• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Cảnh khuyển: Khắc tinh của nhiều loại tội phạm!

Pluto

New Member
(VietNamNet) - Góp phần vào chiến công của nhiều chuyên án, phải kể đến sự góp sức không nhỏ của những chú chó nghiệp vụ luôn xông xáo, sục sạo, tìm ra dấu vết đối tượng hoặc truy tìm ma túy, thuốc nổ...

Huấn luyện chó nghiệp vụ, nghề vất nhưng lắm niềm vui

"Huấn luyện chó nghiệp vụ, hiếm ai mà không có từng chùm sẹo trên người. Chưa bị chó cắn, chưa được coi là chuyên gia huấn luyện chó nghiệp vụ", Thượng tá Lê Xuân Phong, Phó Trưởng phòng huấn luyện chó nghiệp vụ, Trường Huấn luyện chó nghiệp vụ, Bộ Công an (C32) vui vẻ nói.


Lớp huấn luyện chó nghiệp vụ (Trường C32).
Trên thực tế, để huấn luyện được một chú chó có thể sử dụng được khi phá án không hề đơn giản chút nào. Nghề huấn luyện chó lương thì thấp mà hàng ngày phải đổ mồ hôi trên sân tập 6 tiếng/ngày và bị chó cắn là chuyện thường.

Tiêu chuẩn hàng đầu của nghề huấn luyện chó là phải yêu quý động vật, sau đó cần có sức khỏe để hàng ngày có thể luyện tập được với chú chó lên tới hơn 40 kg. Trong trường hợp chạy đường vết, phải cùng chú chó nghiệp vụ chạy theo đường vết tới mấy cây số, không được nghỉ giữa đường.

Trong nhiều trường hợp, người huấn luyện phải đóng giả tội phạm để cho những chú chó nghiệp vụ tha hồ tấn công. Sau những lần như thế, khắp người đau ê ẩm. Còn trong trường hợp phải kích thích chó nghiệp vụ xông vào cắn, thì người huấn luyện bị cả chú chó nặng hơn 40 kg, xồ đến, thậm chí đè ra để cắn (người huấn luyện có quần áo bảo hộ).

Phóng viên VietNamNet được tận mắt chứng kiến một chiến sỹ công an huấn luyện chó nghiệp vụ tìm ma túy. Khi chú chó tìm thấy "ma túy" (không có ma túy thật, chỉ là miếng vải tinh khiết đã được ướp hơi có mùi ma túy), người huấn luyện luôn miệng "giỏi lắm, giỏi lắm" để động viên chú chó của mình. Trong những câu "nịnh đầm" như vậy toát lên tình cảm đặc biệt của người huấn luyện với chú chó cưng của mình.

Chó nghiệp vụ cũng phải thi tốt nghiệp
Mỗi khóa huấn luyện chó phải mất 6 tháng, trong đó người huấn luyện có 1 tháng học lý thuyết, sau đó sẽ được giao cho một chú chó để huấn luyện.

Trong thời gian đầu những chú chó được tập những động tác cơ bản: rèn luyện thể lực, rèn luyện tính kỷ luật, vượt chướng ngại vật theo lệnh. Sau một tháng tập luyện những động tác cơ bản, những chú chó này sẽ được chuyển sang giai đoạn huấn luyện nghiệp vụ theo các chuyên khoa khác nhau.


Đóng giả đối tượng để chó nghiệp vụ tấn công
Các chú chó nghiệp vụ sẽ được chia làm 3 chuyên khoa: chó bảo vệ truy tìm dấu vết hơi; chó truy lùng, phát hiện các chất đặc định (ma túy, vật liệu nổ) và chuyên khoa chó nghiệp vụ giám định mùi hơi (căn cứ vào dấu vết hơi để lại tại hiện trường- chó hình sự).

Thượng tá Lê Xuân Phong cho biết: "Riêng chó béc-giê có thể dùng vào tất cả các chuyên khoa. Còn loại chó Cokcor, giống Tây Ban Nha (trông nhỏ và rất giống chó Nhật nhưng lông không xù), với bản năng ham vật, ham sục sạo, tính cách cần mẫn nên được đặc biệt "trưng dụng" cho việc truy tìm các chất ma túy."

Trước khi mỗi chú chó được đưa vào huấn luyện để trở thành những chú chó nghiệp vụ, cần có cả một Ban giám định để xem chú chó đó có đủ các tiêu chuẩn về ngoại hình, thể chất, thần kinh, trọng lượng. Nếu đạt các tiêu chuẩn kể trên, chú chó đó mới được đưa vào để huấn luyện trở thành chó nghiệp vụ.

Thông thường phải mất 4 đến 5 ngày để người huấn luyện thân hòa với chú chó, sau đó mới có thể bước vào giai đoạn huấn luyện. Sau này, những chú chó nghiệp vụ cũng chỉ nghe theo lệnh của một người duy nhất là người huấn luyện.

Chú chó tập vượt cầu.

Sau giờ tập luyện


Sau 6 tháng huấn luyện, cả người huấn luyện và chú chó đều phải trải qua một kỳ thi tốt nghiệp rất nghiêm túc. Trong suốt quá trình huấn luyện đó, cả người huấn luyện và chó còn phải vượt qua nhiều đợt kiểm tra giữa kỳ, sơ kết giữa kỳ... Và để đạt tốt nghiệp thì người huấn luyện và những chú chó phải vượt qua mức tối thiểu là điểm trung bình.

Cũng có trường hợp, có những chú chó không qua được kỳ thi tốt nghiệp. Khi đó chú chó sẽ bị lưu ban, phải chờ học lại khóa huấn luyện sau. Khi người huấn luyện chó nghiệp vụ và những chú chó vượt qua các kỳ thi tốt nghiệp, người huấn luyện và những chú chó nghiệp vụ đó sẽ trở về địa phương để phục vụ công tác chống tội phạm.

Sau 2 - 3 năm cần nâng cao và củng cố nghiệp vụ, những chú chó nghiệp vụ lại trở về Trường C32 để tham gia lớp huấn luyện nâng cao. Mỗi năm có 120-130 chú chó nghiệp vụ được tốt nghiệp từ Trường C32.

Chó nghiệp vụ tham gia tác chiến

Tham gia vào nhiều chuyên án, những chú chó nghiệp vụ đã góp phần vào những chiến công của các chiến sỹ công an. Có sự cộng tác nhiều nhất của những chú chó nghiệp vụ phải kể đến công tác chống tội phạm ma túy.

Một đồng chí ở C17 (Cục phòng chống tội phạm ma túy) vui vẻ kể về những chú chó nghiệp vụ đã cùng C17 tham gia phá án: "Chó nghiệp vụ có tác dụng nhất là khi đánh xóa các tụ điểm ma túy. Các con nghiện khi thấy những chú chó béc-giê tới gần 50 kg sồng sộc lao tới thì rất sợ, không dám dùng bơm, kim tiêm đe dọa, uy hiếp cán bộ.


Chú chó Cokcor đang tập tìm ma túy.
Trong một lần đánh phá một tụ điểm ma túy nổi tiếng, trong lúc chạy trốn công an, có những đối tượng nhảy cả xuống ao bèo tấm, chỉ ngóc mũi lên thở. Không để lọt tội phạm, nhanh như cắt, những chú chó nghiệp vụ lao xuống ao, bơi về phía các đối tượng. Thấy chó nghiệp vụ bơi đến, các đối tượng sợ quá liền lóp ngóp bò lên bờ để chịu tra tay vào còng.

Có trường hợp, khi được thông báo có đối tượng vận chuyển ma túy trên một chuyến xe buýt, chưa biết mặt đối tượng, nhưng khi cho chó nghiệp vụ lên xe sục sạo là đối tượng mặt liền biến sắc, để lộ bản thân nên công an rất dễ phát hiện, kiểm tra.
Trong nhiều vụ án, những chú chó nghiệp vụ thường xông pha trong những lúc nguy hiểm. Ví dụ như trong vụ án Trần Nguyên Thủy, khi bắt đối tượng Nguyễn Đình Bồng, nghe nói tất cả các ổ điện đều lắp mìn, nếu không cẩn thận tất cả sẽ nổ tung nên chó nghiệp vụ được cho vào trước để phát hiện mìn.

Ngoài công tác chống tội phạm, truy tìm dấu vết..., thời gian gần đây, chó nghiệp vụ còn được đưa vào để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn. Vào các ngày 27, 28, 29/9/2007, Trường C32B, chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Long, Công an Thành phố Hồ Chí Minh điều động 9 chó nghiệp vụ (4 của Vĩnh Long, 5 của Công an thành phố) tham gia công tác cứu hộ và truy tìm thi thể các nạn nhân.

Từ thực tế hiện trường, tổ công tác chia làm hai nhóm, tham gia tìm kiếm tại các khu vực đã khảo sát. Kết quả tìm kiếm đã phát hiện 3 điểm trong khu vực hiện trường còn xác người bị nạn. Tổ công tác đánh dấu vị trí và đề nghị lực lượng khoan cắt bê tông, giàn giáo tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại 3 vị trí mà tổ công tác đã đánh giá. Đến 3h sáng 28/ 9/2007, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã phát hiện 2 thi thể nạn nhân.

Không chỉ là những người bạn trung thành của con người, cho đến nay, khoa học đã chứng minh chưa có loại máy móc dò bom mìn, tìm và phát hiện các chất ma túy... nào hiệu quả như những chú chó nghiệp vụ.


















 
Để góp phần giữ bình yên cuộc sống. Đề nghị các Bác phối hợp cùng AE VIETPET nhân rộng mô hình kinh nghiệm huấn luyện Chó nghiệp vụ phòng chống tội phạm giữ gìn ANTT. ( Chú nhà em mới qua 1 lớp HL mà bắt 2 cu nghiện) Thế mới Sướng. Nếu có đào tạo của CA các tỉnh về nghiệp vụ cho các chủ nuôi cho thì các chú cho nuôi trong toàn dân sẽ tham gia vào công tác phòng chống TỘI PHẠM các Bác nhỉ. Điều này các Bác CA chưa làm được.
 

Vladavia

Member
Bài này phải post vào mục "chuyện chó bốn phương" mới đúng. Bạn Pluto từ sau cố gắng để ý sắp xếp bài đúng chủ đề nhé.
 
Top