• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Báo động nạn câu rùa hồ Hoàn Kiếm.

KimCuong

Active Member
Những chú rùa tội nghiệp dù lớn hay nhỏ đều không thoát khỏi những tay “sát rùa” và chúng đã trở thành một nguồn thu nhập đáng kể cho một nhóm người thiếu ý thức. Hiện tượng câu rùa ở hồ Hoàn Kiếm ngày càng nở rộ.

Mục sở thị

Trong vai những người cần mua rùa, chúng tôi lang thang một vòng quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhưng tuyệt nhiên không thấy dáng một tay câu rùa. Hỏi thăm một chị bán nước sát hồ mới biết, đây chưa phải là thời điểm dân câu rùa ra “tập kết” vì tránh đội an ninh trật tự đi tuần.

[imgc="Vô tư câu rùa mà không sợ ai. Ảnh: Q.T"]http://vtc.vn/newsimage/original/vtc_214300_rua1.jpg[/imgc]

"Phải đến khoảng giữa trưa, khi đó dân câu rùa mới xuất hiện. Khi đó các anh tha hồ lựa chọn mua, loại rùa gì mà chẳng có” - chị bán nước khẳng định.

Khoảng 10 giờ, lác đác có vài người ra hồ ngồi câu. Ngay phía bờ đối diện Bưu điện Thành phố Hà nội, một người đàn ông trung niên, mái tóc đã hoa tiêu giả bộ du khách ngồi hóng mát lén lút ném đoạn dây cước gắn lưỡi câu xuống nước. Mắt liếc ngang, liếc dọc đầy vẻ cảnh giác, rồi từ từ quấn dây cước quanh một đoạn nhựa nhỏ để lọt thỏm trong lòng bàn tay.

Nhưng khi lần thả cước thứ hai, bất ngờ 3 cán bộ của Đội ANTT thuộc BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm xuất hiện. Thoáng chút bối rối, gã “đạo chích” vội ném ngay “đồ nghề” đang cầm trên tay xuống hồ nhằm phi tang rồi liếng thoắng chối tội.

Không còn chứng cứ, 3 cán bộ của Đội ANTT đành phải để người đàn ông này ra đi. Khi chúng tôi vừa cầm máy ảnh lên định chụp, người đàn ông này hùng hổ giơ nắm đấm dứ dứ đầy vẻ hăm doạ.

Ông Phạm Mai Linh, 1 trong 3 cán bộ của Đội ANTT thuộc BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm vừa bắt hụt hành vi câu trộm rùa của người đàn ông lạ mặt cho biết: “Tình trạng câu trộm rùa mới chỉ xuất hiện khoảng hơn một năm trở lại đây và ngày càng được nguỵ trang tinh vi hơn”.

Thủ phạm đa phần là... thiếu niên

Ngay dưới chân cầu Thê Húc, có 2 cậu bé cởi trần, mặc quần đùi đang cầm cành cây đập ầm ầm xuống mặt nước. Trên cầu, 4 cậu choai choai đang ra sức tung từng chùm lưỡi câu xuống hồ để giật những chú rùa bé bỏng tội nghiệp mà lũ trẻ đứng phía dưới đang lùa lại khu vực chân cầu.

Chỉ trong ít phút, cậu nhóc đứng phía trên cầu đã câu được một chú rùa bé xíu, loại tai đỏ, mai vằn lên những đường vân xanh vẫn thường được nuôi làm cảnh. Cậu nhóc gỡ một ngạnh lưỡi câu đang móc vào góc mai phía dưới bụng rồi ném tọt chú rùa tội nghiệp đang rỉ máu vào chiếc túi nilông gần đấy.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết một con rùa nhỏ khoảng 200g, lũ nhóc bán được khoảng 50.000 đồng cho các cửa hàng bán rùa cảnh trên phố Hàng Bông. Còn các con to hơn chúng bán được khoảng 70 - 80.000 đồng cho các cửa hàng làm thịt.

Theo các cậu nhóc này, chúng cũng có thể bán ngay tại khu vực hồ cho các quán bán nước chè, tất nhiên giá cả sẽ rẻ hơn nhiều so với các địa điểm mà chúng phải cất công mang đi.

Lũ nhóc còn tiết lộ, mỗi ngày chúng câu được trung bình khoảng 2-3 con rùa. Với những ngày nắng nóng, số lượng được nhiều hơn.

Chưa có chế tài xử lý mang tính răn đe

Không chỉ riêng khu vực cầu Thê Húc, hiện quanh hồ Hoàn Kiếm nơi nào cũng có dân câu trộm rùa tập kết. Họ thường ngồi xen kẽ với du khách rồi thản nhiên ném những lưỡi câu xuống hồ nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng bảo vệ.

Hiện tình trạng câu trộm rùa tại đây khá phổ biến, tuy nhiên những biện pháp để ngăn chặn tình trạng này hầu như không đạt được hiệu quả tốt nhất.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm cho biết: Dân câu trộm rùa chủ yếu là thiếu niên, tuy nhiên cũng có một vài người trong độ tuổi trung niên tham gia.

Khi bị phát hiện, các đối tượng câu trộm rùa thường đối phó bằng cách ném đoạn cần câu xuống nước nhằm phi tang rồi chối tội. Chính vì vậy, để có bằng chứng sát thực, chúng tôi thường chụp ảnh trước, sau đó mới ra bắt giữ.

Trong quá trình bắt giữ những đối tượng này, nếu có địa chỉ cụ thể chúng tôi sẽ gửi về địa phương để giáo dục cũng như thông báo đến nhà trường để có biện pháp tuyên truyền, răn đe.

Còn với những trường hợp trẻ lang thang, không có địa chỉ thì chúng tôi chuyển vào trung tâm xã hội 1 để giáo dục. Hiện chưa có một chế tài nào xử lý vấn đề này, nên thẩm quyền của BQL khu vực hồ chỉ có thể như thế”- ông Tuấn cho biết.

Ai cũng biết rằng, hồ Hoàn Kiếm là danh thắng lịch sử cấp quốc gia, nơi gắn liền với truyền thuyết trả Gươm của vua Lê, hiện là nơi sinh sống của loài rùa quý, nhưng tình trạng câu trộm rùa vẫn diễn như một sự thách thức, không có thuốc đặc trị.

Bao giờ nạn câu trộm rùa ở hồ Hoàn Kiếm chấm dứt? Đó không còn là câu hỏi của riêng người dân thủ đô mà còn là câu hỏi của hàng vạn du khách thập phương mỗi khi ghé thăm khu vực hồ Hoàn Kiếm khi bất chợt phải chứng kiến cảnh những chú rùa bị những chiếc móc câu treo lủng lẳng, rơm rớm máu.

Theo Giadinh.net
 
Top