Tớ đành phải viết thư cho cậu. Dù đã từ lâu, dân gian lan truyền rằng tớ và cậu không ưa nhau, nhưng thực tế, giữa hai ta chưa khi nào có chiến tranh, có kiện cáo hoặc đứa nọ đưa đứa kia ra tòa, phải không mèo.
Mèo ơi!
Sở dĩ tớ viết thư này do tớ có một thắc mắc lớn. Như cậu đã rõ, tớ về nhà này sau cậu một năm. Ông bà chủ có mèo rồi mới có chó. Tớ chả giận cậu, cũng chả cho vậy là bất công vì rất nhiều gia đình khác có chó rồi mới có mèo.
Vấn đề chả phải đến trước hay sau, mà ở chỗ cho tới tận phút này, sau ba tháng chung sống với tư cách con chó (chứ không phải con cáo) trong nhà, tớ vẫn chả hiểu ai thực sự là chủ nhân.
Mèo ơi!
Chúng ta đâu phải gia súc hay gia cầm. Những giống ấy gia đình nuôi để giết thịt hay để bán đi. Tất nhiên ngày nay vẫn còn vài gia đình ăn thịt chó mèo nhưng chuyện ấy rất ít khi xảy ra trong thành thị. Chúng ta tồn tại với tư cách bạn bè, và bổn phận của chúng ta là trung thành với chủ nhân. Nhưng vấn đề ai là chủ nhân? Tớ không phải là đứa ham danh vọng, không phải tên nịnh bợ nhưng tớ hình dung một gia đình, như một xí nghiệp, phải có người chịu trách nhiệm cao nhất. Thế mà cách cư xử trong cái nhà này khiến tớ chả hiểu ra sao, chẳng biết đâu mà lần.
Tớ thấy rõ ràng nhiều khi bà chủ là quan trọng nhất. Bà ra lệnh cho ông chủ nộp tiền. Bà sai ông chủ đi tắm hoặc bắt ông rửa tay chân. Bà làm vương làm tướng trong bếp. Bà quát tháo chị oshin, cãi nhau với bác thu tiền điện và dọa đưa bác ấy ra tòa khi có hóa đơn sai hay bà cho rằng sai.
Bà muốn cho mọi người ăn gì thì ăn. Hễ ai có vẻ phản đối thì bà gào lên “tôi kiệt sức rồi” hoặc “tưởng có máy in tiền sao mà ăn lắm thế” khiến mọi người im thin thít.
Bà quy định giờ tiếp khách và quy định cả loại khách được mời. Tớ đã tận mắt nhìn thấy khi ông chủ đưa về nhà khách nào bà không thích thì mặt bà cứ sưng lên, khiến khách vội vã chào rồi chuồn nhanh như cắt. Bà còn quyết định khi nào thì giặt chăn mền, khi nào thì thay bếp ga hoặc thay chổi mới. Bà thét lên khi thấy ông hút thuốc lá hoặc khi kiến chui vô lọ đường. Rõ ràng bà là tư lệnh tối cao. Nhưng tớ cũng rất kinh ngạc khi thấy nhiều khi hình như không phải thế. Nhiều khi ông chủ mới là chủ của nhà này.
Bình thường thì ông im lặng, ông nín nhịn. Tận mắt tớ đã thấy ông vừa nhai món bà nấu vừa nhăn mặt nhưng cố không để lộ ra. Ông chẻ củi khi bà sai và ông gội đầu khi bà nhắc nhở.
Nhưng cũng vài lần ông đã hét lên. Ông đập bàn và đập tay vô quả trứng khiến nó vỡ tan tành. Ông gào là ông chịu đựng đủ rồi, im lặng đủ rồi, đã tới lúc kẻ khác im lặng, và quả nhiên mọi người im thin thít.
Hoặc thỉnh thoảng ông đùng đùng ra đi, đóng sầm cửa lại sau lưng. Ông kêu rằng ông sẽ đến bờ sông và nhảy xuống. Thế là bà chủ kêu khóc van xin, và ông hạ cố trở lại, mặt vẫn hầm hầm.
Đã hai ba lần ông lôi ba bốn ông nữa về nhà. Họ khui bia, khui rượu ầm ầm, sau đó uống say rồi hát oang oang khiến bà chủ trốn trên gác xép chả thò mặt ra. Nhất là dịp cuối năm hay ngày lễ, ông mang tiền thưởng hay quà tết về nhà. Mặt ông vênh vênh, giọng ông vang vang, mũi ông nhô ra và răng cũng nhô ra. Mọi người xúm xít quanh ông, đỡ ông, quạt và lấy nước cho ông, rõ ràng ông là bậc uy thế nhất gia đình ta.
Vậy thực sự ai là xếp cao nhất ở đây? Ai hả mèo? Đầu óc tớ cứ rối tinh lên. Tớ hiểu bất kỳ nơi đâu hiện nay cũng đang phấn đấu cho việc chịu trách nhiệm đích danh. Do đó tớ muốn biết đích danh ai quan trọng nhất trong nhà này để cư xử cho đúng quy chế, cho không trái luật lệ. Luật lệ, như cậu biết, mèo ạ, là yếu tố cơ bản của mọi tổ chức, kể cả gia đình.
Cậu hãy cho tớ biết nhanh lên, để tớ còn có cơ hội chứng minh mình là một thuộc hạ nắm vững kỷ cương và có ý thức chấp hành.
Mong thư cậu.
Cám ơn nhiều.
Trần Mực.
Lê Hoàng
Thanh Niên Online
Thanh Niên Online