• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Thần chết từ sông chằn

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Thanh Nien Online, 07/02/2009 23:43 - Ở tận ngoài khơi của vùng biển phía Tây, có một loài rắn biển được cánh ngư phủ đặt biệt danh là “thần chết”. Trên biển, chúng trôi vật vờ như chờ số phận và cũng sẵn sàng kết thúc số phận của loài khác. Loài rắn biển này có tên là “sông chằn”, thường được người đi biển tìm vớt, dù chính họ luôn bị ám ảnh về những cái chết do chúng gây ra cho không ít người...


Sông chằn chết ướp nước đá chờ xuất sang Trung Quốc - Ảnh: Tiến Trình

Nỗi ám ảnh ở Bãi Đẻn

Tài công Trịnh Minh Hoàng kể rằng, những người thạo biển Tây ít ai không biết đến một vùng biển có biệt danh là Bãi Đẻn. Ở nơi đó rất ít tàu bè lui tới. Một phần vì nó rất xa, nằm tận vùng chồng lấn giữa 3 nước Việt Nam - Malaysia - Thái Lan; một phần vì ở đây ít cá, lại nổi danh là vùng biển độc. Độc, vì vùng này là “giang sơn” của các loài rắn biển.

Người đi biển nói trong phạm vi không rộng, nhưng Bãi Đẻn lại có mặt nhiều loài rắn, từ loài vô hại như đẻn cá đến các loại rắn có nọc độc giết người như sông chằn, đẻn cườm, chàm vạp... Càng độc hơn khi sống chung trong quần thể phức tạp đó, còn có cả những loài cá mập khát máu. Vì thế, giới chủ tàu thường cấm tiệt tài công đưa tàu ra Bãi Đẻn.

Bãi Đẻn kỵ với chủ tàu, nhưng lại là “vùng biển yêu thích” của nhiều ngư phủ muốn “kiếm thêm”. Thỉnh thoảng đến cuối con nước biển, ngư phủ thường nài nỉ tài công cho “chạy ngang” Bãi Đẻn để bắt sông chằn. Một tài công khoe “tui chỉ cần gật đầu chạy ra Bãi Đẻn một đêm thôi, vào bờ anh em đãi nhậu mệt nghỉ”. Giá sông chằn mua tại Sông Đốc 300 ngàn/kg, ngư phủ ai vớt được nấy bán, bỏ túi riêng chứ không phải chia với chủ tàu. Vì thế, nếu chịu khó vớt sông chằn thì mỗi con nước, ngư phủ lại có thêm thu nhập không nhỏ.

Bãi Đẻn hấp dẫn là thế, nhưng cũng không có mấy tàu dám chạy ra. Đến nay, vùng biển hiểm trở này vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh về những cái chết bất ngờ. Những người xấu số cũng vì vật lộn với manh áo chén cơm đi vớt sông chằn mà trở thành dẫn chứng thương tâm cho một cách mưu sinh liều mạng trên biển. Trớ trêu, nạn nhân gần nhất bỏ mạng tại Bãi Đẻn lại không phải do loài rắn “thần chết” kết liễu, mà lại chết vì cá mập. Đó là trường hợp một ngư dân đi trên tàu ở Bình Định vào đánh bắt tại vùng biển Tây.

Trong lúc mải mê kiếm sông chằn, người này bị sóng đánh nhào xuống biển. Khi những bạn tàu còn loay hoay thả dây xuống cứu thì người đàn ông tội nghiệp đã biến mất theo cái vẫy đuôi của cá mập.

Cái chết thương tâm của anh ta được ngư phủ các tàu truyền miệng nhanh qua bộ đàm. Tài công Nguyễn Nhật Hiện rùng mình: “Thương anh em thì thương, nhưng tôi không bao giờ cho tàu ra Bãi Đẻn. Tàu đánh cá, anh em ngư phủ ai vớt được sông chằn bán thì vớt, nhưng tôi cũng nhắc anh em đừng đùa với “thần chết””.

Liều mạng mưu sinh

Mỗi khi ra khơi, tài công Nguyễn Nhật Hiện thường tuyên bố với bạn tàu “ai tham bắt sông chằn, lỡ bị cắn chết thì tôi sẽ... muối thây nước đá chứ không chở vào đất liền”. Hiện nói, anh phải tuyên bố dữ dằn như thế cũng vì thương anh em đi trên tàu. “Nhiều người ra biển cứ chăm chăm tìm sông chằn để “kiếm thêm” mà quên nhiệm vụ chính, mà trên biển nếu bị sông chằn “độp” một phát là cầm chắc cái chết”, anh Hiện nói.

Sông chằn là loài rắn biển nhỏ, dài, thân hình màu vàng nâu, có nhiều khoang đốt ngang chạy khắp cơ thể. Nếu gặp trên biển, nó là loài rắn dễ bắt. Không phùng mang, khè mỏ như loài rắn hổ đất; không thoăn thoắt ẩn hiện như rắn hổ ngựa... chúng cứ trôi vật vờ trên mặt biển như những sợi dây đứt.

Chính cái sự vật vờ của chúng mà nhiều loài quên đi cảnh giác và chỉ cần một cái búng mình, chúng đã định đoạt số phận con mồi. Đối với con người, sông chằn là loài vật vừa đáng thương, vừa đáng sợ. Lên khỏi mặt nước, chúng hiền như cá, hiền đến mức người ta quên rằng chúng đứng đầu trong 3 loài rắn biển có nọc độc nhất ở vùng vịnh Tây Nam, độc hơn cả hai loài đẻn cườm và chàm vạp. 

Biển đêm. Khi những bóng đèn cao áp từ ghe câu mực xé toang màn tối cũng là lúc sông chằn thả theo trăm ngàn loài thủy sinh khác tìm đến vùng sáng để kiếm ăn. Chúng chậm chạp, lượn lờ quanh ghe. Phát hiện sông chằn, thợ câu chỉ cần dùng câu chùm giựt nhẹ, chúng đã mắc gọn vào lưỡi câu. Rời khỏi mặt nước, sông chằn chỉ biết vẫy như cá, kể cả khi cầm đuôi để kéo thân hình dài ngoẵng lên trên, chúng cũng không biểu hiện tấn công. Thế thôi, rất dễ bắt. Con nhỏ thì cắt đầu hầm củ cải tuyệt ngon; con to hơn cho vào thùng, đợi đem vào bờ bán cho thương lái...

Sông chằn được cho là có tác dụng dược liệu tốt nhất trong các loài rắn biển, nên thương lái ở các cửa biển lớn phía Tây hay tìm mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Mỗi ký sông chằn được mua tại ghe có giá trên 300 ngàn, trong khi câu được mỗi ký mực, ngư phủ chỉ được chia 12 ngàn.


Số sông chằn được gộng lại một vựa mua rắn biển ở thị trấn Sông Đốc​

Sự chênh lệch quá lớn đó đã khiến nhiều ngư phủ khi ra khơi luôn để mắt tìm bắt sông chằn về bán. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng gặp được, mà gặp được thì cũng không phải ai cũng dám bắt. Vì ngày càng có nhiều người bị sông chằn cắn chết nên sự kiêng dè, sợ hãi loài rắn này càng lớn lên trong cánh ngư phủ ra khơi...

Tài công lão luyện Trần Văn Thiệt cho rằng phần lớn các loài rắn đều không chủ động tấn công người, mà thường những vụ rắn cắn đều do loài vật này tự vệ. Sông chằn còn hiền hơn thế, “ai xui lắm mới bị sông chằn cắn”. Theo ông Thiệt thì sông chằn chỉ cắn người khi chúng bị làm đau hoặc bị nhốt đói nhiều ngày, mà bị sông chằn đói cắn là coi như “tới số”.

Ông Thiệt dẫn chứng hai trường hợp ở Sông Đốc bị sông chằn cắn chết hồi tháng trước là do chúng bị nhốt đói từ biển vào. Cả hai nạn nhân đều là chủ vựa mua rắn biển và đều bị sông chằn tấn công bất ngờ trong lúc đang mua bán. Cho đến nay, người ta chỉ ghi nhận một trường hợp sống sót sau khi bị sông chằn cắn. Chuyện hy hữu này xảy ra với người đi mua sông chằn tại cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau).

Gặp người thoát khỏi “thần chết”

Người được coi có “mạng lớn” là một thanh niên tên Nguyễn Phương Nam (31 tuổi). Nam kể: vào mùng 10 (âm lịch) hằng tháng, khi ghe câu mực khắp nơi từ biển khơi nườm nượp kéo về cửa biển Khánh Hội, cũng là lúc những người làm nghề mua sông chằn như Nam tìm đến cánh thợ câu mua gom rồi chở sang bán cho các vựa ở cửa biển Sông Đốc để kiếm lời.

Chuyến biển vừa rồi anh mua được 15 ký (khoảng 25 con) sông chằn, chở sang Sông Đốc. Vừa thò tay định bưng sọt đựng sông chằn lên cân, Nam bất ngờ bị một con lao ra cắn vào ngón tay áp út. “Bị cắn chưa quá 5 phút, tôi thấy tê khắp người. Khoảng 15 phút sau, lưỡi tôi bắt đầu thụt, mắt đứng tròng, mí mắt sụp xuống...”, Nam nói. Sau khi bị cắn, gia đình đã đưa Nam đến nhờ 3 ông thầy chữa rắn cắn có tiếng ở huyện Trần Văn Thời, nhưng họ đều lắc đầu khuyên chở nạn nhân về... chôn!


Một võ lãi rảo quanh các tàu cá neo đậu tại đảo Hòn Chuối để dạm mua sông chằn

Gia đình chở Nam vô bệnh viện huyện, huyện chuyển lên Bệnh viện tỉnh Cà Mau chữa trị. Một ngày một đêm, khi thấy Nam vẫn cứ mê man, thoi thóp, người thân của Nam xin bệnh viện cho đưa con về... lo hậu sự. Ở nhà Nam, mọi chuyện ma chay, dựng rạp... đều đã được chuẩn bị!

Giữa lúc mọi người đều nghĩ Nam sẽ chết thì tình cờ có người chỉ gia đình thử đi rước ông thầy Danh Sen ở Cơi Năm (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) ra đổ thuốc. “Còn nước, còn tát”, gia đình Nam bao xe vào rước ông Danh Sen ra. “Ông Danh Sen vừa đổ thuốc vào miệng, tôi nghe trong người khỏe lại. Lát sau thì nói chuyện được...”, Nam kể.

Tin người bị sông chằn cắn mà vẫn sống sót khiến người ta nửa tin, nửa ngờ. Nhiều người xem đó là một “kỳ tích” khó lập lại. Cho đến nay nọc độc của sông chằn vẫn là nỗi ám ảnh. Ám ảnh, nhưng nhiều người vẫn tìm bắt, tìm mua vì đó là “hàng hiếm”, giá cao, mang lại lợi nhuận lớn... Và họ vẫn tiếp tục liều mạng mưu sinh, dù biết ở đó luôn cận kề với thần chết.
 
Top