• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Tin Bão Lũ

bigflowerhorn

Chuyên gia bồ câu
Bão số 4 hướng thẳng vào miền Bắc

Trên đường đi dự kiến, chiều 12/7, tâm cơn bão mạnh cấp 8 đổ bộ vào địa phận Quảng Ninh - Hải Phòng, sau đó xuyên qua Hà Nội. Cơn bão không chỉ gây nguy cơ sạt lở đất ở miền Bắc mà còn cả Tây Nguyên, khả năng tố lốc ở Nam Bộ.

Trưa nay, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 4 hoạt động trên biển Đông, tên quốc tế Soudelor. Hồi 16 giờ chiều 11/7, tâm bão cách bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam (Trung Quốc) hơn 300 km về phía Đông Đông Nam. Vùng gần tâm bão, gió mạnh nhất cấp 8 (62-74 km một giờ), giật cấp 10.

Trong 24 giờ tới, với tốc độ 20-25 km mỗi giờ bão số 4 đi theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ. Ngày 12/7, cơn bão sẽ áp sát các tỉnh duyên hải Bắc Bộ. Sức gió không suy giảm.



Đường đi của bão số 4 trùm lên toàn bộ miền Bắc. Ảnh: NCHMF.

Trong 2 ngày tới, bão số 4 giữ nguyên hướng di chuyển. Trưa và chiều 12/7 tâm bão đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng, sau đó tiến sâu vào đất liền, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h 13/7, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8.

Khu vực gần tâm bão đi qua khu vực phía Bắc biển Đông, sức gió có khả năng lên tới cấp 10. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng sáng và trưa mai (12/7) gió sẽ giật cấp 9. Nước biển có thể dâng cao 4-5 mét. Ở các tỉnh Bắc Bộ từ chiều và đêm 12/7 có mưa to. Lũ quét và sạt lở đất có thể xuất hiện ở các tỉnh vùng núi.

Các trung tâm dự báo Khí tượng Hồng Kông, Hải quân Mỹ cũng chung nhận định cơn bão sẽ đi thẳng vào miền Bắc nước ta.

Cơn bão số 4 tiến vào biển Đông cũng đóng vai trò như một trung tâm thu hút gió khiến gió mùa tây nam hoạt động mạnh. Hệ quả là vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Các tỉnh Tây Nguyên từ chiều 11/7 có mưa to và giông, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Khu vực Nam Bộ có mưa to và dông.



Các trung tâm dự báo Khí tượng Hồng Kông, Hải quân Mỹ cũng nhận định cơn bão sẽ đi thẳng vào miền Bắc nước ta. Ảnh: Nrlmry.navy.mil.

Trong công điện gửi Ban Chỉ huy PCLB toàn bộ các tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương nhận định, đây là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh. Bão gây gió mạnh và nước biển dâng cao ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng, gây mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ.

Để đối phó, Ban Chỉ đạo PCLB yêu cầu các tỉnh ven biển kiên quyết không cho tầu thuyền ra khơi, thông báo cho chủ phương tiện, tầu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi trú tránh; sắp xếp neo đậu đảm bảo an toàn; thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho dân cư ven biển; sẵn sàng phương án sơ tán cho người và tài sản khi mưa lũ lớn xẩy ra. Lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Nguyễn Hưng
 

bigflowerhorn

Chuyên gia bồ câu
Áp thấp nhiệt đới tiến vào biển Đông

Theo VnExpress.net

Sáng nay, áp thấp nhiệt đới hình thành ngoài khơi Philippines đã tiến vào biển Đông với sức gió giật cấp 9. Trong 24 giờ tới, áp thấp có khả năng mạnh thành bão.

Sau khi hình thành ngoài khơi đảo Lu-dông (Philippines), áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh vào Biển Đông. Sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực phía Đông Bắc biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm lên tới cấp 7, giật cấp 9.

Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây - Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20 km mỗi giờ và có khả năng mạnh lên thành bão. Ngày 3/8, áp thấp giữ nguyên hướng di chuyển, tiến sâu vào biển Đông với sức gió tăng thêm một cấp.



Áp thấp tiến nhanh vào biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Ảnh: NCHMF.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, khu vực Bắc biển Đông có mưa lớn, gió giật tới cấp 10. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và nam biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió giật cấp 9.

Trong công điện gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương yêu cầu theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, quản lý việc ra khơi và giữ liên lạc với các phương tiện tàu thuyền.

Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng cũng đã có công điện số chỉ đạo Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Định yêu cầu sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn của đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thống kê, kiểm đếm, thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Các phương tiện thường xuyên giữ liên lạc, tuyệt đối không ra khu vực nguy hiểm hoạt động.

Nguyễn Hưng​
 

bigflowerhorn

Chuyên gia bồ câu
Bão số 10 lại tiến sâu vào biển Đông

Theo Dân trí - Sau 12 ngày loanh quanh trên biển Đông, trưa nay (9/10), cơn bão số 10 (Parma) đã thoát khỏi sức hút của "siêu"bão Melor và quay trở lại biển Đông lần thứ hai.

Theo thông báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ: Hồi 13 giờ trưa nay, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 119,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.


Sau 12 ngày tồn tại trên biển, bão số 10 đã quay lại biển Đông lần thứ 2. (Ảnh TTDBKTTV)​

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm nhận định: Trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây. Đến 13 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc, 117,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc.

Đến 13 giờ ngày 11/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc, 114,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió duy trì cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão số 10 vẫn đi theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc. Đến 13 giờ ngày 12/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc, 111,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 110km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 giật cấp 10, cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông (ven biển các tỉnh từ Huế đến Đà Nẵng) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; biển động mạnh.

Thanh Trầm​
 

Chấn PG

Member
Bão số 11 diễn biến phức tạp, gây mưa cực lớn

(Dân trí) - Bão Mirinae (bão số 11) đang áp sát biển Đông với sức gió giật cấp 14. Bão diễn biến phức tạp do kết hợp với không khí lạnh và sẽ gây mưa rất lớn trên diện rộng. Vùng mưa sẽ là các tỉnh từ Quảng Bình tới Tây Nguyên.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hồi 19 giờ tối nay, vị trí tâm bão cách đảo Lu-dông (Philippin) khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam. Khoảng sáng mai (31/10), bão sẽ đi vào khu vực phía Đông biển Đông.


Bão số 11diễn biến phức tạp do kết hợp với không khí lạnh đang di chuyển (Ảnh: TTDBKTTV)​

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ nhận định: Đây là cơn bão mạnh, có tốc độ di chuyển rất nhanh. Khoảng chiều 2/11, dự kiến bão đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, từ Bình Định tới Khánh Hòa.

“Trong khi đó, vùng không khí lạnh với cường độ mạnh cũng đang di chuyển từ phía phía Bắc xuống phía Nam, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ vào gần sáng 1/11. Vì thế sẽ xảy ra hai khả năng: Nếu không khí lạnh xuống sớm hơn dự kiến và xâm nhập sâu, sẽ đẩy bão đi xuống phía nam, chệch về Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn nếu chậm hơn thì bão sẽ vào thẳng các tỉnh Nam Trung Bộ.

Tuy nhiên, dù đi đến đâu nó cũng gây mưa lớn trên diện rộng trong 2-3 ngày, lượng mưa rất lớn, tới 200-400 mm. Vùng mưa sẽ là các tỉnh từ Quảng Bình cho tới các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” - ông Tăng cho biết.

Tham dự buổi họp khẩn cấp của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TƯ chiều 30/10, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Tuy cơn bão số 11 còn ở xa đất liền và hiện chưa xác định được chính xác điểm bão đổ bộ, nhưng các lực lượng vẫn cần chủ động và khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão.

Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương nằm trong khu vực dự kiến ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 11 cần chuẩn bị các phương án 4 tại chỗ, tăng cường dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho vùng có khả năng bị chia cắt, đặc biệt là nơi bị thiệt hại nặng trong bão số 9…
 

bigflowerhorn

Chuyên gia bồ câu
Biển Đông sắp có bão

Theo vnexpress.net:

Vùng biển phía đông của Philippines đang xuất hiện một cơn bão cấp 8. Nhiều khả năng bão sẽ vào biển Đông và tiếp tục mạnh lên.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, chiều 12/7 cơn bão lấy tên Việt Nam (Conson - Côn Sơn) đang cách bờ biển phía đông của Philippines khoảng 580 km về phía đông và sau hai ngày nữa sẽ đổ bộ vào nước này.

Cường độ bão hiện là cấp 8. Càng di chuyển, bão càng được tiếp thêm năng lượng và khi đổ bộ vào Philippines thì có thể mạnh cấp 10-11 (sức gió 89-117 km một giờ).

Dự báo từ chiều tối và đêm 14/7, phía đông bắc biển Đông, nơi có tàu thuyền của ngư dân Việt Nam hoạt động, gió sẽ mạnh dần từ cấp 6 lên cấp 9, biển động dữ dội.



Ảnh mây vệ tinh về cơn bão Conson. Ảnh: NEA.​

Đây là cơn bão thứ hai hình thành ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm nay và so với trung bình nhiều năm là quá ít. Bình thường đến thời điểm này, Việt Nam phải đón nhận 2-3 cơn bão và Tây Bắc Thái Bình Dương phải đón nhận gấp nhiều lần số đó (mỗi năm trung bình khu vực này đón nhận 30 cơn bão và áp thấp nhiệt đới).

Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho biết, dự báo Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của 5-6 cơn bão, và với việc đến muộn thì những tháng cuối năm bão sẽ dồn dập hơn.

Hồng Khánh​
 

bigflowerhorn

Chuyên gia bồ câu
Bão Mindulle có thể gây mưa tới 400 mm

Theo vnexpress.net

Chiều 23/8, bão Mindulle (mạnh cấp 9) đã tiến nhanh vào đất liền, bắt đầu gây mưa lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.
> Bão đang hướng vào Bắc Trung Bộ

Lúc 13h chiều nay, tâm bão số 3 (tên quốc tế Mindulle) chỉ còn cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 150km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão tăng một cấp so với sáng nay, đạt cấp 9, giật cấp 10-11.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, tốc độ 15 km mỗi giờ và còn khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 24/8, tâm bão cách bờ biển Nghệ An - Quảng Bình khoảng 80km về phía Đông Đông Bắc, tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm có bán kính khoảng 250 km.


Cơn bão thẳng hướng vào Bắc Trung Bộ. Ảnh: NCHMF.​

Phát biểu trong cuộc họp khẩn do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì trưa nay, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết, bão Mindulle sẽ gây mưa trên diện rộng và kéo dài. Mưa xuất hiện cả trước, trong và sau khi bão đi qua.

Chiều nay, các tỉnh Trung Trung Bộ sẽ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Tiếp đó, mưa lan ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ, sau đó đến phía đông Bắc Bộ và vùng núi Tây Bắc.

Hiện, các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 20-60 mm, riêng Lý Sơn (Quảng Ngãi) gần 300 mm.

"Các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ sẽ là tâm mưa, lượng mưa lên đến 200-400 mm. Diễn biến mưa sẽ tương tự như trong cơn bão số 5 năm 2007. Khi đó, mưa lớn đã gây ra lũ đặc biệt lớn trên một số sông, gây ngập lụt nghiêm trọng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ", ông Tăng nói.

Trước dự báo mưa lớn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lo lắng về nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất: "Mấy ngày nay, các tỉnh miền Trung đã có mưa lớn, đất ngâm nước lâu, sông hồ đầy nước, giờ mưa lớn tới vài trăm mm, sạt lở đất và ngập lụt có thể xảy ra. Một số nơi có thể bị chia cắt".



Bão Mindulle sẽ trút lượng mưa lớn lên các tỉnh Bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: NEA.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống. Bằng mọi biện pháp, tiếp tục khẩn trương thông báo và hướng dẫn cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển về cơn bão để chủ động thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm hiện được xác định là vùng biển phía bắc vĩ tuyến 14.

"Các bộ, ngành, địa phương rà soát các địa bàn dân cư, chú ý đến những điểm có nguy cơ sạt lở và chịu ảnh hưởng của lũ quét, sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trong chiều nay, công điện khẩn của Thủ tướng đã được gửi tới các bộ ngành, địa phương để ứng phó với cơn bão.

Trong khi đó, đến sáng nay, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã thông báo, kêu gọi và hướng dẫn được 58.177 tàu thuyền với 246.311 ngư dân đang hoạt động trên biển biết về cơn bão. Trong đó, 20 tàu với 281 ngư dân của Quảng Ngãi đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm (quần đảo Hoàng Sa). 10 tàu với 137 ngư dân của tỉnh này bị mất liên lạc từ tối hôm trước.

Trung tướng Đoàn Quang Khuê, Phó tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết đã có công điện yêu cầu các quân khu 3,4, 5 và bộ đội biên phòng các tỉnh thành, sẵn sàng lực lượng và phương tiện tham gia cùng với địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bão số 3.

Nguyễn Hưng
 
Top