• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

10 sinh vật lạ nhất thế giới

vits2be

Member
Đỉa một hàm bám vào mũi một bé gái; Vi khuẩn ăn tàu Titanic; Cá bơi như nhảy lò cò...là một trong 10 sinh vật đáng chú ý nhất được khám phá năm 2010.
1. Tìm thấy đỉa trong mũi

Đỉa Tyrannobdella rex

Con đỉa Tyrannobdella rex chỉ có một hàm với những chiếc răng lớn là một trong top 10 loài vật được phát hiện năm 2010 khi đang bám vào hốc mũi của một bé gái người Peru.

Theo các nhà khoa học khám phá ra Tyrannobdella rex, khoảng 600-700 loài đỉa đã được mô tả, nhưng còn tới khoảng 10.000 loài khác vẫn chưa được khám phá.

Mỗi năm, danh sách những loài lạ nhất, dị thường nhất mới được tìm thấy đều được thống kê để cho thấy trong hệ sinh thái còn rất nhiều điều con người chưa biết tới.

“Ước chừng khoảng 10 triệu loài cần được mô tả, đặt tên và phân loại trước khi con người hiểu hết về sự đa dạng và phức tạp của tự nhiên”, Quentin Wheeler, giám đốc Viện khảo sát loài quốc tế ở ĐH bang Arizona, nói.

2. Vi khuẩn trên tàu Titanic


Vi khuẩn ăn sắt

Loài vi khuẩn ăn oxit sắt được tìm thấy trên gỉ sắt của Titanic, con tàu bị chìm năm 1912 vì đâm vào tảng băng. Vi khuẩn mang tên Halomonas titanicae được một nhóm nhà khoa học ở ĐH Dalhousie (Canada) và ĐH Seville (Tây Ban Nha) tìm ra.

Nghiên cứu cho thấy vi khuẩn này bám trên bề mặt thép và tạo ra các ụ sắt, sản phẩm của quá trình ăn mòn. Đây là một trong số nhiều loại vi khuẩn đang làm biến đổi con tàu và có thể sẽ khiến con tàu hoàn toàn biến mất vào một ngày nào đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng Halomonas titanicae có thể hữu ích trong việc xử lý những con tàu cũ và các giếng dầu sâu dưới đại dương.

3. Cá... nhảy lò cò

Cá nhảy lò cò

Con cá trông như chiếc bánh kếp này được tìm thấy ngay trước khi xảy ra vụ tràn dầu trên vịnh Mexico. Cá được đặt tên là Halieutichthys intermedius sống ở tầng đáy. Cách di chuyển của loài cá này trông vụng về như nhảy lò cò trên những chiếc vây dày trông như cánh tay.

4. Nấm phát sáng suốt ngày đêm


Nấm Mycena luxaeterna

Một số loài nấm lâu nay vẫn được biết đến với đặc tính gây ảo giác cho những ai ăn phải chúng. Loại nấm mang tên Mycena luxaeterna này được tìm thấy ở một số nơi tại khu rừng gần Sao Paulo (Brazil) lại có đặc tính phát quang liên tục. Nó phát ra ánh sáng màu xanh vàng trong cả ngày lẫn đêm từ thân cây được bao phủ bởi một loại gel. Trên thế giới có khoảng 1,5 triệu loài nấm, nhưng chỉ 71 loài có đặc tính phát sáng.

5. Gián nhảy


Gián Saltoblattella montistabularis

Loài gián nhảy này được phát hiện tại một khu bảo tồn ở Nam Phi. Loài côn trùng mang tên Saltoblattella montistabularis có khả năng nhảy như châu chấu. Trước khi con vật này được phát hiện, người ta chỉ biết đến gián nhảy có ở cuối kỷ Jura – thời kỳ của khủng long. Ngoài cặp chân khác biệt, con gián này có cặp mắt hình bán cầu, nhô ra từ hai bên đầu, trong khi gián thông thường có mắt hình quả thận, kèm theo một cặp râu có tác dụng giúp nó giữ thăng bằng trong lúc nhảy.

6. Thằn lằn ăn trái cây




Loài thằn lằn ăn trái cây được tìm thấy ở rừng Bắc Sierra Madre trên đảo Luzon (Philippines). Chiều dài cơ thể tối đa mà chúng có thể đạt được lên tới gần 200cm, với trọng lượng khoảng gần 10kg. Loài thằn lằn rừng mang tên Varanus bitatawa này có màu xám với nhiều vết đốm vàng. Cơ thể và những cái chân nhiều vảy của nó có màu xanh đen, lốm đốm chấm xanh vàng nhạt, còn cái đuôi được chia thành các khúc có màu đen và xanh.

Loài thằn lằn này đến tận bây giờ mới được các nhà khoa học phát hiện có lẽ vì chúng dành phần lớn thời gian trên cây, dù người dân địa phương biết đến loài này đã lâu.

7. Linh dương châu Phi




Loài linh dương ở Tây Phi mới được chính thức mô tả vào năm 2010, dù chúng được nhiều người biết tới và khai thác từ lâu. Chúng được phát hiện khi đang được bán ở chợ để giết thịt. Chúng được đặt tên là linh dương Philantomba walteri, hay "Walter’s Duiker", theo nhà khoa học Walter Verheyen để ghi nhận cống hiến của ông trong quá trình nghiên cứu động vật có vú ở châu Phi.

8. Dế “lắm mồm” giúp thụ phấn


Dế Glomeremus orchidophilus

Glomeremus orchidophilus – loài dế “lắm mồm” – là một trong 10 loài đáng chú ý nhất năm 2010 vì khả năng giúp loài hoa phong lan hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng Angraecum cadetiion Réunion ở quần đảo Mascarene thuộc Ấn Độ Dương thụ phấn.

Các nhà khoa học khám phá ra loài dế này cho biết chúng phát ra âm thanh kèn kẹt, là loài đầu tiên trong bộ cánh thẳng được biết đến với khả năng giúp cây thụ phấn.

9. Nấm ra quả dưới nước


Nấm Psathyrella aquatic

Một loài nấm kỳ lạ khác cũng được nằm trong danh sách của năm 2010: nấm Psathyrella aquatic – được tìm thấy trong dòng nước lạnh và trong trên vùng thượng nguồn sông Rogue, bang Oregon (Mỹ). Các nhà nghiên cứu dành 11 tuần để quan sát loài nấm này, và đã chứng kiến chúng ra quả. Đây là loài nấm duy nhất được biết đến với khả năng ra quả dưới nước.

10. Nhện chăng lưới “khủng”


Nhện Caerostris darwini

Sinh vật cuối cùng trong danh sách 10 sinh vật đáng chú ý nhất của năm 2010 là chú nhện chăng tơ hình cầu. Tên Caerostris darwini của nó được đặt theo nhà bác học Charles Darwin. Mạng của nhện này có thể chăng khắp sông, suối và hồ. Một mạng nhện của loài này được tìm thấy dài tới 25m đã chăng ngang dòng sông Madagascar, tóm được ít nhất 30 côn trùng.

Ngoài khả năng chăng lưới “khủng”, nhện này còn nhả ra loại tơ khỏe gấp đôi tơ của những loài nhện khác, thậm chí khỏe hơn 10 lần loại nhện Kevlar có kích thước tương tự.



Trúc Quỳnh (Theo MSNBC)
Baodatviet.vn
 
Top