Học sinh vây quanh thùng dế trước cổng trường - Ảnh: T.X.H
Ở nhiều cổng trường, học trò rủ nhau mua những con vật đồng quê.
Giờ tan trường, nhiều học sinh hăm hở lao đến những gánh hàng rong bánh kẹo, cóc ổi... trước cổng trường, nhưng thu hút đông nhất là cái thùng đựng đầy những dế, bọ, bửa củi... của cô Năm.
Học sinh ở trường Tiểu học An Hội, Q.Gò Vấp, TP.HCM vẫn gọi cô với cái tên gắn liền với nghề của mình: cô Năm “dế”. Hòa lẫn giữa tiếng trẻ con là tiếng gáy te te của dế đá, tiếng búng tanh tách của con bửa củi nghe thật vui tai. “Con này là Mèn đây, nó là võ sĩ vô địch!”, Dương Trọng Nghĩa (lớp 3/18) đang hả hê vì chọn được con dế ưng ý để “đá” với bạn. Mỗi con dế giá 2.000 đồng, bọ cánh cam 1.500 đồng, ốc 3.000 đồng... tùy vào con to nhỏ và việc ngã giá của học trò. Học sinh nam thì có vẻ ham vui còn học sinh nữ thì mua để phục vụ việc học. “Con đọc sách thấy có con bọ cánh cam nhưng không biết nó như thế nào, mai con sẽ đem đến lớp cho các bạn cùng xem”, Hồng Nhung (lớp 5/4) hớn hở với con cánh cam trên tay.
Cô Năm cho biết “Bán vậy chứ cũng mệt với tụi nhỏ lắm, phải trả lời cho hết những thắc mắc của chúng! Có đứa mua dế về nuôi chết mai đem lên bắt đền. Hỏi con cho nó ăn gì? Có đứa bảo cho ăn bánh mì, uống sữa”. Để khỏi bị học sinh bắt đền, trước khi bán con gì, cô đều giải thích tỉ mỉ về đời sống, thức ăn và cách chăm sóc. Phải giảng giải cho các khách hàng nhí biết vì sao ốc có tên là ốc mượn hồn, dế chỉ ăn cỏ và uống sương, bửa củi hút nhựa cây để sống...
Nhiều cô cậu bé hỏi những câu rất hóc búa: “Làm thế nào phân biệt dế trống và dế mái?”. Cô Năm giải thích: “Dế trống là con gáy rất to, trên cánh có vân hình hoa văn”. Để chọn được con dế ưng ý cũng phải có “chiêu”: “Dùng que tăm có cắm một cái đầu con dế giả, nhứ nhứ trước mặt con thật con nào gáy hở cánh, xông tới đá rật rật đích thực là con dế hay”. Rất nhiều những kiến thức dân gian về đời sống của côn trùng đã được cô truyền lại như vậy. Và những người bán hàng như cô Năm đã trở thành những chuyên gia sinh vật học đồng quê của các khách hàng nhỏ tuổi.
Khách mua không chỉ có trẻ em mà còn có cả những người đã lớn tuổi. Họ mua để nhớ, để tìm lại chút yên bình của tuổi thơ: “Có những ông cụ cũng tranh mua cùng lũ trẻ, mua để tối về nghe dế gáy thôi” - chú Tài, một người bán hàng trước cổng trường Tiểu học Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM cho biết.
Hằng ngày, tờ mờ sáng cô phải dậy cơm nước cho chồng con, chạy từ Hóc Môn xuống Chợ Lớn lấy hàng rồi rong ruổi các trường đến tối mịt mới về nhà.
Trường Xuân Hối (Thanh niên Online)