• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Trả thú lại cho rừng

amifidele

Member
Hàng chục nhà hàng, quán nhậu ở TPHCM bị phát hiện kinh doanh thịt thú rừng làm mồi nhậu. Hàng loạt con thú đánh mất bản năng hoang dã, ngây dại, do nuôi nhốt quá lâu. Trả thú lại cho rừng, bảo tồn động vật hoang dã chỉ mới là chuyện của vài người.


Một con trút bị đứt hai chân do sập bẫy thợ săn trong rừng quốc gia Cát Tiên

“Chồn quốc gia đây!”.
Giữa trưa, tiếng rao của người phụ nữ cất lên bên bờ kênh Nhiêu Lộc (TPHCM) khiến thực khách ngồi trong dãy quán nhậu giật mình. Ánh mắt họ đổ dồn về phía cái bao tải được cột chặt sau chiếc xe máy biển số Đồng Nai của người phụ nữ. “Chồn quốc gia là chồn bẫy từ rừng quốc gia Cát Tiên đem lên. Thịt chồn nhậu sung phải biết”. Một người đàn ông ngồi phía sau tôi vừa cầm ly bia vừa “giảng” cho mấy bạn nhậu cùng bàn nghe.

Bẫy giăng đầy rừng
Một con chồn có bộ lông đen ướt sũng vì dầm mưa rừng, hai mắt trợn tròn, bụng lép xẹp do đói khát. Nó được kiểm lâm của rừng quốc gia Cát Tiên phát hiện vì dính bẫy thợ săn. Giữa tháng 10, từ TPHCM, đón chuyến phà vượt nhánh sông Đồng Nai, tôi ghé rừng quốc gia Cát Tiên. Tại đây tôi rợn người, vì nhìn hình ảnh những con thú bị thương nằm quằn quại. Bên cạnh con chồn lông đen là một con trút mắt nhắm nghiền, chân trước và chân sau bị gãy đôi, xương chân lòi ra. Anh Đỗ Ngọc Tuấn, một trong những nhân viên thông thạo đường rừng nhất ở đây, lắc đầu: “Có ngày tôi phải phá 400-500 sợi dây mà người ta giăng trong rừng để bẫy thú”. Theo anh Tuấn, bẫy đặt trong rừng rất đa dạng. Có loại bằng dây, thắt thành thòng lọng đặt dọc theo thân cây chỉ cần thú bươn vào, nút thòng lòng thắt lại treo nó lủng lẳng giữa trời. Có loại bẫy làm bằng lưới giăng quanh theo kiểu “mê hồn trận”, thú biết đường vào mà chẳng biết đường ra. Lại có loại bẫy hố dùng để bẫy thú lớn được ngụy trang bằng lá rừng, chỉ cần thú bước lên là sụp xuống, phía dưới chông găm tua tủa. Nhiều con thú, thợ săn không có ý định bẫy nhưng vẫn dính, không ai đến gỡ nên nằm phơi xác. Tôi được chứng kiến một con vật thuộc lớp chim bị dính bẫy, nhưng chẳng biết thuộc loại chim gì. Do thợ săn quên gỡ nên xác bị thối rữa. Hiện trường còn lại là một bộ lông dài trắng muốt và hai cái chân dài màu xanh lơ”.

Ban Quản lý Rừng quốc gia Cát Tiên ghi nhận được khoảng 1.020 loài động vật, trong đó có 40 loài nằm trong sách đỏ (thú quý hiếm). Công tác bảo tồn thú ở đây đang đối mặt với khó khăn do ngày càng có nhiều tay săn từ nơi khác đổ về. Họ mang theo ngồn ngộn súng ống, lượng thú bị sát hại càng đáng quan tâm.

Thú nguy cấp: Càng chén!
Trong lúc ngồi nhậu, mấy anh bạn của tôi bàn tán chuyện 44 chân gấu bị chặt rồi bỏ trong thùng xốp bị Công an Hà Nội phát hiện hồi cuối tháng 8-2008. T., một người sành mồi thú rừng, cho hay chân gấu nếu hầm với thuốc bắc thì đại bổ. Chính hai tiếng “đại bổ” khiến những con rắn quý lần lượt chui vào bình ngâm rượu, hàng loạt con thú rừng trở thành món cao cấp trên bàn nhậu.

Ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ chuyên về bảo vệ động vật hoang dã (WAR), thở ra: “Ở TPHCM, tôi đã từng chứng kiến người cắt bộ phận sinh dục của chà vá (một loại linh trưởng) để làm món nhậu tẩm bổ, thật hết biết!”. Tháng 8 vừa qua, WAR phối hợp với Chi cục Kiểm lâm TPHCM thành lập tổ kiểm lâm cơ động chuyên tập kích những nhà hàng, quán nhậu kinh doanh động vật hoang dã. Chỉ trong vòng hai tháng, tổ kiểm lâm cơ động đã xử lý hàng chục nhà hàng, quán nhậu vi phạm.

“Nhanh lên, tôi nhậu ở nhà hàng Quách Đại Hiệp, đường Trần Não, quận 2. Chủ quán đang chuẩn bị giết thú làm mồi nè!”. Trưa 29-9, một “điệp viên” thông báo khẩn qua đường dây nóng cho tổ kiểm lâm cơ động. Nhận tin, tổ kiểm lâm cơ động lập tức có mặt, ập vào nhà hàng Quách Đại Hiệp, đột thẳng xuống kho hàng và phát hiện một con chồn mướp, một rắn hổ mang, hai kỳ đà nước, bốn vịt trời... Tại quán ăn Đông Nam (đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) và nhà hàng Tràm Chim (quận 3), cũng thông qua “điệp viên” mà kiểm lâm thu giữ được một con trăn đất (6,5 kg), một con chồn hương (2 kg). Cả hai đều được xếp vào loại động vật rừng nguy cấp ở Việt Nam.
“Hiện giá 1 kg thịt chồn vào khoảng 600.000-700.000 đồng, giá mỗi ký thịt gấu đếm bằng tiền triệu thì những người “đủ đô” để thưởng thức hầu hết là những người khá giả. Họ đã gián tiếp làm những cánh rừng ở Việt Nam thưa dần bóng thú và dày đặc hơn những chiếc bẫy!”- một chuyên gia về bảo vệ động vật hoang dã ở TPHCM kết luận.

Thú càng quý, mức phạt càng cao
Theo Nghị định 32 của Chính phủ, ở Việt Nam hiện có 151 loài được liệt vào danh sách động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, phân ra nhóm IB là nhóm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại gồm 62 loài (chồn bay, mèo rừng, hổ, hưu vàng, hổ mang chúa, cu li...), nhóm IIB là nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại gồm 89 loài (cầy hương, cheo cheo, trăn đất, cá sấu hoa cà, cá sấu nước ngọt...). Trường hợp nhà hàng, quán nhậu bị bắt quả tang sử dụng động vật rừng thuộc loại nguy cấp, quý hiếm thì mức phạt càng nặng.


Bài và ảnh: NHƯ PHÚ
Báo Người Lao Động (30/10/2008)

 
Top