• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Tận diệt Tam Đảo.

KimCuong

Active Member
[imgl="Cá Cóc, tên khoa học là Paramesotriton deloustali.1"]http://www2.vietbao.vn/images/vn65/xa-hoi/65103201-small_112371.JPG[/imgl]
Đương nhiên, ai cũng biết một câu như thế này: “Săn bắt thú rừng là chuyện nói mãi rồi vẫn thế”. Nhưng lần này, chúng tôi vẫn bất ngờ khi chứng kiến cá cóc được xem là "báu vật" của Vườn Quốc gia Tam Đảo (có tên trong Sách đỏ Việt Nam), nhưng vẫn bị bán làm đồ lưu niệm cho khách tham quan ngay giữa vườn quốc gia này.

Phố núi không yên tĩnh

Tam Đảo yên tĩnh và dễ thương - cái yên tĩnh của thị trấn nằm thảnh thơi trên đỉnh núi với những lang thang mây mù. Mà điều may mắn là thị trấn phố núi này lại nằm ngay kề Hà Nội (cách Hà Nội 70 km về phía Bắc) nên cứ cuối tuần là khách du lịch đổ bộ lên đông nghẹt.

Đi dạo một vòng qua vài cái quán thịt thú rừng ở thị trấn đã nhìn thấy ít nhất hơn 10 tiêu bản động vật rừng, cả sơn dương, hươu, nai, nhím, chồn, cáo... nhồi trấu. Đến dâu cũng gặp những khuôn mặt đỏ tưng bừng quanh các mâm, bàn lỏng chỏng những ly cốc. Chỉ vài bước chân lại nghe tiếng hô: “một, hai, ba, dô!”. Rồi lại chứng kiến cảnh thịt lợn rừng, sơn dương, rắn hổ mang, nai... bị sẻ thịt tanh bành giữa thanh thiên bạch nhật. Điều đau đớn là hình như quán nào cũng có vả lại chúng lại được bán với giá rất phải chăng.

Thấy tôi nhìn bàng hoàng những hũ, lọ rượu ngâm đủ các thứ, ông chủ cửa hàng nhanh nhảu tiếp thị: “Rượu ngâm sáp ong, rượu sơn dương, tay gấu, pín hổ... Gi gỉ gì gi cái gì cũng có. Kể cả cái này”. Con vật mà ông chủ “tự hào” là những con cá cóc nho nhỏ, thứ động vật là thành viên số 36 trong danh mục thực vật, động vật rừng quý hiếm. Một loài đặc hữu chỉ có ở Tam Đảo: “Quý hiếm gì! Trẻ con ở đây toàn bắt lột da ăn chơi. Mà anh làm mấy con, về nuôi trong bể kính cũng ngộ lắm!".

Tưởng nói chơi, không dè, ông chủ hàng ở chân núi Tây Thiên (vườn quốc gia Tam Đảo) mang ra một chậu cá cóc. Mỗi con to bằng đầu ngón tay cái, dăm ba con chung lại mới được 1 lạng thịt. Nó có tên là loài cá cóc, người dân địa phương gọi là con sấu đá (vì hao hao con cá sấu thật).

Mấy năm trước, dân địa phương bày cá cóc bằng chậu bằng bị, bao gai... dọc đường, nghĩa là phơi ra giữa bàn dân thiên hạ bán một cách công khai. Kiểm lâm có đuổi thì cái sự ngang nhiên ấy được đưa vào "hoạt động bí mật". Ai có nhu cầu mua, bất kể số lượng, đều có thể đáp ứng.

Theo chân một cậu bé, chúng tôi tiến dần vào trung tâm rừng Tam Đảo. Đây là địa bàn quen thuộc của người dân bản địa với “tập quán” phá rừng kinh khủng của mình. Cậu này kể: “Mấy năm trước, cá cóc nhiều lắm. Bây giờ chẳng hiểu sao nó đi đâu sạch!”. Cậu nhớ lại thời “hoàng kim” của nghề: “Trước kia, một đêm cháu phải bắt được vài bao! Cứ bán 5.000 đồng/con cho khách du lịch nhưng bây giờ hiếm nên phải 20.000 đồng/con”.

Cũng may cho các cóc một điều, người ta (chủ yếu là khách du lịch) chỉ mua vì lạ chứ không phải là thuốc bổ, là thức nhắm nhiều chất dinh dưỡng nên giá cả cũng "bèo" lắm. Có lẽ vậy nên cá cóc bây giờ vẫn còn thoi thóp, cứ chịu khó đi tuần trong rừng thi thoảng cũng gặp.

Phá rừng là “nghề tay trái”

Hầu hết các xã nằm trong vùng đệm của rừng quốc gia Tam Đảo đều là những xã nghèo, diện tích đất bình quân trên đầu người thấp chủ yếu chỉ dựa vào nên “nông nghiệp su su”. Nên ngoài sự thu nhập này, người dân lại lao vào rừng kiếm lâm sản phục vụ du khách như là một nghề tay trái.

Sách đỏ Việt Nam (trang 235) ghi rõ: Cá cóc có tên khoa học là Paramesotriton deloustali, thuộc họ cá cóc Salamandridae, Bộ Nhái ếch có đuôi Caudata. Cấp độ nguy cấp bậc E (sắp tuyệt chủng). Nó được ghi nhận là một trong năm loài cá cóc Việt Nam, theo chương trình hợp tác nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Việt Nam giữa Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật với Bảo tàng động vật Konic Bon (Đức). Như vậy, hồ sơ bảo vệ về mặt pháp lý đối với loài đặc hữu quý hiếm mà phạm vi phân bố hết sức nhỏ hẹp đã được cả “ta” và “Tây” chuẩn bị hết sức chu đáo và đầy đủ. Nhưng, như thế không có nghĩa là chúng đã được an toàn.

Chính “tập quán” kinh khủng này đã khiến Tam Đảo ngày suy kiệt. Tôi trò chuyện với một kẻ sát thủ rừng kỳ cựu Nguyễn Văn Hưng. Chỉ cách đây mấy năm, vị này cũng ồ ạt vào rừng mở chiến dịch bắt bướm bán cho người nước ngoài. Bắt nhầm hơn bỏ sót nên ti tỉ những sinh vật sa lưới, từ cánh cam đến bướm, côn trùng cánh cứng, cánh mềm... cứ bắt hết. Con nào không bán được, chết bỏ. Hưng nhớ con bướm “đỉnh cao” mà mình bán được có cái giá mà trong mơ anh cũng không tưởng tượng được: 4 triệu đồng/ con.

Sau này, do kiểm lâm (nhớ mặt) làm gắt nên Hưng cùng nhiều người khác chuyển sang nghề khai thác phong lan. Bây giờ có lẽ khách du lịch bây giờ chỉ yên tâm khi mua phong lan ở Tam Đảo bởi đó là những giò phong lan xịn. Ngay ở cái chợ nhỏ nằm giữa thị trấn phong lan rừng đủ kiểu được treo toòng teng. Có những giò còn tứa đầy những nhựa. Cô bán hàng cho biết: “Trong rừng vô khối, cứ hạ một cây gỗ là kiếm được hàng chục giò phong lan, tội gì phải mất công mang từ dưới xuôi lên”. Vậy mà gần trăm giò lủng lẳng treo ấy, chỉ đến chiều đã hết sạch. Ngẫm con số cây rừng bị chặt hạ để thu hoạch phong lan mới hay tốc độ tật diệt rừng ở đây đang diễn ra như thế nào.

Công bằng mà nói ở Tam Đảo cũng có khá nhiều tấm bảng được dựng lên với nội dung thông tin nghe rất oách và quyết liệt như: “Cấm buôn bán, săn bắn và tiêu thụ động vật hoang dã” hay “Không bày bán, giết thịt động vật rừng”... nhưng dường như không mấy kết quả. Một sát thủ rừng nói thẳng: “Sợ chứ! Cũng biết bị bắt là phải đi tù nhưng nhìn quanh chưa thấy ai bị bắt mấy. Vả lại nếu có nghề gì để kiếm cái cho vào miệng hàng ngày là em sẵn sàng bỏ bẫy bỏ súng ngay”. Thế đấy. Có lẽ, chuyện phá rừng ở Tam Đảo sẽ vẫn còn quẩn quanh. Và cứ với “tiến độ” phá rừng “ổn định” như thế này, e rằng chẳng bao lâu nữa, hình ảnh về hòn đảo xanh của rừng quốc gia Tam Đảo chỉ còn trong dĩ vãng.

Theo_VnMedia
 
Top