• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Vợ chồng cùng cứu... cá tuyệt chủng

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Không đành lòng nhìn nhiều loài cá đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, vợ chồng nhà khoa học Ngô Văn Ngọc, Lê Thị Bình (Trường ĐH Nông lâm TP HCM) đã tìm cách nghiên cứu để nhân giống chúng.
Trong lễ trao giải Vifotec 2008, đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình và thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo cá lăng nha” của thạc sĩ Lê Thị Bình và chồng vinh dự nhận giải ba cùng với giải tác giả nữ xuất sắc nhất. Giải thưởng này quả là xứng đáng với họ khi hơn năm triệu con cá lăng nha (Mystus) giống được chuyển giao cho nông dân khắp mọi miền đất nước.

Hồi phục giống cá lăng nha

Xuất cá lăng nha giống tại Trạm thực nghiệm thủy sản, Trường ĐH Nông lâm TP HCM. Ảnh: Tr. Bắc​

Trước thực trạng cá lăng nha, sinh sống nhiều ở lưu vực sông Mê Kông và vùng Đông Nam Bộ có nguy cơ bị tuyệt chủng do bị khai thác quá mức, đầu năm 2003, đôi vợ chồng làm khoa học này đề xuất thực hiện việc nhân giống nhân tạo loài cá này. Được nhà trường và bộ đồng ý, giữa năm 2003, họ bắt tay vào nghiên cứu. Chị Bình chia sẻ: “Khi chúng tôi nghiên cứu thì tài liệu về loài cá này gần như chưa có gì.

Đây là một khó khăn không nhỏ nhưng bằng kinh nghiệm trong ngành thủy sản, chúng tôi vẫn định hướng được mình phải làm theo cách nào”. Sau sự “định hướng” đó, anh Ngọc tìm đến hồ Trị An mua những con cá dân đánh bắt được trong tự nhiên về thuần dưỡng và nuôi vỗ. 5 tháng sau, họ tiến hành kích thích sinh sản cho cá và sử dụng thụ tinh nhân tạo cho số trứng và tinh dịch cá có được. Sau hai năm tiến hành nghiên cứu, tỷ lệ cá lăng nha nở ra sống được khoảng 80%. Tuy nhiên, để có thành công đó, họ phải nghiên cứu cả cách chăm sóc cá, theo dõi bệnh tật và hoàn thành quy trình thụ tinh, nuôi cá…

Đam mê… cá

Ngoài nhận giải ba Vifotec, chị Bình còn là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO cho nhà sáng tạo nữ xuất sắc năm 2008. Thạc sĩ Ngọc tâm sự: “Chúng tôi quen nhau từ ngày học đại học, sau khi tốt nghiệp, cả hai đều được giữ lại làm giảng viên của khoa Thủy sản. Vợ chồng chúng tôi có cùng chung một niềm đam mê cháy bỏng là nghiên cứu khoa học, đặc biệt là... cá”. Do vậy, trước giống cá lăng nha, họ cùng nhau “cứu” nhiều giống có nguy cơ tuyệt chủng khác như cá thác lác, cá thái hổ...

Chưa dừng lại đó, đôi vợ chồng này lại tiếp tục thử nghiệm với loài cá chạch lấu và có những thành công bước đầu. “Nhiều lúc phải đi thực tế, vợ chồng chúng tôi phân công nhau để làm. Những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, thận trọng thì tôi thực hiện còn những công việc nặng nhọc hơn thì… ông xã đảm nhiệm. Do chung đam mê và hợp ý trong nghiên cứu, chúng tôi có những thuận lợi mà ít người làm khoa học có được”, chị Bình thổ lộ. Còn anh Ngọc thì cho biết: “Chúng tôi không thống kê hết được bài học thất bại nên nhiều lúc cũng tính “bỏ cuộc chơi” nhưng được bà xã tiếp “đam mê” nên tôi lại hăm hở để tiếp tục nghiên cứu”.

Hiện đôi vợ chồng làm khoa học này đang đặt mục tiêu trong vòng 6 tháng tới sẽ cho giống cá nhân tạo chạch lấu ra thị trường.

Thái Ngọc - Bảo Trịnh
 
Top