KimCuong
Active Member
Doris Lessing (Nobel Văn học 2007)
Tựa người vào vồng ngực săn chắc ấm áp của chó mẹ, tôi gắng hòa nhịp thở đều cùng nó, và cả người và chó cùng ngước mắt lên phía vầng trăng lớn cũng đang chăm chắm nhìn lại chúng tôi, rồi sau đó cùng hướng xuống phía cuộn len nhỏ tròn đen bay vèo về phía chúng tôi như một tia chớp và đã kịp cuộn tròn lại dưới chân chúng tôi nhanh một cách lạ thường.
Chúng tôi chẳng thể ngờ rằng việc kiếm một con chó thứ hai để nuôi lại phức tạp đến thế, mà lỗi của cái sự phức tạp ấy lại là những điểm khá đặc biệt trong quan hệ giữa các thành viên ở gia đình tôi.
Ban đầu quả là chẳng có gì đơn giản hơn – cái việc kiếm thêm một chú chó ấy – khi mà cả nhà đã quyết rồi: “Joke chẳng có bạn chơi, rất cần có thêm một cún con nữa, không thì Joke hoặc là sẽ mất tăm tích ở chỗ mấy anh nhọ (người da đen) trong làng hoặc là sẽ lông nhông cùng lũ chó ghẻ của họ”.
Tất thảy những người hàng xóm đều nuôi chó trong trang trại nên có thể xin một chú cún con thuần chủng được. Mỗi một người làm da đen thường có một vật nuôi gày nhom ốm đói mà họ vẫn hay đem chúng đi săn với hy vọng đôi khi kiếm được cho mình chút thịt còm.
Thảng hoặc, những chú cún của những con người tội nghiệp này rơi vào khu điền trang của các ông chủ, mà ở đó thì người ta không thể khoái các chú được.
Biết tin chúng tôi muốn kiếm thêm một con chó mới, bác thợ mộc Jakob dẫn đến cho một cậu chàng, cậu ta vui vẻ nhảy cẫng lên bên thềm, cổ vẫn bị buộc dây.
Song bố mẹ tôi lịch sự từ chối, mẹ bảo cái ổ rận di động ấy không thể cùng hội cùng thuyền với chú cún Joke của chúng tôi được, mặc dù lũ trẻ chúng tôi thì lại rất khoái cậu chàng nọ…
Đúng vào dịp đó, chúng tôi lên đường đi du lịch, một hành trình dài và xa – bố mẹ thi thoảng đi thăm các bạn bè đông đúc của mình; với một số người, chúng tôi ở chơi một ngày, rồi lại ngủ qua đêm ở nhà một vài người khác, với dăm người nữa thì chỉ đáo qua vài ba tiếng, ăn bữa trưa rồi vội vã đi tiếp.
Cuối cùng thì chúng tôi đến thăm người anh họ xa của bố, bác ấy mời chúng tôi qua chơi vào hai ngày cuối tuần. “Người gốc Norfolk” này (bố hay gọi bác ấy như vậy, mà chính bố cũng quê Essex) hồi chiến tranh thế giới thứ Nhất lấy một cô gái - từng đối với mẹ tôi như chị em kết nghĩa.
Giờ hai vợ chồng sống trong một trang trại nằm giữa những ngọn núi thấp, đỉnh vươn lên phía trên những khoảng rừng trùng điệp, cách ga xe lửa gần nhất khoảng tám mươi dặm.
Bố kể rằng họ “không sống được với nhau”; mà quả đúng thật, suốt cả thứ Bảy và Chủ nhật, họ lúc cãi nhau, lúc sưng sỉa mà chẳng nói năng gì.
Nhưng cái bi kịch của đôi vợ chồng bất hạnh sống giữa vùng núi đá với đồng lương hưu còm của mình chỉ một thời gian sau tôi mới hiểu được, - những ngày ấy tôi chẳng có tâm trí nào để ý tới họ, tôi đang yêu.
Chúng tôi đến chỗ hai người khi chiều đã buông, và phía trên khối đá hoa cương lạnh cóng của đỉnh núi xa, một mặt trăng vàng và gần như tròn vành vạnh chậm rãi ló lên.
Những thân cây đen ẩn mình trong im lặng, chỉ có tiếng ve rền rĩ không ngừng. Ôtô dừng sát ngôi nhà gạch hình hộp có mái sắt sáng lấp lánh lên dưới trăng. Ào vào chúng tôi là tiếng ồn của máy nổ, tiếng kêu của lũ ve, vẻ tươi mới của đêm trăng và một tiếng sủa đầy kích động và tuyệt vọng.
Từ góc nhà, một cuộn len đen tròn lăn ra, lao về phía xe, đến tận bánh xe, nhảy lùi lại rồi chạy biến đi, nghẹn ngào trong họng những tiếng sủa thanh thanh … và rồi tiếng sủa dịu đi, nhưng chúng tôi – ít nhất là tôi – căng tai ra vẫn còn bắt được tiếng kêu dại cuồng lanh lảnh.
- Cả nhà đừng có để ý đến nó, - ông Barnes, chủ nhà, “người gốc Norfolk”, nói, - con cún ngốc bị ánh trăng làm mụ mẫm cả người, cả tuần nay hành bọn tôi.
Chúng tôi được dẫn vào nhà, được mời ăn, được nghỉ ngơi yên ấm, rồi tôi bị điệu đi ngủ để người lớn có thể nói chuyện thoải mái. Tiếng sủa lanh lảnh đầy kích động vẫn không ngừng lấy một phút.
Cái sân phía dưới ô cửa sổ phòng tôi đang nghỉ chạy dài đến những kho chứa cỏ, ánh lên cả một mảng trăng hình chữ nhật bằng phẳng, và trên mảnh sân ấy có bóng nhỏ loăng quăng của một chú cún con ngốc nghếch cuồng lên vì hân hoan – hay vì ánh trăng.
Như một mũi tên, nó bay về phía nhà, vút đến nhà kho rồi lại trở về phía nhà, đoạn, bắt đầu quay vòng vòng, lăn xả vào cái bóng đen của mình, lết lết một cách tức cười trên những cẳng chân mập mạp vụng về, trông nó giống như một con bướm say khổng lồ xoắn xuýt quanh ngọn nến và còn giống… không biết giống cái gì nữa, tôi trong đời chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng như vậy.
Mặt trăng lớn đằng xa treo trên những ngọn cây, phía trên hình chữ nhật màu trắng trống trải của khoảng sân không có lấy một ngọn cỏ, phía trên tổ ấm của những con người cô độc bất hạnh, phía trên chú chó say cuồng vì vui sướng – chú chó nhỏ của tôi, tôi đã hiểu ngay ra điều ấy.
Ông Barnes bước ra sân, nói: “Thôi đủ rồi, đủ rồi, im đi nào, con vật ngốc nghếch”, - rồi bắt đầu cố tóm lấy sinh vật bé nhỏ cuồng loạn ấy , nhưng không sao bắt được, rút cục, ông gần như ngã đè lên con chó nhỏ, ông tóm lấy nó đưa lên cao, còn chú chó cứ sủa mãi, rền rĩ và quật người trong tay ông như một con cá.
Ông này vứt cún con vào cái thùng có để chiếc cũi. Tôi thầm thì trong hoảng sợ, y như mẹ mỗi khi có người lạ bế đứa con của bà lên: “Xin cẩn thận cho, cẩn thận cho, đây là con chó của tôi đấy”.
Buổi sáng, sau bữa ăn, tôi đi vòng ra sau nhà đến chỗ cái cũi. Thoảng lên mùi nhựa thông ngọt ngào bốc ra từ những thớt gỗ trắng của chiếc hòm trong ngày nóng nực; mảnh gỗ bên sườn đã được tháo ra, phía trong cái thùng có ít rơm vàng mềm mại.
Trên lớp rơm, một con chó cái đen tuyền đẹp tuyệt đang nằm, gác mõm lên đôi cẳng chân duỗi dài. Phía sau nó, một chú cún tròn quay có bộ lông sáng màu nằm sượt, uể oải, khoan khoái xoạc cẳng, nhắm nghiền mắt trong niềm đê mê của sự bình yên no đủ và lười nhác.
Trên túm lông đen bóng loáng cạnh mũi còn vương vệt cháo ngô đã khô, trong mõm nó ánh lên những chiếc răng sữa trắng muốt xinh xắn. Chó mẹ không rời ánh mắt kiêu hãnh của mình khỏi cún con cho dù nóng nực và mệt mỏi cũng làm nó lử lả đi rồi.
Tôi đi vào và tuyên bố rằng tôi muốn có chú cún con. Tất cả bấy giờ đã ngồi vào bàn. “Người gốc Norfolk” và bố tôi đang đắm chìm trong ký ức ấu thơ (trong đó chỉ có những kỷ niệm trùng nhau về địa điểm chứ về thời điểm thì không!).
Bà vợ của ông – đôi mắt còn đang đỏ hoe sau trận cãi nhau với chồng – thì đang buôn với mẹ tôi về những khách sạn London, nơi thời chiến, họ từng có mặt để làm dịu đi những đau đớn của những người bị thương, và bây giờ họ cảm thấy dễ chịu khi hồi tưởng về điều ấy.
Ngay tức thời, mẹ tôi phản đối:
- Con sao vậy, không bao giờ, không thể được! Con không thấy tối qua nó làm cái quái quỷ gì à? Con nghĩ có thể dạy dỗ nó điều gì sao?
“Người gốc Norfolk” nói xin cứ tự nhiên, ông sẵn lòng cho tôi chú cún.
Bố bảo rằng theo ý bố con cún cũng chỉ là con cún, chẳng thấy có gì kinh khủng trong con cún ấy cả, cái chính là con chó phải khỏe mạnh, còn mọi cái khác đều là chuyện nhỏ! Mẹ hạ mắt xuống với dáng điệu một người u sầu chẳng được ai thấu hiểu và im bặt.
Phu nhân của “người gốc Norfolk” thì nói rằng sẽ không thể chia tay nổi với chú ngốc bé bỏng ấy – có Chúa chứng giám, trong đời bà vốn cũng đã có quá ít niềm vui.
Tôi đã quá quen với những cuộc cãi vã gia đình và biết rằng chẳng đáng tốn thời gian cố hiểu tại sao, cớ gì mọi người hiện giờ lại tranh cãi và họ còn sắp nói những gì quá đáng với nhau vì con chó nhỏ của tôi.
Tôi chỉ biết rằng, cuối cùng thì logic của cuộc sống vẫn sẽ thắng cuộc, cún con sẽ là của tôi. Tôi bỏ lại đó khúc nhạc tứ tấu đang muốn làm sáng tỏ mọi bất đồng ý kiến chỉ vì cún con, chạy ra ngoài ngắm cu cậu.
Cậu chàng ngồi trong quầng bóng của chiếc thùng thơm mùi gỗ thông, bộ lông sặc sỡ bóng láng lên, chó mẹ đang liếm chó con, những mảng lông ướt vẫn còn chưa khô hết.
Chiếc lưỡi hồng của cậu chàng thò ra trông đến ngộ từ dưới hàm răng trắng, tuồng như cái lưỡi ấy lười nhác hoặc chẳng khoái giấu mình vào cái mõm hồng hồng. Hai con mắt như hai cái cúc áo bé xinh màu nâu tuyệt đẹp…, tóm lại, trước mắt tôi là một cún con tạp chủng bình thường nhất!
Đợi đôi chút rồi tôi lại ngó vào phòng khách để coi tương quan lực lượng chênh lệch đến đâu rồi. Mẹ rõ ràng là đang chiếm lại ưu thế. Bố nói rằng, ừ, có nhẽ cũng chẳng nên lấy con chó: “Nói gì thì nói, cái gien xấu chẳng chóng thì chầy cũng lộ ra, nòi nào giống nấy mà”.
“Cái gien xấu” ấy nó được cha nó truyền cho, mà câu chuyện về con chó cha lại làm mê mệt trí tưởng tượng tuổi mười bốn của tôi. Vùng này là vùng hoang sơ, dân quanh vùng chẳng có mấy ai, còn trong những cánh rừng thì đầy thú hoang: có cả sư tử và báo, thế nên đội cảnh sát khu vực gồm bốn người làm nhiệm vụ ở đây vất vả hơn nhiều so với vùng ven thành phố.
Bởi vậy, họ mua đến nửa tá các con chó to với mục đích, thứ nhất là khiến cho bọn cướp khiếp đảm (nếu có bọn người thế thật lang bang xứ này), thứ hai, để có một vòng quây những kẻ dũng mãnh bao quanh, những kẻ có thể quản được lũ thú rừng khát máu bằng cơn giận dữ của mình – những chú chó được huấn luyện có thể cắn cổ con vật theo lệnh chủ.
Một con trong số đó, to lớn và gần như đen tuyền, giống chó săn Rhodesia mà như người ta nói, đã bị “lại giống”. Nó giằng khỏi xích, chạy vào rừng và sống ở đó, hàng ngày đi săn hươu, sơn dương, thỏ, chim và thậm chí còn tha gà của mấy trang trại ngoại vi.
Và chính con chó to lớn ấy, kiêu hãnh và cô độc, con thú đã chối bỏ tình bạn và tình êm ấm con người, thi thoảng xuất hiện trước mặt những điền chủ trong đêm sáng trăng hoặc dưới bóng mờ xam xám của buổi sớm mai, chính nó đã rủ Stella, mẹ của chú chó nhỏ của tôi một lần nọ đi tuốt vào rừng.
Cô nàng ra đi với chàng buổi sớm ngay trước mắt ông bà Barnes, họ đã gọi nó lại. Nhưng Stella làm như không nghe thấy tiếng. Một tuần sau, nó trở về.
Tinh sương hôm ấy, hai vợ chồng Barnes bị đánh thức bởi tiếng rít nhè nhẹ, ai oán: “Tôi đã về đây, cho tôi vào”, và ngó qua cửa sổ, họ thấy cô chó Stella từng trốn chạy của mình trong ánh sáng trăng đã mờ nhạt: Rướn thẳng người lên, Stella nhìn về phía một con chó khổng lồ tuyệt đẹp đang đứng bên bìa rừng, và trước khi khuất hẳn sau những thân cây, chàng vẫy đuôi như từ biệt nàng.
Ông Barnes gửi theo bước con vật một vài viên đạn muộn mằn. Hai vợ chồng quở mắng Stella rất lâu, còn Stella thì sau một thời gian mang bầu đã đưa về bảy chú cún con lẫn lộn màu lông: đen- hạt dẻ - vàng óng ánh.
Chính Stella cũng là chó lai, cho dù chủ nó đương nhiên vẫn coi nó là giống thuần chủng – chứ gì nữa, chó của nhà họ cơ mà. Vào cái đêm những chú cún con ra đời, “người gốc Norfolk” và bà vợ nghe thấy một tiếng tru rầu rĩ tựa như tiếng khóc, đến gần cửa sổ, họ thấy bên chiếc cũi, con chó săn cảnh sát đi hoang đang gắng sức thò đầu vào cũi.
Cánh rừng rực lên trong ráng hồng chói lòa của rạng đông, và tuồng như có một vầng hào quang bao bọc chung quanh con thú. Stella rít lên khe khẽ, dần dần tiếng rít chuyển thành tiếng gầm gừ, - như mừng vui trước sự xuất hiện của con thú uy quyền to lớn đang dùng mõm ngửi ngửi lũ trẻ của cô nàng, như xua đuổi nó, như hãi sợ nó…
Nhà Barnes kêu lên, kẻ bị chối bỏ ấy quay về phía cửa sổ, nơi hai vợ chồng đang đứng – người đàn ông mặc áo pijama kẻ sọc, người đàn bà mặc áo lụa thêu, - rồi ngẩng mõm lên và rống lên. Như họ kể lại, nghe tiếng tru hoang dại tuyệt vọng ấy, hai vợ chồng rởn hết gai ốc.
Mãi một vài năm sau tôi mới thực sự hiểu họ khi Bill – chú chó nhỏ của tôi ấy – cũng trở về hoang dại và tôi được một lần nghe thấy nó tru lên trên một gò mối. Tiếng gọi cuồng dại của nó bay vào thẳm xa một thế giới trống trải, cái thế giới chỉ nghe theo một mình nó mà thôi…
Cha của những đứa con của Stella không bao giờ còn xuất hiện bên cạnh cô nàng nữa. Một tháng sau đó, một người láng giềng của nhà Barnes, sống cách họ năm mươi dặm, đã bắn nó khi con thú từ dãy chuồng gà chui ra, ngậm giữa hai hàm răng một con gà trắng tuyệt đẹp.
Độ ấy Stella chỉ còn giữ lại được có một cún con, những con khác bị nhà Barnes nhận chìm ngoài sông hết cả: dòng giống xấu, họ bảo vậy, ai mà tự hào được về cái lũ ấy, và chỉ vì thương hại mà họ để lại cho Stella một đứa nhóc.
Khi hai người kể câu chuyện mang tính giáo huấn này, tôi nghe không bỏ sót một từ, cố giữ một vẻ bình thản rắn rỏi của một người biết rất rõ rằng cuối cùng thì cũng sẽ đạt được điều mình muốn.
Quyền thuộc về tôi à? Đúng, về tôi. Bố mẹ có hứa kiếm cho tôi một con chó không? Có hứa. Vậy thì, chẳng nhẽ có ai khác mà không phải là tôi được quyền lựa chọn chó cho tôi?
Không… Nhưng… Không có “nhưng” gì sất, tôi đã chọn xong. Tôi đã chọn chính cái con chó mà tôi thích, tôi không cần một con nào khác nữa. Phản đối và tranh luận đều vô ích, tôi đã quyết rồi.
Chúng tôi lưu lại nhà ông bà Barnes ba ngày đêm. Ba ngày ấy kéo dài dằng dặc đầy mệt mỏi, nóng nực và trống rỗng. Lũ chó ngủ suốt trong cũi. Những buổi tối, người lớn lại tập trung ở phòng khách bé tẹo, căn phòng bị nung nóng bởi ngọn đèn dầu cháy rực thật không chịu nổi.
Hàng bầy muỗi tép lao vào ngọn lửa dầu vàng khè và xoay chung quanh nó trong một vũ điệu quay vòng bất tận. Người lớn cứ trò chuyện, còn tôi thì lắng nghe tiếng sủa vui cuồng vẳng từ ngoài sân vào. Rồi tôi chuồn ra khỏi nhà lao vào vùng trăng lạnh lẽo.
Đêm cuối ở nhà Barnes là đêm trăng tròn. Phía trên cánh rừng đen thẫm vang rộn tiếng ve, một vầng trăng lớn trắng sáng toàn bích trôi lững lờ, một khối tròn vành vạnh – mặt trăng xưa cổ in dấu của hàng triệu năm tồn tại trên đời.
Còn phía dưới này, trên mặt đất, một chú chó nhỏ mê mụ đang chạy nhảy cuống quít trên cát trắng thanh sạch, sủa những tiếng gâu gâu liên hồi vui sướng.
Mẹ của nó, con vật to lớn đẹp đẽ, ngồi cách đó một quãng và đưa đôi mắt màu vàng thông tuệ của mình lo lắng theo dõi vũ điệu điên cuồng của đứa con, máu mủ của người tình đến từ rừng sâu đã bị người ta giết.
Tôi rón rén bước lại gần Stella, ngồi xuống một tảng đá vẫn còn âm ấm, ôm lấy cái cổ lông xù của nó và áp má vào cái hàm vẫn đang hướng về đứa con một cách âu yếm.
Tựa người vào vồng ngực săn chắc ấm áp của chó mẹ, tôi gắng hòa nhịp thở đều cùng nó, và cả người và chó cùng ngước mắt lên phía vầng trăng lớn cũng đang chăm chắm nhìn lại chúng tôi, rồi sau đó cùng hướng xuống phía cuộn len nhỏ tròn đen bay vèo về phía chúng tôi như một tia chớp và đã kịp cuộn tròn lại dưới chân chúng tôi nhanh một cách lạ thường.
Tôi và Stella không rời mắt khỏi cún con, mà ánh trăng tươi mới vẫn không ngừng cô đặc lại trên bộ lông xù của Stella, trên da dẻ của tôi. Rồi, cuối cùng thì “Người gốc Norfolk” cũng đã bước ra, gọi chó con, lấy hết sức mà gào lên mắng nó, đoạn, nhảy bổ vào chú chó ngơ ngẩn cuồng trí kia, nhét nó vào chiếc thùng gỗ, nơi có những vệt trăng vàng đang náu mình trong bóng đen đẫm mùi nồng tỏa ra từ lũ chó.
- Vào đi, nào, vào với nó đi, - “người gốc Norfolk” xoa đầu Stella và nói. Stella ngoan ngoãn bò vào ổ. Nó lấy mũi nhẹ nhàng lật chó con lại. Chó con kiệt sức đến nỗi chỉ còn nằm ngửa ra đờ đẫn, dạng bốn chân đang co giật như trong cơn giãy chết, thở những tiếng khò khè, đứt quãng.
Rút cục, tôi cũng rời Stella và đứa con của nó, trở vào căn nhà gạch nhỏ, nơi mọi thứ đã bị nung bỏng lên bởi sự thù ghét lẫn nhau.
Tôi thiếp đi, vẫn còn tưởng tượng trong đầu cảnh chó con đang ngủ, chân duỗi đơ ra vì mệt nhọc và chúi mũi vào cái mạng sườn đen đen thở phập phồng của chó mẹ, chú cún con bé tẹo, những vệt trăng chảy qua khe vào chiếc thùng gỗ thông, lén tràn lên bộ lông sặc sỡ của nó.
Sáng hôm sau, chúng tôi mang chó con theo, còn Stella thì bị chủ khóa chặt trong nhà từ trước để chó mẹ không nhìn thấy chúng tôi ra đi…
Theo Tiền phong Online.
Tựa người vào vồng ngực săn chắc ấm áp của chó mẹ, tôi gắng hòa nhịp thở đều cùng nó, và cả người và chó cùng ngước mắt lên phía vầng trăng lớn cũng đang chăm chắm nhìn lại chúng tôi, rồi sau đó cùng hướng xuống phía cuộn len nhỏ tròn đen bay vèo về phía chúng tôi như một tia chớp và đã kịp cuộn tròn lại dưới chân chúng tôi nhanh một cách lạ thường.
Chúng tôi chẳng thể ngờ rằng việc kiếm một con chó thứ hai để nuôi lại phức tạp đến thế, mà lỗi của cái sự phức tạp ấy lại là những điểm khá đặc biệt trong quan hệ giữa các thành viên ở gia đình tôi.
Ban đầu quả là chẳng có gì đơn giản hơn – cái việc kiếm thêm một chú chó ấy – khi mà cả nhà đã quyết rồi: “Joke chẳng có bạn chơi, rất cần có thêm một cún con nữa, không thì Joke hoặc là sẽ mất tăm tích ở chỗ mấy anh nhọ (người da đen) trong làng hoặc là sẽ lông nhông cùng lũ chó ghẻ của họ”.
Tất thảy những người hàng xóm đều nuôi chó trong trang trại nên có thể xin một chú cún con thuần chủng được. Mỗi một người làm da đen thường có một vật nuôi gày nhom ốm đói mà họ vẫn hay đem chúng đi săn với hy vọng đôi khi kiếm được cho mình chút thịt còm.
Thảng hoặc, những chú cún của những con người tội nghiệp này rơi vào khu điền trang của các ông chủ, mà ở đó thì người ta không thể khoái các chú được.
Biết tin chúng tôi muốn kiếm thêm một con chó mới, bác thợ mộc Jakob dẫn đến cho một cậu chàng, cậu ta vui vẻ nhảy cẫng lên bên thềm, cổ vẫn bị buộc dây.
Song bố mẹ tôi lịch sự từ chối, mẹ bảo cái ổ rận di động ấy không thể cùng hội cùng thuyền với chú cún Joke của chúng tôi được, mặc dù lũ trẻ chúng tôi thì lại rất khoái cậu chàng nọ…
Đúng vào dịp đó, chúng tôi lên đường đi du lịch, một hành trình dài và xa – bố mẹ thi thoảng đi thăm các bạn bè đông đúc của mình; với một số người, chúng tôi ở chơi một ngày, rồi lại ngủ qua đêm ở nhà một vài người khác, với dăm người nữa thì chỉ đáo qua vài ba tiếng, ăn bữa trưa rồi vội vã đi tiếp.
Cuối cùng thì chúng tôi đến thăm người anh họ xa của bố, bác ấy mời chúng tôi qua chơi vào hai ngày cuối tuần. “Người gốc Norfolk” này (bố hay gọi bác ấy như vậy, mà chính bố cũng quê Essex) hồi chiến tranh thế giới thứ Nhất lấy một cô gái - từng đối với mẹ tôi như chị em kết nghĩa.
Giờ hai vợ chồng sống trong một trang trại nằm giữa những ngọn núi thấp, đỉnh vươn lên phía trên những khoảng rừng trùng điệp, cách ga xe lửa gần nhất khoảng tám mươi dặm.
Bố kể rằng họ “không sống được với nhau”; mà quả đúng thật, suốt cả thứ Bảy và Chủ nhật, họ lúc cãi nhau, lúc sưng sỉa mà chẳng nói năng gì.
Nhưng cái bi kịch của đôi vợ chồng bất hạnh sống giữa vùng núi đá với đồng lương hưu còm của mình chỉ một thời gian sau tôi mới hiểu được, - những ngày ấy tôi chẳng có tâm trí nào để ý tới họ, tôi đang yêu.
Chúng tôi đến chỗ hai người khi chiều đã buông, và phía trên khối đá hoa cương lạnh cóng của đỉnh núi xa, một mặt trăng vàng và gần như tròn vành vạnh chậm rãi ló lên.
Những thân cây đen ẩn mình trong im lặng, chỉ có tiếng ve rền rĩ không ngừng. Ôtô dừng sát ngôi nhà gạch hình hộp có mái sắt sáng lấp lánh lên dưới trăng. Ào vào chúng tôi là tiếng ồn của máy nổ, tiếng kêu của lũ ve, vẻ tươi mới của đêm trăng và một tiếng sủa đầy kích động và tuyệt vọng.
Từ góc nhà, một cuộn len đen tròn lăn ra, lao về phía xe, đến tận bánh xe, nhảy lùi lại rồi chạy biến đi, nghẹn ngào trong họng những tiếng sủa thanh thanh … và rồi tiếng sủa dịu đi, nhưng chúng tôi – ít nhất là tôi – căng tai ra vẫn còn bắt được tiếng kêu dại cuồng lanh lảnh.
- Cả nhà đừng có để ý đến nó, - ông Barnes, chủ nhà, “người gốc Norfolk”, nói, - con cún ngốc bị ánh trăng làm mụ mẫm cả người, cả tuần nay hành bọn tôi.
Chúng tôi được dẫn vào nhà, được mời ăn, được nghỉ ngơi yên ấm, rồi tôi bị điệu đi ngủ để người lớn có thể nói chuyện thoải mái. Tiếng sủa lanh lảnh đầy kích động vẫn không ngừng lấy một phút.
Cái sân phía dưới ô cửa sổ phòng tôi đang nghỉ chạy dài đến những kho chứa cỏ, ánh lên cả một mảng trăng hình chữ nhật bằng phẳng, và trên mảnh sân ấy có bóng nhỏ loăng quăng của một chú cún con ngốc nghếch cuồng lên vì hân hoan – hay vì ánh trăng.
Như một mũi tên, nó bay về phía nhà, vút đến nhà kho rồi lại trở về phía nhà, đoạn, bắt đầu quay vòng vòng, lăn xả vào cái bóng đen của mình, lết lết một cách tức cười trên những cẳng chân mập mạp vụng về, trông nó giống như một con bướm say khổng lồ xoắn xuýt quanh ngọn nến và còn giống… không biết giống cái gì nữa, tôi trong đời chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng như vậy.
Mặt trăng lớn đằng xa treo trên những ngọn cây, phía trên hình chữ nhật màu trắng trống trải của khoảng sân không có lấy một ngọn cỏ, phía trên tổ ấm của những con người cô độc bất hạnh, phía trên chú chó say cuồng vì vui sướng – chú chó nhỏ của tôi, tôi đã hiểu ngay ra điều ấy.
Ông Barnes bước ra sân, nói: “Thôi đủ rồi, đủ rồi, im đi nào, con vật ngốc nghếch”, - rồi bắt đầu cố tóm lấy sinh vật bé nhỏ cuồng loạn ấy , nhưng không sao bắt được, rút cục, ông gần như ngã đè lên con chó nhỏ, ông tóm lấy nó đưa lên cao, còn chú chó cứ sủa mãi, rền rĩ và quật người trong tay ông như một con cá.
Ông này vứt cún con vào cái thùng có để chiếc cũi. Tôi thầm thì trong hoảng sợ, y như mẹ mỗi khi có người lạ bế đứa con của bà lên: “Xin cẩn thận cho, cẩn thận cho, đây là con chó của tôi đấy”.
Buổi sáng, sau bữa ăn, tôi đi vòng ra sau nhà đến chỗ cái cũi. Thoảng lên mùi nhựa thông ngọt ngào bốc ra từ những thớt gỗ trắng của chiếc hòm trong ngày nóng nực; mảnh gỗ bên sườn đã được tháo ra, phía trong cái thùng có ít rơm vàng mềm mại.
Trên lớp rơm, một con chó cái đen tuyền đẹp tuyệt đang nằm, gác mõm lên đôi cẳng chân duỗi dài. Phía sau nó, một chú cún tròn quay có bộ lông sáng màu nằm sượt, uể oải, khoan khoái xoạc cẳng, nhắm nghiền mắt trong niềm đê mê của sự bình yên no đủ và lười nhác.
Trên túm lông đen bóng loáng cạnh mũi còn vương vệt cháo ngô đã khô, trong mõm nó ánh lên những chiếc răng sữa trắng muốt xinh xắn. Chó mẹ không rời ánh mắt kiêu hãnh của mình khỏi cún con cho dù nóng nực và mệt mỏi cũng làm nó lử lả đi rồi.
Tôi đi vào và tuyên bố rằng tôi muốn có chú cún con. Tất cả bấy giờ đã ngồi vào bàn. “Người gốc Norfolk” và bố tôi đang đắm chìm trong ký ức ấu thơ (trong đó chỉ có những kỷ niệm trùng nhau về địa điểm chứ về thời điểm thì không!).
Bà vợ của ông – đôi mắt còn đang đỏ hoe sau trận cãi nhau với chồng – thì đang buôn với mẹ tôi về những khách sạn London, nơi thời chiến, họ từng có mặt để làm dịu đi những đau đớn của những người bị thương, và bây giờ họ cảm thấy dễ chịu khi hồi tưởng về điều ấy.
Ngay tức thời, mẹ tôi phản đối:
- Con sao vậy, không bao giờ, không thể được! Con không thấy tối qua nó làm cái quái quỷ gì à? Con nghĩ có thể dạy dỗ nó điều gì sao?
“Người gốc Norfolk” nói xin cứ tự nhiên, ông sẵn lòng cho tôi chú cún.
Bố bảo rằng theo ý bố con cún cũng chỉ là con cún, chẳng thấy có gì kinh khủng trong con cún ấy cả, cái chính là con chó phải khỏe mạnh, còn mọi cái khác đều là chuyện nhỏ! Mẹ hạ mắt xuống với dáng điệu một người u sầu chẳng được ai thấu hiểu và im bặt.
Phu nhân của “người gốc Norfolk” thì nói rằng sẽ không thể chia tay nổi với chú ngốc bé bỏng ấy – có Chúa chứng giám, trong đời bà vốn cũng đã có quá ít niềm vui.
Tôi đã quá quen với những cuộc cãi vã gia đình và biết rằng chẳng đáng tốn thời gian cố hiểu tại sao, cớ gì mọi người hiện giờ lại tranh cãi và họ còn sắp nói những gì quá đáng với nhau vì con chó nhỏ của tôi.
Tôi chỉ biết rằng, cuối cùng thì logic của cuộc sống vẫn sẽ thắng cuộc, cún con sẽ là của tôi. Tôi bỏ lại đó khúc nhạc tứ tấu đang muốn làm sáng tỏ mọi bất đồng ý kiến chỉ vì cún con, chạy ra ngoài ngắm cu cậu.
Cậu chàng ngồi trong quầng bóng của chiếc thùng thơm mùi gỗ thông, bộ lông sặc sỡ bóng láng lên, chó mẹ đang liếm chó con, những mảng lông ướt vẫn còn chưa khô hết.
Chiếc lưỡi hồng của cậu chàng thò ra trông đến ngộ từ dưới hàm răng trắng, tuồng như cái lưỡi ấy lười nhác hoặc chẳng khoái giấu mình vào cái mõm hồng hồng. Hai con mắt như hai cái cúc áo bé xinh màu nâu tuyệt đẹp…, tóm lại, trước mắt tôi là một cún con tạp chủng bình thường nhất!
Đợi đôi chút rồi tôi lại ngó vào phòng khách để coi tương quan lực lượng chênh lệch đến đâu rồi. Mẹ rõ ràng là đang chiếm lại ưu thế. Bố nói rằng, ừ, có nhẽ cũng chẳng nên lấy con chó: “Nói gì thì nói, cái gien xấu chẳng chóng thì chầy cũng lộ ra, nòi nào giống nấy mà”.
“Cái gien xấu” ấy nó được cha nó truyền cho, mà câu chuyện về con chó cha lại làm mê mệt trí tưởng tượng tuổi mười bốn của tôi. Vùng này là vùng hoang sơ, dân quanh vùng chẳng có mấy ai, còn trong những cánh rừng thì đầy thú hoang: có cả sư tử và báo, thế nên đội cảnh sát khu vực gồm bốn người làm nhiệm vụ ở đây vất vả hơn nhiều so với vùng ven thành phố.
Bởi vậy, họ mua đến nửa tá các con chó to với mục đích, thứ nhất là khiến cho bọn cướp khiếp đảm (nếu có bọn người thế thật lang bang xứ này), thứ hai, để có một vòng quây những kẻ dũng mãnh bao quanh, những kẻ có thể quản được lũ thú rừng khát máu bằng cơn giận dữ của mình – những chú chó được huấn luyện có thể cắn cổ con vật theo lệnh chủ.
Một con trong số đó, to lớn và gần như đen tuyền, giống chó săn Rhodesia mà như người ta nói, đã bị “lại giống”. Nó giằng khỏi xích, chạy vào rừng và sống ở đó, hàng ngày đi săn hươu, sơn dương, thỏ, chim và thậm chí còn tha gà của mấy trang trại ngoại vi.
Và chính con chó to lớn ấy, kiêu hãnh và cô độc, con thú đã chối bỏ tình bạn và tình êm ấm con người, thi thoảng xuất hiện trước mặt những điền chủ trong đêm sáng trăng hoặc dưới bóng mờ xam xám của buổi sớm mai, chính nó đã rủ Stella, mẹ của chú chó nhỏ của tôi một lần nọ đi tuốt vào rừng.
Cô nàng ra đi với chàng buổi sớm ngay trước mắt ông bà Barnes, họ đã gọi nó lại. Nhưng Stella làm như không nghe thấy tiếng. Một tuần sau, nó trở về.
Tinh sương hôm ấy, hai vợ chồng Barnes bị đánh thức bởi tiếng rít nhè nhẹ, ai oán: “Tôi đã về đây, cho tôi vào”, và ngó qua cửa sổ, họ thấy cô chó Stella từng trốn chạy của mình trong ánh sáng trăng đã mờ nhạt: Rướn thẳng người lên, Stella nhìn về phía một con chó khổng lồ tuyệt đẹp đang đứng bên bìa rừng, và trước khi khuất hẳn sau những thân cây, chàng vẫy đuôi như từ biệt nàng.
Ông Barnes gửi theo bước con vật một vài viên đạn muộn mằn. Hai vợ chồng quở mắng Stella rất lâu, còn Stella thì sau một thời gian mang bầu đã đưa về bảy chú cún con lẫn lộn màu lông: đen- hạt dẻ - vàng óng ánh.
Chính Stella cũng là chó lai, cho dù chủ nó đương nhiên vẫn coi nó là giống thuần chủng – chứ gì nữa, chó của nhà họ cơ mà. Vào cái đêm những chú cún con ra đời, “người gốc Norfolk” và bà vợ nghe thấy một tiếng tru rầu rĩ tựa như tiếng khóc, đến gần cửa sổ, họ thấy bên chiếc cũi, con chó săn cảnh sát đi hoang đang gắng sức thò đầu vào cũi.
Cánh rừng rực lên trong ráng hồng chói lòa của rạng đông, và tuồng như có một vầng hào quang bao bọc chung quanh con thú. Stella rít lên khe khẽ, dần dần tiếng rít chuyển thành tiếng gầm gừ, - như mừng vui trước sự xuất hiện của con thú uy quyền to lớn đang dùng mõm ngửi ngửi lũ trẻ của cô nàng, như xua đuổi nó, như hãi sợ nó…
Nhà Barnes kêu lên, kẻ bị chối bỏ ấy quay về phía cửa sổ, nơi hai vợ chồng đang đứng – người đàn ông mặc áo pijama kẻ sọc, người đàn bà mặc áo lụa thêu, - rồi ngẩng mõm lên và rống lên. Như họ kể lại, nghe tiếng tru hoang dại tuyệt vọng ấy, hai vợ chồng rởn hết gai ốc.
Mãi một vài năm sau tôi mới thực sự hiểu họ khi Bill – chú chó nhỏ của tôi ấy – cũng trở về hoang dại và tôi được một lần nghe thấy nó tru lên trên một gò mối. Tiếng gọi cuồng dại của nó bay vào thẳm xa một thế giới trống trải, cái thế giới chỉ nghe theo một mình nó mà thôi…
Cha của những đứa con của Stella không bao giờ còn xuất hiện bên cạnh cô nàng nữa. Một tháng sau đó, một người láng giềng của nhà Barnes, sống cách họ năm mươi dặm, đã bắn nó khi con thú từ dãy chuồng gà chui ra, ngậm giữa hai hàm răng một con gà trắng tuyệt đẹp.
Độ ấy Stella chỉ còn giữ lại được có một cún con, những con khác bị nhà Barnes nhận chìm ngoài sông hết cả: dòng giống xấu, họ bảo vậy, ai mà tự hào được về cái lũ ấy, và chỉ vì thương hại mà họ để lại cho Stella một đứa nhóc.
Khi hai người kể câu chuyện mang tính giáo huấn này, tôi nghe không bỏ sót một từ, cố giữ một vẻ bình thản rắn rỏi của một người biết rất rõ rằng cuối cùng thì cũng sẽ đạt được điều mình muốn.
Quyền thuộc về tôi à? Đúng, về tôi. Bố mẹ có hứa kiếm cho tôi một con chó không? Có hứa. Vậy thì, chẳng nhẽ có ai khác mà không phải là tôi được quyền lựa chọn chó cho tôi?
Không… Nhưng… Không có “nhưng” gì sất, tôi đã chọn xong. Tôi đã chọn chính cái con chó mà tôi thích, tôi không cần một con nào khác nữa. Phản đối và tranh luận đều vô ích, tôi đã quyết rồi.
Chúng tôi lưu lại nhà ông bà Barnes ba ngày đêm. Ba ngày ấy kéo dài dằng dặc đầy mệt mỏi, nóng nực và trống rỗng. Lũ chó ngủ suốt trong cũi. Những buổi tối, người lớn lại tập trung ở phòng khách bé tẹo, căn phòng bị nung nóng bởi ngọn đèn dầu cháy rực thật không chịu nổi.
Hàng bầy muỗi tép lao vào ngọn lửa dầu vàng khè và xoay chung quanh nó trong một vũ điệu quay vòng bất tận. Người lớn cứ trò chuyện, còn tôi thì lắng nghe tiếng sủa vui cuồng vẳng từ ngoài sân vào. Rồi tôi chuồn ra khỏi nhà lao vào vùng trăng lạnh lẽo.
Đêm cuối ở nhà Barnes là đêm trăng tròn. Phía trên cánh rừng đen thẫm vang rộn tiếng ve, một vầng trăng lớn trắng sáng toàn bích trôi lững lờ, một khối tròn vành vạnh – mặt trăng xưa cổ in dấu của hàng triệu năm tồn tại trên đời.
Còn phía dưới này, trên mặt đất, một chú chó nhỏ mê mụ đang chạy nhảy cuống quít trên cát trắng thanh sạch, sủa những tiếng gâu gâu liên hồi vui sướng.
Mẹ của nó, con vật to lớn đẹp đẽ, ngồi cách đó một quãng và đưa đôi mắt màu vàng thông tuệ của mình lo lắng theo dõi vũ điệu điên cuồng của đứa con, máu mủ của người tình đến từ rừng sâu đã bị người ta giết.
Tôi rón rén bước lại gần Stella, ngồi xuống một tảng đá vẫn còn âm ấm, ôm lấy cái cổ lông xù của nó và áp má vào cái hàm vẫn đang hướng về đứa con một cách âu yếm.
Tựa người vào vồng ngực săn chắc ấm áp của chó mẹ, tôi gắng hòa nhịp thở đều cùng nó, và cả người và chó cùng ngước mắt lên phía vầng trăng lớn cũng đang chăm chắm nhìn lại chúng tôi, rồi sau đó cùng hướng xuống phía cuộn len nhỏ tròn đen bay vèo về phía chúng tôi như một tia chớp và đã kịp cuộn tròn lại dưới chân chúng tôi nhanh một cách lạ thường.
Tôi và Stella không rời mắt khỏi cún con, mà ánh trăng tươi mới vẫn không ngừng cô đặc lại trên bộ lông xù của Stella, trên da dẻ của tôi. Rồi, cuối cùng thì “Người gốc Norfolk” cũng đã bước ra, gọi chó con, lấy hết sức mà gào lên mắng nó, đoạn, nhảy bổ vào chú chó ngơ ngẩn cuồng trí kia, nhét nó vào chiếc thùng gỗ, nơi có những vệt trăng vàng đang náu mình trong bóng đen đẫm mùi nồng tỏa ra từ lũ chó.
- Vào đi, nào, vào với nó đi, - “người gốc Norfolk” xoa đầu Stella và nói. Stella ngoan ngoãn bò vào ổ. Nó lấy mũi nhẹ nhàng lật chó con lại. Chó con kiệt sức đến nỗi chỉ còn nằm ngửa ra đờ đẫn, dạng bốn chân đang co giật như trong cơn giãy chết, thở những tiếng khò khè, đứt quãng.
Rút cục, tôi cũng rời Stella và đứa con của nó, trở vào căn nhà gạch nhỏ, nơi mọi thứ đã bị nung bỏng lên bởi sự thù ghét lẫn nhau.
Tôi thiếp đi, vẫn còn tưởng tượng trong đầu cảnh chó con đang ngủ, chân duỗi đơ ra vì mệt nhọc và chúi mũi vào cái mạng sườn đen đen thở phập phồng của chó mẹ, chú cún con bé tẹo, những vệt trăng chảy qua khe vào chiếc thùng gỗ thông, lén tràn lên bộ lông sặc sỡ của nó.
Sáng hôm sau, chúng tôi mang chó con theo, còn Stella thì bị chủ khóa chặt trong nhà từ trước để chó mẹ không nhìn thấy chúng tôi ra đi…
Theo Tiền phong Online.