• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Bệnh truyền nhiễm và quá trình sinh dịch ở chó

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Vì bệnh dịch làm chết chó hàng loạt, chiếm trên 80% số ca tử vong, xin trình bày một số khái niệm cơ bản về : Bệnh TRUYỀN NHIỄM , quá trình sinh dịch, biện pháp phòng chống dịch, để những người nuôi chó cảnh giác và có ý thức phòng bệnh cún cưng của mình.

1.0 BỆNH TRUYỀN NHIỄM LÀ GÌ ? Là các bệnh do virus, vi khuẩn, nấm, nguyên trùng...gây ra, có thể làm lây lan làm cho hàng loạt chó ốm có các triệu chứng giống nhau.

2.0 CÓ NHỮNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM GÌ Ở CHÓ? Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, người ta phân loại bệnh TRUYỀN NHIỄM ở chó như sau:

2.1. Bệnh do Virus : Carre, pavovius, Dại, Giả Dại ( Pseudorabies),Viêm khí quản-phế quản truyền nhiễm, Viêm gan truyền nhiễm, Bệnh do Herpesvirus, Coronavirus.

2.2. Bệnh do Vi khuẩn : Sảy thai truyền nhiễm Brucellosis, Lepto, Tetanus, Lao, Bordetella Bronchiseptica, Salmonella, Campylobacteriosis, E. coli, Lyme.

2.3. Bệnh do nấm : Histoplasmosis, Coccidioidomycosis, Cryptococcosis, Blastomycosis,Sporotricosis.

2.4. Bệnh do Nguyên trùng ( Protozoa ): Cầu trùng Coccidiosis, Toxoplasmosis, Tricomoniasis, Giardiasis, Babesiosis, Hepatozoonosis, American Trypanosomiasis.

2.5. Bệnh do Rickettsia : Canine Ehrlichiosis, Bệnh Sốt Rocky Mountain Spotted, Canine Salmol Poisoning disease.

Viêm khí quản-phế quản truyền nhiễm




Parvo


Caré

 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Phân loại theo mức độ lây lan người ta chia các bệnh truyền nhiễm :

1.Bệnh dịch :
Lây lan rất nhanh, phạm vi có thể một vùng, một đất nước hoặc toàn thế giới. Ở chó: Bệnh Carê, Parvo, Viêm khí quản-phế quản truyền nhiễm, bệnh Dại... Loại bệnh này cần tuân thủ việc tiêm vaccine và các biện pháp phòng tránh khác về dịch tễ học. Phát hiện sớm các ổ dịch và nhanh chóng dập tắt dịch.

2.Bệnh thổ nhưỡng:
Bệnh cũng có lây lan, nhưng chỉ tồn tại trong phạm vi lẻ tẻ một vùng đất nào đó : như bệnh Leptospirosis, bệnh đóng dấu Lợn ( heo )... Loại này cần được xác định rõ bản đồ vùng thường có dịch để tiêm phòng và khống chế. Còn các vùng khác không có dịch không nhất thiết phải tiêm phòng.

3.Bệnh Nhiễm trùng :
Không phải bệnh lây lan, nhưng cũng do nhiễm vi khuẩn và cũng nguy hiểm như bệnh : Uốn ván, chỉ qua vết thương sâu và kín, nha bào uốn ván trong điều kiện yếm khí ( không có ô-xy ) trở thành vi khuẩn và gây bệnh, làm chết vật và con người chỉ trong 7-10 ngày, khi lên cơn cũng khó cứu chữa.


Báng bụng viêm gan, vàng da ở chó cũng có thể
là một triệu chứng của bênh Lepto.




 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
1.Thế nào là "Ổ dịch"? Nguyên nhân nào gây ra dịch của chó ?

- Phải có chó mắc bệnh, ủ bệnh hoặc mang trùng : mang virus, vi trùng - gọi tắt là "Chó bệnh ". Virus, vi khuẩn, nấm... các tác nhân gây bệnh gọi là " Mầm bệnh ".
-Chó "lành bệnh mang trùng" có thể gọi là "mầm bệnh" được không? Đúng, loại chó này đã thoát chết qua nhiễm, mắc bệnh dịch, hoặc chó trong ổ dịch nhưng không bị mắc bệnh, ta rất dễ chủ quan, không cảnh giác, chính loại " chó lành bệnh mang trùng" này sẽ khó khăn dập tắt dịch, gây nguy hiểm cho nhiều chó khác.
- "Ổ dịch " ( Out-break ) là nơi có hiện tượng nhiều chó ốm với các triệu chứng giống nhau và có hiện tượng lây lan.

2.Chỉ có "chó bệnh" có làm lây lan dịch được không?

-Không! Nếu như không có sự tiếp xúc trực tiếp với chó khác chưa được miễn dịch tốt, hoặc gián tiếp qua các "nhân tố trung gian truyền bệnh " ( Intermediate vectors ) tới chó khác.

3.Thế nào là chó chưa được miễn dịch tốt?

-Chó chưa hoàn tất "miễn dịch cơ bản" ban đầu ( Primary vaccination ) : chó tới 4 tháng tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa hoàn thành đúng kỹ thuật 2 lần tiêm vaccine phòng các bệnh : Ca-rê, Pavo, Lepto, viêm gan truyền nhiễm, Viêm khí quản-phế quản truyền nhiễm, Adenovirus, Herpesvirus...
-Chó không được tiêm chủng nhắc lại định kỳ hằng năm các loại vaccine phòng bệnh trên.
-Chó chăm sóc không tốt, gày yếu, suy nhược giảm sức đề kháng cơ thể. Chó nhiễm nhiều giun sán và mắc các bệnh ký sinh trùng ngoài da.
-Đặc biệt các loại chó nhập ngoại, chuyển vùng rất dễ nhiễm dịch hoặc mang dịch đến nếu các biện pháp kiểm dịch không tốt.

4.Các "Nhân tố trung gian truyền bệnh" là những nhân tố nào?

-"Nhân tố trung gian truyền bệnh"- Một "mắt xích" nguy hiểm của quá trình sinh dịch vì phần lớn người nuôi chó chỉ nghĩ rằng : chỉ có tiếp xúc với chó bệnh mới bị lây bệnh! Có người đã ngạc nhiên hỏi: "Tại sao tôi nuôi chó trên tầng lầu 5, không bao giờ tiếp xúc chó khác mà vẫn bị dịch?

-"Nhân tố trung gian truyền bệnh" bao gồm :

*Môi trường như nguồn nước thải, sông suối, cống rãnh, rác thải và chất thải có mang "mầm bệnh".
*Nơi tập trung đông chó, trong đó có lẫn chó mang "mầm bệnh ": chợ búa, lò mổ chó, dog show, dog care...
*Các loại động vật khác "vô tình" mang mầm bệnh tới chó khác: ruồi muỗi, côn trùng, chuột bọ và các động vật ăn thịt hoang dã khác: mèo,thú, chồn cáo... mang tha xác chết, chất thải của chó ốm bệnh.
*Các vật ô nhiễm: phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi có ô nhiễm từ chó ốm, mang mầm bệnh: Lốp xe máy, ô-tô, xe đạp , vết giầy dép chèn, dẫm qua các chất thải , phân ,nước tiểu... về nhà, chó khác sẽ ngửi liếm "mùi lạ", có thể lây bệnh.
*Con người : chủ chó có thể vô tình đi xem, sờ mó vào chó ốm bệnh rồi về tiếp xúc với chó của mình cũng có thể lây bệnh.

5. Làm thế nào để bảo vệ an toàn dịch cho cún của bạn?


-Phải tuân thủ đúng kỹ thuật tiêm phòng dịch định kỳ, bảo đảm có miễn dịch tốt.
-Phải "cắt đứt" các mắt xích gây dịch bệnh, lây lan : Chó ốm + Mầm bệnh + Các"Nhân tố trung gian truyền bệnh" nói trên. Cách ly chó khỏe với chó ốm hoặc nghi ốm, Tẩy uế sát trùng,vệ sinh thường xuyên môi trường, dụng cụ chăn nuôi, chuồng trại. Diệt ruồi muỗi, côn trùng, chuột, động vật hoang dã ...môi trừong nuôi chó. Có biện pháp kiểm tra an toàn dịch bệnh khi cần phải tập trung chó vận chuyển, triển lãm, thi hoặc huấn luyện chó...

Trên đây là những khái niệm rất "cơ bản" về dịch bệnh, âu cũng mong anh em nuôi cún cưng bớt chút thời gian đọc và suy ngẫm. Những ai đã không may có chó chết dịch thì tĩnh tâm lại và tự giải đáp các "sơ xuất" của mình. Những ai sắp, đang nuôi chó thì áp dụng ngay các biện pháp đề phòng dịch bệnh, gọi là "Các biện pháp an toàn dịch".

Co giật, động kinh triệu chứng bệnh Ca-rê.




Dịch Pavovirus: Tiêu chảy xuất huyết.



Dịch Pavovirus: Mất nước, rối loạn điện giải, suy tim mạch nghiêm trọng.



Dịch Pavovirus: Tiêu chảy xuất huyết.

 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
1.THẾ NÀO LÀ Ủ BỆNH ( NUNG BỆNH )?

-Là thời gian con vật đã nhiễm "mầm bệnh" nhưng chưa hề có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng phát bệnh. Con vật vẫn ở trạng thái "khỏe mạnh về lâm sàng", KHÓ CÓ THỂ NHẬN BIẾT NGUY CƠ BỆNH.

2.THỜI GIAN Ủ BỆNH KÉO DÀI BAO LÂU?

-Tùy từng loại dịch bệnh và sức đề kháng cơ thể , thời kỳ này dài ngắn khác nhau. Ở chó, các bệnh dịch : Ca-rê, Parvo, Dại... thường có thời gian ủ bệnh từ 7-10 ngày. Bệnh viêm khí quản- phế quản truyền nhiễm - Ho ở cũi chó- có kỳ ủ bệnh dài hơn và phức tạp hơn. Thậm chí một số dịch bệnh có kỳ ủ bệnh kéo dài hàng tháng, hàng năm : Bệnh Dại ở người có thể sau hàng tháng mới phát bệnh, Bệnh HIV/AIDS tới vài năm, hơn chục năm...

3.NGHIÊN CỨU THỜI GIAN Ủ BỆNH ĐỂ LÀM GÌ?

-Rất quan trọng để phát hiện bệnh, định các biện pháp phòng bệnh như: cách ly những con chó mới mua, mới nhập. Vệ sinh sát trùng nơi có tập trung đông chó như chợ búa, lò mổ...
-Theo dõi và chăm sóc chó mới nuôi từ ít nhất 7- 10 ngày, nếu khỏe mạnh bình thường mới được tiêm phòng vaccine hoặc tẩy giun sán. Khỏang 2-3 tuần, nếu khỏe manh mới có thể nuôi nhốt chung với chó đang nuôi.
-Ở các nước không có Bệnh Dại ( Free from Rabies ) như : Anh, Úc, New-Zi-land...Luật Kiểm dịch cách ly với chó nhập cảnh rất nghiêm ngặt. Thời gian nuôi nhốt tại khu cách ly biệt lập để giám sát và theo dõi trước khi cho phép nhập cảnh là 6 tháng. Thời gian này người ta có thể phát hiện mọi dịch bệnh phát ra nếu có và ngăn cản sự lây lan dịch vào nước họ.
-Không nhập nuôi những con chó không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ.

4.THẾ NÀO LÀ BỆNH "CẤP TÍNH""QUÁ CẤP TÍNH"?

-Là sự diễn biến nhanh hoặc cực nhanh của bệnh, thậm chí chưa hề có triệu chứng có thể nhận biết được con vật đã chết. Bệnh Ca-rê có nhiều trường hợp xảy ra nhanh tới mức chó lên cơn động kinh, điên cuồng do viêm não đột ngột, đâm đầu vào tường, chướng ngại vật và nhảy xuống ao, hồ rồi chết. Người nuôi khó có thể tin được, thường gọi chung là "bệnh Não" hoặc nhầm với bị đánh bả trúng độc. Bệnh Parvovirus ở chó dưới 1 năm tuổi thông thường chỉ sau 3-5 ngày phát bệnh, tiêu chảy ra máu rồi chết.

5.LÀM GÌ KHI CHÓ CHẾT ĐỘT NGỘT, NGHI DỊCH BỆNH?

-Báo khẩn cấp BSTY khám và xác định bệnh.
-Cách ly ngay với những con chó khác, và tẩy uế, sát trùng môi trường , quản lý và tiêu hủy chất thải, xác chết...
-Kiểm tra lại hồ sơ tiêm vaccine của đàn chó đang nuôi.
-Hạn chế người qua lại nơi nghi có dịch.
-Đặc biệt với những con chó nghi mắc bệnh Dại : Không để cắn người hoặc các chất tiết: dãi dớt... dính nhiễm vào người.
-Trường hợp bị chó cắn hoặc có nhiễm dãi dớt, phải tẩy rửa sạch ngay tay chân, cơ thể bắng sà-phòng có khả năng diệt khuẩn cao : Lifeboy, nước rửa bát chén...phải đi khám và tư vấn các BS Dịch tế học.

6.THẾ NÀO LÀ BỆNH "MẠN TÍNH" ?

-Bệnh diễn biến chậm, nhiều khi kéo dài hàng tuần, vài tuần , cả tháng...như bệnh Ca-rê, Ho ở cũi chó, Viêm gan truyền nhiễm, Lepto... Có nhiều trường hợp chủ chó cũng không biết chó có bệnh, thậm chí chó vẫn ăn, sủa và còn hoạt bát. Có những con chó từ lúc phát bệnh đến lúc chết bị "mua đi , bán lại " qua nhiều chủ nuôi!

7.SỰ NGUY HIỂM CỦA BỆNH DỊCH THỂ "MẠN TÍNH" ?

-Làm cho chủ nuôi mất cảnh giác. Con vật càng sống kéo dài, nguy cơ lây nhiễm dịch cho nhiều con chó khác càng cao. Khó có thể dập tắt được dịch bệnh.
-Tổn thất về kinh tế do mất công chạy chữa, hoặc mua đi bán lại, mất tiền với chó bệnh.
-Gây xích mích mâu thuẫn, đôi co giữa các nhà cung cấp chó với người nuôi, giữa BSTY với chủ chó đem đi chữa trị..."tiền mất, tật mang".



Vận chuyển chó: Hãy cẩn thận với dịch bệnh để bảo vệ các cún cưng.



Xác chết do dịch bệnh, phải quản lý, tiêu hủy đúng kỹ thuật.
Không vứt nới ao hồ, sông ngòi hoặc rác công cộng.




Chất bài tiết, nôn ói, phân xuất huyết của chó dịch bệnh
phải được tẩy uế, sát trùng. Phòng lây lan.




Nuôi nhốt cách ly, theo dõi những con chó mới nhập.



Bệnh Dại ở chó thường ủ bệnh từ 1-2 tuần.
 
Hỏi trộm một câu

Đọc bài của bác rất hay nhưng mà hơi bị.........june. Các bác làm ơn cho em hỏi là nếu mua chó chưa chích ngừa thì phải tiêm phòng bao nhiêu loại là đủ; và có thể tự tiêm được không? Các bác giúp em nhé. Lần trước không kinh nghiệm nên đã phải trả giá bằng tính mạng một chú PQ rồi. Nhìn nó chết mà không làm gì được, mời thú y ở quê thì họ coi nó không bằng cục đất, mặc dù mình phải nói với họ là mình rất quý nó. Nói chung là họ không coi trọng lắm, với chó, họ chỉ tính xem được bao nhiêu cân thịt là ok, cho nên cách chữa không được chu đáo lắm, mà mình thì đâu có biết về thuốc.
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Copy lại giúp Baochungbk và các bạn tiện đọc về " Tiêm phòng vaccine và Lịch chủng ngừa cho chó" được trình bày ở 4rum cũ: http://vietpet.com/vp/viewtopic.php?t=868

VACCINE VÀ LỊCH CHỦNG NGỪA CHO CHÓ

Phòng ngừa dịch bệnh bằng vaccine là gây miễn dịch chủ động cho cả người và vật. Dựa trên nguyên tắc là "cấy"vào cơ thể virus,vi trùng gây bệnh,hoặc một mã gen của chúng (gọi là kháng nguyên"antigen") đã được xử lý an toàn,kích thích hệ thống miễn dịch cơ thể sản sinh ra chất có khả năng "trung hòa" tiêu diệt kháng nguyên gọi là "kháng thể-antibody".Việc này phải làm trước khi dịch bệnh tấn công vào cơ thể,khi mắc bệnh rồi thì vaccine xem như vô hiệu.Sau tiêm chủng cơ thể cần có thời gian và được chăm sóc chu đáo về dinh dữơng,phòng tránh các stress bất lợi thì hiệu quả phòng bệnh mới cao.

Đối với chó những bệnh dịch thường gặp sau cần hoặc phải tiêm chủng:

1.Bệnh Dại "Rabies":

Điên cuồng,hung dữ,tấn công,cắn xé làm chết người và các động vật có vú khác.Theo Luật thú y Việt nam,toàn bộ đàn chó mèo nuôi phải được tiêm phòng vaccine Dại hàng năm.Ở một số nước trên thế giới không có bệnh Dại (Free from Rabies)như Anh,Niu-di-lân, Úc... thì việc quản lý,khống chế bệnh Dại cực kỳ nghiêm ngặt.Tất cả chó mèo hoặc động vật có vú khác nhập cảnh đều phải nhốt riêng tại khu cách ly "Quarantine" trong vòng 6 tháng để theo dõi sau đó mới quyết định nhập cảnh hay không.

2.Bệnh Care(Canine Distemper): Do virus gây viêm xuất huyết đường tiêu hóa,tiêu chảy ra máu,non mử,ho khạc kéo dài,động kinh.

3.Bệnh do Pavovirus: Gây nôn mửa,mất nước nhanh,tiêu ra máu hôi tanh,chết nhanh nhất là chó non.

4.Bệnh Viêm gan truyền nhiễm: Nôn mửa,tiêu ra máu,đau bụng,co giật.

5.Bệnh Lepto do xoắn khuẩn Leptospirosa gây nôn mửa,tiêu chảy ra máu,vàng da,có thể lây sang người.

6. Bệnh " Viêm khí quản- phế quản truyền nhiễm"(Parainfluenza) - Còn gọi là Bệnh Ho ở cũi chó (Kennel Caugh) :Gây viêm khí quản- phế quản, viêm mũi, viêm phổi, ho khan kéo dài, suy kiệt cơ thể rồi kế phát các bệnh dịch khác, rất dễ tử vong với chó non dưới 6 tháng tuổi.


Lịch chủng ngừa có khác nhau phụ thuộc vào chỉ dẫn của từng Hãng sản xuất thuốc.Về cơ bản xin được khuyến cáo như sau:


LỊCH TIÊM CHỦNG


8-9 Tuần tuổi:Tiêm mũi 1 vaccine đa giá "multivalent vaccine" phòng các bệnh virus, vi khuẩn... thường được gọi là 4 bệnh, 5 bệnh...

12-13 Tuần :Tiêm mũi 2 cùng loại vaccine trên và Bệnh Dại


Tái chủng tất cả các bệnh trên mỗi năm 1 lần
Trường hợp không rõ nguồn gốc chó, tốt nhất tiêm từ đầu kể cả chó trưởng thành.Tiêm nhắc lại có miễn dịch tốt hơn.
 

yeucho89

Member
Hỏi về các bệnh cơ hội

Em muốn hỏi bệnh cơ hội lây lan như thế nào?Hôm vừa rồi mang cún đi khám thấy toàn bệnh nhân cún bị care em hoảng quá nên chả dám đặt cún xuống ,khám và tiêm thuốc trên tay em luôn.Như vậy có sao không ạ?Em cũng đứng gần mấy chú chó Care nhưng không cho cún mình với cún người ta tiếp xúc gì,vậy bé nhà em có nguy cơ lây bệnh không ạ?Bé chưa tiêm phòng vì cũng còn nhỏ quá.:worried::worried::worried:
 
Thời tiết đông lạnh này là cơ hội của bệnh care đó bạn và là 1 loại bệnh truyền nhiểm lây lan dữ lắm. Vì cách đấy 2 năm
giữa tháng 12 { âl} nhà mình đi luôn 1 lần 7 bé trong vòng 1 tuần , mình suy sụp tinh thần luôn đấy ! nhất là cún con
đề kháng yếu vi trùng dễ xâm nhập cơ thể chúng . Bạn nên đề phòng nha ! Thân ái !
 
Cho em hỏi về vấn đề lây nhiễm của care.

Em có 1 chú cún bị care, đã đưa đi nơi khác, giờ em mang 1 chú khác về, liệu có bị lây không? Các vật dụng mà chú cún cũ chơi em đã vứt đi hết, kể cả cái lồng chó, nhưng liệu virut có bám lại trong phòng được không? Phòng em thì cũng thoáng và ngày nào cũng lau nhà, nhưng chỉ gọi là lau bt thôi chứ ko phải khử trùng gì cả. Vậy liệu chú cún mới có bị lây không, cún mới khoảng 6 tháng, đã tiêm phòng care nhưng em nghe nói tiêm rồi vẫn có % bị, còn nữa, khi chú cún cũ khỏi, thì em cũng nghe nói bị care mà khỏi vẫn mang trùng bệnh và lây tốt, vậy làm thế nào bây giờ ạ, khi đó 2 cún chơi cùng nhau có sao không?
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Nếu chó chưa được tiêm phòng vaccine bệnh Carê có hiệu lực miễn dịch thì kể cả trước đó nhà bạn không có chó bệnh vẫn có nguy cơ cao nhiễm dịch Carê và các bệnh khác vì còn lây lan qua môi trường và các nhân tố trung gian khác như: vật dụng, con người và côn trùng, chuột bọ...

Khi quyết định mua chọn một con chó để nuôi, câu hỏi đầu tiên là: đã được miễn dịch bằng tiêm vaccine hay chưa?
 
Chó mới của em có 2 chú, 1 chú đã tiêm carê lần 1, và chú kia đã tiêm nhắc lại vào 21 ngày sau gì đó. Vậy chú thứ nhất có dễ bị lây không, và chú thứ 2 có yên tâm chưa ạ?
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Chó mới của em có 2 chú, 1 chú đã tiêm carê lần 1, và chú kia đã tiêm nhắc lại vào 21 ngày sau gì đó. Vậy chú thứ nhất có dễ bị lây không, và chú thứ 2 có yên tâm chưa ạ?
Vaccine không thể bảo hộ 100%, việc tuân thủ quy trình tiêm là bắt buộc, nhưng vẫn cần chăm sóc, dinh dưỡng và diệt trừ giun sán,cách ly với cạc nguy cơ nhiễm dịch bệnh mới yên tâm chó không bị dịch.
 
Nói vậy là cho dù có tiêm thế nào đi nữa, em cũng không thể để chú cún từng bị care tiếp xúc với bất kỳ chú chó nào khác của em phải không ạ.
 

New_P

New Member
1 con cún nhà em vừa chết vì bệnh Lepto. Con còn lại thì vẫn khỏe, đang trong quan sát xem thế nào? Cho em hỏi là em chỉ tiếp xúc với da chó, như là ôm, đặt trên đùi, vỗ đầu thì khả năng lây bệnh này có cao không? Và triệu chứng bệnh này trên người có giống như trên chó không ạh? Và em bây giờ nên làm gì cho em và cả con cún còn lại?
Lúc con cún kia chết thì đã cách ly con cún còn lại, tuy nhiên trước khi phát bệnh thì bọn nó vẫn tiếp xúc với nhau. Em có nên đưa con cún còn lại đi xét nghiệm và cả em và người nhà có nên xét nghiệm bệnh không ạh. Sau khi con cún chết thì em có tẩy uế chỗ nó nằm bằng bột giặt, bây giờ vẫn dội nước bột giặt và xút 5 % hàng ngày.
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
1 con cún nhà em vừa chết vì bệnh Lepto. Con còn lại thì vẫn khỏe, đang trong quan sát xem thế nào? Cho em hỏi là em chỉ tiếp xúc với da chó, như là ôm, đặt trên đùi, vỗ đầu thì khả năng lây bệnh này có cao không? Và triệu chứng bệnh này trên người có giống như trên chó không ạh? Và em bây giờ nên làm gì cho em và cả con cún còn lại?
Lúc con cún kia chết thì đã cách ly con cún còn lại, tuy nhiên trước khi phát bệnh thì bọn nó vẫn tiếp xúc với nhau. Em có nên đưa con cún còn lại đi xét nghiệm và cả em và người nhà có nên xét nghiệm bệnh không ạh. Sau khi con cún chết thì em có tẩy uế chỗ nó nằm bằng bột giặt, bây giờ vẫn dội nước bột giặt và xút 5 % hàng ngày.
Nếu chó chết có dấu hiệu vàng da, viêm gan có thể do các nguyên nhân: Bệnh viêm gan thông thường: Rối loạn chức năng gan, khối u, ung thư... ( Nội Khoa- không lây), Bệnh Viêm gan truyền nhiễm, Bệnh Lepto.

Để rõ có chắc chắn bị Lepto hay không cần có các xét nghiệm Vi khuẩn, chẩn đoán phòng thí nghiệm. Trường hợp chó của bạn chết nếu do Viêm gan thông thường thì không lây, không nguy hiểm cho con người. Chỉ có các BSTY trực tiếp chẩn đoán trên chó của bạn mới rõ được.

Bạn chịu khó tham khảo các bài viết sau đây có thể giải đáp các thắc mắc của bạn:

1. Bệnh Lepto ở Chó - Nguy Hiểm Cho Con Người.

2. Bệnh Viêm gan Truyền nhiễm ở chó.

3.Chứng Báng Bụng, To Bụng ở Chó
 
Top