó ra trang trại, làm phép để nó không còn nhớ đường về. Mỗi ngày nó được ăn 1 lần, còn lại nó tự đi bắt chim bắt chuột để ăn. Nó là giống cho cỏ nên nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn và sống rất bản năng.
Chẳng bao lâu nó đã tỏ rõ sự nguy hiểm và lợi ích của nó. Nó săn bắt đại tài, nếu nó đã phát hiện được con mồi thì nó rình cả ngày, nó bỏ ăn để theo con mồi đến cùng. Lúc nó đang săn, nếu có kêu nó gắt lắm thì nó cũng chạy về, vẫy đuôi, rồi thì lại chạy đi tiếp, không ăn.
Bắt chuột là chuyện quá thường, thỉnh thoảng nó bắt mèo hoang và chồn, xong lại mang xác về. Nhiều phen mang được xác con mồi về đến nhà thì nó cũng kiệt sức, nằm duỗi dọc, thở dài, không buồn đến ăn uống.
Buổi tối, một mình nó ở lại và canh giữ trang trại, nếu người từ trang trại khác đến trang trại nhà tôi thì cả ngày hôm sau nó hướng về phía ấy mà sủa, gặp mặt người ấy là nó sủa, sủa rất gắt, kiểu rất bất bình. Nhiều lần như thế nhà tôi cũng hiểu được nó.
Cứ thế, mỗi đêm nó ở lại một mình, đến sáng thì nó đứng đợi ba má tôi ra, nó mừng và chạy sủa quanh cả trang trại, còn lại tôi cũng không hiểu nó sẽ buồn và thất vọng đến mức nào nếu ngày ấy ba má tôi bận việc.
Khác với con cho becgie ở nhà, con chó nay chủ yếu được huấn luyện săn bắt, tôi thuộc một số khẩu lệnh mà ba tôi thường dùng với nó:
- Ô về ô: khi ông hét to như vậy thì con chó nghe sẽ chạy về
- Ô đây: con chó sẽ chạy theo ông, săn mồi quanh vị trí ông đứng
- Ô xịt…xịt..: con chó sẽ chạy về hướng tay ông chỉ hoặc hướng ông quăng đá và săn mồi ở đó.
- Ô im: con chó im lặng
Điều thú vị là khi bắt mồi, nó thường ngặm ngay cổ con mồi và xiết cho đến chết, đó là bản năng của nó, không ai dạy được cho nó và con người muốn học cũng không làm được.
Nó bơi rất giỏi, khác với các con cho khác thường sợ nước thì con chó này rất chịu bơi, thỉnh thoảng ba tôi dắt nó ra sông để tắm cho nó (trang trại nằm sát sông).
Cùng với đồng ruộng, con chó trưởng thành lúc nào nhà tôi cũng không để ý, chỉ thấy nó không còn lớn nữa mà chỉ ngày càng khôn ra, ngày càng thân thiết và gần như chiếm được niềm tin tuyệt đối của ba má tôi. Vì thế, đồng ruộng ngày càng trở nên gắng bó với ba má.
Đó là buổi sáng ngày hè nóng nực ở miền Trung, ba má tôi ra trang trại như thường lệ, không con chó chạy tung tăng, cũng không nghe tiếng sủa mừng của nó, định lòng chắc nó đang rình mồi.
Vào nhà (trong trang trại có 1 cái nhà để ở), ba tôi nghe tiếng “hư hử”, nhìn lại thì thấy con chó nằm duỗi chân, phơi bụng, mắt nhắm nghiền, toàn thân cứng đơ, tiếng “hư hử” như lời từ biệt cuối cùng của cuộc đời với người chủ cưu mang đời nó. “Con chó chết rồi má mi ơi” là câu nói rã rời của ông chủ trang trại.
Nhưng ba má tôi vẫn chưa tin nó chết, ba đào cái ổ đất ẩm, chôn thân hình nó xuống, chừa lại cái mủi cho nó thở, má tôi cà đậu xanh nước đường, chanh… đỗ cho nó, rồi làm các loại thuốc dân gian đắp hoặc đỗ cho nó uống, nhớ gì làm nấy, người ta chỉ sao làm vậy. Nhưng con chó vẫn nằm im, vẫn cứng đơ.
Thương con chó, ba tôi không chịu bó tay, ông thử phân tích nguyên nhân để tìm giải pháp cấp cứu hữu hiệu. Rồi ông nghĩ chắc đêm qua nó săn đụng rắn Hổ gió, đó là loại rắn không cần cắn mà chỉ cần phun hơi độc có thể gây chết người. Chắc con chó đang bị nọc độc của nó. Nghĩ là làm, ông kêu mọi người đi tìm lá xông, nấu lên rồi ông xông cho con chó.
Xong, ông lấy áo quấn quanh, giữ ấm cho con chó, ông đã làm hết cách, ông đã lo lắng cho nó không khác gì cho các đứa con của ông. Vẫn hối hả, bồn chồn, chờ đợi. Cả ngày ông chẳng làm gì, cứ lần quần nghe tiếng hư hử của con chó ngày càng yếu đi.
Nói lại con becgie ở nhà, nó đã bị chết theo cái cách mà cả nhà tôi suốt nhiều năm trời đề phòng.
Đó là một đêm tối trời, người nhà tôi đi chơi về khuya, mở cửa dắt xe vào nhà, cũng là lúc con chó chui ra, chắc là tranh thủ “đánh dấu lãnh thổ”. Thế là nó bị bỏ sót bên ngoài.
Sáng ra thấy trước nhà có máu rãi rác khắp con đường, dù không tin nhưng sự thật vẫn là sự thật, con Becgie đã mãi mãi ra đi.
Bọn bắt chó trộm có rất nhiều chiêu, nếu bắt cho sống (thường là chó cảnh) thì chúng dùng dây thòng lòng để xiết cổ, lôi đi, bỏ bao mang đi. Còn nếu bắt chó thịt thì phổ biến nhất vẫn là bỏ bã và soi đèn pin rồi dùng gậy đập vào đầu, rất dã mang.
Con chó bị bỏ bã chỉ ngất xỉu chứ không chết ngay, nếu phát hiện sớm có thể dùng nước lạnh tưới lên, con chó sẽ tỉnh lại, còn nếu quá 1 giờ đồng hồ sẽ chết. Ngược lại, nếu bị soi đèn pin và đập thì con chó sẽ chết ngay, không kịp sủa. trong trường hợp này, sẽ có máu me bê bết, rãi khắp đoạn đường bọn trộm mang xác con chó đi. Đó chính là trường hợp con Becgie nhà tôi.
Cuộc đời nó như thế cũng đã đủ, nó chỉ ăn, chạy nhông nhông ngoài đường, phá bỉnh thên hạ, hưởng thụ đủ món từ ăn uống đến “gái gú”. Nhưng dù không nói ra chắc các bạn cũng hiểu nhà tôi tự hào vì nó chừng nào, và niềm tự hào ấy đã bị kết liễu đơn giản bởi một gậy của kẻ trộm. Quá đơn giản!
Dù đã đề phòng nhiều năm, dù căm ghét bọn bắt chó trộm thì cũng phải chấp nhận mất con chó, bởi không ai lại không sai sót, không ai đủ kiên trì và chính xác để ngày ngắm đêm trông, và chỉ cần một thoáng sơ xuất là mất trắng, giống như con chó oai hùng đã chết mà không hề có một phản ứng, chết ngay cái lần sơ xuất đầu tiên, chết bắt đắc kỳ tử.
Năm ngoái, miền Trung lũ lớn, 5 cây lũ liên tiếp tràn về, ngập hết trang trại. Cứ mỗi lần lũ về thì ba má tôi phải lo chống lũ, trong đó có 1 việc không bao giờ thiếu là bắt đường cho con chó leo lên gác trại trú lũ, đó là công việc rất kinh nghiệm của người miền Trung, chỉ cần bắt con chó bỏ lên gác, con chó sẽ tự tìm đường xuống và đường lên, không cầm tay chỉ việc được. Sau đó ba má thu dọn mọi thứ và lùa đàn bò về nhà (nơi ở cao, lũ không đến được).
Đã 5 năm rồi, con chó vẫn ở lại với trang trại giữa biển nước, không phải quý gì mà bắt con chó ở lại trang trại để giữ, cái chính là nếu nó chạy theo về 1 lần thì nó sẽ nhớ đường và chạy về mãi, ngay cả ngày thường nó cũng chạy về, không chịu ở lại. Vì thế mà mỗi lần thấy con chó chạy theo về thì ba tôi la nó quay vào.
Vì vậy, cứ mỗi khi thấy nước sông dâng cao, ông chủ lùa bò về thì nó biết là nó sắp phải ở lại một mình, điều đó vô tình dạy cho nó một hành động ngoài dự đoán của con người: Thay vì chạy theo đàn bò về thì con chó lén chạy theo sau, vì sợ ông chủ la trở lại nên nó phải làm vậy. Nhà tôi lại mất con chó từ đó, ba má tôi như mất một người bạn, đồng ruộng như mất niềm vui và sự nhộn nhịp. Đó là thiệt hại lớn nhất do thiên tai gây ra cho nhà tôi trong năm ngoái.
Lùa đàn bò về tới nhà, nhốt bò vô chuồng, mưa lạnh, mệt mỏi, ba tôi định nghỉ lưng thì từ nhà dưới má tôi hỏi vọng lên:
- Ông về còn con chó đâu rồi?
- Chó nó ở ngoài đó chứ hỏi chi rứa.
- Chu cha, ông không thấy con chó chạy theo về hả?
- Ở đâu?
Má tôi giải thích:
- Lúc ông lùa bò qua đường nhựa tràn (nước tràn đường) thì con chó ở ngay sau ông đó.
- Bà thấy sao không chỉ tui
- Tui tưởng ông dắt nó về theo, mà mưa gió kiểu này làm sao nói được.
Ba tôi đội mưa đi ra đường nhựa tràn với hi vọng tìm con chó, trời tối sập, nước lớn nhanh, đường nhựa tràn trở thành biển nước tự bao giờ. Sáng hôm sau, trời tờ mờ sáng, ba tôi đã bơi ghe ra trang trại kiếm con chó, nhưng điều đó cũng chỉ là một lời khẳng định: Con chó đã bị nước lũ cuốn trôi thật rồi.
Từ đó, ba tôi luôn trách má tôi mỗi khi có ai nhắc về con chó: “Bà thấy con chó chạy theo mà không chịu nói tui một tiếng”, còn má tôi thì trách ba tôi: “Con chó chạy theo 4,5 cây số mà không thấy”, ai cũng có lý do để trách nhau, không ai đủ can đảm nhận mình đã làm mất con chó.
Dải đất miền Trung đã thật sự bước vào mùa nắng, nếu được ở đây bạn sẽ hiểu “hoa nắng” là gì, nắng mà cũng có hoa ư? Thật đấy, nắng làm mắt con người bị hoa, bị choáng, nhiều lúc nhìn nắng chỉ toàn thấy những cánh sao nho nhỏ nhảy tưng tưng giữa không trung, những ngôi sao nho nhỏ do cảm giác mà có ấy chính là “hoa nắng”, người miền Trung còn gọi “nắng như thấy sao” đấy.
Một buổi trưa, gát cuốc ngồi nhìn hoa nắng trong trang trại, ba tôi không thể tin vào mắt mình nữa, bởi ông thấy con chó bị nước lũ cuốn trôi từ năm ngoái lại chạy về. Nó vừa đi vừa lôi cả một đoạn dây xích dài khoảng 3m, cuối đoạn dây xích còn có 1 cái vòng sắt. Thật khổ nhọc, nó đi một đoạn lại vướn, lại cố thoát ra để đi, nó cứ hướng về phía trang trại. Không ngồi yên được, ba tôi ra đón nó, dắt nó vào trang trại. Nó mệt nhoài, toàn thân rả rời, lại có cả vết trầy xước do bị đánh. Chắc nó đã kiệt sức bởi nó không vui mừng gì mấy khi gặp lại chủ, mà nó chỉ chui vào góc nhà nằm thiếp đi.
Nhìn con chó tội nghiệp, ba tôi tháo dây xích cổ cho nó rồi lấy cơm cho nó ăn, nhưng nó cũng không ăn được bao nhiêu, lại nằm. Ông nhủ lòng “mày còn sống trở về đây với tao là được rồi”. Chỗ nó bị nước lũ cuốn trôi cách trang trại hơn 4km, đường đi lại phức tạp, trong đó có 2km đường quốc lộ, 3 chiếc cầu, còn lại là bờ ruộng quanh co, lại lôi cả đoạn xích dài với cái vòng, vậy mà nó vẫn về được.
Ba tôi đoán chắc khi nó bị nước lũ cuốn trôi thì có người vớt được, hoặc nó bị trôi tấp vào nhà ai đó, nhưng nhờ khả năng “giao tiếp và ứng xử” tốt mà thoát được cái “lá mơ củ riềng”, thay vào đó người ta nhốt nó lại và nuôi như chó nhà. Nhìn cái dây xích trong cổ nó lôi theo thì biết.
Khi bị nuôi nhốt như vậy, tâm trạng nó không khác gì con Hổ của Thế Lữ, vậy nên, chỉ cần có cơ hội là nó băng đi, không loại trừ khả năng nó nhớ “cơm muối đậu, rau mắm nêm” của ba má tôi.
Ba tôi vui mừng ra mặt, ông khoe với mọi người rằng “con chó của tôi đã về”, ông còn gọi điện cho má tôi ra trang trại xem con chó đã về. Nhưng lúc mọi người đến xem “con chó đã về” của ông thì không còn thấy đâu nữa, ai cũng nghĩ là ông nói dối, còn ông thì bán tin bán nghi. Ông nói: “Rõ ràng là cái tô tôi cho nó ăn còn đây, và đoạn dây xích nó lôi về vẫn còn đây”.
Cả tuần sau vẫn không thấy con chó đâu cả, chỉ còn lại đoạn dây xích để ba tôi tin là không phải ma. Nhưng từ đó trong đầu ông luôn tự hỏi: Con chó đi đâu?
Ông thấy con chó về rồi thì tại răng mà không cột nó lại
- Ủa, chớ ai biết đâu cái chuyện nớ mô, cứ tưởng hắn về rồi thì hắn ở với mình, hồi mô tới chừ có cột bao giờ đâu nào?
- Uổng công nuôi con chó
- Úa, chớ uổng thì đã uổng từ cây lũ năm ngoái kia chớ, đâu bữa ni mới uổng nay?
- Ông cứ nói chuyện như ma
Ba má tôi cứ mãi trách nhau mỗi khi có ai hỏi đến con chó, thậm chí ba má còn trách nhau ngay cả khi chẳng ai hỏi, cứ nhớ lại con chó thì ba má tôi lại trách nhau. Những lời trách không quá nặng nề nhưng lại dai dẳng, cũng vì nó không nặng nề nên nó được dịp để dai dẵng và cũng không bao giờ tìm ra được gốc rễ của sự việc.
Lúc buồn thì ba tôi phân trần “hắn về, mình đã đổ cơm cho hắn ăn rồi chứ phải chi, vậy mà hắn lại đi”, cứ như hạt cơm của ông đã gói gắm bao nhiêu ân tình, đợi mong trong đó. Lắm khi ông như trách con chó, nó đã quá vô tình, nó đã làm ông mất nhiều đêm gát tay lên trán mà thở dài.
Rồi thì mọi thứ cũng dần trôi qua, ba tôi cũng không còn xăm soi cái đoạn dây xích nữa, không ai còn nói đến con chó nữa. Đúng lúc đó, con chó lại chạy về, rất ngạc nhiên, cũng đúng giờ trưa, cũng trong cái đám “hoa nắng” ấy, cũng mang 1 đoạn dây xích giống nguyên như trước, chỉ có điều khác là bây giờ nó chạy về trong sự chứng kiến của cả nhà tôi chứ không phải một mình ba tôi như trước. Bạn biết ba tôi làm gì không? Không cần suy nghĩ, mà thật ra ông đã suy nghĩ quá nhiều rồi, Ông bắt con chó và cột thật chặt, nó sẽ không bao giờ mất nữa. Đơn giản vậy thôi, ba má tôi, gia đình tôi sẽ không bao giờ mất con chó nữa, họ đã cột nó rất cẩn thận.
Con chó chạy về đã xoá tan mọi nghi ngờ, mọi trách móc. Nhưng cũng từ đó, ba má tôi mỗi ngày phải “cơm bưng nước rót” cho con chó, dắt nó đi tiểu tiện, ông bà thay phiên nhau, nhắc nhỡ nhau chuyện ấy, rất tự nguyện, một cách tự nguyện làm khổ bản thân.
Còn con chó, từ ngày bị cột, nó cũng chẳng buồn, nó cũng chẳng sủa, cứ nằm, ai cho gì ăn nấy, ai dắt ra ngoài thì ngửi ngửi rồi “xả nước cứu thân”. Không hề nhìn thấy hình ảnh con chó tung tăng chạy nhảy ngày xưa, chắc nó quên cả rồi, chắc cuộc sống đưa đẩy nó quá nhiều đến độ nó không còn là nó?