• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Tin tức về chú rùa thuộc giống rùa hồ gươm mới tìm thấy

Hoangminh

Member
Bắt được một trong bốn con rùa quý của thế giới
( 07:35:09 - 27/11/2008 )

Hôm 26/11, dân xã Đồng Mô, TP Sơn Tây, Hà Nội, bắt được một con rùa, được cho là một trong bốn cá thể rùa quý còn lại của thế giới, thoát ra từ hồ Đồng Mô.




Rùa được đưa ra khỏi gia đình nhà anh Toàn lúc 17h15
Các chuyên gia về rùa xác định đây là loại rùa cùng họ với cụ rùa hồ Hoàn Kiếm và là một trong bốn cá thể rùa quý hiếm còn lại trên thế giới.

Nhận được tin báo từ độc giả qua đường đường dây nóng, PV ngay lập tức có mặt tại xóm Cời, xã Đồng Mô, khi hàng trăm người từ các nơi đổ về chiêm ngưỡng rùa quý. Mất gần một ngày, tổ chức bảo tồn và cơ quan quản lý mới thuyết phục được người dân rùa thả rùa về tự nhiên.

Đổ xô đi xem rùa quý

Ngay từ đầu đường làng dẫn vào xóm Cời chúng tôi thấy xôn xao về thông tin bắt được rùa quý. Người ở đây gọi là con dải. Nhanh chóng, dịch vụ trông xe được hình thành ngay trước ngõ ngôi nhà đang nhốt rùa để phục vụ khách đến xem.

Mặc dù không được tận mắt nhìn thấy rùa vì chủ nhân đã nhốt kín rùa trong kho thóc, người hiếu kỳ từ các nơi vẫn ùn ùn kéo đến. Lực lượng công an, kiểm lâm có mặt cố gắng chặn dòng người bằng cách khóa cửa sắt chính dẫn vào nhà thì người ta trèo tường để đột nhập vào sân!

Chị Khuất Thị Hồng, chủ nhà, cho biết, chồng chị là anh Nguyễn Văn Toàn đánh cá và tình cờ bắt được rùa tại đoạn sông Cốc.

Sau trận mưa lịch sử gây ngập lụt Hà Nội và vỡ bờ bao hồ Đồng Mô, gia đình chị phát hiện có con rùa to xuất hiện ở đoạn sông này nên đã dùng lưới chặn lại. Ba gia đình trong xóm thay nhau canh rùa, cho ăn, hi vọng có món tiền lớn.

Sáng 26/11, anh Toàn quyết định kéo con rùa lên. Theo thông tin từ gia đình này, ngay khi kéo lên có người trả giá 40 triệu đồng nhưng gia đình chưa bán.



Nhiều PV và chuyên gia nghiên cứu về rùa có mặt rất sớm tại gia đình anh Toàn


“Tôi giữ lại là vì cơ quan chức năng nói là để họ đến kiểm tra, xem xét. Nhưng bây giờ họ lại đòi tịch thu mà chỉ trả gia đình tôi 1,2 triệu đồng cùng với tiền bồi thường hai tay lưới bị rách”, chị Hồng giận giữ.

Trong khi đó, dòng người đổ vào sân nhà chị Hồng ngày càng đông. Người ta tranh nhau ghé mắt vào khe cửa kho chứa thóc để được tận mắt thấy rùa. Nhiều người tiếc rẻ vì sự có mặt của cơ quan chức năng đã cản trở việc bán rùa!

Có mặt tại sân nhà chị Hồng, lẫn trong đám đông huyên náo, ông Douglas Hendrie, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (EVN), cho biết, ông cùng các đồng nghiệp đã đến đây từ sáng để chờ quyết định của cơ quan chức năng.

Mong muốn của tổ chức này cũng như tất cả các tổ chức bảo tồn động vật khác là rùa được thả về tự nhiên, nơi sinh sống của nó, là hồ Đồng Mô.

“Tôi và các cộng sự biết cách chăm sóc, bảo vệ, vận chuyển con rùa này, chúng tôi sẽ hỗ trợ cơ quan năng vận chuyển nó đảm bảo an toàn”, ông Douglas cho biết.

Theo các cơ quan hữu trách ở địa phương, thông tin có người định mua rùa với giá cao chỉ là tin vịt vì ngay từ khi có thông tin có rùa thoát ra sông, ENV cử cán bộ xuống tuyên truyền cho bà con về cách bảo vệ rùa, đồng thời phối hợp chặt chẽ với địa phương đề ngăn chặn mọi trường hợp người dân bắt được rùa mang bán.

Sau gần một ngày thương thuyết, đến 17h00 cùng ngày, sau nhiều lần đòi được đền bù với giá 15 triệu cho ba gia đình có công bắt và nuôi rùa trong gần một tháng, cuối cùng vợ chồng anh Toàn, chị Hồng đồng ý ký vào biên bản thả rùa về với hồ Đồng Mô và nhận một số tiền hỗ trợ nhỏ từ ENV.

Chỉ còn bốn con trên thế giới

Ngay sau khi chủ nhà ký vào biên bản và mở cửa kho thóc, chúng tôi mới được tận mắt nhìn thấy con rùa được xác định là vô cùng quý hiếm và là một trong bốn con còn lại của thế giới.

Con rùa có trọng lượng 68kg, mai mềm, màu xám. Trên thân có nhiều vết thương. Khi bị bắt, con rùa còn rất khỏe. Để lôi được con rùa này lên bờ, anh Toàn hi sinh hai tấm lưới đánh cá và chi chít các vết sẹo ở tay, chân. Phải rất vất vả, lực lượng an ninh địa phương mới ngăn được đám đông hỗn loạn chen để đưa được rùa ra xe ô tô.

Theo ông Douglas, đây là loài rùa mai mềm, cùng họ với cụ rùa hồ Hoàn Kiếm, có tên khoa học là Rafetus Swinhoei. Môi trường sống của loài rùa này là ở lưu vực sông Hồng và miền Nam Trung Quốc.

Loài rùa này khá to nên dễ bị bắt. Do đó, chúng biến mất gần như toàn bộ trên khu vực phân bố của nó. Hiện nay, các nhà khoa học xác định chỉ còn bốn cá thể rùa họ này sống trên thế giới. Hai con một đực một cái sống ở vườn thú Trung Quốc. Hai cá thể còn lại cụ Rùa Hồ Gươm và con rùa này.

“Tổ chức bảo tồn rùa quốc tế đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát ở nhiều khu vực của Việt Nam và năm ngoái tìm thấy con rùa này sinh sống ở hồ Đồng Mô. Nhân viên chương trình bảo tồn rùa châu Á đã làm việc với nhân dân địa phương để truyền thông về biện pháp bảo tồn con rùa nay trong suốt thời gian qua. Sau trận lụt vừa qua gây vỡ bờ bao hồ Đồng Mô, con rùa thoát ra khỏi hồ. Chúng tôi cử cán bộ đi khảo sát, một mặt đặt lưới và bẫy, một mặt phỏng vấn và truyền thông cho dân ở đây về loài rùa này. Đây là giống rùa quan trọng không chỉ với Việt Nam mà với cả thế giới”, ông Douglas nhấn mạnh.

Chờ đợi từ sáng đến chiều, khi cuộc thương thuyết thành công, ông Douglas cùng các cộng sự vận chuyển rùa ra hồ Đồng Mô. Bị bắt và nhốt từ sáng tới chiều, các chuyên gia về rùa lo ngại con rùa có thể bị ốm, bị stress.

Việc chăm sóc rùa gặp trở ngại do quá đông người hiếu kỳ bu lại để xem rùa. Do đó, các cán bộ của ENV xem xét các vết thương và bôi sát trùng cho rùa ngay trên ô tô, trên đường đem rùa đi thả ở hồ Đồng Mô.

“Đáng buồn là phần lớn những người đứng ở đay nhìn còn rùa này đều không nhận ra đây là con rùa cuối cùng còn tồn tại trong tự nhiên của thế giới và Việt Nam mà chỉ nhìn nó như một đống tiền!”, ông Douglas thở dài.

(Theo Tiền Phong)
 

Hoangminh

Member
Thêm cái này cho đủ bộ rùa hồ gươm
Hồ Gươm từng có cụ rùa 900 tuổi
( 09:52:13 - 07/08/2008 )
Trong Hồ Gươm từng có một cụ ông rùa cao tuổi nhất dài 2,1 m, rộng 1,2 m, nặng 250 kg, có độ tuổi trên 900 năm. Ngoài ra, còn có ba ông rùa khác to bằng bánh xe đạp và nhiều thế hệ rùa con, cháu, chút, chít làm nên những câu chuyện thú vị cho lòng hồ.




Rùa Hồ Gươm gắn liền với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội cùng những truyền thuyết lịch sử, văn hoá linh thiêng từ mấy nghìn năm nay. Có nhiều câu chuyện có thật về những cụ rùa này từng làm những người chứng kiến ngạc nhiên nhưng không phải ai cũng biết.



Thỉnh thoảng nổi lên tháp Rùa phơi nắng.

Chuyện về cụ rùa trong tủ kính


Vào khoảng 10h00 ngày 28/4/1968, một người tới trụ sở công an khu vực Hoàn Kiếm, Hà Nội (số 2 phố Tràng Thi - 50 phố Lê Thái Tổ), báo tin với kíp trực có rất nhiều người đang tập trung gần nhà Thủy Tạ xem rùa nổi, sợ máy bay Mỹ đến bắn phá sẽ có thương vong lớn.



Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Trần Phương, chỉ huy trực ban ngày hôm ấy (bây giờ là Trung tá Trần Phương đã nghỉ hưu) đã cùng anh Thuận, một trinh sát trẻ ra hiện trường. Hai người đạp xe đến đoạn Khách sạn Phú Gia (câu lạc bộ Thống Nhất lúc bấy giờ) đã thấy vài chục người tập trung cạnh hồ. Ngay sát mép hồ là một cụ rùa rất to. Trên mai là một đám bọt màu hồng to như cái mũ nổi sùi lên.



Đội trưởng Trần Phương và trinh sát Thuận một mặt yêu cầu mọi người khẩn trương giải tán, phòng lúc báo động không kịp xuống hầm, mặt khác dùng đòn gánh đẩy rùa ra xa bờ. Nhưng không hiểu sao, cụ rùa chẳng tỏ ra sợ hãi, lại cứ từ từ bơi vào bờ như không cần biết đến sự giúp đỡ của con người. Lúc này hai chiến sĩ công an mới nhìn rõ đám bọt trên mai rùa là máu, chứng tỏ rùa bị thương có thể do mảnh đạn từ hai ngày hôm trước khi máy bay Mỹ ném bom bãi Phúc Tân (Hà Nội).



Đội trưởng Phương cử ngay anh Thuận về báo cáo cấp trên. Một lúc sau, nhận được chỉ thị của Chủ tịch Trần Duy Hưng từ UBND thành phố Hà Nội yêu cầu: “Sở công an, Sở Y tế và Công ty Công viên cây xanh bằng mọi cách phải cứu chữa vết thương cho rùa Hồ Gươm, một loài động vật đã gắn với truyền thuyết linh thiêng của lịch sử” .



Trong khi chờ Công ty công viên cây xanh mang xe cẩu đưa cụ rùa lên bờ thì Đài truyền thanh Hà Nội thông báo: “Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 100 cây số, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu!” và còi báo động vang lên liền ngay sau đó.



Khi mọi người tản xuống hầm, hai chiến sĩ công an vẫn đứng lại trông cụ rùa. Ngay lúc ấy một chiếc xe Volga màu đen đeo biển ngoại giao đỗ lại. Đó chính là Tuỳ viên văn hoá của Đại sứ quán Liên Xô , ông nói tiếng Việt rất sõi: "Chưa bao giờ tôi được thấy rùa lớn thế này. Tôi muốn về lấy máy quay hình ảnh này”…



Theo chỉ thị của thành phố, cụ rùa được nhanh chóng chuyển về căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (Di tích căn nhà ngày xưa nơi Tổng Bí thư đầu tiên Trần Phú viết bản luận cương của Đảng) để bác sĩ thú y chữa trị vết thương. Một thùng thuốc kháng sinh penicilin, loại thuốc quý hơn vàng trong thời chiến, được ngành y tế Hà Nội chuyển đến.



Theo đề nghị của bác sĩ, muốn chữa được, trước hết phải duy trì nhiệt độ mát như dưới nước, vì trong phòng nóng rùa sẽ không chịu nổi. Chỉ sau 15 phút, Xí nghiệp nước đá đã chở đến tám cây đá lớn xếp xung quanh rùa trong lúc bác sĩ điều trị vết thương. Phải nhớ và sống lại thời kỳ chiến tranh mới thấy được tám cây nước đá là đắt giá như thế nào. Mùa hè ngột ngạt, nóng nực, khô khát để có một viên đá nhỏ uống giải khát là hiếm hoi, quý giá vô cùng.



Đến 14h00 cùng ngày, cụ rùa chết. Lãnh đạo thành phố giao cho ngành Công an làm rõ nguyên nhân và giao cho Công ty công viên thực hiện bảo quản giữ gìn tiêu bản rùa Hồ Gươm để trưng bày cho nhân dân biết (hiện cụ rùa vẫn còn được đặt trong tủ kính tại Đền Ngọc Sơn, Hà Nội).



Thực hiện khám nghiệm, xác định cụ rùa dài 2,1 m, rộng 1,2 m, nặng 250 kg, trên mai có một lỗ thủng tròn, đường kính rộng 3 cm, thủng xuống phổi của rùa, gây mất nhiều máu và có thể là nguyên nhân làm rùa không sống nổi. Kiểm tra bên trong không có mảnh đạn, đầu đạn nào.



Trong bao tử rùa vẫn còn năm con cá mè dài khoảng 40 cm và mười hòn sỏi đá to bằng trứng gà, trứng vịt. Đây chính là công cụ giúp nghiền thức ăn để nuôi sống cụ rùa bao năm. Chuyên gia giải phẫu xác định tuổi của rùa thuộc loại cụ ông, có độ tuổi trên 900 năm.



Đội trưởng Phương và trinh sát Thuận được tiếp tục giao nhiệm vụ điều tra tìm ra “hung thủ” nào đã đâm cụ rùa. Không mấy khó khăn, hai chiến sĩ xác định được ngày hôm trước 27/4/1968, Quốc doanh Cá thuộc Công ty thực phẩm Hà Nội đã được phép tổ chức đánh bắt cá ở Hồ Gươm. Nguồn tin từ một số nhân viên Quốc doanh Cá cho hay, công ty có thuê bảy người bên ngoài thực hiện việc đánh bắt cá.



Trong lúc thuyền của ông Thu (nhân sự thuê bên ngoài) thả lưới vét, thì có một cụ rùa rất to bám vào lưới, gỡ mãi không ra, thậm chí còn bị cụ rùa kéo cả thuyền đi. Buông tay ra thì mất lưới, không đánh được cá, có khi còn chìm cả thuyền.



Bực bội, ông Thu ghìm rùa vào cạnh thuyền, lấy xà - beng đâm mạnh vào mai rùa, xuyên thủng cả vào trong.Có lẽ vì đau đau quá, rùa mềm móng, ông Thu mới gỡ được lưới. Do thọc sâu quá, phải khó khăn lắm, ông Thu mới rút được xà - beng ra. Như vậy là” thủ phạm” làm chết rùa đã được xác định và bị truy tố theo pháp luật.



Song, có lẽ vì biết được hậu quả của việc mình làm nên ông Thu trốn biệt. Mặc dù các trinh sát điều tra biết được quê ông Thu ở huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) nhưng không tổ chức truy tìm vì tình hình chiến tranh bắn phá ngày càng ác liệt. Sự việc được bỏ qua, không còn ai nhắc đến nữa.



Tưởng mọi chuyện đã xong, cuối năm 1968, công an khu Hoàn Kiếm Hà Nội lại nhận được một văn bản của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ hỏi thăm về cái chết của cụ rùa Hồ Gươm, khiến những người trong cuộc lại một lần nữa phải giải trình cặn kẽ nguyên nhân, để có cơ sở giải thích cho một số kiều bào ta ở nước ngoài đang quan tâm về việc này.


Cụ rùa vẫn còn được đặt trong tủ kính tại Đền Ngọc Sơn, Hà Nội.



Hai lần giải cứu ông rùa



Những ngày đầu cách mạng tháng Tám thành công (1945), nước sông Hồng lên to, trời mưa rất nhiều. Đứng trên đê, cho chân xuống có thể khỏa tới mặt sông. Nước Hồ Gươm ngập tràn tới phố Bảo Khánh. Trên mặt đường Lê Thái Tổ, một ông rùa to bằng vành bánh xe đạp bò lổm ngổm. Một ông lái xe ba gác bắt gặp, thấy rùa to quá bèn bắt, lật ngửa ra, đặt lên xe, kéo về tận nhà ở phố Phan Phù Tiên, với dự tính làm một bữa rượu “liên hoan” no say với mấy vị hàng xóm.



Nhận được tin quần chúng, công an quận 1 Hà Nội lúc bấy giờ nhanh chóng cử hai chiến sĩ truy đuổi tới tận nhà. Lúc ấy, ông rùa tù binh vẫn còn nằm phơi bụng trên xe ba gác. Chứng kiến sự việc này từ đầu tới cuối có công an viên Lê Thế Hùng, chiến sĩ lực lượng Công an Xung phong (nay là cán bộ nghỉ hưu đã ngoài 80 tuổi vẫn còn sống tại Hà Nội).



Mười một năm sau, cơn bão đổ bộ vào Hà Nội làm cây cối đổ ngổn ngang. Một lần nữa, nước Hồ Gươm lại tràn lên phố Bảo Khánh. Trước cửa Đền Hàng Trống lại một ông rùa đang bò trên mặt đường. Mưa như trút nước. Không có đèn. Trời tối như mực. Một ông xích lô đang cố chạy xe về nhà, tình cờ phát hiện, liền nhảy xuống, hai tay bê mai ông rùa, cố sức đặt vào xe, rồi đẩy vội vào ngõ Hàng Hành. Sau đó, một mình ông ta dùng dây thừng thắt vào cổ ông rùa kéo lên xà nhà để chuẩn bị xẻ thịt.



Được sự giúp đỡ của quần chúng, một lần nữa công an quận 1 lại kịp thời can thiệp giải cứu cho ông rùa này. Nhưng do bị dây thừng thít chặt cổ khi treo lên xà nhà, nên rùa rất yếu. Để phục hồi cho rùa, UBND Hà Nội đã cho thả "ông" rùa này ở ao bán nguyệt cạnh chân núi Nùng trong khuôn viên Vườn Bách Thảo (Hà Nội).



Những giả thiết thú vị



Có thể ở Hồ Hoàn Kiếm có hai cụ rùa được coi là lớn tuổi: một cụ ông và một cụ bà. Cụ rùa ông đã chết do bị đâm thủng mai, còn cụ rùa bà to hơn một chút, thỉnh thoảng vào các ngày đầu mùa hạ, khi tháp rùa còn cỏ mọc thường ngoi lên phơi nắng như ngóng mong cụ Rùa ông đi đâu mãi chưa về. Thỉnh thoảng cụ rùa bà vươn đầu lên cho người hiếu kỳ quay phim, chụp ảnh, đăng báo, bàn luận với nhau rồi cụ lại lặn xuống lòng hồ nghỉ ngơi.



Ngoài ra, còn có một ba ông rùa khác to bằng bánh xe đạp. Nay chỉ còn một vị sống tại Hồ Gươm chăm sóc rùa bà, còn một vị đã đi ở riêng tại hồ bán nguyện Vườn bách thảo như đã kể ở trên.



Như vậy, rất có thể trong lòng hồ Hoàn Kiếm chỉ còn có một cặp rùa nặng hơn một tạ. Ngoài ra chắc chắn còn có nhiều rùa nhỏ con, cháu, chắt, chút, chít…nặng khoảng một, hai cân trở lên do người dân phóng sinh thả xuống hồ để lấy phước trong những lần lễ tết.



(Theo Báo Tổ Quốc)
 

Hoangminh

Member
Trước đây là đi tìm thì bây giờ nó đây rồi
Đi tìm rùa khổng lồ
(Thứ Tư, 23/04/2008 - 9:47 AM)

Vừa qua chương trình rùa châu Á công bố họ đã tìm thấy một cá thể rùa hồ Gươm rất lớn ở phía Tây Hà Nội khiến dư luận, người dân và các nhà khoa học quan tâm. Chúng tôi đã gặp các điều phối viên của chương trình để tìm hiểu về thông tin này.

5 năm tìm kiếm

Tháng 3 năm 2007, như thường lệ anh Nguyễn Xuân Thuận, Điều phối viên chương trình rùa Việt Nam của chương trình rùa châu Á "mai phục" ở một vùng hồ lớn phía Tây thành phố Hà Nội để xác định hồ có sự tồn tại của loài rùa Rafetus Swinhoei (được coi là cùng gốc gác với cá thể rùa trong hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội)?

Đến trưa một ngày tháng 3, qua ống nhòm Thuận đột nhiên thấy làn nước xa xa có một khoanh tròn rất to. Các vòng tròn lan rộng và từ từ một chiếc đầu rùa to bằng quả bưởi nổi lên giữa mặt nước trong xanh.

Thuận chưa tin hẳn vào mắt mình, liền gỡ ống nhòm ra, dụi mắt rồi lại đeo vào. Phải đến lần thứ ba, anh mới thực sự tin rằng mình đã nhìn thấy loài rùa cực kỳ quý hiếm tại đây.

Thuận vội lấy máy ảnh chụp lia lịa. Thế rồi anh gọi điện về cho ông Douglas B.Hendrie - Giám đốc chương trình rùa châu Á (thuộc vườn thú Cleveland Metropolis) thông báo bằng giọng mừng rỡ: "Tôi đã nhìn thấy con swinhoei trên hồ rồi". Hendrie cũng không giấu vẻ vui mừng: "Thật không? Trông nó thế nào?"...

Từ năm 2001, các thành viên của chương trình rùa châu Á đã bắt tay vào việc rà soát, tìm kiếm các cá thể rùa quý hiếm ở Việt Nam. Cho đến năm 2003, các cuộc tìm kiếm được thực hiện nhiều hơn.

Sau một thời gian dài, các thành viên của chương trình mới "khoanh vùng" được loài rùa quý hiếm Rafetus swinhoei. Đoàn tập trung vào tìm kiếm ở lưu vực sông Hồng, kéo dài từ Lào Cai sang Yên Bái, về Phú Thọ, sang Hòa Bình, xuống Hà Tây. Cho tới cuối năm 2006, Đoàn chỉ phát hiện được những tiêu bản rùa, những bộ xương, đầu rùa tại các địa phương trên.

Loài rùa Rafetus swinhoei đáng chú ý vì đầu dài với phần miệng giống như mõm lợn. Kích thước của nó có thể dài trên 100cm, rộng trên 70cm và cân nặng khoảng 120 - 140kg. Mai của chúng có thể dài và rộng trên 50cm. Đầu dài trên 20cm và rộng trên 10cm. Con đực nhỏ hơn con cái nhưng có đuôi to và dài hơn.

Rafetus swinhoei đang trên bờ vực của quá trình tuyệt chủng, do việc săn bắt vì sinh kế và việc tiêu thụ mang tính địa phương cũng như do việc sử dụng mai và xương trong y học. Đầu rùa cũng thường bị lưu giữ lại làm kỷ niệm.

Theo ông Hendrie, việc phát hiện ra loài rùa Rafetus swinhoei ở khu vực phía Tây thành phố Hà Nội là một phát hiện quan trọng vì swinhoei là loài rùa đang trong tình trạng nguy cấp nhất trên thế giới.

Sau nhiều năm lăn lộn ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng, tình cờ, ông Hendrie nghe nói ở một vùng hồ phía Tây của thành phố Hà Nội xuất hiện một cá thể rùa có thể là cùng loài với Rafetus swinhoei.

Theo người dân địa phương thì vào các tháng mùa Hè, tháng nào họ cũng bắt gặp 1, 2 con rùa rất to nổi lên trên mặt hồ để thở. Thậm chí nó còn leo cả lên bờ để phơi nắng. Mừng quá, Hendrie đã liên hệ với chính quyền địa phương, xin phép dựng lều tại bờ hồ để triển khai công tác tìm kiếm, bảo vệ

Nguyễn Xuân Thuận, cử nhân khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên vừa tốt nghiệp năm 2005 được cử "chuyên trách" việc mai phục trên hồ để chụp ảnh, ghi lại các thông số mà anh quan sát được về loài rùa quý hiếm này.

Và đến tháng 3 năm 2007, Thuận đã tận mắt nhìn thấy một cá thể rùa đúng như người dân mô tả nổi lên mặt hồ. Có thể nói, tin vui ấy đã khiến các thành viên của chương trình rùa châu Á... mất ngủ! Sau bao ngày tìm kiếm, họ đã chính thức xác định được tại Việt Nam có cá thể rùa Rafetus swinhoei thứ 2 và là cá thể rùa thứ 4 trên thế giới còn sót lại tới thời điểm này.

Cụ rùa Hồ Gươm sẽ không còn cô đơn?

Từ đó đến nay, ba người là Douglas B.Hendrie, Tim McComack và Nguyễn Xuân Thuận liên tục có mặt tại khu vực hồ phía Tây của thành phố để tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về cá thể rùa này. Thuận tiết lộ, khu vực hồ ấy cách thành phố Hà Nội chừng 60km.

Mỗi đợt đi khảo sát, Thuận và các thành viên trong đoàn thường dành ra 5 ngày liên tục ở địa phương. Một ngày "đi tuần" bằng thuyền trên hồ. Hôm sau đi tuần bằng xe máy quanh khu vực hồ. Ba ngày còn lại đi phỏng vấn, tìm hiểu người dân xung quanh khu vực về thói quen, tập quán của loài rùa này.

Thuận cho biết thêm, lòng hồ mà các nhà khoa học tìm thấy loài rùa quý hiếm có diện tích khoảng 1.000ha. Mùa nước cạn, lòng hồ hạ xuống còn 900ha, mùa lũ, lòng hồ rộng ra tới 1.200 - 1.300ha. Thời điểm này, môi trường hồ khá tốt, thuận lợi cho sự phát triển của các sinh vật, kể cả loài rùa Rafetus swinhoei.

Loài rùa này thường ăn cá, ốc, cua có sẵn trong hồ. Có thể khẳng định cá là món ăn "khoái khẩu" của rùa Rafetus swinhoei. Người dân trong vùng không ít lần kéo lưới lên mà bắt gặp những con cá mắc lưới to bằng bàn tay nhưng chỉ còn một nửa mình. Nửa kia đã bị rùa xơi mất!

Cũng theo người dân địa phương thì rất có thể, trong khu vực lòng hồ này có tới... 2 cá thể Rafetus swinhoei. Họ đưa ra dẫn chứng: không ít lần họ chứng kiến 2 cá thể rùa nổi lên mặt nước (tuy không cùng thời điểm) và qua quan sát, 2 cá thể này có nhiều đặc điểm khác nhau.

Trước hết là về kích thước. Một cá thể có chiều dài chừng 60cm, cân nặng từ 80 - 90kg, còn cá thể kia nhỏ hơn. Không những thế, một cá thể có những đốm màu rằn ri trên đầu, mép màu rất vàng, mai màu trắng xanh. Cá thể rùa kia đầu mầu đen và mai cũng màu đen. Đặc biệt, giữa hồ còn có một tấm lưới để ngăn ranh giới. Và theo người dân thì mỗi phía của tấm lưới họ lại thấy một cá thể rùa khác nhau.

Thuận còn cho biết, cũng không loại trừ việc có hai cá thể rùa khác nhau trên hồ. Tuy nhiên, cũng rất có thể những người dân quan sát rùa nổi tại các thời điểm khác nhau nên mô tả hình dáng, kích thước rùa khác nhau cũng là chuyện dễ hiểu.

Hiện vẫn có những tranh cãi khác nhau về loài rùa hồ Gươm. Một bên thì cho rằng nó có thể là một loài rùa mới (dựa theo một số nghiên cứu về hình thái học của GS Hà Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội), với danh pháp là Rafetus leloii. Tuy nhiên, các tài liệu khác lại cho rằng hoặc đó là một loài giải lớn với danh pháp Pelochelys bibronii (Sách Đỏ Việt Nam năm 1992) hay Rafetus swinhoei (www.asianturtlenetwork.org).

Cũng theo trang web này thì hiện nay người ta chỉ biết 5 cá thể còn sống tại thời điểm năm 2007 của Rafetus swinhoei, trong đó một cá thể sống tại hồ Gươm của Việt Nam và 4 cá thể kia tại Trung Quốc (1 tại Vườn thú Thượng Hải, 1 tại Vườn thú Tô Châu và 2 con tại Tây Viên tự cũng thuộc Tô Châu). Con thứ sáu tại vườn thú Bắc Kinh đã chết năm 2005.

Trao đổi với báo giới, GS Hà Đình Đức cho biết chưa có cơ sở nào để khẳng định đây là loài rùa giống như loài đã phát hiện ở hồ Gươm. Bởi để khẳng định sự thật, cần có những cuộc so sánh và nghiên cứu khoa học nghiêm túc, với sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín.

Hiện tổ chức chương trình rùa châu Á đang liên hệ với các cơ quan chức năng ở Việt Nam để lên kế hoạch bảo vệ loài rùa đặc biệt quý hiếm này.

Theo Thể Thao Văn Hóa
 

Hoangminh

Member
Thêm mấy ảnh của cá thể rùa thuộc loại này có lẽ là mấy chú rùa ở TQ


còn đây là 1 cá thể xấu số ở VN giờ còn cái mai không biết bị ăn thịt từ bao giờ:(:(

nếu sau này con cháu chúng ta chỉ còn biết nhìn rùa hồ gươm trong tủ kính thì thật là buồn

 

hangzin

Dịch giả Vietpet
Có mấy lần đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm vào những hôm 30 Tết, tôi bắt gặp những cảnh tượng rất đáng buồn. Người dân thả cá cúng ông Công ông Táo vứt luôn cả túi nilon đựng cá xuống hồ. Sau khi hoá vàng, họ cũng vứt luôn cả tro than xuống hồ luôn. Đấy là chưa kể ngày thường, già trẻ trai gái và cả trẻ con do không có ý thức, ăn xong cái gì là vứt toẹt luôn xuống hồ. Thử hỏi một môi trường sống ô nhiễm như thế, cụ Rùa có sống nổi không?
Sao chính quyền thành phố không có kế hoạch để tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân? Và mỗi người dân, nhất là những người lớn tuổi, những người có trình độ bằng Đại học này nọ...sao cũng không tự xây dựng ý thức trong đầu.
 

maxdown

Member
rùa hồ gươm có thật là 900 tuổi ko????mình ko tin là có con vật sống lâu như thế,mà nhìn kích thước cũng nhỏ nhỉ,trc kia mình nghĩ chắc bự lắm
 

Hoangminh

Member
con 900 tuổi là con trong lồng kính nặng >250kg đấy kích thước 1,2x2,1m to hon con ở đồng mô nhiều
không phải con 60kg ở đồng mô này nên bạn thấy nhỏ là đương nhiên. nếu ước lượng thì con 900 tuổi ấy nặng gấp hơn bốn lần so với con ở đồng mô nhìn thấy trong ảnh
 

Hoangminh

Member
Một bài khác mới cập nhật
Thôn Cời (phường Trung Sơn Trầm, TP Sơn Tây) nằm bên bờ hữu sông Tích Giang, lâu nay vốn yên ả, bình lặng, thế nhưng từ sáng 26/11, khi có tin một số người dân nơi đây vừa bắt được một con rùa lớn, hàng trăm người dân hiếu kỳ từ khắp nơi đã đổ xô về nhà ông Nguyễn Duy Là (60 tuổi), nơi giữ con rùa, người ta chen lấn, xô đẩy nhau để tìm cách nhìn thấy rùa quý.

Một bãi trông xe tự phát đã nhanh chóng xuất hiện nơi đầu làng, giá trông mỗi xe máy là 2.000 đồng, nhưng chủ bãi vẫn không "sản xuất" kịp tích-kê để ghi số lên yên, lên đồng hồ xe cho khách.

>> Cứu thành công một cá thể Rùa Hồ Gươm nặng 68 kg


Rùa Hồ Gươm được thả an toàn về môi trường hoang dã

Sự việc bắt đầu vào khoảng 6h sáng ngày hôm đó, khi sáu người đàn ông trong ba hộ gia đình ông Nguyễn Duy Là, ông Nguyễn Văn Toàn và bà Nguyễn Thị Dũng khiêng được con rùa lớn từ sông Tích Giang về, đặt chình ình giữa sân nhà ông Nguyễn Duy Là cho hàng xóm đến xem "chiến tích". Họ để rùa giữa sân nhà, rồi tong tả đi mượn chiếc cân bàn về cân thử, thấy cán cân thăng bằng ở mốc 68kg.

Nghe tin, bà con lối xóm đổ xô đến xem càng lúc càng đông. Đứng ở giữa sân, ông Nguyễn Văn Toàn (48 tuổi) vừa vạch cho lối xóm xem chi chít những vết xước đỏ lừ nằm ngang dọc trên tay chân vì rùa gây nên khi chống trả, vừa oang oang kể: "Nửa tháng trước, có người phát hiện một con rùa lớn trên sông, nên bọn tôi bỏ ra cả chục ngày nay để quây lưới phục bắt nó. Nó khỏe lắm, từng hất tung lưới của một nhóm đánh cá khác để tẩu thoát nên chúng tôi phải lồng mấy tấm lưới vào nhau để giăng, rồi dùng gậy xăm chọc xuống lòng sông, lừa rùa vào lưới. Sáu người đàn ông khỏe ra sức vật lộn mới đưa được nó lên bờ. Một người đứng lên lưng mà nó cứ dũi chạy được nên chúng tôi đành phải cuộn tròn hai tấm lưới, phủ thêm tấm bạt xác rắn rồi cả sáu người xúm vào mới khiêng nó được về đây. Cho nó vào chiếc thuyền tôn để ngâm nước, nó cắn bẹp gí cái thanh ngang bằng tôn ống kia kìa, may mà không cắn phải ai".

Ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm Cúc Phương, cùng các chuyên gia nghiên cứu về rùa của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) là những người từ rất sớm đã có mặt tại thôn Cời, nín thở theo dõi số phận nó.

Ông Phong khẳng định: "Đây là một trong hai cá thể Rùa Hồ Gươm quý hiếm của Việt Nam, và là một trong 4 cá thể rùa cùng loài trên thế giới còn lại. Nó có tên khoa học là Rafetus swinhoi, là nguồn gien quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, nhất thiết phải được bảo tồn".

Theo ông Phong, tại Việt Nam chỉ còn hai cá thể Rùa Hồ Gươm, một là con này, một là "cụ" rùa đang sống ở Hồ Hoàn Kiếm. Tại Trung Quốc cũng còn một cặp Rùa Hồ Gươm, một đực một cái, được bảo tồn tại một vườn thú. Ngoài bốn cá thể này, chưa thấy nơi nào trên thế giới phát hiện thêm cá thể nào tương tự.

Tuy nhiên, tại thôn Cời, thông tin này gần như được bảo mật tuyệt đối, để tránh những xôn xao không cần thiết. Con rùa lớn quý báu này chỉ được gọi chung chung là "động vật hoang dã".

Tôi lân la hỏi chuyện ông Toàn cũng như những người dân có công đưa rùa từ ngoài sông Tích Giang về, rồi hỏi cả người dân hiếu kỳ đang vây kín xung quanh, họ đều chẳng biết gọi nó là con gì cho chuẩn, cứ gọi chung chung là con ba ba, con giải, con rùa gì cũng được, miễn là phải có từ "rất lớn" kèm theo. Một đồn mười, mười đồn trăm…, chẳng mấy chốc thông tin loang hết TP Sơn Tây rồi về đến tận nội thành Hà Nội.

Cánh thương lái là mau chân nhất, tìm đến tận nơi để nghiêng ngó, người ngả giá 10 triệu đồng, kẻ tăng gấp đôi, rồi gấp ba, gấp bốn, cố gặng chủ nhà để đem con rùa lên xe riêng cho bằng được. Nhưng lực lượng Công an và Kiểm lâm đã có mặt kịp thời, ngăn chặn việc mua bán hoặc giết thịt loài động vật hoang dã này.

Theo lời Đại úy Nguyễn Mạnh Thắng, Công an phường Trung Sơn Trầm, Đội trưởng đội bảo vệ hiện trường của vụ việc này, thì từ gần một tháng trước, các cơ quan chức năng đã biết sự xuất hiện của con rùa này trên sông Tích Giang, đã lập phương án bảo vệ và dùng lưới ngăn sông tìm cách đưa rùa về nơi sinh trưởng mà chưa được.

Con rùa này vốn sống trong hồ Đồng Mô, được các nhà khoa học nghiên cứu, theo dõi từ rất lâu trước đó. Do đợt mưa lũ khủng khiếp vừa rồi, nước hồ Đồng Mô tràn bờ, rùa theo nước lớn mà thoát ra sông Tích Giang, nên suốt từ đó đến nay, cơ quan chức năng ngày đêm túc trực trên khắp tuyến sông để tìm. Nay người dân phát hiện và bắt được, họ đến vận động người dân giao nộp để đưa rùa về nơi hoang dã, bảo tồn nguồn gien quý hiếm.


Cá thể rùa Đồng Mô. (Ảnh: Phạm Yên - Tiền Phong)


Việc đưa rùa hoang dã về nơi sinh trưởng tưởng như đơn giản bỗng trở nên rối bời khi những người dân thôn Cời do thiếu hiểu biết về pháp luật đã cố tình không nhận khoản tiền thưởng để giao nộp cho cơ quan chức năng "con giải rất lớn" mà họ phải rất vất vả mới bắt được.

Suốt nhiều giờ đồng hồ, dẫu không được ăn uống và bị người dân đến làm hỏng hết vườn rau cỏ, tường rào, họ vẫn "lý luận" rằng: "Nó là động vật ở ngoài sông, chúng tôi bắt về chứ có ăn trộm ăn cắp của ai đâu? Nếu bảo là tài sản của Nhà nước, sao Nhà nước nuôi lại không đeo số gắn chíp cho nó để dân biết mà tránh?".

Rồi thì: "Nếu nó là con hổ con báo thì chớ, đằng này nó chỉ là con ba ba to thôi, có gì gọi là động vật có nguy cơ tuyệt chủng?"… Đám thương lái thì đứng ngoài nghe ngóng, thỉnh thoảng lại hùa vào bằng những câu bâng quơ rất "ác": "Các anh bắt được thì cứ bán nó cho chúng tôi, tiền kiểu gì cũng được nhiều hơn đem nộp lại chính quyền. Giá một con ba ba nuôi ao cũng đã là tiền trăm tiền triệu đấy, nói gì con rùa ngót một tạ?", "Không được bán thì đem làm thịt cho cả xóm ăn. Đã ai được ăn con giải to thế này bao giờ đâu", "Việc gì phải giao nộp, cứ để đó bán vé cho dân đến xem cũng kiếm bộn tiền"…

Những người đánh lưới được rùa vốn đã nghe thủng những lời vận động, giải thích của chính quyền, lực lượng Công an và Kiểm lâm rồi, bỗng trở nên dao động vì những lời gièm pha ác khẩu. Họ quấn lưới, nhốt ngay rùa vào một gian nhà ngang, khóa trái cửa lại, rồi dựng bàn ghế, xe máy trước cửa làm "lô cốt", quyết "bảo vệ" rùa, quyết không cho ai nhìn thấy chứ chẳng nói đem ra khỏi ngõ.

Đám thanh niên choai choai còn lớn tiếng cãi cùn, thậm chí còn định "hục" lên với lực lượng bảo vệ hiện trường, may mà những người lớn hiểu biết hơn kịp thời can lại, nên không có việc gì xảy ra.

Nhưng thời gian để con rùa trên cạn càng lâu thì càng khiến những người có tâm sốt ruột, bởi nếu không sớm thả về môi trường tự nhiên, nó có thể chết bất cứ lúc nào. Mà như thế, nguồn gien quý sẽ mất một cách cực kỳ đáng tiếc vì một lỗi lầm không hề đáng có.

Nếu chiểu theo những quy định đã ban hành của Nhà nước về việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, các cơ quan chức năng có quyền tịch thu cá thể Rùa Hồ Gươm quý hiếm này bởi không tổ chức, cá nhân nào có quyền săn, bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã… nhưng họ vẫn kiên trì vận động, giải thích cho người dân để họ hiểu và cùng nhau chung sức bảo vệ động vật hoang dã.

Ngay cả chuyên gia nghiên cứu về rùa của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, ông Douglas Hendrie, nói tiếng Việt lơ lớ cũng cố giải thích: "Người đánh cá (chỉ những người dùng lưới bắt được rùa) cũng là người Việt Nam, cũng là một thành viên của trái đất này, cần yêu quý và bảo vệ thiên nhiên. Mà ở đây, việc bảo vệ con rùa là một hành động cụ thể và thiết thực nhất".

Đến tận hơn 17h, sau những nỗ lực và kiên trì rất lớn của cơ quan chức năng, đại diện ba hộ dân này mới hiểu ra, đồng ý nhận tiền thưởng và giao nộp con rùa cho cơ quan chức năng. Ngay lập tức, lực lượng Công an dàn hàng rào bảo vệ tránh đám đông hiếu kỳ xô vào xem, có thể gây ảnh hưởng đến rùa, để cho các chuyên gia khiêng rùa lên thùng xe tải nhỏ.

Chiếc xe tải nhỏ ngay lập tức nhằm phía hồ Đồng Mô chạy thẳng. Cánh phóng viên nhào lên thùng xe, chớp máy ảnh liên hồi. Hàng chục chiếc xe máy của người dân đèo ba chở bốn tức tốc bám theo sau bén gót, để cố xem bằng được con rùa một lần nữa trước khi nó về nơi hoang dã. Trong khi đó, ngay trên thùng chiếc xe tải chật chội và lắc lư liên tục, các chuyên gia về rùa vừa khẩn trương vừa cẩn thận xem xét từng vết xước nhỏ trên thân rùa để bôi thuốc phòng bệnh.

Một chuyên gia nước ngoài còn tháo dây thắt lưng làm thước đo "dã chiến", sau một hồi đếm đếm đo đo, khẳng định: "Không tính phần đầu rùa, kích thước mai có độ dài hơn 90cm. Chiều rộng của rùa là hơn 70cm".

Lúc 18h, con Rùa Hồ Gươm đã được thả an toàn xuống hồ Đồng Mô, là nơi nó đã sinh ra và lớn lên, trước sự chứng kiến của chính quyền, lực lượng Công an, Kiểm lâm và đông đảo người dân có mặt.

Ngay cả ông Nguyễn Văn Toàn (người bỏ công hàng tuần để tìm cách bắt rùa trên sông Tích Giang) cũng có mặt khi thả rùa, thật thà tâm sự: "Tôi đã hiểu rồi. Nếu bán thì cũng được một khoản lớn, nhưng giá trị của nó tại thiên nhiên còn lớn gấp hàng trăm lần. Nó là của thiên nhiên, phải trả về thiên nhiên mà. Chúng tôi đã vui vẻ, đồng thuận. Sau, nếu có gặp lại, cũng báo cho chính quyền thôi, chứ chẳng cố công lùng bắt nó nữa" (cười).

Có mặt và trực tiếp thả con Rùa Hồ Gươm quý hiếm về nơi hoang dã, ông Lê Minh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết: "Việc người dân đã hiểu và tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để đưa cá thể Rùa Hồ Gươm này về nơi hoang dã là rất đáng mừng. Sau sự kiện này, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nhiều lần để tuyên truyền với người dân và từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách để các động vật hoang dã được bảo vệ tốt hơn nữa. Chúng tôi đánh giá rất cao sự phối hợp và nỗ lực của các ngành, các cấp và cơ quan hữu quan trong sự kiện chưa từng xảy ra tại Việt Nam này". tin của báo tin túc online




 
Top