• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Trắng đêm săn 'chuột khổng lồ'

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Ở xã Châu Lộc huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An có cái "nghiệp" săn "chuột khổng lồ", cách gọi của dân săn đối với con don, một loại động vật rừng quý hiếm. Tuy không phải là nghề kiếm cơm ăn, áo mặc hàng ngày nhưng vào mỗi độ trăng lặn thì cánh thợ săn trong làng lại chuẩn bị đèn pin, súng vào rừng.


Con don - Ảnh minh hoạ

Thời gian gần đây, đến các quán nhậu sân vườn, nhiều người chợt giật mình khi thấy trong lồng có nhốt những con "chuột khổng lồ" nặng khoảng 3 - 6 kg. Tuy nhiên, đó không phải là loài chuột như mọi người nghĩ mà là con don, có hình dáng bên ngoài vừa giống chuột, vừa giống loài nhím.

Don đã được mấy tay thợ săn và vài nơi nuôi thương phẩm cung cấp cho các quán đặc sản, thậm chí nó đang mang lại nhiều lợi nhuận cho người nuôi. Loài don chủ yếu tập trung ở rừng rậm, núi đá hay núi đá vôi nhiệt đới. Ở Việt Nam, hầu hết ở các vùng còn rừng, số lượng don còn tương đối nhiều. Thái Lan, miền đông Myanmar, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia... cũng có don sinh sống. Đây là động vật hoang dã, thuộc loài gặm nhấm, thường sống trong các gốc cây, hang, hốc đá tự nhiên, thích hợp với môi trường rừng cây có nhiều củ, quả... có khả năng thích nghi với nhiều môi trường khác nhau từ rừng nguyên sinh đến các vùng đất canh tác. Don sống theo bầy đàn từ 6 đến 8 con, ban ngày ẩn nấp trong hang hốc, gốc cây, ban đêm đi kiếm ăn... Don thường được cánh thợ săn gọi bằng cái tên "chuột khổng lồ" hay "chuột rừng"...


Một thợ săn với "chiến lợi phẩm".

Theo Hà, tay thợ săn có kinh nghiệm, "chuột rừng" xuất hiện phụ thuộc vào tuần trăng. Trăng sáng thì chuột không đi kiếm ăn. Do vậy phải chờ trăng lặn mới đi được, trăng hạ tuần chuột đi sớm lúc chập tối trước khi trăng mọc. Đây là bài học thuộc lòng đầu tiên cho những ai muốn tập làm thợ săn.

Khi trăng thượng tuần vừa lặn, treo lơ lửng dưới chân núi đỉnh Thung Kiền Kiền (Châu Lộc), sương muối bắt đầu phủ trắng rừng, những cơn gió lạnh như cắt da cắt thịt. Tôi cùng với Hà, Tuấn chuẩn bị đủ thứ đèn pin treo ngang trán, dao thắt hông, súng vào rừng.

Rừng tối rất nhanh, nên thấy ngay trập trùng nhấp nháy sáng phát ra từ những con đom đóm cùng tiếng rú rít gọi nhau của những chú vượn, khỉ hay tiếng của chim rừng; tiếng bước chân lao xao trong gió hoà tan với núi rừng âm u. Men theo những cánh rừng, nhóm thợ săn phải cuốc bộ hơn chục cây số, bàn chân trầy trật bám núi đá. Phía xa có ánh đèn loang loáng soi đường. Đường tối, vốn lại không quen nên tôi bị ngã liên tục. Sau chặng đuờng dài, chúng tôi cũng đi đến điểm có loại "chuột khổng lồ" thường ẩn náu để bắt đầu cuộc hành trình trắng đêm.

Hà bảo, ở xã Châu Lộc và các xã lân cận có khoảng hơn 10 thợ săn gọi là chuyên nghiệp, thường xuyên vào rừng. Để bắn, bẫy được chuột thì các thợ săn phải dùng mồi để nhử như sắn, ngô... Tuy nhiên không phải ai vác bẫy, súng vào rừng là có chuột mang về mà nhiều người đã có đêm thức trắng nhưng cũng phải về không.

Đứng trước một hang đá nhỏ, Hà lấy đèn pin dọi thẳng xuống dưới chân, miệng nhủ thầm: "Đây là lối mòn mà loại "chuột khổng lồ" vẫn thường lưu lại dấu vết. Loại này tinh ranh lắm, chỉ cần nghe tiếng động là lủi ngay".

Nói đoạn, Hà thoăn thoắt thò tay vào túi lấy cái bẫy được làm bằng những que sắt nhỏ, đặt chút thức ăn làm mồi nhử, một đầu được kéo dây buộc chặt với gốc cây gần cạnh. Vốn là tay thợ săn có hạng nên Hà tiết lộ kinh nghiệm: "Có những con to bự, khi đi ngang qua thò chân vào dính chưởng, có thể kéo luôn bẫy chạy vào hang ẩn nấp". Sau gần hai giờ lần mò theo dấu vết của "chuột rừng", chúng tôi cũng đặt được 5 chiếc bẫy ở nhiều vị trí khác nhau.

Tìm một góc khuất, tôi cùng nhóm thợ săn ngồi lặng yên chờ đợi. Trời tối đen như mực, càng về đêm, trời lại càng lạnh. Cái giá lạnh nơi miền rừng hoà trộn trong màn sương mù đặc khiến cảnh rừng thêm cô liêu, tĩnh mịch. Ngồi co cụm, lấy khói thuốc đợi chờ, lắng nghe tiếng côn trùng kêu rỉ rả, tiếng lá rơi sột soạt... Tôi càng thấm thía hơn những cơ cực mà các tay thợ săn này bao đêm từng trải.

Đợi đến hơn 2h, tôi bắt đầu buồn ngủ nằm tựa vào hòn đá nhắm nghiền mắt. Thỉnh thoảng, chợt giật mình bởi những tiếng loạt soạt như tiếng rắn bò. Hà lổm nhổm bò dậy, vểnh đôi tai lắng nghe tiếng động. Không gian tĩnh mịch bỗng réo lên tiếng kêu thảm thiết như lợn bị chọc tiết từ các hốc đá vọng lại. Hà chạy lại, một con "chuột khổng lồ" trúng bẫy đang giẫy giụa vùng vẫy định chạy. Hà cẩn thận lấy bao tay nắm chặt đầu, nhẹ nhàng túm đầu, cố giữ cho con chuột khỏi đau đớn. "Nó còn sống thì bán mới được giá. Hôm trước bọn em cũng bắt được một con nhưng chưa kịp lấy đã bị con thú rừng khác đến xâu xé".

Gần 4h, chúng tôi quyết định kéo nhau rời khỏi Thung Kiền Kiền. Theo giải thích của Hà, loài chuột khổng lồ này nếu chế biến thành các món nhậu thì tuyệt. Những nhà hàng ở miền núi đều muốn "ghi điểm" với thực khách bằng các món đặc sản miền rừng: lợn rừng, nhím, rắn... nhưng những món này chén nhiều quá cũng ngán nên hầu hết thực khách đều muốn đặc sản lạ.

"Chuột khổng lồ" được chế biến giống như thịt chó, nào luộc, nướng, nhựa mận nhưng có thể chế biến được món hầm đu đủ, xào măng... Món phổ biến nhất mà nhiều thợ săn chế biến là món chuột om chuối rừng. "Chuột khổng lồ" được làm sạch lông, thui vàng rồi băm nhỏ cho vào nồi nấu với thân non cây chuối rừng. Nồi thịt vừa sôi, mùi thơm của chuối rừng và độ chín tới của thịt cứ theo hơi nước mà bay lên khiến thực khách ứa nước miếng.

Do cung không đủ cầu nên nhiều nhà hàng ở huyện Quỳ Hợp hiện nay cố móc nối với các tay thợ săn để mua "chuột khổng lồ" nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều tay thợ săn thậm chí bỏ hẳn nghề nông suốt ngày vào rừng cài bẫy, săn bắn. Điều này cũng đồng nghĩa với một viễn cảnh không mấy sáng sủa cho số phận của loài don.

Pháp Luật và Đời Sống

Lời bình: Cứ theo đà này chẳng mấy chốc mà loài don bị tuyệt chủng và có tên trong sách đỏ của Việt Nam và Thế giới, cần có những biện pháp tích cực bảo vệ loài động vật rừng quý hiếm này.
 

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
DON - Atherurus macrourus (Linnaeus, 1758)



Họ: Nhím Hisricidae

Bộ: Gặm nhấm Rodentia

Mô tả: Don loài thú nhỏ trong họ nhím Hisricidae , nặng 3 - 5 kg, dài thân 380 - 500mm, dài đuôi 139 - 228mm, Đặc điểm để phân biệt với nhím là lông gai trâm thô, thưa, ngắn (70 - 100mm) và dẹp, (không tròn như nhím Hystrix brachyura).

Sinh thái và tập tính: Đon chủ yếu sống ở rừng trên núi đá vôi hay nơi có nhiều đá lộ đầu, ở trong các hang, hốc đá tự nhiên. Thức ăn gần giống nhím và có khả năng thích nghi với nhiều môi trường khác nhau từ rừng nguyên sinh đến các vùng đất canh tác. Sống theo bầy đàn từ 6 - 8 con. Ban ngày ẩn nấp trong gốc cây. Kiếm ăn ban đêm.

Phân bố: Việt Nam: hầu hết ở các vùng còn rừng.

Thế giới: Thái Lan, miền Đông Mianma, Lào, Cambodia, Malaixia, Indonesia.

Tình trạng: Số lượng đon ở Việt Nam còn tương đối nhiều. Tuy nhiên cũng cần phải có biện pháp bảo vệ loài này trong tự nhiên

Giá trị sử dụng: Đây là nguồn thực phẩm có giá trị cho đồng bào dân tộc, Don cũng là loài gây một số tác hại cho sản phẩm nông lâm nghiệp.

Nguồn: Động vật rừng - Phạm Nhật - trang 214.
 

duc_NA

Member
Nếu cứ săn bắn bừa bãi như vậy thì không mấy chốc loài này cũng đi vào con đương của nhiều loại đông vật hoang dã o VN.Cần biện pháp bảo vệ và sử dung hợp lí
 
Top