• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Sếu về, biết ở đâu?

amifidele

Member
Sáng 29-3, đúng vào thời khắc mà Hội Sếu quốc tế tiến hành triển khai đồng loạt việc đếm sếu tại ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia thì những người thuộc dự án bảo tồn đồng cỏ bàng tại Phú Mỹ, Kiên Lương (Kiên Giang) - bãi ăn của sếu, từng nhận hai giải thưởng quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tốt nhất, đã báo tin không vui: nơi đây đang bị con người băm nát.





Sếu đầu đỏ về trú ngụ ở đồng cỏ bàng tại Phú Mỹ.
Hình ảnh này ngày càng ít đi vì con người đang tấn công nơi đây -Ảnh: Thanh Nhã



Chúng tôi về Phú Mỹ, Kiên Lương khi nghe tin không vui nói trên. Văn phòng ban quản lý dự án nằm cạnh UBND xã Phú Mỹ vắng tanh, một người dân nhà gần đấy cho biết tất cả cán bộ đều đang ở ngoài đồng cỏ bàng. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi ra cánh đồng cỏ bàng - bãi ăn của đàn sếu đầu đỏ quý hiếm. Từ xa, chúng tôi dễ dàng nhận ra chi chít các tuyến kênh được xẻ dọc ngang trên cánh đồng cỏ năn, tràm bạt ngàn. Nắng tháng 3 như đổ lửa, táp rát mặt người vậy mà các cán bộ ban quản lý dự án vẫn phải lom khom đo đếm những tuyến kênh dọc ngang vừa bị đào xới chia cắt dự án.

Băm nát dự án
Tiến sĩ Trần Triết - trưởng chương trình khu vực Đông Nam Á thuộc Hội Sếu quốc tế - quệt mồ hôi than: “Tiêu rồi! Công sức anh em tụi tui bỏ ra hàng mấy năm trời thuyết phục tỉnh giao đất dự án, rồi kêu gọi quốc tế tài trợ bảo tồn. Hàng trăm ngàn đôla đã được quốc tế đầu tư vào đây để giữ bãi ăn cho đàn sếu đầu đỏ quý hiếm nay đang có nguy cơ tan tành”. Ông Hà Trí Cao, điều phối viên dự án bảo tồn đồng cỏ bàng ở Phú Mỹ, cho hay cách đây hai năm, khi dự án vừa triển khai thì một tuyến kênh được xẻ chạy qua dự án để phục vụ nuôi tôm. Tiến sĩ Trần Triết, với tư cách đại diện dự án, lúc ấy đã kiến nghị dừng việc xẻ kênh này và chính quyền tỉnh Kiên Giang sau đó đồng ý.

Tưởng là ổn rồi, vậy mà bây giờ khi tuyến kênh ấy không phát huy tác dụng thì đến lượt những người dân giàu có ở địa phương thuê máy móc vào đào kênh, đắp bờ bao dọc ngang xâm hại nghiêm trọng dự án. “Chúng tôi mới phát hiện việc người dân thuê máy móc vào múc kênh, phân lô cách nay vài hôm. Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi đã báo cáo UBND xã yêu cầu các hộ dân ngừng đào xới xâm hại dự án và xã đã can thiệp. Tuy nhiên, việc xử lý chậm nên thiệt hại khá lớn” - ông Cao nói.

Theo ông Cao, thống kê đo đạc sơ bộ có 6/9 hộ dân (hầu hết có đất đai, nhà cửa ổn định) đã thuê máy móc ào ào tiến vào múc kênh và có ít nhất khoảng 5.200m bờ bao được đắp hoàn chỉnh, hàng chục kênh nhỏ (mỗi kênh rộng 1-2m, sâu hơn 1m) chi chít như bàn cờ chạy dọc ngang trong phạm vi dự án. “Hầu hết những hộ dân sống quanh dự án đều đồng tình không xâm hại dự án vì dự án đã mang lại cuộc sống sung túc cho họ. Nhưng đáng buồn, sáu hộ dân này phần lớn là khá giả” - ông Cao nói thêm.





Những con kênh như thế này đã xẻ ngang
xẻ dọc đồng cỏ bàng ở Phú Mỹ-Ảnh:H.T.D.


Sẽ kiến nghị phục hồi nguyên trạng

Dự án bảo tồn đồng cỏ bàng đã nhận hai giải thưởng quốc tế danh giá. Đó là năm 2006, Tổ chức UN - HABITAT của Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng cho dự án phục hồi thiên nhiên tốt nhất, và năm 2007 UNDP của Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng cho dự án bảo tồn thiên nhiên kết hợp nâng cao đời sống người dân các nước vùng xích đạo tốt nhất.

Theo tiến sĩ Triết, việc dự án bị xâm hại đã làm xáo trộn nghiêm trọng môi trường khu vực bãi ăn của đàn sếu. Nếu không khắc phục kịp thời thì hậu quả không chỉ sếu không về kiếm ăn ở đây nữa, mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến niềm tin của quốc tế đối với một dự án từng nhận hai giải thưởng quốc tế danh giá.

Vì vậy trong ngày 29-3, tiến sĩ Trần Triết đã chính thức có văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan chức năng của tỉnh yêu cầu dừng ngay mọi sự tác động đến dự án, xử lý những cá nhân xâm hại dự án.

Cũng theo tiến sĩ Triết, vì đang vào mùa sếu bay về kiếm ăn nên trước mắt ngay trong những ngày tới, ban quản lý dự án sẽ tiến hành lấp các tuyến kênh do dân đào để khôi phục hiện trạng ban đầu.

HOÀNG TRÍ DŨNG
Báo Tuổi Trẻ
 

amifidele

Member
Người giữ đất cho sếu



Tiến sĩ Trần Triết (giữa) cùng các đồng sự và sinh viên đang mải mê đếm sếu



Vào Giờ trái đất, toàn bộ đèn ở khu bảo tồn dự án đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) vụt tắt. Tiến sĩ Trần Triết cầm đuốc châm vào đống củi. Lửa trại bùng lên, thầy trò khoa thực vật – môi sinh trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM nắm tay nhau quanh lửa, và hát vang: “Trái đất này là của chúng mình”…


Một ngày trước đêm lửa trại, thầy trò tiến sĩ Triết đã đi kiểm kê “hạc khẩu” ở Kiên Lương, một công việc mà họ thực hiện đều đặn hàng năm. Cùng theo TS Triết là hai thạc sĩ và sáu sinh viên đi thực địa với mục tiêu vừa đào tạo vừa “truyền lửa”.

Đếm sếu, kiểm đất
Vừa từ TP.HCM xuống, TS Triết đã dẫn nhóm đồng sự và học trò ra mảnh đất hoang thuộc ấp Trà Khọt, xã Phú Mỹ, quan sát, đếm sếu. Vùng đất này là cánh đồng đầy những ao nuôi tôm bị bỏ hoang. Sếu về đây rất đông, tụ lại từng bầy, kêu vang trời. Ở một bãi ngủ chủ yếu của loài linh vật này ở Kiên Giang, có lúc anh Hà Trí Cao, điều phối viên dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ, đếm được đến trên 200 con. Khu vực rộng 1.200 hecta này là đất của quân đội, và một vị chỉ huy ở đây đã hứa sẽ bảo tồn sếu. Nhưng trong buổi kiểm sếu, anh Cao lại cho biết mảnh đất này vừa được trả lại tỉnh và lập tức tỉnh có ngay dự án xây hai cái cầu và phân lô đất để lại… nuôi tôm.

Sáng sớm hôm sau, cả đoàn lặn lội ra bãi mỏ đất sét của nhà máy xi măng Holcim xem sếu. Mặt trời chưa mọc mà bầy sếu đã vội đi kiếm ăn. Ông Hiền, cộng tác viên người địa phương của ông Triết tại khu vực này, cho biết sếu chỉ ngủ ở nơi xâm xấp nước, nhưng vùng đồng cỏ này đã ngập nước quá cao, nên sếu không có chỗ ngủ, thức và kêu suốt đêm. Ông Hiền cuối cùng phát hiện ra là người dân đã đào đất đắp đê bao giữ nước ngọt dùng cho việc pha loãng nước biển nuôi cá mú.

Giữ đất cho sếu
Đang kiểm sếu ở nơi khác, TS Triết nhận được “hung tin”: vùng đồng cỏ bàng Phú Mỹ lại bị xâm hại. Ông đã đổ công sức để xây dựng một dự án tạo công ăn việc làm cho bà con Khmer trong khu vực đồng cỏ bàng để họ đừng phá sếu, nhưng giờ đất đồng cỏ bàng Phú Mỹ lại bị cày xới một góc rộng lớn để đắp đê “xí phần”. Thạc sĩ Nguyễn Phúc Bảo Hoà, đồng sự của TS Triết, uất ức lắm vì bốn ngày trước anh còn phục bẫy sếu ở đó để đem về nghiên cứu. Vậy mà chỉ cần hai ngày là đê bao chiếm đất đã giăng ngang giăng dọc.

“Vụ này lớn à, phải tranh đấu tới cùng thôi”, TS Triết lẩm bẩm. Giữa trưa nắng đổ lửa, ông lội vào khu bị lấn chiếm, vào tận ấp tìm cho ra những người xâm hại đất bảo tồn. Ông liên hệ các đầu mối để đánh động vụ việc. Rồi ông vào chùa, giải thích, thuyết minh mục đích tốt đẹp của dự án cho các nhà sư để họ hiểu và thuyết phục lại cho người dân.

Lời nhắn trong Giờ trái đất
Mừng Giờ trái đất chỉ có nồi cháo vịt và dăm đĩa trái cây. Bên ánh lửa bập bùng, TS Triết trầm giọng nhắn nhủ các học trò. Ông đưa ra so sánh rằng cả miền Nam có khoảng bốn triệu hecta đất nông nghiệp, trong đó khoảng 2,5 triệu hecta là trồng lúa, hà cớ gì chỉ một vài trăm hecta cho sếu mà cũng bị biến luôn thành đất nông nghiệp. Đất ngập phèn đâu thể trồng lúa, nuôi tôm, chỉ có cỏ năn, cỏ bàng mọc. “Đây sẽ là những mảnh đất cuối cùng để chúng ta có thể bảo tồn thiên nhiên. Trước áp lực phát triển quá lớn, đất nước ta đã hy sinh nhiều hệ sinh thái. Không như các hệ sinh thái đơn giản của Bắc Mỹ, châu Âu, các hệ sinh thái phức tạp của nước ta khi đã bị tàn phá thì hầu như không thể phục hồi”, ông giảng giải và mong học trò tiếp tục đấu tranh giữ gìn từng góc, từng mảng thiên nhiên quý báu. Bởi ngoài những chuyện to tát như bảo vệ hành tinh, bảo vệ đất nước, việc bảo vệ thiên nhiên cũng rất thiêng liêng, cao quý.
Giờ trái đất đâu chỉ đơn giản là “tắt đèn, bật tương lai”…
bài và ảnh Đoàn Đạt
Báo Sài Gòn Tiếp Thị
 
Top