• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

'Vương quốc' trăn khổng lồ ở Ninh Bình

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Ông Nguyễn Trường Tam, trưởng thôn Lương Sơn 1 (Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình) khẳng định trong lòng núi Thờ có vô vàn trăn mắc võng và trăn đất khổng lồ.

Núi Thờ là một ngọn núi nhỏ, nằm trong quần thể núi Bái Đính. Núi Thờ có chiều rộng độ 500m, dài hơn 1km và cao 300-400m, trồi lên giữa cánh đồng chiêm trũng. Quanh núi Thờ có khu nghĩa địa nên cảnh tượng rất hoang vu, lạnh lẽo. Trong một góc núi có cây trò chỉ ngàn năm tuổi và cây thị kỳ quái, với hai loại quả khác nhau.

Cứ đến tháng 7 và tháng 8, cây thị ra quả trĩu trịt, nhưng một nửa cây quả bình thường, còn một nửa cây quả bé xíu và dẹt, hình thù như đồng tiền xu. Dưới tán cây thị và cây trò chỉ có ngôi đền mái đá do tự nhiên tạo ra. Cách đây mấy năm, một số thanh niên lên núi Thờ đào đá về nung vôi, bị đá đè, người chết, người bị thương, người tàn tật suốt đời. Sự kiện đó càng làm cho núi Thờ thêm phần huyền bí. Rồi rất nhiều câu chuyện ly kỳ, liên quan đến loài trăn mắc võng khổng lồ sống trong lòng núi Thờ, khiến càng ít người dám đặt chân lên ngọn núi này.


Ông Tam khẳng định đã rất nhiều lần nhìn thấy trăn trên núi Thờ.

Tuy nhiên, ông Tam là người được giao nhiệm vụ trông nom khu rừng gỗ sưa trên núi, nên ông thường xuyên phải trèo lên núi để kiểm đếm, quản lý. Hầu như tháng nào ông Tam cũng chạm mặt trăn khổng lồ một vài lần. Theo ông Tam, khác với tưởng tượng của mọi người, loài trăn rất nhút nhát, hễ nhìn thấy người là nó chạy rất nhanh. Chúng phi như tên bắn trên những cành cây, tảng đá và chỉ chớp mắt đã mất hút trong lòng núi. Bản thân núi Thờ là một ngọn núi rỗng bụng, có hàng ngàn ngóc ngách lớn bé. Khi gặp người, loài trăn tinh khôn này chui tọt vào lòng núi tối om thì có trời mà bắt được. Nhiều thợ săn thiện nghệ từ nơi khác tìm đến núi Thờ, ăn chực nằm chờ, phục kích nhiều ngày trên núi, bắt được rất nhiều rắn độc, nhưng rất hiếm khi bắt được trăn.


Da một con trăn vừa lột xác mà ông Tam nhặt được.

Người dân xóm Lương Sơn đều rất bức xúc, ghét bọn trăn vì chúng xơi mất rất nhiều dê thả rông của bà con trên núi Thờ. Tuy nhiên, rất ít người tiêu diệt được loài trăn vì địa hình núi Thờ vô cùng phức tạp, nhiều hang động.

Người mất nhiều dê với bọn trăn nhất là anh Thanh, ở xóm Lương Sơn. Tháng trước, anh Thanh đang ngồi dưới chân núi, đột nhiên nghe tiếng oe oe. Biết có sự chẳng lành, anh vác dao chạy lên núi, y rằng một con dê mất tích, một con bị trăn quật chết, máu tươi vung vãi khắp nơi. Anh Thanh đã mất rất nhiều dê vì bọn trăn trên núi Thờ. Không bắt được trăn trên núi, nhưng hễ giống trăn này lạc ra đồng, vào vườn nhà dân, là người dân nơi đây tìm cách tóm sống để bán hoặc nấu cao.

Người có duyên tóm được nhiều trăn nhất là ông Tĩnh. Hầu như năm nào ông cũng tóm được một vài con trăn lạc ra cánh đồng. Cách đây vài tháng, ông Tĩnh tóm được con trăn cỡ 20 kg. Một tay ông bóp cổ, một tay nắm đuôi, vắt con trăn trên vai đi dọc làng khoe mọi người. Những con trăn nhỏ bằng cổ tay, hoặc trăn mới đẻ, bằng ngón tay, ông Tĩnh tóm được rất nhiều. Vừa mới đây, anh Tân cũng tóm được một con, đem nhốt vào chuồng. Tuy nhiên, con trăn này đã phá tung chuồng trốn mất.


Đôi trăn mắc võng mà anh Hòa đang nuôi.

Ông Tam dẫn tôi đến nhà anh Lê Việt Hòa, nhà ở ngay đầu xóm. Anh Hòa đi vắng, vợ anh, chị Đinh Thị Huế nhanh nhẹn mở chiếc lồng sắt khoe với tôi đôi trăn mà anh chị mua được của anh Trần Văn Tâm, người cùng xóm. Anh Tâm tóm được một con khi nó xuống chân núi và hôm sau lại tóm được một con nữa khi nó lạc ra đồng. Con trăn còn khá nhỏ, chỉ độ 8kg/con, chưa đủ trọng lượng để nấu cao, nên bán rẻ cho anh Hòa nuôi chơi. Hai con trăn này còn nhỏ nên khá hiền lành, cứ khoanh tròn trong chuồng khi tôi đưa máy ảnh vào chụp.


Chị Huế kể rằng, đôi trăn vợ chồng chị nuôi rất phàm ăn.

Chị Huế kể, hai con trăn này tuy còn nhỏ, song chúng rất phàm ăn. Thông thường, mỗi tháng anh Hòa cho nó ăn 2 lần, mỗi lần cả chục kg chuột, vài con vịt già. Cạnh nhà anh Hòa là nhà ông Đông, hiện cũng đang sở hữu một con trăn khá lớn, dài gần 3m, nặng cỡ 15kg. Ông Đông hồn nhiên kể rằng, trong vòng một tháng mà ông tóm được hai con liền khi nó bò từ núi Thờ ra cánh đồng đuổi theo đàn vịt.


Ông Đông và chuồng nhốt đôi trăn do ông tóm được.

Ông Đông làm chiếc lồng sắt chắc chắn để nhốt hai con trăn, tính nuôi vỗ béo thời gian nữa rồi bán cho được giá, tuy nhiên, mới đây, một con đã phá lồng trốn mất. Ông Đông kể: “Con trăn nặng có 15kg, nhưng mỗi lần ăn, nó xơi của tôi 20-30kg gà vịt. Thả con ngan 3-4kg vào chuồng, quay đi quay lại con ngan đã mất hút”. Người em trai của ông Đông mở chiếc lồng sắt, con trăn trườn ra ngoài, mọi người chạy te tua. Nhanh như chớp, con trăn lao đến gốc nhãn và "trèo" lên cây. Phải mấy thanh niên liều lĩnh trèo lên mới tóm được nó.


Tác giả (bên trái) và con trăn do ông Đông tóm được.

Tôi rảo bước theo ông Nguyễn Trường Tam luồn qua khu rừng sưa lên đỉnh núi Thờ. Dưới tán những cây sưa là một lớp cỏ dại dày đặc cao quá hông. Lẫn trong lớp cỏ dại là rất nhiều loài kỳ hoa dị thảo.

Trên khắp khối núi đá vôi này là những ngóc ngách, hang động thông nhau. Cứ đi vài bước lại gặp một khe đá sâu hun hút, tối đen như mực. Theo ông Tam, tất cả những ngóc ngách trên núi đều dẫn đến hai hệ thống hang là hang Ấm và hang Dơi. Bước qua cửa hang Dơi, bóng đêm đen như mực. Chiếc đèn pin soi lên trời không thấy mái đá đâu. Ông Tam cầm viên đá ném lên trời, lập tức vang lên tiếng ù ù ghê sợ. Đó là tiếng bay của hàng vạn con dơi. Dưới chân tôi là một lớp phân dơi dày đến cả mét.


Trên núi Thờ có rất nhiều loài kỳ hoa dị thảo.

Ông Tam bảo: “Loài trăn mắc võng khổng lồ rất tinh khôn, chúng trú ngụ trong hệ thống hang đá này rất nhiều, nhưng không thể nào bắt được chúng. Thấy động, chúng lẩn ngay vào một ngóc ngách tối om nào đó thì khó lòng mà tìm được”. Tôi thấy hơi lạnh chạy dọc sống lưng, nên lập tức trở ra cửa hang.

Đứng giữa cánh đồng chiêm trũng, ngắm quả núi Thờ bạt ngàn gỗ sưa quý hiếm, ngay bên kia là chùa Bái Đính hùng vĩ, thấy phong cảnh thật hoang sơ, kỳ bí. Trăn là loài động vật có tên trong sách đỏ, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Trăn còn rất nhiều ở núi Thờ. Tôi cứ ước ao, giá như chính quyền khoanh ngọn núi này lại, thì ngay cạnh ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, chúng ta sẽ có một khu bảo tồn trăn vô cùng độc đáo.

Theo VTC
 

anhnt

Cấm truy cập vì vi phạm nội quy
cám ơn bạn đã post được bài hay quá, có lẽ phải bảo vệ quả núi này thôi
 
Top