• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Có một "tội ác" giữa lòng Hà Nội?

amifidele

Member
Bài viết nầy đã làm tôi bị choáng, tụt huyết áp và lạnh run người trưa nay.

Bỗng dưng muốn khóc ...thật sự.

Có một "tội ác" giữa lòng Hà Nội?

Thế mà ngay tại thành phố lớn, nơi hiện đại nhất và những tưởng con người phải văn minh nhất, văn hoá nhất ấy vậy mà những cảnh tượng phản văn hoá vẫn tồn tại ngang nhiên, thậm chí được nhiều người tán thưởng. Ngay tại hai địa điểm văn hoá của Thủ đô là Bách Thảo nằm trên con đường Hoàng Hoa Thám và công viên Lê Nin trên đường Lê Duẩn – nơi có rất nhiều trẻ em vui chơi - những cảnh tượng hãi hùng vẫn diễn ra mỗi ngày: Người ta vặt trụi lông của những con chim sẻ, những con chim ngói mới được đánh bẫy ngay khi chúng còn sống và treo chúng lại thành xâu để bán cho người qua đường.





Những con chim bị vặt trụi lông vũ ngay khi còn sống


Anh đồng nghiệp cùng cơ quan kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện: Con gái gái anh đang học tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ nước ngoài tại Việt Nam. Thầy giáo đưa ra một chủ đề để thảo luận: Có hay không nên tồn tại sở thú trong thành phố ? Cả lớp được chia thành hai nhóm và bảo vệ quan điểm của nhóm mình. Kết thúc buổi thảo luận, nhóm phản đối sự tồn tại của sở thú, phản đối việc những con thú bị nhốt trong chuồng sắt đến chết dần, chết mòn đã giành điểm cao hơn khi thay thế sở thú bằng mô hình khu sinh thái như nhiều quốc gia đã làm, đưa những con vật đến gần với thiên nhiên hơn. Ngay cả trong bài học, những loài động vật cũng được bảo vệ một cách mạnh mẽ.



Trần trụi và co ro trên vỉa hè


Ở Việt Nam, nhiều ông lão, bà lão nông dân nghèo đã tình nguyện bỏ những lợi ích cá nhân của mình để bảo vệ những khu vườn xanh ngắt, nơi những đàn chim, đàn cò có nơi cư ngụ và sinh sôi nảy nở. Những ông lão, bà lão ấy không được trải qua những giờ học đầy ý nghĩa như con gái của anh bạn đồng nghiệp của tôi, nhưng họ vẫn đầy lòng nhân bản và trắc ẩn với những loài động vật.


Anh bạn tôi than phiền: Thế mà ngay tại thành phố lớn, nơi hiện đại nhất và những tưởng con người phải văn minh nhất, văn hoá nhất ấy vậy mà những cảnh tượng phản văn hoá vẫn tồn tại ngang nhiên, thậm chí được nhiều người tán thưởng. Hàng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp “những chiếc xe chở xác chết” phóng trên những con đường đầy bụi của thành phố. Đó là những con lợn trắng hếu bị mổ phanh chiếc bụng đỏ lòm những máu. Đó là những con chó thui nhe hàm răng trắng nhởn nằm hai bên vệ đường mà chúng ta có thể nhìn thấy bất cứ nơi nào. Và ngay tại hai địa điểm văn hoá của Thủ đô là Bách Thảo nằm trên con đường Hoàng Hoa Thám và công viên Lê Nin trên đường Lê Duẩn – nơi có rất nhiều trẻ em vui chơi - những cảnh tượng hãi hùng vẫn diễn ra mỗi ngày: Người ta vặt trụi lông của những con chim sẻ, những con chim ngói mới được đánh bẫy ngay khi chúng còn sống và treo chúng lại thành xâu để bán cho người qua đường.


Người bán rõ ràng chẳng cần biết đến những con chim tội nghiệp bị vặt trụi lông co ro trong một chiều gió. Người mua cũng chỉ nghĩ tới bữa cháo ăn khuya béo ngậy cho chồng, cho con của mình. Những đứa trẻ con đi qua có thể hoảng hốt, có thể sợ hãi, thương cảm khi lần đầu tiên thấy những cảnh đó. Nhưng rồi chúng dần quen đi bởi cha mẹ chúng dạy cho chúng thấy rằng những con chim ấy sẽ trở thành những món ăn ngon, bổ. Và những lần sau, chúng sẽ thích thú khi nhìn thấy những con chim trần truồng với ánh mắt khiếp hãi. Những đứa trẻ không còn biết xúc động trước những cảnh tượng hãi hùng ấy nữa. Và lớn lên, chúng sẽ trở thành những người đàn ông xách súng săn đi lùng bắn những con chim trên những vòm cây xanh của thành phố. Sự lạnh lùng, vô tình của mầm ác trong tâm hồn trẻ thơ lớn dần lên như thế.


Chúng tôi không muốn đưa ra một bài học đạo đức hay muốn lên lớp ai. Chúng tôi chỉ muốn mời quý độc giả cùng theo dõi câu chuyện chúng tôi ghi lại được trong một chiều cuối thu đầy gió tại đường Hoàng Hoa Thám - đối diện Bách Thảo:




Con chim khốn khổ không biết mình sắp bị giết...



... Và cả đôi chim ưng quý này cũng bị trói gô lại và được
bày bán công khai


Đôi gà lôi ...




Người vặt trụi lông những con chim sẻ, chim ngói, trói gô những
con gà gô, chim ưng có thể là một gã tóc vàng với khuôn mặt lạnh lùng thế này...




... Cũng có thể là một người phụ nữ, hoặc một đứa trẻ như thế này



Còn người mua có thể là một công chức cưỡi trên những chiếc xe đẹp đẽ...



...Hay một sinh viên...

Nhưng tất cả đều hả hê khi nướng sống những con chim vừa vị vặt trụi lông ngay trên đường phố



Và sung sướng khi nhắm rượu với món chim nướng - con chim mới bị vặt trụi lông,
nướng sống mấy phút trước đó



Và cả những con gà gô cũng không tránh khỏi số phận tương tự như những con chim sẻ, chim ngói.


Ở các nước phương Tây, người ta vẫn ăn thịt. Đương nhiên, tiêu chuẩn của họ cao hơn chúng ta vì thịt nhập từ Úc, Mỹ khi chưa tính thuế cao hơn rất nhiều giá thịt trong nước (và tất nhiên là ngon hơn - tất cả những người đã thưởng thức đều công nhận thế). Có một hãng chế biến xúc xích muốn chứng minh mình sử dụng thịt tươi nên đã in hình con bò bị chọc tiết lên bao bì sản phẩm của họ. Ngay lập tức, đã dấy lên phong trào tẩy chay sản phẩm của hãng đó. Vì chiêu marketing này, hãng thực phẩm ấy đã bị phá sản. Đó là chuyện ở phương Tây. Còn khi chúng tôi hỏi anh bán hàng: Tại sao không làm thịt rồi mới đem bán ? Anh trả lời: Vì khách hàng muốn nhìn thấy nó tươi sống - đó là lý do những người bán hàng ở đây vặt lông sống những con chim.

Câu chuyện về những con chim bị vặt trụi lông, bị thiêu sống ngay chốn công cộng giữa một thành phố văn minh, hiện đại, một thành phố được mệnh danh là thành phố hòa bình, hay lớn hơn là câu chuyện về văn hoá của những con người sống trong thành phố văn minh ấy mang lại suy nghĩ gì cho quý vị ? Chúng tôi rất mong chờ những phản hồi của tất cả quý vị độc giả của Vietimes.

Nhóm PV Vietimes (thực hiện)
Nguồn: VietNamNet



 

khanhtungbk

Member
Hì , bọn bị vặt trụi lông là chim Cút đấy ạ ! Ở đường Hoàng Hoa Thám thì mới bán được mấy năm nay thôi nhưng trên đường Láng - Hòa Lạc thì đã bán từ lâu rồi ! Khổ thân mấy em cút...
 

Bi ngố

Member
Trông cứ tội tội nhưng mà làm sao mà không có cung thì làm gì có cầu ...Không biết cái tình cảnh này còn đến bao giờ nữa ?
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Bao giờ Việt nam có luật chống ngược đãi súc vật ?

Bao giờ Việt nam có luật chống ngược đãi súc vật ?

Đoạn trích dưới đây của TUYÊN BỐ CHUNG VỀ QUYỀN CỦA ĐỘNG VẬT
http://forum.vietpet.com/showthread.php?t=4802

UNIVERSAL DECLARATION OF ANIMAL RIGHTS
.........
Article 13
a) Dead animals must be treated with respect.
b) Violent scenes, where animals are the victims, must be forbidden at the cinema and on TV, unless they are for the demonstration of animal rights.
.........
TUYÊN BỐ CHUNG VỀ QUYỀN CỦA ĐỘNG VẬT
Điều 13
a) Động vật khi chết đi vẫn phải được tôn trọng và xử lý đúng mực.
b) Nghiêm cấm truyền bá cảnh bạo lực, dã man với động vật trên TV, phim ảnh trừ khi vì mục đích tuyên truyền bảo vệ Quyền của động vật.



Lợn vào Thành phố khi trời chưa sáng.

Thịt lợn "Mường", đặc sản cho các nhà hàng sang trọng.

 

amifidele

Member
Cái ảnh thứ 2 của bác sĩ greenvet bị lạc đề rồi. Hì! Mình đang phê phán nét nhân văn của đô thị, mà đặc biệt là thủ đô mà!

Mình nhịn ăn nhịn mặc dành dụm được chút tiền để lang thang đây đó và đã thấy ở hai thủ đô không xa trong khu vực ASEAN là Singapore và Kuala Lumpur, chim chóc sống sung sướng đầy thành phố. Ở Singapore thì sáo đen mỏ vàng có mặt ở khắp nơi, ngay từ khi ta bước chân ra khỏi sân bay. Còn ở Kuala Lumpur thì ôi thôi, buổi tối chim chóc bay về ngủ đầy các cây xanh ở trung tâm thành phố, chúng kêu ríu rít và đưa cái bụng trắng hếu đầy các lùm cây khi mình nhìn lên. Và khách tản bộ lúc chạng vạng tối thì tha hồ mà bị phân chim rơi lên áo. Con gái mình ngây ngô nói là hèn chi ở đây ai cũng trùm đầu, thật ra đó là trang phục của người theo đạo hồi. Hai thành phố đầy chim chóc đó đã thật sự gây ấn tượng với mình.
 

Pumpkin

Phó CN CLB Mèo
Chị Ami ơi,

Đoạn đầu phố Hoàng Hoa Thám là một dãy phố rất đẹp, vì một bên (cách Trường THCS & THPT Chu Văn An) là Hồ Tây lộng gió, bình yên & khoáng đạt; Một bên là công viên Bách Thảo, công viên cây xanh từ thời Pháp để lại, rộng và đẹp, rất nhiều cây xanh cổ thụ rợp bóng mát.. Đặc biệt, ven hàng rào Bách Thảo, là vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám, cứ đến mùa xuân, là một loạt những cây hoa sưa cổ thụ, đua nhau nở hoa trắng như những đám mây bồng bềnh huyền ảo, và sau những cơn gió nhẹ, hoa trắng thả những cánh li ti, trắng mỏng manh làm một lớp thảm hoa trắng mềm mại xuống vỉa hè...

Ngày xưa khi còn là học sinh, em rất thích đạp xe đạp dưới con đường ấy để ngắm cây, ngắm hoa, ngắm những dải xanh rì trong Bách Thảo, ngắm gương hồ Tây êm ái xa xa...

Nhưng bây giờ, đúng là cực hình khi đi qua đoạn phố đó...

Chị ạ, ban ngày thì hàng loạt người ngồi lê la ở vỉa hè đó, tay cầm xâu chim vặt trụi lông, ve vẩy.. Họ tạo thành một "hệ thống bán hàng", lão nào, mụ nào cũng giơ cái xâu chim, vẫn sống, nhưng lông bị vặt trụi, và xâu thành cả xâu treo ngược lên, đung đưa... Chị biết không, có những chú chim bị vặt lông còn rơm rớm máu ở da, chắc chúng nó đau đớn lắm chị ạ..

Rồi những chú thỏ con xinh xinh nằm chen chúc trong cái lồng nan sắt, có một vài bé thỏ trắng muốt xinh đẹp, bị vứt vung trên cái nắp lồng, đứng co ro, giương đôi mắt nhỏ long lanh sợ hãi và dúm vào khi một cái xe máy phóng vọt qua..

Có những chú gà rừng lông xám ngơ ngác, chân bị buộc chặt, nằm quay lơ...

Nhưng tội nghiệp nhất vẫn là đám chim con, lông bị vặt sạch, buộc cái dây ở chân và cho đứng thành từng đám.. Có những chú chim nhỏ cố chạy, cố chạy, 2 cái cánh nhỏ bị vặt trụi vẫy vẫy, rên những tiếng kêu than khóc xót xa lắm chị ạ..

Không bao giờ qua đó em dám nhìn kỹ, nhưng nếu chỉ cần 1/10 giây nhìn thôi, là đầu óc em lại ghi nhớ đến cái cảnh khốn quẫn đó, và từng hình ảnh cứ ghi dấu trong em, đau không chịu được...

Họ in hàng loạt sách đạo đức để làm gì nhỉ?

Họ ca hàng nghìn bài ca thống thiết về nhân cách con người để làm gì cơ chứ?

Giữa Hà Nội, một trong những góc nên thơ nhất của Hà Nội đó chị à... Sáng thì những hình ảnh khốn nạn, đêm thì tệ nạn xã hội đi vòng vòng tìm khách... Thật là đâm nát bét cả một truyền thống xưa chị à..

Gửi chị vài dòng chia sẻ..

Em Pumpkin.
 

amifidele

Member
Vâng, đúng vậy, ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng có những con đường mà mình tránh, không muốn đi, cho dù là đi một mình hay khi chở con mình đi học. Có lần, bỗng dưng mình khóc, nước mắt ngắn, nước mắt dài khi chạy ngoài đường cứ như bị chồng bỏ hay bị đuổi việc! Đó là khi mình đi ngang đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai bên hông Dinh Thống Nhất, nơi bày bán la liệt các con thú rừng tội nghiệp (đang sống dở chết dở) và đám chó con non ngày non tháng, đó là đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, chỗ Lăng Ông, nơi mấy xe bán chó mèo di động phơi nắng phơi mưa đủ thứ con trên đời cho đến chết.

Đôi khi mình tự hỏi, ủa, mình bị làm sao vậy? sao mau nước mắt quá vậy? Có ai khóc vô duyên vậy đâu?

Những cái ác được trưng bày ra giữa phố riết rồi cũng quen mắt chăng?
 

amifidele

Member
Chim trời sã cánh giữa lòng thủ đô

Xin được tiếp tục với bài viết khác:

Không có gì là lạ khi chim sâm cầm bay từ núi cấm từng thiên di qua phủ Tây Hồ trước kia giờ phải lệch hướng hành trình lên Văn Lang – Phú Thọ. Cũng đừng ngạc nhiên nếu muốn tận mắt thấy những giống chim bình thường đang bay nhảy, giờ trẻ con phải ra ngoại ô hay vào vườn Bách thú. Hà Nội giờ đã không còn lành với những loài thiên cầm hoang dã nữa.

Nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc ngay: Hà Nội của chúng tôi là thành phố hòa bình, lại tụ khí thiêng của non sông; cớ gì mà đất lành như thế chim lại không thể đậu? Chúng tôi đã thử đi tìm nguyên nhân.

Một ngày đẹp trời chúng tôi la cà ở thiên đường các loài chim… bị vặt lông ngay giữa lòng thủ đô và thực sự đã bị ám ảnh bởi máu rỉ ra từ những chân lông của đủ loài chim thiên di đó. Nếu tôi có là con chim ấy, có lẽ kiếp sau tôi cũng chẳng có đủ dũng khí để bay qua thiên la địa võng của những bẫy lưới, những ngọn súng hơi lạnh lùng nghiệt ngã có thể bắn tung lồng ngực chúng bất cứ lúc nào.

Ai mua chim, tôi bán

Bây giờ muốn mua chim ngói về ăn thịt, mua chim sẻ đồng về nấu cháo hay gà lôi chẳng cần phải lên rừng, cũng chẳng cần phải đi đâu xa. Hỏi bất kì ai về nơi mua những loại chim hoang dã ấy, người ta sẽ chỉ lên đường Lê Duẩn, mua lấy con chim đen to to gọi là sơn cầm về cho lắm thịt. Người khác lại khuyên chạy qua Bách Thảo – dọc Hoàng Hoa Thám mà mua. Không cần quảng cáo nhưng ai cũng biết là có thể chọn mua chim trời ngay trong lòng Hà Nội.

"Chợ" chim trời cuối đường Lê Duẩn thường tấp nập vào các buổi chiều Ảnh: Lưu Sơn


Bắt đầu hành trình đi tìm mua chim trời, chúng tôi chọn đường Hoàng Hoa Thám. Theo chỉ dẫn, đây được coi là chợ chim lớn nhất Hà thành – nơi mà khách hàng có thể tìm được hầu hết những loài chim hoang dã. Và có tận mục sở thị đủ một “phiên họp” nơi này mới thấy hết lời quảng cáo trên là chí lí. Mở đầu, từ ngả Thụy Khuê, một tập đoàn xe máy khá dài nối đuôi nhau đậu lại phía vỉa hè bên kia Bách Thảo. Lái xe bịt kín mặt, chở đằng sau chừng 3, 4 lồng chim xếp quá đầu người. Thêm 5 phút dỡ hàng, cất xe là chợ mở. Chừng 100 m đường Hoàng Hoa Thám bỗng chốc rộn hẳn lên vì những tiếng chiêm chiếp, xủng xoảng, oang oang khó lẫn. Công việc đầu tiên mang tính bắt buộc của dân trong nghề khi đến chợ là hé mở nắp lồng, cho tay vào, quơ nhanh lấy chừng chục chú chim béo nhất quẳng toẹt xuống đường. Rồi dây đay, thắt nút, xách ngược chân, xâu lại. Chốc lát, chục chim nãy giờ nhảy tưng tưng đã biến thành một xâu nhung nhúc.


Những con chim sau khi bị trói hô thành chùm như thế này sẽ bị vặt trụi lông ngay tại chỗ Ảnh: Lưu Sơn



Đến đây, bạn đọc khó tính sẽ chất vấn: sao chim lại có thể nhung nhúc được, phải dùng từ khác đi chứ. Xin thưa, vì những người đàn bà – ninja bán hàng kia chẳng hiểu tự lúc nào đã vặt ngoéo bộ lông vũ của chúng, đến độ giờ trông lũ chim không khác gì những viên thịt biết đi nung núc vậy.
Xong công đoạn thứ nhất cũng là lúc người bán bày hàng đợi kẻ mua. Đến đây, họ ngồi bất động, mắt ngó đăm đăm hết vào bầy chim trên tay đến phố phường người người thản nhiên đi lại. Lũ chim bị rét co ro lại, rúc sâu vào nhau càng làm cho xâu thịt nhung nhúc trên quắt lại. Được một lát không có ai hỏi mua, xem chừng mỏi quá hay sợ chim chết không rõ, một người phụ nữ tầm trung vứt oạch xuống đất, mặc lũ chim chiêm chiếp lê lết loạn lên. Không đành lòng để người thất vọng, chúng tôi sà vào hỏi mua chim ngói. Cuộc trao đổi diễn ra thế này:
- Có chim ngói ngon không chị.
- Chim của chị con nào chẳng béo – nói đoạn lại xách ngược đống chim đang được xả hơi ven đường giơ giơ lên - Đấy, con nào ức cũng to, cánh chắc, mắt đen, không ngon sao được. Mùa này chim ngói là đặc sản đấy.
- Có chắc đây là chim ngói không? Sao lại vặt sạch cả lông thế này. Ai mà biết thật hay không?
- Nhìn thì thấy chứ sao, chân nhỏ, đầu vàng nhầm sao được.


Những con chim bị vặt lông sống, thậm chí bị giết thịt ngay trên vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám Khi khách yêu cầu. Ảnh: Lưu Sơn

Tôi đã cố mần mò đống chim, nhìn tướng, xem mắt, ngó mỏ mà vẫn thấy nó na ná con cút con. Nghĩa là chẳng giống ngói tẹo nào. Hay vì xa quê lâu quá nên tôi không phân biệt được. Bỏ lại sau lưng tiếng càu nhàu của người bán, tôi chuyển sang một người bán hàng khác.

Hàng thứ hai cách không xa, chỉ chừng mấy bước; có nhiều loại hơn. Lần này, để thử, tôi ngỏ ý muốn có sẻ đồng. Một chú bé chừng 12, 13 lại xách xâu chim “chân nhỏ, đầu vàng” đưa tôi xem. Ồ, thế ra, chim sẻ và ngói ở đây giống nhau thế, giống cút thế. Ngói thì hơi bé mà sẻ lại hơi to. Cũng có khi là cách gọi tên địa phương của những người bán đồng nhất 2 loại này với nhau chăng.?
Nhưng ra chợ không thể về không. Đi mua thì hỏi giá. Sau một hồi loanh quanh, tôi tạm hài lòng với những con chim – không biết loại gì - đang run lên vì lạnh với giá 6.000đ/con.
Ngoài chim sẻ ngói – cút, chợ chim còn có những đặc sản núi rừng khác như sơn cầm đen, chân dài – được quảng cáo bắt lưới tận miền Tây Bắc Hòa Bình, gà lôi lông chấm đen như sao bị buộc chặt như xích thú. Những loại này thì tôi biết. Nhưng không hiểu sao giống loài ấy lại có mặt ở thủ đô.
Càng về sau, chợ càng đông. Những xâu chim lúc đầu chưa có ai mua đã chết quá nửa vì bị treo ngược hay vì lạnh chẳng biết: mắt nhắm tịt, trắng dã, người cứng đơ. Những con chim không lông còn sống cũng chỉ còn chiêm chiếp kêu như gà con gọi mẹ. Nhưng người ta lại chẳng lấy đó làm phiền lòng; người ta càng hồn nhiên chọn lựa. Một bác đeo kính râm, đội mũ như ngụy oang oang: “Chọn lấy những con béo, con nào chết vứt đi. Không hỏng cả nồi lẩu chim ngói của tao đấy”. Một bà khác phốp pháp lật ngang lật ngửa đống chim thì hồn nhiên: “Nhà cô hay ăn cái này lắm. Chỉ mười con nhỡ là no”. Trong khi những chú chim bị nhốt trong lồng vẫn rúc vào nhau tránh rét.
Cá biệt, gần cuối giờ chiều, khi khách qua đường đông hơn, người bán mang ra cặp chim ưng mắt sáng quắc, buộc chân vào khúc cây lớn nãy giờ chùm kín trong lồng to. Thấy của lạ, người đi đường xáo xác xem, mặc cả bán mua. Giá mỗi con là 400.000 đồng. Những con chim ưng – chúa tể dũng mãnh của bầu trời xanh giờ bị trói bệt vào một cây gỗ trên mặt đất thật thảm hại: Cái mỏ há hốc vì khát, cánh xõa tung trên nền gạch vỉa hè và đôi mắt lờ đờ mệt mỏi.

"Thần điêu" cũng bị trói trên vỉa hè Hà Nội Ảnh: Lưu Sơn



Tại sao chim ưng lại bị xích giữa đồng bằng, sơn cầm bị xách ngược? Sau này, T – một tay chuyên bán chim hoang dã trên đường Lê Duẩn có cho tôi biết: mỗi ngày, những vùng như Lương Sơn, Kỳ Sơn có thể bẫy lưới được mấy nghìn con để đổ về phân phối cho thủ đô. Tuy nhiên số lượng này chỉ có thể được duy trì trong khoảng 1 tháng nữa trước khi mùa lạnh đến. Sơn cầm là giống chim núi, thiên di để tránh rét.

Nhưng tại sao ngói – sẻ và cút lại giống nhau đến thế? Để trả lời câu hỏi ấy, chúng tôi đã theo chân những người bán về nhà. Con đường quanh co sau một hồi dẫn chúng tôi vào thẳng làng Xuân Đỉnh. Ở đây, hỏi ra mới biết tất cả những giống chim bị vặt lông sẵn đều không phải là thiên cầm như quảng cáo. Những chiếc lồng dài theo kiểu công nghiệp sau mỗi nhà chiêm chiếp toàn chim cút. C- chủ một vựa chim đã lắc đầu nguây nguẩy khi chúng tôi ngỏ ý mua sẻ đồng:
- Đầu mùa thì nói thật là cũng có, nhưng bây giờ chỉ còn loại này, có mua thì mua vậy.
Thì ra, công nghệ để có sẻ và ngói quanh năm là ở đây: những người phụ nữ Xuân Đỉnh sáng sáng nhặt lấy những con chim cút đực lớn, xoay ra vặt sống cả bộ lông, chỉ để một chút ở đầu, nhét vào lồng sắt. Ra đến chợ là thành thiên cầm hoang dã.

Khách hàng thì vẫn hồn nhiên tưởng mình được ăn thiên cầm. Còn những kẻ bán hàng sẵn sàng lừa đảo thực khách bằng một hành động không thể dã man hơn: Vặt lông sống những con chim cút và vứt chỏng chơ chúng ngay trên lề đường phố. Tất cả những chuyện trên xảy ra ngay giữa lòng thủ đô: Công khai và táo tợn. Thế nhưng, chẳng có cơ quan chức năng nào ngăn chặn những chuyện đó.

Muốn ăn chim xịn, xin vào quán lớn

Trời mới xẩm tối, trong khi đám tắc đường cứ dài mãi ra vào giờ tan sở, tấm biến hiệu to đùng của nhà hàng “chim trời” bật sáng, nhấp nháy, như khiêu khích, mời gọi các quý ông đang mồ hôi nhễ nhại và vác cái bụng đói trên đường.

Cảnh quán vắng hoe đợt dịch cúm gia cầm không còn, khách hàng bây giờ đã lại đông nườm nượp. Đến khoảng 7 rưỡi là không còn chỗ để xe. Không gian rộng rãi thoáng mát được thiết kế gợi mở nhà sàn, mái lá, ngồi thảnh thơi nhưng người ta đến đây không phải vì điều ấy. Đa phần là để thưởng thức chút “hương vị trời xanh” khác lạ sau khi đã “nhạt miệng” với thịt thú rừng và hải sản.

Liếc qua tờ thực đơn, 36 thứ chim quả là thứ gì cũng có, phàm những con gì bay trên trời là có thể tìm thấy ở quán này từ đa đa, ngói, cuốc ta cho đến sơn cầm, sâm cầm… Và như để minh chứng cho độ “xịn” và tươi sống của chim, nhà hàng sẵn sàng “biểu diễn” màn cắt tiết, vặt lông ngay tại bàn. Sau đó những chú chim tươi sống đó sẽ được chế biến thành các món đặc sản như: tiết canh chim, xôi chim, rượu tiết chim...

Bếp ăn của nhà hàng khá rộng với liểng xiểng những lồng to, lồng nhỏ. Thằng bé phụ bếp còn kiêm cả nhiệm vụ hướng dẫn viên nhiệt tình cho tất cả những thực khách vi hành vào bếp về tên tuổi, về sự quý hiếm và độ bổ béo của từng loại chim. Ở trong bếp, những con chim bị vặt lông, mổ bụng, xâu thành chuỗi bằng một que sắt, sau đó đặt lên máng than đang cháy đỏ rực.
Phía bên ngoài, khách vẫn điềm nhiên ngồi hít hà cái mùi thơm phức tách ra từ những thớ thịt xèo xèo trên than hòng. Đâu đó còn xì xào vài lời khen: “Quán này xịn nướng bằng than củi, thịt chim giòn và không bị lạc mùi. Nhưng mà phải nướng bằng đèn khò mới tuyệt, gia vị ngấm trực tiếp vào thịt chim, đậm đà lắm”. Trong quán cũng có khá đông các chị em phụ nữ, lúc đầu gọi món thì cứ co rúm vào khi nghe thấy tên. Ấy vậy mà đến khi thấy các anh nhai rau ráu thì phái đẹp nhà ta cũng lại tặc lưỡi nếm thử. Từ rón rén cắn đến khi trợn mắt lên bảo: “Ơ! Ngon nhỉ?” chỉ trong vài cái tích tắc.


Quán lúc nào cũng đông nghịt khách, kể cả những thực khách bé xíu như cô bé này Ảnh: Lưu Sơn



Tiếng chim hót rúc gù trong lồng vọng cả lên bàn nhậu, thực khách cười khoái trá vì không gian tự nhiên tươi mát của nhà hàng. Và những tiếng ầm ào, “dzô” , "dzô" lại vang lên không ngớt.
Không khí nơi đây như đặc quánh lại và ngột ngạt bởi tiếng ồn và mùi dầu mỡ. Cả cái mùi ngai ngái từ thịt chim, lông chim bốc lên xộc vào mũi. Nhưng dường như chẳng ai cảm thấy điều ấy, tất cả đều đang hau háu, bồn chồn khi ngửi thấy mùi chim quay, chim nướng thơm nức.

Người Hà Nội bây giờ thích ăn thịt chim trời, nhưng với cái sở thích “lạ miệng” ấy, không hiểu vài năm nữa chúng ta có còn được nhìn thấy những cánh chim trời liệng chao trong gió?

Lưu Sơn (Vietimes)
 

amifidele

Member
Công dân tương lai của thủ đô nghỉ và làm gì?

Cho phép mình đăng tiếp bài viết của phóng viên Lưu Sơn:

Hà Nội trở lạnh. Làn gió hanh heo và những cơn giông dữ dội như kéo mọi người về nhà nhanh hơn. Nhưng ở điểm chờ xe buýt trên con dốc nhỏ gần Bách Thảo, có một em bé tiểu học cứ đứng nhìn chăm chăm vào người bán chim bên đường. Tôi bị ấn tượng mãi bởi dáng đứng bất động và ánh nhìn trẻ thơ nhưng gợi lên biết bao niềm thương xót với những con chim bé nhỏ bị vặt trụi lông ấy.


Chú chim nhỏ này cũng trần trụi, bơ vơ giống như một đứa trẻ Ảnh: Lưu Sơn


Cái nhìn của trẻ thơ bao giờ cũng là trung thực nhất. Từ lúc bắt gặp hình ảnh em bé ấy, chúng tôi quyết định dùng chiếc máy ảnh kĩ thuật số ghi lại những hình ảnh trên đường Hoàng Hoa Thám và đem chiếu cho các em xem. Rất may mắn, chúng tôi đến trường Tiểu học Chu Văn An giữa lúc các em đang tập các chương trình văn nghệ để chào mừng ngày 20/11. Khi biết sẽ được xem một bộ phim ngắn về các loài chim em nào cũng tỏ ra thích thú, thoáng một chút e ngại khi đọc được những hào hứng ấy trên nét mặt của các em, chúng tôi lo rằng những hình ảnh này có thể sẽ khiến các em thất vọng.

Ban đầu, khi đưa ra một số câu hỏi “Các em có yêu quý loài chim không?” hay “Các em có thích nghe chim hót không?” tất cả các em đều trả lời “có”. Chúng tôi lại tiếp tục đưa ra một số câu hỏi nữa “các em đã bao giờ ăn thịt chim chưa?” thì có khoảng 70% trả lời đã ăn rồi và thịt chúng rất ngon, số còn lại thì nói rằng không biết hoặc không nhớ.

Sau đó các em được xem một bộ phim ngắn phản ánh tình trạng mua bán chim trên đường Hoàng Hoa Thám và một số cảnh chế biến chim. Bộ phim tuy chỉ dài chưa đầy 5 phút nhưng chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện. Đầu tiên là cảnh những người bán sẵn sàng nướng sống chim ngay bên vệ đường để chiều lòng những thực khách phàm ăn nhưng ngại mó tay vào làm.

Giữa những ồn ào của phố xá vẫn nghe rõ tiếng kêu chiêm chiếp đầy thảng thốt, đau đớn của những chú chim tôi nghiệp cùng hình ảnh ánh lửa đóm cháy bập bùng. Sau công đoạn chế biến, khách bắt đầu bỏ thịt chim ra đánh chén, họ ngồi ăn vô tư và ngon lành giữa những ánh mắt tròn xoe, sợ sệt của đàn chim đã bị vặt trụi lông đang thoi thóp chờ chết. Không chỉ những chú sẻ, cút nhỏ bé tội nghiệp mới bị đem ra bầy bán mà đến cả loài đại bàng, chim ưng kiêu hãnh cũng được trưng ra đường, hai chân bị buộc vào gốc cây, các chú chỉ còn biết vẫy cánh giãy giụa. Bộ phim đã bị cắt tới gần một nửa vì chúng tôi sợ các em sẽ không chịu đựng nổi khi xem những cảnh tượng ghê rợn lúc người ta làm thịt chim.



Liệu trẻ sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy những hình ảnh kinh khủng như thế này?
Ảnh: Lưu Sơn


Máy chiếu bật sáng, các em vừa nhí nhảnh nô đùa bỗng lặng đi vì những gì mình đang chứng kiến. Có những ánh mắt tức giận của các bé trai, có những cái nhìn xót xa của các bé gái, nhưng tất cả đều thật buồn. Thỉnh thoảng xen lẫn những tiếng xuýt xoa “ghê thật đấy!”, “ôi đáng thương quá!” là giọng thút thít của một em nào nghe như đang chực khóc. Màn hình máy chiếu đã tắt ngóm, nhưng trong căn phòng nhỏ vẫn im bặt. Phải mất một lúc sau mới ồn ã trở lại. Các em tranh nhau bình phẩm về bộ phim rất sôi nổi.

Dưới đây là những tâm sự của các em sau khi xem xong bộ phim ấy.

Cháu có nhận ra đoạn phim này quay ở đâu không?

Nguyễn Thị Hồng Phượng (lớp 5A): Có chứ ạ, chỗ này ngay gần cổng Bách Thảo mà. ngày nào cháu cũng đi qua đấy, thỉnh thoảng mẹ cháu còn dừng lại hẳn để mua chim nữa cơ.
Nguyễn Việt Anh (lớp 3A): Có ạ. Đây là ở gần công viên Bách Thảo mà, ngày nào cháu cũng đi học qua đấy. Cháu thấy họ bán nhiều lắm, nhưng như thế không tốt cho người mua và cho cả chim nữa vì mẹ cháu bảo họ toàn lừa mình thôi, chẳng phải chim sẻ đâu mà toàn là chim cút, ăn không ngon.

Bộ phim các cháu vừa xem được quay ở ngay trên đường Hoàng Hoa Thám, gần trường các cháu đang học. Khi đi qua đấy chắc các cháu cũng hay để ý. Vậy xem xong phim rồi các cháu có cảm nghĩ gì?


Trần Ngọc Phương Linh Nguyễn Việt Anh Ảnh: Lưu Sơn


Trần Phương Ngọc Linh (lớp 3A): Mẹ cháu cũng hay nướng gà nhưng gà nướng khi đã làm thịt rồi nên không còn sợ nữa. Chẳng ai lại đi nướng sống mấy con chim bé tẹo như thế này.

Nguyễn Việt Anh (lớp 3A): Cháu nghĩ không cần phải vặt trụi lông chúng như thế. Cứ như kiểu bị lột trần ra ấy. Chắc là chúng phải lạnh lắm. Cháu mặc nhiều áo thế mà vẫn còn thấy lạnh nữa là chúng.

Đặng Tú Uyên (lớp 3A): Sao mà mấy người thịt chim kia độc ác thế, mấy chú chim xinh thế kia mà người ta lại vặt lông. Nó có làm gì đâu hả chú?

Các cháu có thấy chú chim đại bàng bị xích chân vào gốc cây lúc nãy không? Thế các cháu nghĩ sao về việc người ta mua chim về rồi xích chân và nhốt chúng vào lồng?

Trần Phương Ngọc Linh (lớp 3A): Cháu nghĩ chim sinh ra không phải để làm cảnh, không được nhốt nó. Nhà cháu chỉ nuôi chim bồ câu thôi, nhưng không nhốt. Nó bay đi chơi rồi lại quay về vì nhớ nhà. Chắc mấy chú chim này cũng nhớ nhà của nó lắm.

Lúc nhìn người ta vặt trụi lông chim và đem đi nướng, cháu có thấy sợ không?

Trần Phương Ngọc Linh (lớp 3A): Cháu sợ lắm. Cháu mà có nhiều tiền, cháu sẽ mua hết và thả chúng ra.

Nguyễn Tuấn Nghĩa (lớp 3A): Đây là hành động phá hoại tự nhiên, làm như thế sẽ mất đi một mắt xích tự nhiên. Cô giáo cháu đã dạy thế.



Nguyễn Thị Hồng Phượng (hàng đầu, trái) cùng các bạn lớp 5A Ảnh: Lưu Sơn


Nguyễn Thị Hồng Phượng (lớp 5A): Mẹ cháu bảo có như thế mới biết được con nào béo, con nào gầy. Nhưng cháu vẫn thấy thương chúng lắm.

Vậy cháu sẽ làm gì để bảo vệ những chú chim bé nhỏ này?

Đặng Tú Uyên (lớp 3A): Mấy con chim này yếu quá, chắc chúng sắp chết rồi, cháu muốn mang chúng về nhà nuôi cho khỏi ốm rồi thả chúng ra. Cháu sẽ bảo mẹ cháu không bao giờ được mua chim về ăn nữa.

Nguyễn Tuấn Nghĩa (lớp 3A): Thịt chim rất ngon nhưng muốn bảo vệ chim thì phải cố nhịn. Từ nay mẹ cháu mua chim về, cháu sẽ không ăn con nào nữa.

Các cháu cũng đã thấy người ta đang vặt lông và giết thịt rất nhiều chú chim trong một ngày. Cháu có sợ người ta sẽ thịt hết chim không ?

Nguyễn Tuấn Nghĩa (lớp 3A): Thế thì cháu sẽ không còn được nhìn chim bay trên trời nữa. Chán thật đấy!

Nguyễn Việt Anh (lớp 3A): Cháu nghĩ giết thịt như thế thì chỉ một năm thôi là sẽ hết chim thôi.

Vậy cháu có buồn không nếu điều ấy xảy ra?

Trần Phương Ngọc Linh (lớp 3A): Vậy thì sẽ không còn chim để bắt sâu nữa, cháu ghét sâu lắm. Chúng sẽ ăn hết rau và hoa quả, như vậy các bác nông dân sẽ rất khổ.

Lê Quỳnh Anh - Ảnh: Lưu Sơn


Lê Quỳnh Anh (lớp 5A): Cháu sẽ rất buồn. Tiếng chim hót rất hay, nếu không còn tiếng chim nữa sẽ mất đi tiếng hòa bình.

Tiếng còi tập trung vang lên đã kết thúc cuộc trò chuyện ngắn giữa chúng tôi, các em vội vã xếp hàng để tiếp tục tập.

“…Bình minh lên/ có con chim non/ hòa tiếng hót véo von/ lòng mến yêu quê nhà…” Tiếng hát trẻ thơ cứ ngân lên mãi trên một góc sân trường khiến nhiều người đi qua chợt quay đầu lại mỉm cười. Nhưng đã bao giờ, những người lớn như chúng ta tự hỏi, với cái cách mà chúng ta đối xử với loài chim như hiện nay, liệu rằng mấy năm nữa con em chúng ta có còn được nhìn thấy những cánh chim chao liệng trên bầu trời hay chỉ đơn giản là lắng tai nghe một tiếng hót véo von để biết yêu thêm quê nhà?

Lại nhớ một em bé, sau khi xem xong đoạn phim ngắn của chúng tôi đã kể lại câu chuyện rất thật, rất ngây ngô thế này: Mùa bão năm ngoái, có một tổ chim gần nhà em bị rơi từ trên cao xuống. Em cũng nhặt được một chú chim không có lông hệt như thế này, nhưng không phải lông chim đã bị người ta vặt trụi mà là chim non, em ấy đã mang về nhà nuôi, ủ ấm cho nó, thậm chí còn đi bắt sâu về bón cho nó ăn mặc dù em rất sợ sâu nhưng nuôi mãi mà chim vẫn không lớn được, lông cũng chẳng mọc dài ra. Và chỉ sau đấy mấy ngày, chú chim ấy đã chết. Em bé ấy đã khóc rất nhiều và làm hẳn một đám ma cho chim còn mời cả mấy bạn hàng xóm đến dự.

Đến đây chúng tôi lại chợt nghĩ, ai sẽ là người làm đám ma cho những chú chim trụi lông xấu số trên đường kia, và nếu thế, một ngày sẽ có bao nhiêu đám ma cho xuể. Phải chăng lòng thương của chúng ta càng lớn càng mất dần đi cùng với những quần áo sang, xe đẹp, điện thoại đắt tiền…

Cuối cùng, trải qua tất cả những va đập của cuộc đời, lòng nhân hậu của chúng ta có bằng con trẻ?

Lưu Sơn (Vietímes)
 

amifidele

Member
Ý kiến của nhà Điểu học Võ Quý

Amifidele xin được đăng tiếp ý kiến của nhà Điểu học Võ Quý (trích trong loạt bài về vấn đề này của Vietimes), chỉ mong thủ đô ngày càng đẹp và văn minh hơn để đón mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long.

"Trong tuần vừa qua, Vietimes đã nhận được rất nhiều phản hồi của quý vị độc giả phẫn nộ trước hiện tượng vặt lông sống những con chim hoang dã và buôn bán ngay giữa lòng Thủ đô. Phóng viên Vietimes đã có cuộc trò chuyện với một độc giả đặc biệt: Giáo sư, Nhà Điểu học Võ Quý, người vừa nhận được danh hiệu Anh hùng môi trường năm 2008 do tạp chí Time bình chọn.



Giáo sư, nhà Điểu học Võ Quý Ảnh: Tuấn Hải



Cảm xúc của Giáo sư khi chứng kiến cảnh những con chim hoang dã bị vặt trụi lông và đem bán ở ngay giữa lòng thủ đô thời gian vừa qua ?


Tôi không những là người tham gia công tác bảo vệ thiên nhiên, mà còn nghiên cứu về các loài chim đã mấy chục năm nay nên tôi rất đau xót và không tán thành chút nào trước những hành động đó. Thôi thì ngày xưa, trong chúng ta còn nhiều người nghèo khổ, thì việc bắt những con chim hoang dã để ăn thịt cũng có thể thông cảm được. Nhưng hiện nay không phải như thế nữa. Trình độ cũng đã khác, cuộc sống cũng đã khá lên và không đến nỗi là không có những con chim ấy thì người ta sẽ phải chết đói, cho nên việc ấy không thể chấp nhận được. Những con chim hoang dã là một thành phần không thể thiếu của thiên nhiên, nó đưa lại cái đẹp cho thiên nhiên cho đất nước. Nó làm cho chúng ta luôn luôn sảng khoái, thế mà chúng ta lại bắt chúng để giết thịt là làm sao ? Đó là chưa nói đến lợi ích của nhiều loài chim đối với cuộc sống của chúng ta, từ việc bắt các loại côn trùng, những loài có hại. Việc làm đó là không nên và cần sớm được ngăn chặn.


Các loài chim đang bán ở Hà Nội hiện nay, đa số đó là chim di cư. Để tránh rét, nhiều loài chim từ Phương Bắc như Trung Quốc, Siberi, Nhật Bản…, bay dọc bờ biển, qua Việt Nam để chuyển dần xuông phía Nam đến tận châu Úc. Vào mùa xuân năm sau, khi trời đã ấm áp, chúng lại bay trở về quê cũ. Theo các công ước quốc tế, chúng ta phải bảo vệ các loài chim di cư mà không được bắt, bẫy chúng như đã xảy ra ở Việt Nam hiện nay. Nói về mặt một con người, nhất lại là người thủ đô thì chúng ta phải hiểu, chúng ta đang xây dựng người dân thủ đô văn hóa, thanh lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa không chỉ cho thủ đô mà còn cho cả dân tộc, thì cảnh tượng bắt chim hoang dã và giết thịt ngay trên đường phố là không nên chút nào. Ở những địa điểm ấy, có không biết bao nhiêu người nước ngoài qua lại, họ sẽ nghĩ gì về chúng ta khi nhìn thấy những cảnh tượng đó. Tất cả mọi ấn tượng tốt đẹp về một thủ đô văn minh, thanh lịch mà chúng ta quảng bá, xây dựng bấy lâu nay sẽ không còn nữa. Cho nên làm thế nào đừng để hiện tượng đó xảy ra ở Thủ đô, nhất là chúng ta đang chuẩn bị kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – đó là điều những người quản lý ở Thủ đô nên chú ý.


Ở quốc gia khác mà Giáo sư đã từng đi qua, có Thủ đô nào diễn ra ra hiện tượng đó không ?


Ở nước khác tôi chưa thấy bao giờ, kể cả một số nước nghèo ở vùng Đông Nam Á, châu Mỹ La tinh, nhất là ở Ấn Độ, người nghèo cũng nhiều, nhưng họ rất tôn trọng thiên nhiên. Ở New Delhi, trên cây ở các giải phân các đại lộ cũng có nhiều lòai chim làm tổ. Còn ở châu Âu, ở ngay giữa vườn nhà cũng có chim làm tổ. Có một lần tôi sang Đức, tôi thấy trong thành phố có một con sông nhỏ chảy qua và có nhiều vịt, lúc đầu tưởng là vịt trời đã được thuần hóa họ nuôi làm cảnh, nhưng khi hỏi ra thì đó là vịt thiên nhiên. Ý thức bảo vệ thiên nhiên đã thấm sâu vào mọi người, từ trẻ con đến người lớn và những loài chim trong thiên nhiên mới gần gũi với con người như thế. Tôi mong rằng rồi đây, ở Thủ đô chúng rồi cũng sẽ có nhiều loài chim trở lại làm tổ, sinh sống ở những nơi có nhiều cây cối, các công viên thì mới đúng là một thủ đô hòa bình như tên gọi.


Giáo sư có nghĩ rằng những người bán và cả những người mua là những người ít học ?


Những người bán có thể là những người dân nghèo ở ngoại thành hoặc ở các vùng quê nhưng dù là người nghèo có học hay ít học thì việc làm đó cũng không nên. Những người mua, những người tiêu thụ thì chắc chắn không phải là những người nghèo. Hiện nay chúng ta chỉ thấy bán chim ở một vài nơi ngoài đường phố, có vẻ không đáng kể, nhưng chủ yếu nó được bán trong những nhà hàng lớn mà những người tiêu thụ chắc không phải dân nghèo. Tôi không nói là ai nhưng chắc là những người có tiền. Đây là một thói quen, không được văn minh, cần phải được xem xét lại.


Đứng cả về mặt văn hóa, luật pháp và đạo đức thì nay những việc làm đó đều không chấp nhận được. Về lâu dài, chúng ta cần coi việc tôn trọng thiên nhiên chính là đạo đức và trình độ văn hóa của con người văn minh..



Theo Giáo sư, trẻ em sẽ bị tác động như thế nào nếu phải chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng như thế ?


Hiện nay trong các trường học các thầy cô giáo đang giáo dục cho các em phải tôn trọng, yêu mến thiên nhiên, bảo vệ các loài. Bố mẹ sẽ nói gì với các em khi các em nhìn thấy cảnh mua bán những chùm chim bị vặt sạch lông, giãy giụa vô vọng ngay ở đường phố. Liệu những lời giảng dạy của thầy cô có còn có giá trị không? Chuyện mua bán mấy con chim tưởng chừng là chuyện nhỏ nhặt, nhưng thực ra là chuyện lớn về giáo dục đạo đức cho lớp trẻ của đất nước mà thủ đô phải là nơi được chú ý đúng mức.


Chúng ta nên làm gì để chấm dứt sự tồn tại của hiện trạng trên, thưa Giáo sư ?

Nếu như cương quyết, chúng ta hoàn toàn có thể cấm được. Nhưng về lâu dài vẫn phải nâng cao nhận thức và luật pháp cho mọi người, mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ thiên nhiên vì thiên nhiên là nền tảng của sự sống còn và phát triển của đất nước. Phải quan tâm hơn nữa đến cuộc sống của những người nghèo. Nếu đời sống của người dân khá hơn lên và được hưởng lợi từ việc bảo vệ thiên nhiên thì họ sẽ tự nguyện từ bỏ những hành động như đã nói trên. Đó mới là chuyện lâu dài chúng ta cần phải làm.


Ông nghĩ sao về hiện tượng người ta chở những con lợn đã bị mổ phanh bụng đi trong thành phố, bày bán những con chó thui ở hai bên lề đường ?


Tôi thấy thật là quá quắt, lẽ ra phải cấm từ lâu rồi. Kiểu làm ăn như thế không những không an toàn thực phẩm mà còn rất phản văn hóa, không đẹp một tí nào cả. Muốn có một thủ đô văn minh, thanh lịch thì những thứ đó phải bị loại bỏ.


Không chỉ có những hiện tượng đó, ngay giữa lòng Hà Nội, hiện nay vẫn còn tồn tại những thanh niên có thú vui xách súng hơi đi và tàn sát những con chim nhỏ xíu ?


Tôi cũng đã gặp nhiều người xách súng săn đi bắn chim, kích điện đi bắt ếch, bắt cá. Mỗi khi gặp họ, tôi đều khuyên họ không nên bắn chim trong thành phố như thế. Những khẩu súng hơi sản xuất ra để tập bắn bia, một kiểu chơi thể thao, chứ không phải để bắn chim. Ở nước ngoài nếu muốn săn bắn phải vào hội săn, có khu vực dành riêng cho săn bắn thể thao. Người săn phải trả tiền để được săn những lòai chim, thú được phép săn, với số lượng hạn chế và chỉ được săn trong thời gian nhất định trong năm. Họ không được săn bắn tự do ở ngoài các vùng săn và không bao giờ được săn bắn ngoài đường phố như ở Hà Nội.


Nhưng hình như ở những nước đó, hành động giết chóc động vật hoang dã cũng không được ủng hộ ?


Người dân ở các nước đó đã có thói quen từ lâu là không làm tổn thương đến các loài động vật hoang dã cũng như những loài mà chúng ta chăn nuôi để ăn thịt. Họ không mổ xẻ công khai như ta thường làm. Dù phải giết để lấy thịt nhưng không được phép làm cho con vật đau đớn kéo dài. Con vật tuy không biết nói, nhưng cũng có cảm xúc, đau đớn chẳng khác gì chúng ta.


Ngay cả những con vật trong sở thú của họ cũng được sống trong điều kiện tốt hơn ở ta rất nhiều ?


Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, từ nước lớn đến nước nhỏ ở nhiều châu lục. Hầu như ở các nước, sở thú là nơi có nhiều ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ thiên nhiên và là địa chỉ văn hóa, giáo dục quan trọng, nhưng ở ta ý nghĩa đó chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Tại các vườn thú của họ, các con vật được sống gần như ở trong thiên nhiên, mà có khi còn tốt hơn trong thiên nhiên vì được chăm sóc chu đáo và không bị kẻ thù đe dọa. Người đến tham quan, thấy con vật được thoải mái, đầy đủ, có chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ chơi, còn ở ta con vật nuôi ở trong chuồng quá chật hẹp, thiếu không gian và điều kiện cho cuộc sống, chẳng khác gì bị tù đày nên con vật luôn giận dữ, vì thế ý nghĩa giáo dục về bảo vệ thiên nhiên kém, mà người tham quan chỉ biết được hình thể của con vật mà thôi..


Tôi đã chứng kiến cảnh những đứa trẻ lấy đất, đá ném vào chuồng nhốt con thú ở vườn thú Thủ Lệ. Thậm chí, có em còn cầm con dao sắc lẹm thò vào trong chuồng khỉ, để con khỉ cầm vào con dao đó và tuốt mạnh. Những đứa trẻ sung sướng trước cảnh tay con khỉ bị đứt và túa máu ra ngoài. Thật đau khổ cho con vật xấu số đó quá.


Giáo sư đã sống ở Hà Nội hơn 50 năm và đã có nhiều năm nghiên cứu thiên nhiên, môi trường nói chung và nghiên cứu sâu về loài chim nói riêng, ông thấy thiên nhiên Hà Nội sau rất nhiều năm như vậy biến đổi như thế nào ?



Nếu không cấm, hình ảnh về một thành phố Hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế
sẽ bị những điều đó phá vỡ Ảnh: Internet



Hà Nội của chúng ta có những sự thay đổi quá lớn. Trong đó, có những cái thay đổi tốt nhưng có những cái thay đổi không tốt, nhất là thiên nhiên. Có nhiều sông hồ, nơi điều hòa nước mưa, đỡ ngập lụt, điều hòa khí hậu lại bị lấp đi thay vào đó là nhà cửa. Những dòng sông và nhiều hồ của Hà Nội đã bị ô nhiễm quá nặng. Cây xanh trong thành phố cũng ít đi so với ngày xưa. Trước đây, vào mùa đông có rất nhiều sâm cầm, vịt trời ở Hồ Tây, ngỗng trời, sếu ở các vùng quanh Hà Nội. Cò, vạc, cốc đen sinh sống quanh năm trên hàng cây ở Lò Đúc… nhưng bây giờ đến con chim gáy, chim sẻ cũng còn hiếm. Người thì nhiều lên, xe nhiều lên nhưng không gian sống, cây xanh và ao hồ thì ít đi, nạn ô nhiễm ngày càng trầm trọng.


Không phải diện tích thủ đô rộng lớn, nhiêu nhà cao tầng, hàng hóa sang trọng .. mới là văn minh, mà cái quan trọng nhất phải là cách hành xử của con người với con người và với thiên nhiên. Làm sao để cho người nước ngoài đến Việt Nam thấy được một thủ đô có nền văn hóa lâu đời thực sự được thể hiện qua hành vi của từng người dân thủ đô mà không phải là nhà cao cửa rộng. Ở Việt Nam có nhiều cái chưa tốt. Ta thường thấy nên quá quen mắt mà không thấy xấu, không thấy chướng tai gai mắt, nhưng người nước ngoài họ nhận thấy rất rõ mà không nói ra thôi. Hình như những người đứng đầu ít chú ý đến những việc đang xẩy ra hàng ngày, đến những vấn đề nhỏ nhưng có ý nghĩa văn hóa lớn của xã hội như chuyện những con chim bị vặt lông sống, giãy giụa trước mắt mọi người hay những con lợn bị mổ bụng chở rong trên đường phố và nhiều hành vi không đẹp mắt khác của người thủ đô.


Xin cảm ơn giáo sư!"


Tuấn Hải (Vietimes) thực hiện

Cảm ơn các thành viên đã chịu khó đọc mấy ngày qua. Hy vọng thú chơi vật kiểng của chúng ta được hoà vào niềm vui chung của thiên nhiên quanh ta.
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Tôi đã bị xấu hổ khi đi cùng với một anh bạn người Pháp gặp cảnh "hành hạ, tùng xẻo chim sống" ở đường Hoàng Hoa Thám, Bách Thảo. Tôi ngăn anh ta không cho chụp hình và gắng giải thích rằng : chỉ số ít những người ít học ( Limited Ecducation ) mới làm chuyện này thôi, và rất tiếc Việt nam chưa có Luật chống ngược đãi động vât.

Sau này hiểu ra và anh ta vui mừng vì có trang web vietpet - truyền bá kiến thức chăm sóc vật nuôi, thông tin về Văn minh vật nuôi - Cẩm nang hữu hiệu bảo vệ động vật.

Rất tiếc không phải người nước ngoài nào cũng hiểu được như thế.

Câu chuyện buồn về hành hạ động vật biết bao giờ mới dừng ?


Một số link liên quan :

http://forum.vietpet.com/showthread.php?t=10764

http://forum.vietpet.com/showthread.php?t=7258
 

amifidele

Member
Có nhà Điểu học Võ Quý lên tiếng tuyên truyền bảo vệ chim trời khỏi cảnh tàn sát (như bài viết vừa mới đăng ở trang 1) thì amifidele cũng hy vọng sẽ có nhà Khuyển học Greenvet-hanoi tuyên truyền cho việc ngừng giết thịt loài chó.

Nói vui thôi, chứ amifidele không dám "làm khó" anh em.

Cảm ơn Bác sĩ đã góp ý cho topic.
 

bocun2006

Phó Nhòm Vietpet
Xấu Hổ

Tôi đã bị xấu hổ khi đi cùng với một anh bạn người Pháp gặp cảnh "hành hạ, tùng xẻo chim sống" ở đường Hoàng Hoa Thám, Bách Thảo. Tôi ngăn anh ta không cho chụp hình và gắng giải thích rằng : chỉ số ít những người ít học ( Limited Ecducation ) mới làm chuyện này thôi, và rất tiếc Việt nam chưa có Luật chống ngược đãi động vât.

Sau này hiểu ra và anh ta vui mừng vì có trang web vietpet - truyền bá kiến thức chăm sóc vật nuôi, thông tin về Văn minh vật nuôi - Cẩm nang hữu hiệu bảo vệ động vật.

Rất tiếc không phải người nước ngoài nào cũng hiểu được như thế.

Câu chuyện buồn về hành hạ động vật biết bao giờ mới dừng ?


Một số link liên quan :

http://forum.vietpet.com/showthread.php?t=10764

http://forum.vietpet.com/showthread.php?t=7258
anh ơi . cũng là Cơm,Áo,Gạo,Tiền cả thôi anh ạh . gánh nặng mưu sinh cả thôi anh ah. :shame on you::shame on you::shame on you:^:)^
 

lmnam2003

Member
Anh ơi tất cả cũng vì cuộc sống thôi mà, ta chỉ nên đưa có hiện tượng như vậy thì hay hơn rất nhiều, chứ đừng nên chì triết, mạt sát,....bởi vì chúng ta cũng là con người cả mà, khôg phải là thánh các bác ạ, nếu ta đi chì triết thì hàng ngày các bác đã tránh khỏi dẫm chết những con kiến ngay dưới chân chưa?..., các bác đừng có ăn một thứ gì nhé, chỉ uống nước và hít khí trời để sống thôi vì tất cả các loại rau cỏ, lợn gà,.....nghe sát sinh như thế mà ta lại ngồi ăn ngon lành thì ???????Có gì không phải mong các bác lượng thứ, em chỉ nói sự thật hàng ngày vẫn diễn ra ạ.
 

NguyenNhuThach

Active Member
A di đà phật,tội lỗi,tội lỗi.Mưu sinh?-vì cuộc sống????
Hành hạ một sinh vật sống mà vì cuộc sống ở chổ nào?
Sao không cho nó chết một cách nhanh hơn,êm ái hơn,để thể hiện một chút con người? Thật dã man,rừng rú...(xin lỗi các bạn)
 

Pumpkin

Phó CN CLB Mèo
Theo em, trách nhiệm ở đây liên quan đến cơ quan chức năng của quận Ba Đình. Nếu họ làm tốt, tức là họ cho công an đi rà soát nhiều hơn, tịch thu và phạt nặng đối với những kẻ buôn bán chim thú ở đó... Thì chẳng mấy chốc mà chả còn mống nào dám ti toe đứng ra đó nữa đâu ạ.

Điều em thấy tức nhất ở đây là hàng ngày đi qua đó, cứ phải nhìn thấy những cảnh máu me... Độc ác và đáng sợ không thể tả.

Đặc biệt là đối với những em bé, những hình ảnh đó gây ấn tượng cực xấu. Ban đầu sẽ gây ra sự sợ hãi khiếp đảm, về sau khi quen phải nhìn những cảnh như vậy, nó sẽ biến tâm hồn trẻ thơ trở nên ác độc và vô cảm trước những hình ảnh đau lòng...

Vì vậy, "ông nhà nước" phải có trách nhiệm. Không thể nói rằng: "Tôi cho dân nghèo vặt lông bẻ cánh, cắt tiết chim thú ngoài đường là tôi thương dân, tôi lo cho cơm áo gạo tiền của dân" được.

Em Pumpkin.
 

NguyenNhuThach

Active Member
Bạn có biết các con vật khi bị hành hạ hoặc chứng kiến con vật khác bị hành hạ, ánh mắt và tiếng kêu của nó hoảng loạn,oán hận đến cùng cực?lúc đó trong máu nó sản sinh ra nhiều chất lạ,chất chứa nhiều sân hận,chất bổ,đạm theo đó mà tiêu tan,nói chung không có lợi cho người ăn thịt nó.Đó là lý do mà nhiều tôn giáo khuyên con người nên ăn chay.Chưa kể hồn ma oán hận của chúng theo người đó đến cuối đời,theo xuống tận âm ty để kiện Diêm vương...Vậy nên có nhiều người đồ tể đã bỏ nghề vì mơ thấy heo cắn,gà vịt cắn.Tôi không duy tâm đâu bạn.Ngày nay khoa học đã dần chứng minh được các điều đó,có sự khác nhau giữa thịt của con vật chết êm ái và con vật bị hành hạ trước khi chết,còn "hồn" của các loài động vật cũng tồn tại dưới dạng sóng điện từ,với các bước sóng(tần số) khác nhau,có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
 

NguyenNhuThach

Active Member
Xin nghĩ đến tương lai con em chúng ta.

Theo em, trách nhiệm ở đây liên quan đến cơ quan chức năng của quận Ba Đình. Nếu họ làm tốt, tức là họ cho công an đi rà soát nhiều hơn, tịch thu và phạt nặng đối với những kẻ buôn bán chim thú ở đó... Thì chẳng mấy chốc mà chả còn mống nào dám ti toe đứng ra đó nữa đâu ạ.

Điều em thấy tức nhất ở đây là hàng ngày đi qua đó, cứ phải nhìn thấy những cảnh máu me... Độc ác và đáng sợ không thể tả.

Đặc biệt là đối với những em bé, những hình ảnh đó gây ấn tượng cực xấu. Ban đầu sẽ gây ra sự sợ hãi khiếp đảm, về sau khi quen phải nhìn những cảnh như vậy, nó sẽ biến tâm hồn trẻ thơ trở nên ác độc và vô cảm trước những hình ảnh đau lòng...

Vì vậy, "ông nhà nước" phải có trách nhiệm. Không thể nói rằng: "Tôi cho dân nghèo vặt lông bẻ cánh, cắt tiết chim thú ngoài đường là tôi thương dân, tôi lo cho cơm áo gạo tiền của dân" được.

Em Pumpkin.
Xin đừng nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ như thế các bạn ơi_bạn có biết sự tích Mạnh mẫu hay không?
 

NguyenNhuThach

Active Member
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa...
... Mấy người bạc ác,tinh ma
Mình làm mình chịu,kêu mà ai thương
(Nguyễn Du_Truyện Kiều)
Mấy tên đồ tể đó rồi sẽ phải trả giá ngay trong kiếp sống này,kiếp sau lại thành con vật bị hành hạ như vậy.Còn mấy con vật đó chắc kiếp trước cũng làm điều gì ác lắm nên không tránh được quả báo,bạn có biết chuyện cổ Phật giáo:"Trư hoà thượng" ?
Ở hiền gặp lành,làm ác gặp ác,nhân nào quả đó...tư tưởng đó từ xa xưa đã trở thành triết lý hành xử của người Việt Nam ta,bất kể là Phật tử hay không Phật tử,vậy mà đáng buồn thay...đáng giận thay,có sự tham gia của một bộ phận người có học mà không có văn hoá với bao trò dã man:tay gấu,bào thai nai ngâm rượu,uống máu động vật,ăn óc khỉ sống(báo Tuổi trẻ cuối tuần năm ngoái)...tội nghiệp,tội nghiệp(cái nghiệp tội lỗi là nguồn gốc)
 

missxuto

Member
Em cũng đã nhiều lần đi qua con đường ấy, gần như đã thành 1 phản xạ là em không dám nhìn sang 2 bên đường, cứ thế mà đi thẳng hay dụi mặt vào lưng bạn. vì thực sự em thấy rất sợ, sợ lắm cảnh tượng kinh hãi đấy.người bán cứ kẻ đứng người ngồi vật vờ 2 bên đường, tay thì lủng lẳng, tung tẩy những chú chim đáng thương, trên người không còn 1 chiếc lông, trông chúng đau đớn tột độ, cứ chiếp chiếp ầm ĩ, nghe mà đau xót quá.mà bây giờ không chỉ ở 1 con đường đấy nữa, em đã gặp điều đấy trên vài con phố khác nữa... văn minh đô thị vỡ vụn bởi những hành động khó chấp nhận này. Thiết nghĩ,dù con người hay loài vật, được sống trên đời này đã là hạnh phúc, đến lúc ra đi cũng cần lắm giây phút thanh thản, bình yên.:praying:
 
Top