• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Thái Vinh Thai - chuyên gia nuôi trăn "bất bại"

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Phong trào nuôi trăn đã phát triển từ hơn 20 năm qua, có lúc bùng phát như một “cơn sốt”, tạo cơ hội cho nhiều người giàu lên nhanh chóng, nhưng cũng có lúc thoái trào khiến cho nhiều gia đình điêu đứng, thậm chí có người còn tán gia bại sản. Với anh Thái Vinh Thai, chủ trại nuôi trăn Hồng Quang tại khóm 4, thị trấn Tri Tôn (An Giang) thì khác. Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi trăn, anh đã thận trọng đi từng bước vững vàng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đến thành công.


Anh Thai và những miếng da trăn vừa sơ chế.

* Kiên trì với nghề

Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, anh Thai đã “bén duyên” mô hình nuôi trăn. Đối với anh, trăn là con vật rất hiền, dễ gần gũi và rất thân thiết. Lúc khởi nghiệp nuôi trăn, anh chỉ nuôi có 50 con, nhờ nhiều đợt nuôi thành công, anh tăng quy mô trại nuôi nhanh chóng.

Những năm đầu thập kỷ 90, phong trào nuôi trăn rầm rộ, sôi động nhất là ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi thị trường tiêu thụ quá hẹp, tạo ra cảnh “hàng nhiều dội chợ”, giá cả tuột dốc thê thảm. Trước tình hình đó, nhiều người nuôi trăn chán nản, chuyển sang nuôi cá, nuôi tôm hoặc gia cầm. Riêng anh Thai và một số bạn bè vẫn tiếp tục bám nghề nuôi trăn. Anh tin chắc rằng con trăn sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế ổn định vì da trăn là một trong những loại sản phẩm cao cấp có giá trị kinh tế cao, thịt trăn vừa ngon vừa bổ dưỡng, đặc biệt mật trăn và mỡ trăn được dùng phổ biến trong y học.

Đúng như dự đoán của anh, năm 2001, những người nuôi trăn đã phấn khởi trở lại do tìm được thị trường Ý, Trung Quốc, Nhật... Từ đó, nhiều người nuôi trăn, trong đó có anh Thái Vinh Thai đã chủ động tìm cách hợp tác, liên doanh với các cơ sở xuất khẩu để tăng sức cạnh tranh, cụ thể như Công ty da Tây Đô. Tới nay, các hợp đồng liên doanh giữa anh với các công ty xuất khẩu đã tỏ ra rất có hiệu quả và ngày càng chặt chẽ, giúp cho anh thêm yên tâm sản xuất.

Theo anh Thai, nghề nào cũng vậy, muốn đi đến thành công trước hết phải có quyết tâm cao, kế đến là bề dày kinh nghiệm. Nếu không nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, không chịu tìm hiểu, học hỏi thà đừng nuôi còn hơn. Từ việc làm chuồng trại, chọn con giống cho đến thức ăn và cho trăn sinh sản... anh đều thông thạo như một chuyên gia. Anh nói: khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi trăn là sản phẩm và đầu ra. Muốn có sản phẩm tốt phải nuôi đúng kỹ thuật và đúng bài bản. Muốn cho đầu ra ổn định phải nghĩ đến hợp đồng xuất khẩu.

* Chia sẻ kinh nghiệm

Hôm tôi đến thăm anh, không khí thật tất bật, người căng da trăn, kẻ tháo da cuộn lại. Anh Thai cho biết, việc đầu tư cho con trăn không lớn lắm, bình quân một chuồng bằng cây tạp chỉ tốn khoảng 150.000 đồng. Thức ăn cho trăn gồm có: chuột, gà, vịt. Thông thường trăn thích ăn thịt sống nhưng anh đã tập cho nó ăn vật chết ngay từ lúc còn nhỏ nên rất dễ nuôi. Điều quan trọng là người nuôi phải biết theo dõi thời tiết biến đổi bất thường để đề phòng bệnh cho trăn, nhất là bệnh sổ mũi và đẹn (lở miệng).

Mùa giao phối của trăn sẽ diễn ra từ tháng 10 - 12 âm lịch và đẻ từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4. Trứng trăn ấp đúng 58 ngày sẽ nở. Hằng ngày, anh Thai chăm sóc từng quả trứng, từng chú trăn con và trăn mẹ để theo dõi tình trạng sức khỏe của chúng và kịp thời xử lý, giúp chúng mau lớn, đặc biệt là sau mỗi lần lột da, trăn ăn mạnh và lớn rất nhanh.

Trại của anh hiện nay có tất cả 1.700 con trăn, trong đó, có 600 con bố mẹ, con lớn nhất khoảng 70 kg, gồm hai loại: trăn vàng và trăn đất. Người Nhật rất thích da trăn vàng nhờ hoa văn vàng, đẹp và sáng. Trong quá trình khai thác, thợ lột da trăn phải hết sức cẩn thận, vết cắt thật khéo léo, nhẹ nhàng và thành thạo, chính xác, không được làm cho da trầy xước. Lột xong phải có người căng da trên một tấm ván có chiều dài tương đương với chiều dài của da trăn. Sau khi khô, da trăn được cuốn hoặc xếp lại chờ giao hàng. Theo hợp đồng, da trăn được chia làm ba loại I, II và III tùy theo kích thước. Ngoài tiền bán da trăn ra, người nuôi còn bán được thịt trăn 20.000 - 30.000 đồng/kg và mỡ trăn, mật trăn cho người tiêu dùng.

Với lượng trăn bố mẹ dồi dào như thế nên mỗi vụ trại Hồng Quang sản xuất trên vài ngàn con trăn giống bảo đảm chất lượng. Từ công việc làm ăn thuận lợi, anh Thai đã liên kết với nhiều trại chăn nuôi và các hộ nuôi gia đình trong khu vực và tại địa phương để hợp đồng cung ứng con giống và thu mua lại trăn thịt, trăn lấy da với giá cả hợp lý. Hiện nay, bình quân mỗi năm anh xuất đi khoảng 3.000 tấm da trăn đủ loại tùy theo hợp đồng. Ngoài ra anh còn một đàn cá sấu trên 200 con, mỗi năm sinh sản trên 400 con.

Theo anh Thai, môi trường ở vùng Bảy Núi (An Giang) nuôi trăn là phù hợp và mang đến lợi nhuận cao, bởi vì người nuôi sẽ tránh được nhiều rủi ro so với nuôi bò, heo, gà vịt hoặc cá. Ngoài ra nuôi trăn cũng không đòi hỏi phải có mặt bằng lớn, vốn nhiều, không gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Nguyện vọng của anh là được các ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thông tin thị trường, đồng thời hỗ trợ sản xuất để giúp bà con nuôi trăn có được những hợp đồng sản xuất ổn định và lâu dài.

Tuy tuổi đã 60 nhưng trên gương mặt anh lúc nào cũng toát lên vẻ tự tin. Anh là một tấm gương tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh, với tính cần cù chịu khó và ý chí quyết tâm, vượt qua những yếu tố cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường để làm giàu một cách chính đáng. Anh rất xứng đáng được sự hỗ trợ về tinh thần cũng như về kỹ thuật của Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang và nhận bằng khen của UBND huyện Tri Tôn về thành tích đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực chăn nuôi tại một huyện miền núi.

Bài, ảnh: HOÀI PHƯƠNG
 
Top