• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Trả voọc về rừng

amifidele

Member

Regala đang được cứu chữa để phục hồi sau stress

TTCT - Một con voọc chà vá chân xám Pygathrix cinerea, thuộc nhóm động vật quý hiếm trong sách đỏ VN và thế giới, sắp bị đưa lên bàn nhậu thì may mắn gặp một cựu chiến binh. Người lính già động lòng trắc ẩn đã thuyết phục để trả nó về rừng. Hai ngày sau đó, con vật quý hiếm ấy được nhân viên Trạm cứu hộ mang về rừng quốc gia Cúc Phương. TTCT dõi theo cuộc trở về đại ngàn của chú vọoc này.

“Trạm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Vườn quốc gia Cúc Phương” nằm ở cửa rừng nguyên sinh Cúc Phương, cách Hà Nội 120km đường ôtô. Tôi tới Cúc Phương sáng sớm 6-3, ba ngày sau khi chú voọc được đưa trở về rừng. 9g, linh trưởng ở trạm được ăn bữa thứ hai. Chuồng trại đã được dọn sạch từ khi nào.

Tiếng vượn hót, voọc kêu ran ran bốn bề. Cả khu rừng yên tĩnh bỗng rộn lên đầy tiếng thiên nhiên hoang dã. Khác với hình dung của tôi, chú vọoc Pygathrix cinerea may mắn không tự do thoải mái giữa thiên nhiên, mà đang trong... khu cách ly.

A/ Một số phận may mắn

Trạm cứu hộ linh trưởng nguy cấp trực thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, là dự án hợp tác giữa Tổ chức động vật thế giới Frankfurt (Đức) với vườn.

Trạm đã hoạt động 15 năm nay và là nơi duy nhất trên thế giới thành công trong việc cho sinh sản một số loài voọc trong điều kiện nuôi nhốt. Trạm do anh Tilo Nadler làm giám đốc và 25 cán bộ chăn nuôi, chuyên gia sinh học. Ngoài cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp, trạm còn cứu hộ cả cu li.

Tổ chức động vật thế giới Frankfurt ký hợp đồng với vườn thú Leipzig (Đức) để thường xuyên có chuyên gia của nước bạn giúp đỡ trạm về mặt kỹ thuật và chuyên môn.

Timo Gessner, chuyên gia linh trưởng người Đức và anh Nguyễn Đức Vinh, đội trưởng đội chăn nuôi, hướng dẫn tôi đi thăm các bạn voọc. “Bạn voọc”, và “bé” (voọc non) nghe lạ tai, là cách gọi âu yếm và thân tình của nhân viên trạm với các cá thể linh trưởng đang được chăm sóc và cứu hộ.

Tại khu cách ly, con voọc Pygathrix cinerea tỏ ra thân thiện với Vinh và Timo. Hóa ra Vinh và Timo là hai người đã đưa nó từ Quảng Ngãi về đây và cũng chính là người trực tiếp chăm sóc nó từ bữa ăn, giấc ngủ, dọn chuồng, thăm khám sức khỏe... y như đối với một con người vừa gặp nạn trở về. Không sợ sệt, chú voọc thản nhiên bứt lá ăn bên cạnh Vinh để tôi chụp ảnh.

Vinh người Mường, dáng thấp, đậm, lọt thỏm trong bộ đồng phục trạm màu cỏ úa trông già hơn tuổi 36 của mình. Anh cho biết con voọc này là một trong tổng số 150 cá thể linh trưởng hiện đang được cứu hộ, chăm sóc và nhân giống ở trạm. Anh giải thích lý do cách ly chú voọc: “Lúc mới về, bạn nào cũng hoảng hốt. Thú như người, khi bị thay đổi môi trường sống, bị bắt, được giải cứu về trại sẽ hoảng hốt ngày đầu. Chính vì thế, trong thời gian sáu tháng đầu, các cá thể đều được chăm sóc đặc biệt cho phù hợp với “gia đình”.

Mỗi chú voọc mới nhập trại, tùy từng tập tính vùng, bầy đàn, được cho ăn thử rất nhiều loại lá. Nó được quyền chọn ăn loại lá nào, muốn ăn gì. Tuy nhiên, không giống các bạn cũ, bữa ăn của bạn mới được chia ra thành nhiều bữa hơn (trung bình một ngày nếu các cá thể khác có thể được ăn bốn bữa, nhưng bạn mới sẽ được ăn trung bình ba giờ/bữa). Riêng chú voọc may mắn sau ba ngày về trại, sức khỏe rất tốt. “Có thể vì bạn đã lớn (4 tuổi và nặng 6kg) nên sức đề kháng tốt hơn. “Chúng tôi rất hi vọng bạn ấy sẽ nhanh chóng làm quen được với đại gia đình ở đây” - Timo giải thích.

Đội trưởng Vinh kể thêm: đây là chuyến cứu hộ rất vui của anh. Sau 12 năm làm việc tại trạm với hàng trăm lần trạm tiếp nhận những cá thể linh trưởng bị bẫy, bị bắn trộm, thì đây là lần đầu tiên Pygathrix cinerea không bị... đòi tiền chuộc. Vinh nói: “Trong rất nhiều lần cứu hộ trước, tôi đã thấy ông Tilo Nadler - giám đốc của chúng tôi - phát khóc, đập bàn đập ghế ầm ầm, còn tôi thì vã bọt mép giải thích. Có thể những người bắt giữ biết chúng quý hiếm nên tìm cách kiếm tiền. Hôm nay ông Tilo đang đi công tác tại Lào. Giá như ông ấy ở trại, các bạn có thể biết thêm nhiều chuyện cứu hộ vừa cười vừa khóc!”.

B/ Regala mồ côi


Con voọc Pygathrix cinerea vừa được cứu hộ, đang ở phòng cách ly​

Nhưng không phải chú voọc nào cũng may mắn như Pygathrix cinerea. Vinh đã nhiều lần đi tiếp nhận cứu hộ, chứng kiến nhiều vụ thương tâm. Hầu hết voọc bị săn bắn và bẫy bắt. Khi được đón về trại, con thì cánh tay dập nát, con máu chảy be bét và kêu khóc thảm thiết. Cũng có những con không bị thương tích nhưng lại bị cho ăn sai khiến hỏng cả hệ thống tiêu hóa và việc phục hồi sức khỏe là cả một quá trình khó khăn, kiên nhẫn.

Khác khỉ, voọc có hệ thống tiêu hóa giống như trâu bò. Dạ dày của nó vẫn có bốn ngăn và thức ăn chính là lá cây. Chúng chỉ ăn một số quả, củ có vị chát. Do không biết, người ta cứ cho voọc ăn chuối và các loại quả ngọt, nên khi tới trạm, dạ dày đã bị bào mỏng và có con đã chết, không thể nào cứu được.

Tháng 8-2008, một con voọc ngũ sắc, chưa được 1 tuổi bị kẻ xấu bắt sau khi đã bắn chết bố mẹ ngay trước mắt nó. Con voọc đang còn bú phải chứng kiến cái chết của cả gia đình nên tâm thần hoảng loạn. Ba ngày sau khi bị bắt về nhà một người dân, nó dứt khoát không ăn uống gì cả, cứ nằm thiêm thiếp. Nhận được điện thoại từ Hạt kiểm lâm Ba Tơ, Quảng Ngãi, Vinh và chuyên gia Đức ở trạm khi ấy, chị Kelly, tức tốc vào Quảng Ngãi tiếp nhận “bé” về. Vinh nhớ lại: 12 năm làm việc tại trung tâm, chưa bao giờ anh thấy trường hợp nào như thế. Con vật quá bé, quá yếu, thoi thóp thở chờ chết. Vinh kể: “Chúng tôi cấp tốc đưa nó về. Nào pha sữa, đưa vào bình cho nó bú như vú mẹ. Sức đã kiệt, vài ngày đầu nó không mút nổi núm vú. “Bằng mọi cách phải giúp bé ăn!” - Kelly kiên quyết và cuối cùng chúng tôi đã thắng khi nó bắt đầu chịu uống sữa”!

Hiện trên toàn thế giới, chỉ riêng VN có phát hiện giống voọc chà vá chân xám. Uớc tính có hơn 500 cá thể voọc chà vá chân xám, phân bổ tại một số cánh rừng già từ Quảng Nam kéo dài vào đến biên giới tỉnh Gia Lai, Kontum. Trước năm 1995, chưa ghi nhận sự xuất hiện loài linh trưởng này ở VN. Những năm gần đây đã phát hiện hai quần thể voọc chà vá chân xám lớn tại Quảng Nam (200 con), Kontum (100 con). Trạm cứu hộ linh trưởng nguy cấp hiện đang chăm sóc 10 cá thể chà vá chân xám.

Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường sống bị thu hẹp và luôn bị săn bắn, bẫy bắt thì số lượng đàn voọc hiện nay đang giảm nghiêm trọng. Ông Tilo Nadler đang có chuyến công tác bên Lào cùng một số nhà khoa học Đức nghiên cứu và tìm hiểu xem liệu loài voọc này có phân bổ ở Lào hay không, nếu có thì loài linh trưởng này sẽ là đặc hữu của Đông Dương chứ không còn của VN nữa.

(Nguồn: Trạm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Vườn quốc gia Cúc Phương)


Nhưng chưa hết. Regala bị stress nặng. Có lúc nó lên cơn động kinh, co giật, kêu thét. Lại một cuộc vật lộn mới của anh chị em cứu hộ. Khám, chữa bệnh, nuôi như con nhỏ. Ban đêm phải có người ở phòng bên cạnh thăm nom theo lịch. Trạm cử các cô gái dỗ dành cho nó ăn, nhưng nó cứ la hét, khóc lóc và không chịu rời tay “mẹ”, các nữ cán bộ cứu hộ của trạm phải hết sức kiên trì.

Mỗi ngày trôi qua, bằng tình yêu thương của nhân viên cán bộ trạm, Regala khá dần lên. Nó bắt đầu không sợ hãi quá khi gặp người, bắt đầu biết cầm một chiếc lá. Các “mẹ” của “bé” ngày hai lần đưa Regala ra tắm nắng. Regala được làm quen trở lại với rừng, với thiên nhiên, khu rừng ngay tại trại và bắt đầu học lại những tập tính của loài voọc.

20g ngày 6-3, khi chúng tôi đến thăm Regala thì Phương, nhân viên cứu hộ của trạm, đang chuẩn bị cho Regala ăn bữa cuối trong ngày. Căn phòng rộng khoảng 12m2 được bật lò sưởi ở mức 25 độ C cho phù hợp với nhiệt độ nơi “bé” sinh ra. Một tủ đựng quần áo năm ngăn cũng mang tên Regala. Nào gối nước để dựa lưng, nào khăn ủ ấm cho Regala khi ra ngoài chơi. Đặc biệt, Phương không mặc đồng phục mà là một chiếc áo vải mềm. Khi tôi thắc mắc, trạm giải thích những người “mẹ” phải mặc áo vải mềm để Regala dễ bám và tạo cảm giác âu yếm, dịu dàng.

Con voọc nhỏ y như đứa trẻ sơ sinh, tay ôm bình sữa, tay kia bám chặt lấy áo Phương, như sợ “mẹ” nó bỏ đi mất. Chưa đến mười phút, nó chùn chụt bú hết bình sữa. Regala cứ cuống lên đòi ăn nữa. Phương bảo đang giảm khẩu phần sữa để tăng khẩu phần lá và củ quả cho Regala. Khi nào đủ 2 tuổi, nó sẽ không uống sữa nữa. Kỷ luật của trạm rất nghiêm, không chỉ nghiêm với các ”bé” mà còn nghiêm cả với các “mẹ” nữa. “Nếu chiều quá, sau này các “bé” sẽ không thể sống độc lập, tự hái lá mà ăn, rất khó trở về với rừng. Sau sáu tháng ở trạm, Regala đã tăng từ 1,03-1,61kg và tâm tính đã thay đổi rất nhiều” - Phương cười dịu dàng nói với tôi.

C/ Những “người mẹ” của trạm


“Mẹ” Phương cho Regala ăn tối - Ảnh: H.Đ.

Nguyễn Thị Thu Phương không phải là “người mẹ” duy nhất của trạm. Còn hai phụ nữ khác, tên Hương và Huế cũng được gọi là “mẹ”. Nhưng Phương đặc biệt gây ấn tượng với tôi vì lòng yêu thú vật và sự tận tâm của cô. Nhìn Phương xinh trẻ thế, lại chưa từng làm mẹ ít ai nghĩ rằng cô có thể phù hợp với vai trò “làm mẹ” cho các con linh trưởng mới sinh, cũng như chăm sóc các bạn từ nhiều vùng về mới nhập trạm.

Những chuyên gia và nhân viên khác, tuy không được gọi là “mẹ” nhưng tấm lòng và sự tận tâm của họ không thể không làm người khác lay động. Trong không đầy một giờ nói về công việc của mình, không dưới hai lần Vinh lấp lánh nước mắt, bởi sự thương cảm đối với những con vật mà anh đã coi không khác gì con người.

Vinh bảo: “Có trạm này, không chỉ chúng tôi, những nhân viên của trạm mới thật sự cảm thấy yêu quý các con vật mà các cháu học sinh, khách du lịch đủ thành phần và lứa tuổi khi đến đây nghe những câu chuyện về bầy voọc, đã thay đổi nhiều thái độ đối với động vật. Bởi động vật cũng có quyền của chúng, ta vào rừng là đến thăm nhà của các con thú, nếu mọi người hiểu được điều đó thì chắc chắn chuyện săn bắn, bẫy bắt và ăn thịt thú rừng sẽ không còn xảy ra nữa, mà sẽ coi đó là hành vi man rợ của chính loài người”.

Trong bữa cơm tối chia tay, Timo ăn nhanh. Khi chúng tôi mời Timo thêm một cốc bia, anh bảo: “Tôi rất tiếc, nhưng 8g tối nay tôi phải chăm sóc cho các bé“. Đó là tính nguyên tắc và kỷ luật của trạm! Có lẽ, chỉ những người trong trạm mới hiểu hết vì sao anh Timo, chuyên gia trẻ người Đức, bỏ dở cuộc vui, một mình trở về trại trong đêm tối cũng như hiểu vì sao những con voọc Regala đã quên đi những ngày bi thảm trở lại bình thường...

Rời trạm, tôi nghĩ về viễn cảnh sau ba năm tập quen với rừng, lũ voọc sẽ được trả lại với đại ngàn. Nhưng liệu chúng có bình yên giữa thiên nhiên lần nữa hay không? Lúc chia tay, trợ lý trạm Nguyễn Thị Thu Hiền đưa cho tôi một tập ảnh, nhắn nhủ: “Các bạn viết về việc chăm sóc bầy voọc thì cũng nên viết về những hình ảnh này”. Tôi rùng mình nhìn những con thú đủ chủng loại được ngâm trong những chiếc bình. Khi nào sự mông muội và dã man của con người với bầy thú sẽ giảm? Bao giờ những cánh rừng sẽ thôi thu hẹp, và muông thú sẽ cảm thấy bình an khi nhìn thấy loài người?



Tri ân “món nợ rừng”​

Lúc 23g ngày 1-3, ông Đặng Kim Cương (ảnh), phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quảng Ngãi, trên đường về quê tình cờ phát hiện hai nhóm thanh niên đang giành nhau chuẩn bị giết thịt con voọc chà vá chân xám này tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).

Ông Cương kể lại: “Thật hạnh phúc vì cứu sống một con vật quý hiếm. Đêm hôm ấy đang trên đường về TP Quảng Ngãi tôi thấy hai nhóm thanh niên đang bàn tán giết thịt một con vật gì đó. Nhìn vào bao tải thì ra đó là con voọc chà vá chân xám đuôi dài. Linh tính mách bảo có thể đây là con vật quý hiếm. Tôi tự giới thiệu là cựu chiến binh tỉnh và dùng lời lẽ thuyết phục nhóm thanh niên rằng: đây là động vật hoang dã quý hiếm, ai vi phạm sẽ bị truy tố trước pháp luật. Sau đó, nhóm thanh niên tự nguyện giao con voọc cho chúng tôi đưa về.

Đêm hôm ấy trằn trọc mãi tôi không ngủ được vì sợ con voọc nhốt ở văn phòng Hội Cựu chiến binh tỉnh trốn mất hoặc vùng vẫy vướng xích chết thì nguy. Sáng hôm sau, tôi lên cơ quan thật sớm để liên hệ bàn giao cho Vườn quốc gia Cúc Phương. Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm Vườn quốc gia Cúc Phương hỗ trợ tôi 500.000 đồng vì có “công cứu động vật hoang dã quý hiếm thoát chết” nhưng tôi không nhận. Trách nhiệm vì môi trường sống là nghĩa vụ của mỗi công dân, của cả cộng đồng, tôi mong các chú cố gắng cứu con voọc chà vá này, sớm trả nó về với thiên nhiên hoang dã là tôi mừng lắm rồi”.

Tham gia chiến đấu chống Mỹ ở các chiến trường miền tây Quảng Ngãi, Quảng Trị trong giai đoạn 1964-1975, ông Cương và đồng đội đã từng được rừng chở che. “Khói của bom đạn chiến tranh đã hủy diệt môi trường trong quá khứ nhiều rồi, bây giờ là lúc những người lính chúng tôi phải có nghĩa vụ làm điều gì đó tri ân “món nợ” với rừng” - ông Cương bộc bạch.
MINH THU


HOÀNG HIỆP
 
Đúng là một câu chuyện đáng mừng, loài động vật này đang ngày môt ít đi do sự săn bắt của con người.
 

amifidele

Member
Cảm ơn hai bạn dangquochung và Tinguyen đã chịu khó đọc bài viết này và đã đồng cảm cho số phận của thú rừng.
 
Top