• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Văn bản Nhà nước cấm thịt mèo !

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Văn bản Nhà nước cấm thịt mèo !




Về tính pháp lý, Nhà nước ta đã có Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg và Thông tư hướng dẫn số 05/1998/TT-BNN-BVTV. liên quan tới cấm bắt mèo và giết mổ mèo.

Cả hai văn bản này đều quy định UBND cấp tỉnh có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ cụ thể để khôi phục lại và phát triển nghề nuôi mèo trong dân, kể cả ở nông thôn và thành thị, có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh kiểm tra, thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán ăn bằng thịt mèo (tiểu hổ), xử lý nghiêm những đối tượng chuyên đi bắt mèo, vận chuyển mèo và buôn bán mèo qua biên giới và cho các quán ăn.
 
hay đấy bác ơi. cứ như này , thỳ các e nhỏ đỡ khổ .......................................
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Chỉ thị Số: 09/1998/CT-TTg

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
Số: 09/1998/CT-TTg​
Hà Nội, ngày 18 tháng 2 năm 1998
CHỈ THỊ
VỀ CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH DIỆT TRỪ CHUỘT BẢO VỆ MÙA MÀNG​
Trong những năm gần đây nạn dịch chuột phá hoại mùa màng xảy ra hết sức nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, ngày một gia tăng và có nguy cơ tiềm ẩn tác hại lớn không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp, kho tàng, đời sống từng hộ dân và dịch bệnh xã hội; chuột đã gây hại nghiêm trọng trên nhiều loại cây trồng (lúa, rau, màu) và có chiều hướng phát triển trên phạm vi cả nước. Năm 1996 diện tích cây trồng bị chuột gây hại khoảng 262 ngàn ha, năm 1997 chỉ tính ở 52 tỉnh, thành đã có khoảng 375 ngàn ha lúa và các loại cây trồng khác bị chuột gây hại, trong đó có hàng ngàn ha bị nặng và nhiều diện tích cây trồng bị mất trắng.
Để khống chế nạn dịch chuột, hạn chế mức độ sinh sản của chuột và giảm tác hại do chúng gây ra tới mức thấp nhất, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đời sống xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1- Các Bộ, ngành và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 359/TTg ngày 29 tháng 5 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, đây là biện pháp sâu xa, cơ bản, lâu dài để hạn chế sự phát triển cùa chuột, trước mắt nghiêm cấm ngay việc săn bắt các loài thiên địch của chuột như mèo, trăn, rắn, chim cú... để xuất khẩu, làm thực phẩm, khuyến khích và phát động phong trào nuôi mèo, bảo vệ mèo trong toàn dân.
2- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thường xuyên, liên tục các chiến dịch diệt chuột bằng mọi biện pháp mà Bộ đã hướng dẫn, trong đó chủ yếu áp dụng các biện pháp dân gian, cơ học như: đào bắt, đặt bẫy, dùng bẫy dính..., và dùng thuốc diệt chuột sinh học; hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại cho người, vật nuôi và môi trường để diệt chuột, tuyệt đối không được dùng dòng điện để diệt chuột.
- Tổ chức sản xuất thuốc diệt chuột sinh học đáp ứng yêu cầu lâu dài, thường xuyên của nạn dịch này, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, các ngành hữu quan tiến hành nghiên cứu bổ sung về chuột hại và các biện pháp phòng trừ chuột hại mùa màng tại một số vùng trọng điểm để nhanh chóng tìm ra các biện pháp phòng trừ có hiệu quả và an toàn để kịp thời phổ biến cho các địa phương áp dụng.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn phòng trừ chuột đạt hiệu quả cao và an toàn trong nhân dân, biểu dương những địa phương làm tốt, phê phán uốn nắn những địa phương làm chưa tốt, chưa tận dụng hết mọi khả năng, nội lực và kinh nghiệm trong dân để diệt chuột hoặc thờ ơ chưa quan tâm đến nạn chuột hiện nay.
3- Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai công tác phòng trừ chuột bảo vệ mùa màng ở địa phương mình, tổ chức và huy động mọi lực lượng tham gia thường xuyên kết hợp với việc tổ chức những đợt huy động tập trung để diệt chuột, có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ cụ thể để khôi phục lại và phát triển nghề nuôi mèo trong dân, kể cả ở nông thôn và thành thị, có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh kiểm tra, thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán ăn bằng thịt mèo (tiểu hổ), xử lý nghiêm những đối tượng chuyên đi bắt mèo, vận chuyển mèo và buôn bán mèo qua biên giới, hạn chế đến mức thấp nhất việc kinh doanh các món ăn đặc sản từ rắn, ếch, trăn và các động vật khác từ thiên nhiên có khả năng diệt chuột.
4- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và có biện pháp bảo vệ các loại sinh vật có ích trong thiên nhiên (trăn, rắn, chim cú...) giúp con người diệt chuột, lập lại cân bằng sinh thái.
5- Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và có biện pháp tổ chức diệt chuột trong thành phố, các khu dân cư, kho tàng, nơi công cộng bảo đảm an toàn và đạt hiệu quả cao.
6- Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu các loại thiên địch của chuột và xử lý thật nghiêm các vi phạm về săn bắt các thiên địch của chuột để xuất khẩu và làm thực phẩm, đặc biệt cấp bách hiện nay là việc săn bắt trộm, vận chuyển và buôn bán mèo qua biên giới, các cửa hàng đặc sản về thịt mèo.
7- Các tổ chức đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân; các lực lượng vũ trang, các trường phổ thông cơ sở cần vận động đoàn viên, hội viên, chiến sĩ, học sinh tham gia diệt chuột.
Nạn dịch chuột đang là báo động trước mắt, nếu không được nhận thức đúng đề phòng trừ sẽ có tác hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, và môi trường sinh thái; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện thật nghiêm túc Chỉ thị này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện ở từng địa phương và trách nhiệm của các ngành trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.


Nguyễn Công Tạn
(Đã ký)​
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Thông tư hướng dẫn SỐ 05/1998/TT-BNN-BVTV

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
Số: 05/1998/TT-BNN-BVTV​
Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 1998
THÔNG TƯ
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 05/1998/TT-BNN-BVTV NGÀY 6 THÁNG 5 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ THỊ 09/1998/CT-TTG NGÀY 18 THÁNG 2 NĂM 1998 VỀ CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH DIỆT TRỪ CHUỘT BẢO VỆ MÙA MÀNG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ​
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 09/1998/CT-TTg ngày 18 tháng 2 năm 1998 về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ màu màng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn mục đích, yêu cầu, nội dung, tổ chức thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Qua thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần đạt mục đích, yêu cầu:
1. Tuyên truyền, phổ biến cho toàn dân nhận thức được nguy cơ và tác hại của nạn chuột phá hoại mùa màng và môi trường sống xã hội.
2. Tổ chức và huy động mọi lực lượng tham gia diệt chuột đạt hiệu quả cao, bảo vệ được mùa màng và môi trường sinh thái. Khống chế tác hại và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây nên đối với sản xuất nông nghiệp.
3. Bảo vệ và phát triển các loại động vật hoang dã, trước mắt nghiêm cấm ngay việc săn bắt mèo và các loại thiên địch hoang dã của chuột như trăn, rắn, chim cú... để xuất khẩu hoặc làm thực phẩm. Khuyến khích và giúp đỡ nhân dân nuôi mèo trong gia đình để diệt chuột.
II. NỘI DUNG
1. Tuyên truyền:
- Bằng các phương tiện thông tin đại chúng như: các loại báo (nói, hình, viết), tranh áp phích, cổ động... để phổ biến sâu rộng trong toàn dân hiểu rõ tác hại nghiêm trọng của chuột, quán triệt được nội dung ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột, bảo vệ mùa màng; khuyến khích mọi người chủ động, gương mẫu, tích cực phòng trừ chuột.
- Tập hợp các tài liệu giới thiệu những kết quả đã nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan tới chuột và biên soạn in ấn dưới hình thức tờ bướm gấp, tranh ảnh đơn giản dễ hiểu để phổ cập tới mọi người.
- Thông tin kịp thời các kết quả diệt trừ chuột ở các địa phương, những kinh nghiệm diệt chuột của nông dân, nêu những điển hình tốt về diệt trừ chuột.
2. Tổ chức tập huấn:
- Tập huấn cho cán bộ BVTV cấp tỉnh những kiến thức cơ bản về chuột hại, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát sinh, phát triển của chuột, phương pháp điều tra, phương pháp đánh giá tác hại và các biện pháp diệt trừ chuột có hiệu quả.
- Thông qua các lớp huấn luyện nông dân và IPM, câu lạc bộ IPM và các hình thức tổ chức khác tập huấn cho nông dân các kiến thức cơ bản về chuột hại.
- Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh có chương trình và kế hoạch phối hợp với ngành giáo dục vận động giáo viên sinh vật của nhà trường tiến hành ngoại khoá cho học sinh các trường phổ thông hiểu về loài chuột và tác hại của chuột, các biện pháp đánh bắt chuột thủ công có hiệu quả.
3. Điều tra, giám sát đồng ruộng:
- Cán bộ của Chi cục BVTV tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành điều tra định kỳ về chuột trên đồng ruộng, tổng hợp tình hình gây hại, phân bố, các biện pháp đã xử lý, các vấn đề cần giải quyết tiếp; các số liệu này được đưa vào thông báo sâu bệnh chung định kỳ 5 ngày/lần.
- Hướng dẫn nông dân - những người trực tiếp sản xuất, thường xuyên hàng ngày, hàng tuần theo dõi, kiểm tra đồng ruộng trong các vụ sản xuất để phát hiện kịp thời về chuột, có ý thức trong việc tìm biện pháp phòng trừ và thông tin ngay cho cơ quan bảo vệ thực vật.
4. Tổ chức các đợt diệt trừ chuột:
Căn cứ nội dung Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các đoàn thể (Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân...), các lực lượng vũ trang, các trường phổ thông cơ sở tổ chức các chiến dịch diệt trừ chuột. Thời điểm diệt trừ chuột nên tập trung vào:
- Giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất (tốt nhất ở thời kỳ đổ ải, làm đất).
- Giữa vụ gieo trồng (cây lúa đang ở thời kỳ đẻ nhánh).
- Trong các trận lũ lụt, chuột còn đang sống co cụm.
Trong năm 1998, tuỳ theo tình hình cụ thể, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành từ 3 - 5 đợt chiến dịch diệt chuột, mỗi đợt từ 5 - 7 ngày.
5. Nghiên cứu, khảo sát, ứng dụng các biện pháp diệt trừ chuột:
- Viện BVTV, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai các đề tài nghiên cứu bổ sung về chuột (khả năng di cư và du nhập của chuột) giữa các vụ ở các vùng sinh thái khác nhau, các biện pháp phòng trừ chuột. Mở rộng việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc trừ chuột sinh học cho các tỉnh và nghiên cứu các kỹ thuật đảm bảo chất lượng, thời gian sử dụng, giá thành hợp lý...
- Cục Bảo vệ thực vật triển khai một số đề tài nghiên cứu và khảo sát về đánh giá tác hại của chuột và các biện pháp trừ chuột, xây dựng mô hình phòng trừ tổng hợp chuột hại lúa.
- Các Chi cục BVTV tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nghiên cứu ứng dụng, khảo sát nhanh các biện pháp phòng trừ, trong đó đặc biệt lưu ý các biện pháp thủ công, những kinh nghiệm dân gian.
6. Khuyến khích và khôi phục nuôi mèo trong dân, bảo vệ và phát triển các loại thiên địch của chuột trong tự nhiên:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố:
+ Ra văn bản xác định chính sách, biện pháp khuyến khích và hỗ trợ nhân dân bảo vệ và nuôi mèo (kể cả nông thôn và thành thị).
+ Tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra, thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán ăn bằng thịt mèo; xử lý nghiêm các đối tượng bắt, vận chuyển và bán mèo qua biên giới và cho các quán ăn.
+ Kịp thời kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Chỉ thị 359/TTg ngày 25 tháng 9 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, Chỉ thị 09/1998/CT-TTg ngày 18 tháng 2 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng và các văn bản có liên quan đến việc diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng.
+ Các cơ quan kiểm lâm xây dựng phương án, chính sách bảo vệ và phát triển các loài thiên địch tự nhiên hoang dã của chuột như trăn, rắn, chim cú... trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tăng cường kiểm tra xoá bỏ các quán ăn thịt trăn, rắn săn bắt trong tự nhiên ở địa phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ở Trung ương:
a. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Thành lập Ban chỉ đạo diệt trừ chuột của Bộ gồm 5 thành viên do đồng chí Thứ trưởng làm Trưởng ban, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật là Phó ban và 3 uỷ viên khác của các đơn vị có liên quan tham gia. Chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động sẽ được ghi trong quyết định của Bộ về thành lập Ban chỉ đạo này.
b. Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn giao cho đơn vị sau đây thực hiện cụ thể các phần việc:
- Cục BVTV:
Giúp Bộ trực tiếp theo dõi việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ bao gồm:
+ Liên hệ, trao đổi, đôn đốc các đơn vị có liên quan thuộc Bộ thực hiện phần việc được Bộ giao và thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm tình hình, giúp địa phương chỉ đạo diệt trừ chuột đạt hiệu quả.
+ Giao cho Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, các Trạm KDTV ở cửa khẩu phối hợp với các Trạm Kiểm dịch động vật và các cơ quan hữu quan ở cửa khẩu kiểm soát, ngăn chặn việc xuất khẩu mèo và các loại thiên địch của chuột săn bắn từ thiên nhiên.
+ Giao các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng thuộc Cục tiến hành khảo sát, ứng dụng nhanh một số biện pháp diệt trừ chuột và phương pháp điều tra, đánh giá tác hại của chuột.
+ Xây dựng kế hoạch, nội dung và tổ chức bốn lớp tập huấn cho cán bộ BVTV của các chi cục BVTV tỉnh, thành phố và phải hoàn thành trong quý 2/1998.
+ Biên tập băng hình và biên soạn tài liệu dưới các hình thức khác nhau (tờ bướm gấp, tranh treo tường...) để giới thiệu đặc tính sinh học, tác hại của chuột và hướng dẫn biện pháp diệt trừ chuột có hiệu quả cao, an toàn cho người, động vật và môi trường. Công việc chuẩn bị được triển khai trong tháng 3, tháng 4, tháng 5 và hoàn thành trong quý 2 (tài liệu, tranh) và đầu quý 3/1998 (băng hình).
+ Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về tác hại của chuột, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng sinh thái và làm gia tăng mật độ chuột, biện pháp diệt trừ chuột trước mắt và lâu dài.
+ Vào ngày 20 hàng tháng tập hợp tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
+ Tổ chức 3 hội nghị tổng kết ở 3 vùng (miền Bắc, miền Trung và miền Nam) vào quý 4/1998 và hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam vào tháng 3/1999.
- Viện BVTV:
+ Sản xuất bả diệt chuột sinh học đảm bảo chất lượng, cung ứng kịp thời cho các địa phương.
+ Giám sát chất lượng bả diệt chuột sinh học tại Vĩnh Phúc, Thái Bình, đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất cho Hải Phòng, Hà Tây vào tháng 4/1998, chuẩn bị cơ sở vật chất để chuyển giao cho Nghệ An, Quảng Ninh... vào các tháng tiếp theo.
+ Bằng nguồn kinh phí xin Nhà nước cấp trong năm 1998, 1999 tiến hành các nghiên cứu về: cấu trúc thành phần loài; sự sinh sản của chuột; sự biến động quần thể và di cư của chuột sau khi thu hoạch lúa; sự du nhập (xuất hiện) của chuột trên đồng ruộng ở mỗi vụ sản xuất (phía Bắc); phương pháp điều tra phát hiện, tính toán số lượng chuột trên đồng ruộng và phương pháp đánh giá thiệt hại của chuột để có thể ứng dụng trong phương pháp điều tra phát hiện sâu bệnh định kỳ của hệ thống BVTV ở địa phương.
+ Hướng dẫn các địa phương ứng dụng những kết quả nghiên cứu của Viện về chuột.
- Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam:
+ Sản xuất thuốc diệt chuột sinh học Miroca đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của các địa phương.
+ Tham gia đề tài KH 02-07 "Nghiên cứu và áp dụng công nghệ vi sinh trong công tác bảo vệ thực vật". Thực hiện đề tài này, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu về thành phần loài chuột theo các vùng sinh thái, đặc điểm gây hại của chuột theo các mùa vụ, đặc điểm sinh thái của chuột.
+ Thông báo kết quả nghiên cứu, những tư liệu về kết quả ứng dụng nghiên cứu cho Cục BVTV để cùng tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát.
+ Mở rộng hợp tác với Hungary, Nga để tiếp tục nghiên cứu các chế phẩm mới để phát triển chương trình diệt chuột sinh học trong toàn quốc.
+ Nghiên cứu nâng cao hiệu quả chế phẩm diệt chuột sinh học Miroca, phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm chuyển giao nhanh nhất tiến bộ kỹ thuật này cho sản xuất.
+ Giúp các địa phương xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm Miroca tại các địa phương.
- Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam:
Chuyển giao, hướng dẫn các địa phương ứng dụng những kết quả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước và việc đã tiến hành trong những năm qua.
- Cục Kiểm lâm:
+ Có kế hoạch, phương án cụ thể để thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg ngày 18 tháng 2 năm 1998 và tiếp tục triển khai, phổ biến, hướng dẫn nội dung Chỉ thị 359/TTg ngày 29 tháng 5 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã.
+ Đề xuất chính sách và hướng dẫn, khuyến khích các tập thể và cá nhân mở rộng cơ sở nuôi các loài trăn, rắn vừa làm kinh tế vừa bảo tồn, phát triển các loài thiên địch của chuột.
+ Xây dựng và in ấn băng hình, tài liệu hướng dẫn về bảo vệ các loại sinh vật có ích trong tự nhiên (trăn, rắn, chim cú...) giúp con người diệt chuột.
+ Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật trong việc cung cấp thông tin, tư liệu để xây dựng các băng hình, các tài liệu phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Ở địa phương:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra Chỉ thị diệt trừ chuột và thành lập Ban chỉ đạo diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng ở cấp tỉnh, thành và giúp UBND tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này. Tiến hành sơ kết các chiến dịch diệt chuột vào cuối các quý 2, 3, 4/1998 và tổng kết 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị của Chính phủ vào tháng 2/1999 và gửi báo cáo về Bộ Nông nghiệp - PTNN sau mỗi đợt sơ kết, tổng kết.
- Các Chi cục BVTV thực hiện một số công việc sau:
+ Xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị về diệt trừ chuột của UBND tỉnh, thành.
+ Xác định cụ thể thời gian phát động chiến dịch toàn dân diệt chuột.
+ Đề xuất các chính sách hỗ trợ công tác diệt chuột, đặc biệt là việc bảo vệ và phát triển nuôi mèo ở địa phương (cần có kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu để đến tháng 3/1999 đạt bình quân 5% số hộ nông dân trong tỉnh nuôi từ 1 - 2 con mèo).
+ Ứng dụng thí điểm biện pháp diệt chuột bằng bẫy cây trồng (TBS).
+ Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc công tác diệt chuột.
+ Cùng các ngành liên quan tiến hành thanh tra việc thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của UBND tỉnh, thành.
+ Báo cáo định kỳ 15 ngày/lần (vào ngày 1 và 16 hàng tháng) cho Cục Bảo vệ thực vật về tình hình triển khai và kết quả diệt trừ chuột.
3. Phối hợp thực hiện:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp (Công an, Hải quan, Thanh tra, Quản lý thị trường, Môi trường, Y tế...) từ Trung ương tới địa phương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc săn bắt trái phép các loại thiên địch tự nhiên của chuột và hướng dẫn xử lý xác chuột đánh bắt được để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đối với mèo và các loại thiên địch có trong tự nhiên của chuột do buôn bán bất hợp pháp thu được qua kiểm tra phải giao cho cơ quan chức năng thả trở lại môi trường sống của chúng.
IV. KINH PHÍ:
1. Ở Trung ương:
Để có thể triển khai tốt nội dung Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg ngày 18 tháng 2 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính duyệt cấp kinh phí cho các đơn vị Cục Bảo vệ thực vật, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam để tiến hành nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu và tập huấn về chuột hại mùa màng trong năm 1998. Riêng với Cục Bảo vệ thực vật kinh phí chi cho việc triển khai thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg và Thông tư hướng dẫn đề nghị được trích trong phí và lệ phí thu được của Cục năm 1998.
2. Ở địa phương:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch kinh phí trình UBND tỉnh, thành phê duyệt và cấp kinh phí cho hoạt động diệt chuột ở địa phương theo nội dung Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư này thay thế các văn bản số 1039/BNN-BVTV ngày 2 tháng 3 năm 1998 và số 1203/BNN-BVTV ngày 14 tháng 3 năm 1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây. Trong quá trình thực hiện các địa phương và đơn vị nếu có vướng mắc, kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết.

Ngô Thế Dân
(Đã ký)​
 

vits2be

Member
Đọc bài này mà vui quá, giờ thì cấm săn bắt mèo là việc của cả nước rồi . Các bạn yêu mèo sẽ vui lắm đây:)
 

hathu08

Active Member
ôi tình yêu của tôi :)) :)) :)) ôi thế là ước mơ thành sự thật 1 nửa rồi.

Nửa còn lại là xem cái văn bản này có thành hiện thực được không (cái này khó :( )
 

hoangmoccuong

Vietpet sponsor
Vui quá !!! Cuối cùng nước mình cũng đã cấm thịt mèo:party:
Đọc bài này mà vui quá, giờ thì cấm săn bắt mèo là việc của cả nước rồi . Các bạn yêu mèo sẽ vui lắm đây:)
ôi tình yêu của tôi :)) :)) :)) ôi thế là ước mơ thành sự thật 1 nửa rồi.

Nửa còn lại là xem cái văn bản này có thành hiện thực được không (cái này khó :( )
Các bạn lưu ý là 2 văn bản này được ban hành từ năm 1998, như vậy cho đến nay là đã được 13 năm rồi, mình vẫn thấy còn rất nhiều quán thịt mèo còn tồn tại, việc thực hiện 2 văn bản này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân.
 

hathu08

Active Member
ôi em cứ tưởng là nó mới ra văn bản này :( lại quay về trạng thái tràn trề thất vọng. Cứ cái đà này thì còn mút mùa mới thành hiện thực được vì ngay bản thân chính mình còn không biết là văn bản này tồn tại, thì làm sao những người vốn thích ăn thịt mèo biết được họ đang làm trái pháp luật được?
 

vits2be

Member
Mình cũng cứ tưởng là mới ! Hix. 13 năm rồi ,chắc việt nam mình phải thêm nhiều văn bản nữa may ra mới thực hiện được. À không có khi tới đời con cháu mình :))
 

thuan81

Active Member
Ha Ha luật là luật...trộm thì cứ trộm..thịt thì cứ thịt..đúng là chỉ có ở Việt Nam...
 
X

xuka3691

Guest
em có linh cảm là cái văn bản này rồi cũng giống như cái văn bản cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng.

có lẽ số người thích ăn thịt mèo quá đông nên người ta không thể hoãn cái sự sung sướng lại được.

trước đây có đọc được ý kiến của bạn nào đó là sao chó mèo không chia ra 2 loại là loại nuôi để làm cảnh, để bắt chuột và 1 loại khác nuôi công nghiệp để thịt, giống như bò, lợn gà ấy. nghe thì ghê quá, nhưng nghĩ kĩ thì mình không dám làm thế với con mèo sao mình lại làm với con lợn? dù sao e cũng k ủng hộ việc ăn thịt mèo nên không biết nói gì với ý kiến này.

e nghĩ con nào người ta bỏ công ra nuôi, bỏ tình cảm ra yêu thương thì người ta coi trọng thôi. cũng như mình nuôi mèo và ăn thịt gà. còn nhà bạn em, từ ngày mẹ nó nuôi con gà làm cảnh (con gà mua về để tết thịt ăn nhưng mà chẳng hiểu sao mẹ nó lại không nỡ thịt, rồi nuôi như chó, bây giờ thì nó thành con chó thật), hình như nhà nó cũng nhịn thịt gà từ đấy
 

Phu Dung

Moderator
Rõ ràng Nhà nước có qui định cấm giết mèo, ăn thịt mèo nhưng ở Thái Bình người ta vẫn giết, vẫn ăn thịt mèo công khai; già trẻ nam nữ giàu nghèo sang hèn gì cũng ăn. Trong khi đó Nhà nước đâu có qui định khuyến khích nuôi chó GSD mà ở Thái Bình cũng có hội nuôi chó GSD. Dĩ nhiên công dân được làm những thứ pháp luật không cấm nhưng tại sao chuyện pháp luật đã cấm mà vẫn làm? Cái đó gọi là gì? Có phải là coi miếng ăn to hơn pháp luật không?
 

Cún Mèo

Member
Rõ ràng Nhà nước có qui định cấm giết mèo, ăn thịt mèo nhưng ở Thái Bình người ta vẫn giết, vẫn ăn thịt mèo công khai; già trẻ nam nữ giàu nghèo sang hèn gì cũng ăn. Trong khi đó Nhà nước đâu có qui định khuyến khích nuôi chó GSD mà ở Thái Bình cũng có hội nuôi chó GSD. Dĩ nhiên công dân được làm những thứ pháp luật không cấm nhưng tại sao chuyện pháp luật đã cấm mà vẫn làm? Cái đó gọi là gì? Có phải là coi miếng ăn to hơn pháp luật không?
Sống và làm việc theo Hiến Pháp và Pháp Luật! Ít ra có chị Dung, em và một cơ số những bạn yêu mèo ở VietPet đã thực hiện được 1 phần Pháp Luật rồi (chỉ 1 phần thôi, còn những phần khác em không biết nhé).
 

kiss

Member
Cấm ăn thịt chó và hành hạ động vật luôn được không nhỉ? Mình mong như thế, mình thấy người ta ăn thịt cho nhiều lắm, nhìn mà hãi luôn.
 

kitty_ilu

Vietpet sponsor
Đọc vừa thấy vui vừa thấy buồn. Gần nhà em có quán cơm bình dân thôi, thỉnh thoảng cũng qua mua cơm nhưng hôm trước em nhìn thấy cái biển có "Lẩu....mèo" em không tài nào nuốt nổi cơm nữa. Vậy mà chúng vẫn ngang nhiên lộng hành như vậy.\
Không hiểu cơ quan chức năng nào giải quyết vấn đề này nữa %-(%-(%-(%-(
 

deniro

New Member
Luật ở Vn có để cho vui thôi. Gần đây ngay trung tâm quận Tân Bình xuất hiện quán tiểu hổ tên là Vũ Thư, chắc chủ quán là dân Thái Bình, còn gắn bảng thu mua mèo nữa. Kinh doanh ì xèo mà có thấy ai phạt đâu. Các bạn nuôi mèo ở SG phải cẩn thận hơn với bọn miêu tặc nhe. Giặc cướp đến gần nhà rồi đó
 

deniro

New Member
Thà chết ko ăn thịt mèo >"<

P/s: ( thịt chó thì có :"> )
Thịt chó cũng không nên ăn. Con chó bạn ăn có lẽ chỉ vài giờ trước vẫn được chủ nâng niu chiều chuộng. Chắc Bạn cũng không muốn người khác ăn thịt vật cưng của mình, đúng không?
 
Top