• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Thoát nghèo từ những động vật lạ

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Hiện nay có nhiều nông dân làm giàu chân chính từ việc chăn nuôi những động vật hoang dã mà thị trường ưa chuộng. Không chỉ từ thoát nghèo đến làm giàu, họ còn góp tay vào bảo vệ môi trường sinh thái một cách bền vững.

Heo rừng trong thành phố

Chúng tôi đến phường Long Thạnh Mỹ (quận 9 TPHCM) vừa đúng lúc ông Hai Ký (Nguyễn Văn Ký) đang bán cho Viện Chăn nuôi quốc gia 500kg heo rừng giống! “Lão nông giữa thành phố” này cho hay: “290.000 đồng/kg, vị chi chiều nay tui thu về hơn 25 triệu đồng. Đúng ra là họ đặt mua 1.000kg, nhưng “hàng” không đủ”.


Trại nuôi heo rừng của ông Nguyễn Văn Ký tại quận 9 TPHCM.

Nhìn mấy con heo mõm dài ngoằng, cao lênh khênh, lông cứng như thép, có 3 sợi trên mỗi chân lông, khách tham quan trầm trồ: “Đích thị là heo rừng chính gốc rồi”.

Chuyện từ năm 2005, khi ông Hai Ký lùng sục vùng núi thấp Đồng Nai, mua được một trự heo rừng con nặng 4kg và nhốt chung với bầy heo đen của đồng bào dân tộc thiểu số. Mãi 3 năm sau, ông mới thực sự tạo ra lứa heo giống đầu tiên. Để chất “rừng” đảm bảo tự nhiên, ông Hai chỉ cho heo ăn cám trộn lục bình mà hoàn toàn không dùng thức ăn công nghiệp.

Không có vốn, ông vay từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của địa phương cho đến Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm… mỗi lần được dăm ba chục triệu đồng để mua thêm heo đực giống, mua cám. Tích cóp nuôi rồi bán, quay vòng, đến nay đàn heo của ông Hai Ký đã lên đến 400 con và người nông dân này không những thoát nghèo mà còn giàu có nhờ… heo rừng! Ông cho hay: “Hiện quận 9 có khoảng 30 hộ chăn nuôi heo rừng, trong đó gần 10 hộ phát triển đàn heo lên đến 300 con. Điều nông dân chúng tôi mong muốn là có một cơ quan đứng ra chứng nhận “chất lượng heo rừng nuôi” để xuất khẩu”.

Ông Hùng “kỳ nhông”

Chẳng phải tính khí ông gai gốc, ương ngạnh mà người dân quận 9 đặt cho Vũ Đình Hùng biệt danh ấy. Đơn giản, ông là tay chăn nuôi kỳ nhông có hạng ở TPHCM.

Cách đây ít năm, khi có người quen từ Phan Thiết gửi tặng mấy con kỳ nhông sống trên cát (còn gọi là con dong - PV) và ăn thử thấy rất ngon, ông Hùng quyết tâm vay tiền đi buôn dong để thoát nghèo. Ông kể: “Mấy lần kỳ nhông chết trong quá trình vận chuyển, tui cũng muốn chết theo!”.

Sót lại vài cặp kỳ nhông, ông Hùng tìm cách nuôi chúng ngay tại nhà. Đây là ý tưởng khá táo bạo, bởi con vật này chỉ quen sống trên những đụn cát ven biển. Sau nhiều ngày ngồi quan sát, nghiên cứu cách sinh tồn của kỳ nhông vùng biển, tháng 4 năm 2007, ông Hùng chở cát về làm “nhà” cho kỳ nhông ở. Chuyến đầu tiên ông vay vốn mua 1 tạ con giống từ Bình Thuận. Sau 6 tháng, trọng lượng mỗi con phát triển gấp 5-6 lần, nghĩa là ông Hùng lãi 4-5 tạ thịt kỳ nhông. Ông hào hứng khoe: “Với giá thành 250.000 đồng/kg, mỗi ngày tui cung cấp cho thị trường trung bình 20kg, thu về không dưới 5 triệu đồng/ngày, thoát nghèo - làm giàu dễ ợt hà”.

Quan sát cách chăn nuôi kỳ nhông của ông Hùng, chúng tôi thấy ông chỉ việc đi xin (hoặc mua rẻ) rau củ quả hư, rồi đổ lên các tấm bạt. Nắng lên, kỳ nhông kéo nhau ra ăn cho đến 3 giờ chiều thì lại chui xuống cát trốn. Hưởng ứng chủ trương của Hội Nông dân quận 9, ông Hùng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp con giống cho bất kỳ ai có nhu cầu nuôi con vật đặc biệt này. Đến nay đã có 6 hộ nông dân nghèo học tập thành công mô hình nuôi kỳ nhông của ông Hùng và đã thoát nghèo như ông.

Không chỉ là rắn mối

Mấy năm gần đây, dân nhậu ở thị xã Bến Tre (Bến Tre) đã bắt đầu ghiền món rắn mối nấu cháo, cà ri rắn mối… Con rắn mối sau khi làm sạch được nhồi đậu phụng vào trong, nướng trên lửa và chấm muối ớt thì… nhậu không biết đã! Riêng món rắn mối xé phay thì thớ thịt trắng, thơm như thịt cua, lại được ăn kèm với củ hành, rau răm xắt nhuyễn nên rất “hao” mồi.

Người đưa món ăn khoái khẩu này ra thị trường là anh Lê Hoàng Dũng, một nông dân vừa thoát nghèo. Tham quan “trại” của anh, thấy thật đơn giản khi chuồng được xây bằng gạch cao, rồi quây lưới mùng. Bên trong chuồng được thả lá mục, gỗ khô tạo môi trường hoang dã cho rắn mối. Giống rắn mối được săn ngoài tự nhiên về, sẽ sinh sản nếu được nuôi “thoáng”. Hiện thời, giá thu mua rắn mối tại Bến Tre là 2.000 đồng/con và anh Lê Hoàng Dũng cũng thoát nghèo từ công việc này mà chẳng cần vay vốn của ai!

Còn tại Củ Chi (TPHCM), chuyện thoát nghèo - làm giàu từ nuôi dế của anh Lê Thanh Tùng (ấp Bến Đò, Tân Phú Trung) đã được báo chí viết rất nhiều. Điều ít ai ngờ là từ mô hình nuôi dế của anh, nhiều nông dân ở Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh đã thoát nghèo theo anh. Lão nông Đặng Văn Long (Phan Thiết, Bình Thuận) chia sẻ: “Tui bắt chước anh Tùng nuôi dế tại nhà. Bao nhiêu kỹ thuật anh ấy đều chỉ cho tui. Vốn thì vay Quỹ XĐGN của xã để mua xô, chậu. Hiện nay từ chi phí ban đầu 5 triệu đồng, tui đã bán được 10.000 dế thịt, 4.000 dế giống và trả hết nợ vay. Sắp tới tui định chuyên tâm nuôi dế sữa mới mọc cánh để bán cho các quán nhậu…”.

SGGP, 27/02/09
 
Top