• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Thử tìm cách "bảo tồn" và "sử dụng bền vững"!

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
(LĐCT) - GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh khi nào cũng đau đáu nỗi niềm bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Ông luôn quan niệm thiên nhiên phải là bầu sữa bền vững đích thực, mãi nuôi nấng con người.
Nguyên là Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, nay là Chủ tịch Hội Động vật học VN, ông không chỉ trực tiếp nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho sự ra đời và sửa chữa các sắc luật liên quan đến thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, tác động đến nhận thức bảo tồn cho không ít giới chức VN, mà còn là một trong những người đầu tiên ở VN dám ước ao đến cái ngày chúng ta nuôi được cả gấu, cả hổ, cả bò tót một cách đúng luật, đúng công ước quốc tế, để phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm động vật rừng. Và, trên thực tế, ông và các cộng sự của ông đã bước đầu làm được điều đó!


Chủ tịch Hội Động vật học VN, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh.​

Có lần, GS Huỳnh đưa tôi vào tận Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng dự lễ thả 8 cá thể voọc Hà Tĩnh vào rừng. Các cá thể này đã được Trung tâm Cứu hộ linh trưởng quý hiếm Cúc Phương giải cứu khỏi tay lâm tặc, chữa bệnh và lần đầu tiên trên thế giới chúng được sinh sản dưới bàn tay con người. Trong buổi lễ, ông Nguyễn Bá Thụ (nguyên Cục trưởng Cục kiểm lâm, nay là Chủ tịch Hội Các vườn quốc gia và khu bảo tồn VN) cùng nhiều chuyên gia đầu ngành ở Đức và nước ta đều trân trọng nhắc đến "ông bố đỡ đầu" Đặng Huy Huỳnh của dự án cứu hộ linh trưởng từng gây nhiều tranh cãi kia.

Cảnh thả đàn voọc Hà Tĩnh về thiên nhiên hoang dã Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Tôi quay sang hỏi ông Huỳnh:

Thưa Giáo sư, ngay từ khi nhiều người còn nghi ngờ dự án cứu hộ linh trưởng quý hiếm, lo "người nước ngoài sẽ bắt hết động vật rừng của VN mang về nước", ông đã làm gì để ủng hộ dự án?

- Tôi đã viết thư cho lãnh đạo Hội Động vật Frankfurt (Đức); đã lên gặp lãnh đạo Bộ NN và PTNT để bảo vệ dự án của ông Tilo Nadler (người Đức, đến nay đã có thâm niên 15 năm là Giám đốc Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Cúc Phương). Vì tôi thấy ông Tilo tâm huyết thật sự với việc tìm kiếm voọc quần đùi trắng, loài đặc hữu ở VN mà đã từ lâu các nhà khoa học VN và thế giới không còn ghi nhận được sự tồn tại của chúng nữa. Tilo bỏ ra hơn 1 tháng trời, nằm trong rừng sâu để đặt máy, kéo cáp từ trên cây cao xuống, chờ suốt đêm để rình mấy con voọc. Lúc đầu có nhiều người không ủng hộ, họ nghi ngờ mục đích của dự án. Thế là tôi phải lên Bộ, phải viết thư sang Đức.

Vấn đề nằm ở nhận thức bảo tồn của mỗi người mỗi giới, đôi khi chưa cập được với chân lý khoa học. Đến nay, các ý kiến, các tranh luận đã kết thúc, thậm chí ông Tilo còn được nhận Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước ta.

- Ngay như việc ông Tilo, ông ấy quá tâm huyết, thượng tôn pháp luật, gặp người vi phạm lâm luật, chặt củi, bắt con don con dúi, ông ấy cũng bắt tất. Người dân đã đánh ông Tilo không ít lần. Tôi lại phải đến khuyên nhủ Tilo, rằng người VN chúng tôi tốt, ông là người nước ngoài, biết là tâm ông tốt, nhưng ông phải tiến hành từng bước thôi. Ông không nên bắt trói người ta như thế, họ phản ứng tiêu cực... thì rất gay go. Đến giờ thì trung tâm của Tilo trở thành một nơi giữ nhiều kỷ lục về cứu hộ linh trưởng tầm cỡ thế giới.

Chúng tôi rất trân trọng bản lĩnh và sự "trung ngôn" của ông, trong khi mà các nhà bảo tồn ra sức nói rằng sử dụng sản phẩm từ động vật rừng chỉ có "vô bổ hoặc độc hại", để tránh sự tuyệt chủng cho nhiều loài động vật trong "Sách đỏ", thì ông sẵn sàng viết bài riêng cho Lao Động, có đoạn: "Giá trị khoa học và thực tiễn của quần thể bò rừng hoang dã đang có trên một số vùng rừng núi của chúng ta là vô cùng quý giá. Trước hết, chúng cung cấp nguồn protein có hàm lượng đạm cao. Chúng cũng cung cấp nguồn dược liệu trong y học phương Đông. Danh y Tuệ Tĩnh đã viết trong "Nam Dược thần hiệu": "Lê ngưu giác (sừng bò rừng) tinh hầu, không độc, giải nhiệt, chữa động kinh, trào huyết nóng...". Danh y Hải Thượng Lãn Ông ghi nhận trong Linh Nam bản thảo...". Ông không sợ mình đang "cổ súy" cho những kẻ săn bắt động vật hoang dã ư?

- Có người khuyên tôi, (ông là người có uy tín trong giới nghiên cứu về động vật), đừng công nhận các cái sản phẩm động vật hoang dã là nó tốt hay nó quý. Tôi bảo, tôi là nhà khoa học, thấy nó tốt là phải nói nó tốt thật. Chúng ta phải suy nghĩ sòng phẳng thế này: người ta săn giết và buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã là một thực tế, điều này xuất phát từ một nhu cầu có thật của xã hội (dù trái với các quy định bảo tồn).

Dân VN, dân Trung Hoa, một số nước Á Đông, Arab vẫn "quan niệm" như vậy từ nghìn năm trước. Chúng ta, cụ thể là các nhà khoa học như tôi phải nghĩ làm sao để phục vụ một chút nhu cầu "cao động vật" của người ta; đồng thời tính đến khái niệm "sử dụng bền vững". Sắp tới đây, chúng ta có Luật Đa dạng sinh học, có mục về vấn đề chăn nuôi động vật hoang dã. Nhưng quy định loài nào được nuôi, ai giám sát và quản lý việc nuôi các loài nào ra sao là điều quan trọng.

Ví dụ như mục về nhân nuôi động vật hoang dã, tôi là người tham gia viết cùng Cục Kiểm lâm và ngành hữu quan. Chúng tôi thấy là không thể cấm tiệt. Nhưng cũng có cái cấm tiệt, như tê giác cực quý dứt khoát cấm, hổ cũng thế. Còn, thực tế, Hội Động vật VN đã đứng ra tổ chức cho người dân nuôi nhiều con vật vốn chỉ có trong tự nhiên, tưởng như không thể nuôi được, giờ bán cho bà con thịt ăn thoải mái, như con hoẵng, con nai...
 

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Nói gì thì nói, việc bảo tồn và các chủ trương sử dụng bền vững còn xa lạ với nhiều người mình; và ngay cả những người đã "giác ngộ" được vấn đề, họ cũng biết rất rõ, việc thực thi giám sát các chủ trương "sử dụng bền vững nguồn tài nguyên" là một thứ... xa vời!

- Đúng, nói là bền vững trên quan điểm, nhưng khi hành động nhiều thứ của chúng ta không... bền vững. Chúng ta đang có quá nhiều thách thức khi mà nhiều chính sách bảo tồn chưa hợp lòng dân, dân không ủng hộ. Xu hướng thế giới và VN cũng thế, là kéo cộng đồng vào cuộc, song, khi mời dân vào cùng làm bảo tồn thì sẽ chia sẻ lợi ích với dân như thế nào? Nếu ta không kịp thời có chính sách giải quyết những vấn đề trên, thì trong một thời gian ngắn nữa, sẽ rất gay go.

Thật ra thì sự suy thoái của hệ động vật tại VN trong những năm gần đây, ai cũng dễ dàng thấy rõ, khi mà từ chim chóc, muông thú đến... côn trùng đã dần vắng bóng, nếu không nói là nhiều loài tuyệt diệt. Song, có một phép trắc nghiệm thuyết phục: Muốn biết thế giới động vật ở VN đã suy thoái như thế nào, thì tốt nhất nên hỏi các nhà nghiên cứu, như GS Huỳnh, ông đã hơn nửa thế kỷ nghiên cứu động vật rừng VN, ở ngay trong môi trường hoang dã của nó.

- So bì về số lượng, sự sum sê của hệ động vật rừng VN hồi chúng tôi bắt đầu đi nghiên cứu từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước với bây giờ thì rất là đau lòng. Ví dụ con voọc mũi hếch (loài đặc hữu ở VN, giờ có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu), thì hồi chúng tôi đi Na Hang, Chiêm Hoá, gặp nhiều đàn ra uống nước suối, nhảy nhót vui chào khách lạ, mỗi đàn trên dưới 100 con. ở các vùng Sông Mã, Mường Chà, Mường Tè, Tà Tổng của Tây Bắc, gấu, voi, công, bò tót, nai.... cũng nhiều. So với thảm trạng bây giờ, đúng là một trời một vực.

Hồi đi nghiên cứu ở Tây Nguyên tôi đã tận mắt chứng kiến những đàn bò rừng, bò tót, đàn ba bốn năm chục con đi trong rừng khộp, đẹp lắm. Có lần gặp một con hổ ăn con bò rừng, chúng tôi toan lấy thịt bò về ăn, thì các nài voi người dân tộc không đồng ý. Theo họ, nếu dám lấy thức ăn của hổ, hổ sẽ trả thù, và là điều kiêng kỵ.

Là Chủ tịch Hội Động vật VN, GS nghĩ gì, khi mà các chuyên gia nghiên cứu động vật cũng chẳng còn có cơ hội nhìn thấy.... động vật ở trong rừng nữa?

- Bi kịch. Có khi đi vài tuần đến hàng tháng may ra tìm thấy dấu vết, mà đó phải là các dự án hợp tác với nước ngoài, với quyết tâm cao "không chịu lùi bước" thì mới tìm được. Cũng may là việc tìm dấu nai, hoẵng cũng có thể giúp nhà khoa học phân biệt được tương đối một số điều, biết đó là con gì, con cái con đực ra sao, thậm chí còn biết được sức nặng của nó khi đo độ rộng-dài-sâu của vết chân động vật trên mặt đất.

Vai trò của động vật rừng, đặc biệt là thiên nhiên hoang dã có vai trò rất lớn đối với việc hình thành nhân cách, lối ứng xử với người và với trời đất của thế hệ trẻ. Trong khi ấy, giữa lòng Thủ đô Hà Nội của ta, có một cái vườn thú èo uột, muông thú đói nhách, ốm yếu, khuôn viên vườn thú tràn ngập các trò chơi điện tử, trò buôn gian bán lậu, lãnh đạo vườn thú thì cách đây chưa lâu trở thành tâm điểm chỉ trích của báo chí và công luận, chắc GS thấy đau lòng lắm?

- Với Vườn thú Hà Nội (Thủ Lệ), cần phải tổ chức "có chất xám" hơn, để biến nơi chăm sóc, trưng bày động vật làm nơi nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên nói chung và động vật nói riêng, là một yếu tố quý báu giúp hình thành nhân cách của trẻ. VN chỉ có Vườn thú Hà Nội là lớn nhất, tôi thật sự mong muốn ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội sớm quan tâm vấn đề này. Phải củng cố lại Vườn thú Hà Nội hiện nay, để chúng ta có một vườn thú đúng nghĩa.

Thiên nhiên hoang dã, các loài muông thú là thứ không thể thiếu cho cuộc sống của chúng ta. Với tư cách là Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam, tôi cũng vừa qua thăm lại lãnh đạo Vườn thú Hà Nội. Tôi từng đến đó với mong muốn giúp Vườn thú xây dựng ở đó một phòng sách để đọc tài liệu về động thực vật. Tôi đã trực tiếp mang sách đến đó nhiều rồi. Tôi nói với lãnh đạo vườn cho người đến tận nhà tôi lấy sách về.

Xin chân thành cảm ơn GS.

Nguồn: Báo Lao Động
 
Top