bachtrungvan
Member

Anh Trương Minh Trí và bầy Phú Quốc 7 con trong vườn nhà tại San Diego

Một trong 3 chú Phú Quốc thuộc thế hệ thứ hai tại Hoa Kỳ

Ba chú Phú Quốc con. Trên lưng hắc cẩu là một xoáy hình mũi tên chạy dọc sống lưng.

Thằng “Cup” và cái xoáy lưng đặc trưng của loài Phú Quốc.

Con “Cup” và con “Mực” đều đã có license. Cup đã từng bị ticket vì không có license và... gây rối trật tự công cộng

Bàn chân với màng da như chân vịt giúp chó Phú Quốc bơi lội như rái cá.
Thằng “Cup” có số xuất ngoại! Nhưng “hắn” nhất định chỉ đi Mỹ! Cup có đôi chân dài, bụng thon và tấm ngực nở rộng như lực sĩ. Cũng chính vì Cup đẹp, cộng thêm gương mặt lạnh lùng, mang chút hơi hướng “giang hồ” nên mấy tay Ðài Loan và Ðại Hàn mê hắn như điếu đổ. Họ thuê người vào tận trong rừng của đảo Phú Quốc để bắt hắn; nhưng luôn luôn thất bại, thằng Cup chống trả mãnh liệt.
Một ngày nọ, một Việt kiều từ San Diego, California, về tận Phú Quốc. Anh ta thuê hai cư dân địa phương làm mỗi một việc: “Bắt cho được thằng Cup.” Sau gần nửa giờ quần thảo, họ chinh phục được Cup, cho dù trên người mang đầy thương tích. Cup được đưa về Sài Gòn bằng đường biển. Rồi từ Sài Gòn, Cup lên đường theo người chủ mới sang Mỹ.
“Cup là con đầu đàn. Tôi nhìn thấy là mê ngay.” Anh Trương Minh Trí, ông chủ của Cup, đang sống tại San Diego, vừa kể vừa đưa tay chỉ vào con chó Phú Quốc đứng trong góc vườn. Thì ra hắn là con “Alfa,” tức là con đầu đàn, theo ngôn ngữ của những người huấn luyện chó. “Tôi đặt tên cho nó là Cup vì đuôi nó cụt.” Anh Trí vừa kể vừa chỉ cho chúng tôi xem “license” của Cup.
“Tôi không biết nhiều về chó. Tôi chỉ rành về chim. Một hôm, người bạn kể cho tôi về một loại chó ở Việt Nam. Nghe nói, giống này rất thông minh, lại có thể bơi và lặn như rái cá!” Anh Trí kể lại. “Tôi không biết đó là loại Phú Quốc. Khi về Việt Nam, người ta bảo tôi ra tận đảo Phú Quốc để tìm hiểu. Khi vào sâu trong rừng, một cư dân chỉ cho tôi con Cup, tôi mê ngay.”
“Giống chó này thuộc loại dân miền biển. Mang về Sài Gòn, thổ nhưỡng thay đổi, rất khó sống. Tôi mua luôn 13 con, trong có đó Cup.” Anh Trí cho biết. Về đến Sài Gòn, chỉ trong tuần đầu tiên, 5 con ngã bệnh rồi chết. Còn lại 8 con, anh Trí chọn ra 4 con thật khỏe để mang sang Mỹ.
Sau khi mang đi chích ngừa và dò hỏi đường đi nước bước, anh Trí xin được giấy phép mang 4 con Phú Quốc ra khỏi Việt Nam. “Tôi phải bỏ ra 400 đô la để mua vé máy bay cho chúng.” Anh Trí kể thêm, ngày lên đường về Mỹ, mọi chuyện chuẩn bị xong xuôi, anh Trí chỉ còn chờ lên máy bay. “Ðến phút cuối, người ta bảo tôi rằng cái lồng dùng để nhốt mấy con Phú Quốc không đủ tiêu chuẩn. Tôi bỏ chuyến bay, trở về nhà làm lại từ đầu. Ðúng ngày Thanks Giving 2003, tôi lại ra sân bay. Cái lồng có đủ đồ ăn, nước uống và một cái... lỗ để mấy “ngài” thở.” Anh Trí về lại Mỹ cũng đúng vào ngày Thanks Giving. Bốn con Phú Quốc giờ đây đã thành “thường trú nhân” Hoa Kỳ. Chỉ thiếu có mỗi cái license, “mà nói nôm na, license chính là cái “thẻ xanh.”
Trong khi trò chuyện cùng chúng tôi, ngay trước nhà anh Trí, một chiếc xe thuộc Sở Kiểm Soát Thú Nuôi (Animal Control) thuộc thành phố San Diego xuất hiện. “Mấy ông nói dùm với chủ nhà là tôi sẽ cho họ một giấy cảnh cáo.” Bà Worrick, trong bộ đồ đồng phục của Sở Kiểm Soát, vừa nói vừa giở tập hồ sơ. “Ông chủ nhà vi phạm hai điều. Ðiều thứ nhất...” Bà Worrick vừa nói vừa đưa tay chỉ vào mấy cục phân trong chuồng. “Còn điều thứ hai, theo qui định của sở, diện tích cái vườn này chỉ được nuôi tối đa 6 con chó thôi. Ông chủ nhà có đến... 7 con.” Rồi bà đưa tay chỉ vào con Cup: “Ông này đã bị ticket một lần rồi.”
Bà Worrick trao cho anh Trí tấm giấy “warning,” rồi dặn thêm: “Ngày mai tôi trở lại, nếu vẫn còn 7 “trự” thì ông sẽ nhận giấy ra tòa. $1,000 chứ không chơi!”
Anh Trí cười cười cho biết: “Ðúng là Cup đã bị ticket một lần, hồi mới sang Mỹ.” Ngày ấy, anh Trí xây cho Cup một cái chuồng khang trang và khá chắc chắn, bằng lưới B40 hẳn hoi. Sau một ngày đi làm về, anh Trí nhìn thấy Cup đang chạy lang thang ngoài đường. Thì ra, thằng Cup đào đất rồi chui từ dưới đất lên. Không chỉ “đào thoát,” Cúp chạy thẳng qua nhà hàng xóm đánh cho mấy con chó hàng xóm một trận thừa sống thiếu chết rồi mới về nhà. “Ðó là ticket đầu tiên của Cup: Không có license và... gây rối trật tự công cộng.” Anh Trí vừa nói vừa lắc đầu ra chiều chán nản.
Chó Phú Quốc từ lâu đã trở nên nổi tiếng trong giới nghiên cứu. Theo website chophuquoc.com.vn, Thái Lan cũng có một loại chó tương tự về hình dáng và cá tính. Có một thời, người Thái xem chó Phú Quốc như “hậu duệ” của chó Thái Lan. Sau một thời gian tranh luận, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã đi đến kết luận thuyết phục rằng chó Phú Quốc là giống đặc biệt chỉ có tại vùng đảo Phú Quốc và không liên hệ huyết thống gì đến chó săn Thái Lan cả.
Theo các nghiên cứu, chó Phú Quốc “cực kỳ thông minh và dũng mãnh. Nếu so sánh với chó Berger của Ðức, Phú Quốc thông minh gấp 4 lần.” Bản năng của chó Phú Quốc là giữ nhà và đi săn. Nếu được huấn luyện kỹ, giống chó này còn có khả năng bảo vệ trẻ em và “bảo vệ chủ một cách trung thành bằng chính mạng sống của mình.”
Người dân Phú Quốc hãnh diện gọi chó Phú Quốc là “Sói Lửa Miền Tây.” Ngày nay người ta mới bắt đầu mua bán chó Phú Quốc, còn trước đây, chó Phú Quốc được dùng làm quà để tặng nhau và để tỏ lòng thân mến.
“Giống chó này thường hay bệnh khi vào đất liền.” Anh Trí cho biết. Ðiều này, có lẽ những ai đã từng nuôi Phú Quốc đều biết. Người ta tin rằng thổ nhưỡng là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, trong website nghiên cứu về chó Phú Quốc, các nhà nghiên cứu tin rằng: “Trong quá trình vận chuyển về đất liền, đừng cho chó ăn no. Cần chuẩn bị một chén nước nhỏ cho chó uống. Khi đến đất liền, tuyệt đối không cho ăn ngay. Nếu thời gian vận chuyển lâu, trên 6 tiếng đồng hồ, thì nên cho chó ăn một ít cháo loãng trước khi lên đường. Nói chung, chó Phú Quốc chết trong quá trình vận chuyển là vì khát chứ không phải vì đói.”
“Chó Phú Quốc bơi rất giỏi, và lặn cũng rất giỏi.” Anh Trí cho biết. Vừa nói, anh vừa bồng một con Phú Quốc đặt lên đùi. Khi xem bàn chân của con chó, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy tất cả các móng chân đều được nối liền nhau bằng một tấm màng da như chân vịt. “Nhờ tấm màng này mà chó Phú Quốc có khả năng bơi lặn như rái cá.” Anh Trí lộ vẻ thỏa mãn.
Cup và 3 chú Phú Quốc được đưa sang Mỹ giờ đây đã “sản sinh” thêm thế hệ Phú Quốc thứ hai tại San Diego. Cả 3 chú chó con đều có “móng đeo,” một dấu hiệu của sự thông minh. Một chú Phú Quốc con ngửa cổ ngáp dài, anh Trí chỉ vào miệng: “Lưỡi có đốm!” Các chú chó con, ngoài dòng dõi Phú Quốc, có cả các ưu điểm “móng đeo,” “lưỡi đốm” và “bốn mắt.” “Khôn phải biết!” Anh Trí kết luận.
“Làm sao xác định một con chó thuộc loại Phú Quốc?” Anh Trí cho biết: “Mặc dầu không chắc chắn, yếu tố ưu tiên hàng đầu là phải có xoáy trên lưng.” Chúng tôi xem cái xoáy trên lưng con Cup: Xoáy lông ngược có hình mũi tên chạy dọc sống lưng. “Khi đánh nhau, các xoáy lưng này dựng lên làm cho Phú Quốc trông to và dữ dằn hơn.”
Chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp bầy chó, như phản xạ tự nhiên, tất cả các con trong đàn đều quay mặt tránh nhìn vào ống kính. Một người đi cùng nhận xét: “Có lẽ là bản năng của giống chó săn. Chĩa ống kính vào mặt làm chúng khó chịu, giống như ai đó chĩa súng hay cung tên vào mặt.”
Lông vàng, mắt vàng, xoáy lưng hình mũi tên cộng thêm mấy cái móng đeo, Cup thể hiện rõ nét nhất hình ảnh của loài Phú Quốc nổi tiếng thế giới.