Đó là xe bắt chó chạy rong ngoài đường đó bạn. Mời bạn đọc bài báo sau đây để hiểu thêm:
Con đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) bỗng nhốn nháo đầy tiếng la ó: "Ê coi chừng, lùa vô, mấy ổng tới rồi...".
Bằng một động tác nhanh gọn, Vũ quăng dây. Những tưởng con chó chạy rông sẽ bị thúc thủ. Nhưng không ngờ, nó nhanh hơn, thoát được và quay sang truy đuổi lại.
Nguyễn Xuân Vũ có hơn một năm làm nghề. Anh nói trước kia "bá nghệ" nhưng năm 2004 khi biết Chi cục Thú y TP HCM cần nhân viên cho đội bắt chó chạy rong, Vũ nộp đơn. "Tưởng thi vô cái này dễ, ai ngờ cũng khó quá chừng. Qua mấy vòng sát hạch mới vô được đó chớ", Vũ nói.
Trúng tuyển, Vũ có 6 tháng tập luyện. Mỗi ngày, anh em trong đội sẽ thả một con chó ra sân, Vũ tập quăng dây, bắt con vật mà không làm nó bị thương, tập chạy và phản ứng nhanh mỗi khi có sự cố. Sáu tháng ròng chỉ quăng dây, quăng dây, chạy và chạy.
Bắt chó chạy rong trong sân thì dễ chớ bắt chó chạy rong ngoài đường thì không dễ chút nào. Ngoài chuyện phải áp dụng đúng thao tác nghiệp vụ còn phải dè chừng giao thông. Đặc biệt là đối phó với phản ứng quá khích của mọi người xung quanh. Vũ hay nói đùa: "Bữa nào đi làm không nghe chửi thì ăn cơm không ngon thì phải...".
Trương Văn Na làm việc ở đội bắt chó chạy rông thuộc Chi cục Thú y TPHCM đã được 8 năm. Và anh cũng có 8 mũi khâu mà hồi năm ngoái Na bị "dính đạn đá” trong một lần đang thi hành nhiệm vụ.
Hằng ngày, cứ 6h Na có mặt tại văn phòng đội. Mỗi ngày theo chỉ tiêu đội phải bắt được 10 đến 15 con chó. Tám năm làm nghề, Na đã bắt không biết mấy nghìn con. Tiếp xúc với chó đã bị bệnh dại cũng không ít và kể cả bị chó cắn, chó rượt cũng đã gặp.
Na nói vì mưu sinh, vì nghề nghiệp, nghề chọn mình chứ mình không chọn nó. "Làm gì thì làm miễn là lương thiện, miễn là con cái tui biết ba nó không có làm gì bậy là được. Còn chuyện người ta không hiểu nghề mình, cứ coi mình giống như hung thần thì cũng... thường thôi!", Na hào sảng nói. Kể cả khi bị tai nạn, anh vẫn cười vô tư lý luận: "Ai cũng vậy, làm nghề gì cũng có lúc xui chớ bộ! Nhiều khi người ta cũng đâu có cố ý ghét mình chọi đá mình mà vì lỡ tay thôi".
Dẫn chó lên xe.
Mỗi ngày, Nguyễn Xuân Trung lái khoảng 50 km để đưa đội bắt chó chạy rong đi tác nghiệp. Một năm cầm vô-lăng, một năm bon bon lái chiếc xe "ai cũng ghét” trên đường. Trung nói: "Coi vậy chớ chúng tôi tự hào lắm chớ. Nhờ có chúng tôi mà hạn chế được biết bao nhiêu người bị chó cắn, không mắc bệnh dại. Công việc này tuy không sang trọng, không đẹp mã với người đi làm nhưng nó có ý nghĩa biết bao!”.
Những ngày này, Trung đang “gà” hai môn văn, toán để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THCS vào tháng 9 dành cho cán bộ công nhân viên. Anh khẳng định: “Tôi học cho tôi chớ cho ai. Tôi học để biết cái tri thức với người ta với lại mấy đứa nhỏ ở nhà cũng sắp vô lớp một. Mình là ba phải biết vài thứ để còn dạy dỗ tụi nhỏ nữa chớ".
Theo
SGTT, đội bắt chó chạy rong trực thuộc Chi cục Thú y TP HCM là lực lượng duy nhất trong toàn thành phố có nghiệp vụ này. Đội gồm 8 thành viên. Trong đó, tổ bắt chó có 5 người. Mỗi ngày làm việc của năm anh em bắt đầu từ 6h30 và quay về đội khoảng 10h. Mỗi năm, có khoảng 3.000 con chó bị bắt do vi phạm các quy định của ngành thú y như để chó chạy rong ngoài đường không khớp mõm, không có chủ trông coi...
Làm việc trong môi trường ít có được sự thông cảm của người khác, thế nhưng, ai đã một lần đến đây đều nhận thấy họ là những con người lạc quan, tự tin với nghề nghiệp của mình. Họ, những con người hằng ngày hàng giờ cứ nở nụ cười trên môi kể cả khi bên tai phải bị nghe những lời trách móc, hầm hè. Nói như Trương Văn Na: "Làm gì thì làm, miễn là lương thiện, miễn là con cái tui biết ba nó không có làm gì bậy là được!".
Việt Báo (Theo_NgoiSao)