nguyenhong
Member
TTCT - Cuối tháng 9, Buôn Ma Thuột mưa trút ào ào nhưng nhóm nghiên cứu của Khoa Nông Lâm Nghiệp (Trường ĐH Tây Nguyên) vẫn quyết tâm vào rừng để lần theo dấu chân voi, phục vụ dự án Bảo tồn đàn voi rừng tại Đắc Lắc do UBND tỉnh và Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc giao.
Đắc Lắc còn hơn 200 con voi rừng
Những cánh rừng ngày càng thưa đi, nhiều cánh rừng bị đục rỗng. Tiếng xe cơ giới, tiếng cưa lốc khai thác gỗ... làm cho voi sợ mà bỏ rừng sâu. Những địa bàn gần rừng mà hiện tại con người đang sinh sống, canh tác xưa kia là lãnh địa của voi. Nay nhớ “quê hương” voi cũng thường về ghé thăm. Ban đầu voi e sợ khi về gần con người, nhưng do môi trường hoang dã càng bị thu hẹp, thiếu đất sống thì voi cũng... liều. Cuộc xung đột giữa voi và người vì vậy càng trở nên gay gắt.
Hiện toàn tỉnh Đắc Lắc còn hơn 200 con voi rừng, thuộc loài voi châu Á (tên khoa học Elephas maximus). Theo những dấu chân voi để lại trong rừng và nhiều cứ liệu khác thì đàn voi Đắc Lắc có rất nhiều voi con từ 1-10 tuổi. Từ đó cho thấy việc bảo tồn và phát triển đàn voi rừng có nhiều khả quan. Nhưng môi trường sinh sống của voi rừng đang bị thu hẹp nên nguy cơ đàn voi rừng biến thành voi nhà, mất những tập tính của voi rừng rất cao.
Dự án bảo tồn voi Đắc Lắc được hình thành bởi công văn số 431/CV-CCKL của Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc. Dự án sẽ tiến hành trong năm năm để thực nghiệm thực tế, sau đó sẽ điều chỉnh tiếp cho phù hợp.
Dự án này sẽ giúp bảo tồn được đàn voi rừng và cũng dung hòa được lợi ích của con người, trong đó có chính sách cho những người đang chăm sóc voi nhà. Tham vọng của dự án là sẽ thành lập một trung tâm về voi Đắc Lắc. Trung tâm này có chức năng chăm sóc, chữa bệnh, nghiên cứu sinh sản cho voi, tạo đất sống cho voi rừng cũng như voi nhà.
Địa điểm đến lần này là các xã vùng sâu biên giới Ia Lơi, Ia R’Vê, Ia Lốp thuộc huyện Ea Súp - nơi đàn voi rừng về nhiều nhất trong thời gian qua...
TS Bảo Huy và TS Cao Thị Lý (thành viên nhóm nghiên cứu) đo dấu chân voi tại vườn quốc gia Yok Đôn - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
“Kế hoạch đã lên hết rồi, còn vài tháng nữa để viết và báo cáo dự án trong cuộc hội thảo sắp tới. Cũng mong mưa không to lắm để dễ xác định được dấu chân voi” - kỹ sư Hoàng Trọng Khánh, một thành viên trẻ của nhóm nghiên cứu, giải thích khi họ quyết định chất hàng, bỏ phố thị vào rừng giữa cơn bão số 9 đang cận kề.
Việc lần theo dấu chân voi là vô cùng quan trọng, vì theo lời PGS.TS Bảo Huy (bộ môn quản lý tài nguyên rừng và môi trường, khoa lâm nghiệp ĐH Tây nguyên) - người chủ trì dự án, “việc tìm ra hướng đi, phân bố của voi, số lượng con, số voi đực - cái, lớn - nhỏ, lượng thức ăn và cây thuốc của voi, sự xuất hiện của voi trên đồng ruộng... rất quan trọng. Vì sau khi xác định được những điều trên, chúng ta có thể khoanh vùng những nơi đủ điều kiện để bảo tồn voi tự nhiên, quy hoạch vùng cây làm thức ăn, cây thuốc cho voi... Dự án sẽ đưa ra những khuyến cáo để bảo vệ nguyên trạng khu rừng nuôi voi nhằm giữ voi trong rừng”.
Đồ đạc mà nhóm mang theo đúng kiểu dân đi rừng chuyên nghiệp: địa bàn, thiết bị định vị toàn cầu - GPS (Global Positioning System), bản đồ khu vực và những tấm giấy bóng (dùng để vẽ vùng phân bố của voi, vẽ dấu chân voi), võng, giày lội rừng, đèn pin đi rừng ban đêm...
Xuyên rừng...
Ôtô chở đoàn đến trung tâm xã Ia Lơi thì “tắc bánh”, vướng gầm không thể đi tiếp. Lỉnh kỉnh đồ đạc, trước hàng chục cây số đường lầy lội, trơn trượt và gập ghềnh, đoàn quyết định thuê máy cày và tiến thẳng vào rừng. Bùn bắn tung tóe lên những người trên xe. Mọi người chỉ còn cách che cho máy tính, thiết bị không bị ướt, bẩn bởi mưa và bùn đất.
Tại xã Ia Lơi, nhóm tách thành ba tốp chia nhau đi các điểm thực hiện kế hoạch khảo sát trên diện rộng. Mỗi tốp nhờ 1-2 người là các gru (dũng sĩ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng), cán bộ kiểm lâm hoặc người dân dẫn đường. Mọi công việc như mang vác balô, tác nghiệp, nấu ăn... đều tự tay thành viên trong đoàn làm.
Tốp của chúng tôi đi về buôn Ba Na để tìm hiểu tần suất xuất hiện của voi, sự tàn phá của voi đối với mùa màng, cách xua đuổi của người dân... Tối hôm đó chúng tôi phải đi 3km đường rừng trong cơn mưa dai dẳng, từ nhà buôn trưởng Y Rích đến nhà anh Hữu - nơi giáp ranh với rừng mà đàn voi thường về tàn phá nương rẫy.
Tại đây, hàng chục người đang đợi để nói chuyện về voi vì họ quá bức xúc. Những chiếc đèn pin được bật lên để soi vào bản đồ đặt dưới nền nhà. Qua cuộc trao đổi, một số người dân cho biết cách đây mấy ngày đàn voi chừng mười con về đến vách nhà, nhổ tung những vạt mía, cây trồng trong vườn.
Sáng hôm sau chúng tôi nhờ dân làng dẫn đến những điểm voi về phá nhiều nhất. Đến một bãi sình lầy thấy nhiều dấu chân voi mới, PGS.TS Bảo Huy reo lên: “Nhìn dấu chân này thì đàn voi chỉ dưới mười con, vừa đi qua đây không lâu và có nhiều voi trẻ...”. Ông vui sướng vì có sự xuất hiện của voi trong khu vực đang nghiên cứu và cho rằng khả năng sinh sản của voi rừng vẫn còn rất lớn nếu biết cách bảo tồn.
Mỗi khi thấy dấu chân voi, nhóm nghiên cứu dùng GPS lấy tọa độ vị trí để đánh dấu vào bản đồ. Tiếp đến là đo diện tích, độ sâu của dấu chân voi, xác định độ cũ - mới của dấu chân... Qua dấu chân voi, nhóm nghiên cứu sẽ xác định được voi đực hoặc voi cái, voi trưởng thành hay voi con. Nếu là voi đực dấu chân sẽ to, có cạnh hai bên, còn dấu chân voi cái là một hình tròn. Vết chân càng to chứng tỏ voi càng lớn tuổi. Dấu chân càng sâu, càng sắc cạnh thì đó là voi đầu đàn hoặc con voi độc thường đi một mình.
PGS.TS Bảo Huy nói: “Những người nghiên cứu rất khó tìm thấy voi vì phạm vi hoạt động của chúng rất rộng; cũng rất khó để đi đúng tuyến của voi để bắt gặp chúng nên chỉ dựa vào dấu chân để nghiên cứu. Việc người dân cho biết chính xác thời điểm voi xuất hiện, số lượng voi... là những thông tin rất bổ ích”.
Phân voi cũng giúp nhóm nghiên cứu xác định được độ tuổi của voi - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Tìm cơ hội sống chung với voi
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Ia Lơi, từ đầu tháng 7-2009 đến nay voi rừng đã về phá hoại trên 20ha hoa màu của 20 hộ dân thuộc buôn Ba Na và các thôn 3, 5, 6. Tại buôn Ba Na, nhiều đám ruộng lúa, bắp bị voi ăn trụi hoặc đạp ngã đổ. Chúng tôi được người dân dẫn ra khu vực tiếp giáp giữa cánh đồng 75 và khu rừng khộp của xã, để thấy nhiều dấu chân voi mới xuất hiện khoảng một tuần trước ở những đám lúa vừa được gặt vét.
Nhiều đoạn mương bằng bêtông cũng bị voi giậm bể nát. Xung quanh cánh đồng có nhiều lán trại được dựng lên để canh voi, không cho voi về phá mùa màng. Mỗi khi đến mùa 3-4 nhà chung nhau một lều, thay phiên ngủ lại, thấy voi thì báo hiệu cho cả buôn ra đuổi.
Tuy nhiên, PGS.TS Bảo Huy cho biết: “Hằng ngày, voi dành khoảng 16 giờ để tìm kiếm thức ăn và chỉ ngủ 3-5 giờ. Một đêm voi có thể đi 50-80km và vùng hoạt động của voi rừng được các nhà sinh thái tính ra tối thiểu đến 2.500ha, do đó việc canh phòng và xua đuổi voi cũng không phải dễ. Sức người thì có hạn mà cách thức tồn tại của voi ngày càng “tinh vi” hơn nên những hình thức như đánh trống, đốt lửa, hú loa... gần như không còn tác dụng”.
Anh Lê Văn Hữu, phó buôn Ba Na, cho biết: “Nhà anh Hải ở đầu buôn canh voi suốt hai ngày, nhiều lần phải gọi cả buôn xua đuổi voi. Đàn voi cứ kiên nhẫn ở trong rừng đợi. Sáng hôm nhận tin vợ ở nhà bị rắn cắn, Hải về gọi hàng xóm ra thay phiên để đưa vợ đi viện.
Trong khoảng hai giờ vắng mặt người, đám ruộng của anh và cả của nhà hàng xóm bị voi xơi mất trắng. Vụ lúa vừa rồi voi cũng về ăn lúa và phá nát nhiều đám ruộng. Đàn voi khoảng 40 con này nhiều năm liền cứ đến mùa thu hoạch là về... thu hoạch giúp.
Các năm trước chúng đi cả đàn, con đầu đàn sau khi thăm dò sẽ hú cả đàn ra. Tiếng thét của voi, những bước chân voi làm náo loạn cả buôn. Khi voi đi theo đàn, người dân lại dễ xua đuổi hơn với đèn pha, tiếng xoong nồi, tiếng cưa máy nổ... Nhưng vài năm nay đàn voi chia thành nhiều tốp và không còn sợ việc xua đuổi của con người nữa. Giờ cứ gieo hạt xuống là thấp thỏm lo âu, không biết có được thu hoạch hay không”.
Làm sao để sống chung với voi? Câu hỏi của đoàn nghiên cứu được đặt ra trực tiếp với người dân. Và như được thỏa nỗi niềm đã suy nghĩ từ lâu, nhiều người dân ở buôn Ba Na đưa ra ý kiến. Có người nói nên chuyển đàn voi về một khu rừng nào đó để voi khỏi phá, nên “nhốt” voi lại chứ để voi gần đồng ruộng của dân thì dân khó mà được ăn.
PGS.TS Bảo Huy nói: “Những thông tin thực tế mang tính xã hội từ chính người dân giúp chúng tôi đề ra những giải pháp thích hợp để bảo tồn voi và bảo vệ con người. Theo quan điểm của chúng tôi, người vẫn quan trọng hơn voi. Nhưng chính con người đã xâm lấn, làm ảnh hưởng môi trường sống của voi trước. Vì vậy trong cuộc xung đột này con người cần ứng xử hài hòa, khoan dung với voi hơn. Nhà nước cần có những biện pháp để vừa bảo vệ voi vừa để người dân không thiệt thòi”.
Dấu chân voi được đo đạc và ghi lại - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
TRUNG TÂN
Đắc Lắc còn hơn 200 con voi rừng
Những cánh rừng ngày càng thưa đi, nhiều cánh rừng bị đục rỗng. Tiếng xe cơ giới, tiếng cưa lốc khai thác gỗ... làm cho voi sợ mà bỏ rừng sâu. Những địa bàn gần rừng mà hiện tại con người đang sinh sống, canh tác xưa kia là lãnh địa của voi. Nay nhớ “quê hương” voi cũng thường về ghé thăm. Ban đầu voi e sợ khi về gần con người, nhưng do môi trường hoang dã càng bị thu hẹp, thiếu đất sống thì voi cũng... liều. Cuộc xung đột giữa voi và người vì vậy càng trở nên gay gắt.
Hiện toàn tỉnh Đắc Lắc còn hơn 200 con voi rừng, thuộc loài voi châu Á (tên khoa học Elephas maximus). Theo những dấu chân voi để lại trong rừng và nhiều cứ liệu khác thì đàn voi Đắc Lắc có rất nhiều voi con từ 1-10 tuổi. Từ đó cho thấy việc bảo tồn và phát triển đàn voi rừng có nhiều khả quan. Nhưng môi trường sinh sống của voi rừng đang bị thu hẹp nên nguy cơ đàn voi rừng biến thành voi nhà, mất những tập tính của voi rừng rất cao.
Dự án bảo tồn voi Đắc Lắc được hình thành bởi công văn số 431/CV-CCKL của Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc. Dự án sẽ tiến hành trong năm năm để thực nghiệm thực tế, sau đó sẽ điều chỉnh tiếp cho phù hợp.
Dự án này sẽ giúp bảo tồn được đàn voi rừng và cũng dung hòa được lợi ích của con người, trong đó có chính sách cho những người đang chăm sóc voi nhà. Tham vọng của dự án là sẽ thành lập một trung tâm về voi Đắc Lắc. Trung tâm này có chức năng chăm sóc, chữa bệnh, nghiên cứu sinh sản cho voi, tạo đất sống cho voi rừng cũng như voi nhà.
Địa điểm đến lần này là các xã vùng sâu biên giới Ia Lơi, Ia R’Vê, Ia Lốp thuộc huyện Ea Súp - nơi đàn voi rừng về nhiều nhất trong thời gian qua...
TS Bảo Huy và TS Cao Thị Lý (thành viên nhóm nghiên cứu) đo dấu chân voi tại vườn quốc gia Yok Đôn - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
“Kế hoạch đã lên hết rồi, còn vài tháng nữa để viết và báo cáo dự án trong cuộc hội thảo sắp tới. Cũng mong mưa không to lắm để dễ xác định được dấu chân voi” - kỹ sư Hoàng Trọng Khánh, một thành viên trẻ của nhóm nghiên cứu, giải thích khi họ quyết định chất hàng, bỏ phố thị vào rừng giữa cơn bão số 9 đang cận kề.
Việc lần theo dấu chân voi là vô cùng quan trọng, vì theo lời PGS.TS Bảo Huy (bộ môn quản lý tài nguyên rừng và môi trường, khoa lâm nghiệp ĐH Tây nguyên) - người chủ trì dự án, “việc tìm ra hướng đi, phân bố của voi, số lượng con, số voi đực - cái, lớn - nhỏ, lượng thức ăn và cây thuốc của voi, sự xuất hiện của voi trên đồng ruộng... rất quan trọng. Vì sau khi xác định được những điều trên, chúng ta có thể khoanh vùng những nơi đủ điều kiện để bảo tồn voi tự nhiên, quy hoạch vùng cây làm thức ăn, cây thuốc cho voi... Dự án sẽ đưa ra những khuyến cáo để bảo vệ nguyên trạng khu rừng nuôi voi nhằm giữ voi trong rừng”.
Đồ đạc mà nhóm mang theo đúng kiểu dân đi rừng chuyên nghiệp: địa bàn, thiết bị định vị toàn cầu - GPS (Global Positioning System), bản đồ khu vực và những tấm giấy bóng (dùng để vẽ vùng phân bố của voi, vẽ dấu chân voi), võng, giày lội rừng, đèn pin đi rừng ban đêm...
Xuyên rừng...
Ôtô chở đoàn đến trung tâm xã Ia Lơi thì “tắc bánh”, vướng gầm không thể đi tiếp. Lỉnh kỉnh đồ đạc, trước hàng chục cây số đường lầy lội, trơn trượt và gập ghềnh, đoàn quyết định thuê máy cày và tiến thẳng vào rừng. Bùn bắn tung tóe lên những người trên xe. Mọi người chỉ còn cách che cho máy tính, thiết bị không bị ướt, bẩn bởi mưa và bùn đất.
Tại xã Ia Lơi, nhóm tách thành ba tốp chia nhau đi các điểm thực hiện kế hoạch khảo sát trên diện rộng. Mỗi tốp nhờ 1-2 người là các gru (dũng sĩ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng), cán bộ kiểm lâm hoặc người dân dẫn đường. Mọi công việc như mang vác balô, tác nghiệp, nấu ăn... đều tự tay thành viên trong đoàn làm.
Tốp của chúng tôi đi về buôn Ba Na để tìm hiểu tần suất xuất hiện của voi, sự tàn phá của voi đối với mùa màng, cách xua đuổi của người dân... Tối hôm đó chúng tôi phải đi 3km đường rừng trong cơn mưa dai dẳng, từ nhà buôn trưởng Y Rích đến nhà anh Hữu - nơi giáp ranh với rừng mà đàn voi thường về tàn phá nương rẫy.
Tại đây, hàng chục người đang đợi để nói chuyện về voi vì họ quá bức xúc. Những chiếc đèn pin được bật lên để soi vào bản đồ đặt dưới nền nhà. Qua cuộc trao đổi, một số người dân cho biết cách đây mấy ngày đàn voi chừng mười con về đến vách nhà, nhổ tung những vạt mía, cây trồng trong vườn.
Sáng hôm sau chúng tôi nhờ dân làng dẫn đến những điểm voi về phá nhiều nhất. Đến một bãi sình lầy thấy nhiều dấu chân voi mới, PGS.TS Bảo Huy reo lên: “Nhìn dấu chân này thì đàn voi chỉ dưới mười con, vừa đi qua đây không lâu và có nhiều voi trẻ...”. Ông vui sướng vì có sự xuất hiện của voi trong khu vực đang nghiên cứu và cho rằng khả năng sinh sản của voi rừng vẫn còn rất lớn nếu biết cách bảo tồn.
Mỗi khi thấy dấu chân voi, nhóm nghiên cứu dùng GPS lấy tọa độ vị trí để đánh dấu vào bản đồ. Tiếp đến là đo diện tích, độ sâu của dấu chân voi, xác định độ cũ - mới của dấu chân... Qua dấu chân voi, nhóm nghiên cứu sẽ xác định được voi đực hoặc voi cái, voi trưởng thành hay voi con. Nếu là voi đực dấu chân sẽ to, có cạnh hai bên, còn dấu chân voi cái là một hình tròn. Vết chân càng to chứng tỏ voi càng lớn tuổi. Dấu chân càng sâu, càng sắc cạnh thì đó là voi đầu đàn hoặc con voi độc thường đi một mình.
PGS.TS Bảo Huy nói: “Những người nghiên cứu rất khó tìm thấy voi vì phạm vi hoạt động của chúng rất rộng; cũng rất khó để đi đúng tuyến của voi để bắt gặp chúng nên chỉ dựa vào dấu chân để nghiên cứu. Việc người dân cho biết chính xác thời điểm voi xuất hiện, số lượng voi... là những thông tin rất bổ ích”.
Phân voi cũng giúp nhóm nghiên cứu xác định được độ tuổi của voi - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Tìm cơ hội sống chung với voi
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Ia Lơi, từ đầu tháng 7-2009 đến nay voi rừng đã về phá hoại trên 20ha hoa màu của 20 hộ dân thuộc buôn Ba Na và các thôn 3, 5, 6. Tại buôn Ba Na, nhiều đám ruộng lúa, bắp bị voi ăn trụi hoặc đạp ngã đổ. Chúng tôi được người dân dẫn ra khu vực tiếp giáp giữa cánh đồng 75 và khu rừng khộp của xã, để thấy nhiều dấu chân voi mới xuất hiện khoảng một tuần trước ở những đám lúa vừa được gặt vét.
Nhiều đoạn mương bằng bêtông cũng bị voi giậm bể nát. Xung quanh cánh đồng có nhiều lán trại được dựng lên để canh voi, không cho voi về phá mùa màng. Mỗi khi đến mùa 3-4 nhà chung nhau một lều, thay phiên ngủ lại, thấy voi thì báo hiệu cho cả buôn ra đuổi.
Tuy nhiên, PGS.TS Bảo Huy cho biết: “Hằng ngày, voi dành khoảng 16 giờ để tìm kiếm thức ăn và chỉ ngủ 3-5 giờ. Một đêm voi có thể đi 50-80km và vùng hoạt động của voi rừng được các nhà sinh thái tính ra tối thiểu đến 2.500ha, do đó việc canh phòng và xua đuổi voi cũng không phải dễ. Sức người thì có hạn mà cách thức tồn tại của voi ngày càng “tinh vi” hơn nên những hình thức như đánh trống, đốt lửa, hú loa... gần như không còn tác dụng”.
Anh Lê Văn Hữu, phó buôn Ba Na, cho biết: “Nhà anh Hải ở đầu buôn canh voi suốt hai ngày, nhiều lần phải gọi cả buôn xua đuổi voi. Đàn voi cứ kiên nhẫn ở trong rừng đợi. Sáng hôm nhận tin vợ ở nhà bị rắn cắn, Hải về gọi hàng xóm ra thay phiên để đưa vợ đi viện.
Trong khoảng hai giờ vắng mặt người, đám ruộng của anh và cả của nhà hàng xóm bị voi xơi mất trắng. Vụ lúa vừa rồi voi cũng về ăn lúa và phá nát nhiều đám ruộng. Đàn voi khoảng 40 con này nhiều năm liền cứ đến mùa thu hoạch là về... thu hoạch giúp.
Các năm trước chúng đi cả đàn, con đầu đàn sau khi thăm dò sẽ hú cả đàn ra. Tiếng thét của voi, những bước chân voi làm náo loạn cả buôn. Khi voi đi theo đàn, người dân lại dễ xua đuổi hơn với đèn pha, tiếng xoong nồi, tiếng cưa máy nổ... Nhưng vài năm nay đàn voi chia thành nhiều tốp và không còn sợ việc xua đuổi của con người nữa. Giờ cứ gieo hạt xuống là thấp thỏm lo âu, không biết có được thu hoạch hay không”.
Làm sao để sống chung với voi? Câu hỏi của đoàn nghiên cứu được đặt ra trực tiếp với người dân. Và như được thỏa nỗi niềm đã suy nghĩ từ lâu, nhiều người dân ở buôn Ba Na đưa ra ý kiến. Có người nói nên chuyển đàn voi về một khu rừng nào đó để voi khỏi phá, nên “nhốt” voi lại chứ để voi gần đồng ruộng của dân thì dân khó mà được ăn.
PGS.TS Bảo Huy nói: “Những thông tin thực tế mang tính xã hội từ chính người dân giúp chúng tôi đề ra những giải pháp thích hợp để bảo tồn voi và bảo vệ con người. Theo quan điểm của chúng tôi, người vẫn quan trọng hơn voi. Nhưng chính con người đã xâm lấn, làm ảnh hưởng môi trường sống của voi trước. Vì vậy trong cuộc xung đột này con người cần ứng xử hài hòa, khoan dung với voi hơn. Nhà nước cần có những biện pháp để vừa bảo vệ voi vừa để người dân không thiệt thòi”.
Dấu chân voi được đo đạc và ghi lại - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
TRUNG TÂN