• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Săn thú rừng

soi_lua

Member

Quê tôi ở miền Trung, nằm trong một thung lũng thuộc dãy núi Trường Sơn. Trên phi cơ nhìn xuống thấy Quốc lộ 19 chạy ngang qua làng và sông Côn nằm quanh co phía sau như một con rắn. Ruộng đất màu mỡ phì nhiêu nhờ hệ thống dẫn thủy từ các suối nước trên núi chảy về. Từ nhà tôi đi bộ khoảng một tiếng đồng hồ về hướng nam là đến ven núi. Ngoài lúa gạo, quê tôi còn có nhiều thổ sản khác như bắp, đậu, mía, và các loại khoai. Quanh năm, người dân thu hoạch những thổ sản nầy theo từng mùa. Nhờ sống ở nhà quê nên tôi được thưởng thức tất cả những thú vui của làng xóm. Giờ đây, ở tuổi già, sống xa quê đến nửa vòng trái đất và chưa về được để thăm quê cũ, đêm đêm hồi tưởng lại thấy không có gì vui cho bằng thời niên thiếu ở quê nhà.

Nhớ lúc nhỏ, tôi thường theo một người bạn của cha tôi đi săn nai bằng súng và theo cậu tôi săn nai bằng chó săn. Rừng ở quê tôi có rất nhiều nai và cọp cũng như voi. Cậu tôi có hai con chó săn rất giỏi, một con vện màu vàng và một con mực. Có hai cách săn nai với chó: bằng lưới và bằng sức người. Lưới đan bằng dây gai, bề cao khoảng 1m60, bề dài khoảng 20m. Thường thường mỗi lần đi săn họ giăng 3 hoặc 4 tấm lưới liên tiếp, tùy theo số lưới khuân theo. Săn lưới không được thông dụng vì phải cần người khuân đi khuân về và khổ nhất là những hôm gặp mưa lưới bị ướt nên khuân rất nặng và sau đó còn phải phơi lưới cho khô. Vì vậy mà việc săn nai bằng chó săn và bằng sức người thịnh hành hơn. Gặp ngày không được nai, nếu không muốn về với hai tay không, mỗi người có thể chặt ít cây rừng vác về làm củi đun cũng đỡ vốn. Săn nai bằng sức người là một môn giải trí rất công phu và thích thú. Trước tiên phải có một ông bầu. Ông bầu là người có khả năng nuôi chó săn giỏi. Ít nhất phải nuôi từ 2 đến 4 con. Có kinh nghiệm tìm mua và nuôi những con chó biết săn. Làng tôi có được ba ông bầu săn, kể cả cậu tôi. Hai người kia cũng bà con và thuộc loại địa hào trong làng. Các ông ấy làm bầu săn để giải trí. Những người theo đi săn dù có hay không có chó cũng được, và lúc được nai, thịt chia đều theo nguyên tắc công bằng.

Mùa xuân là mùa săn nai vì nai ở rừng già (cây cao) xuống rừng cây thấp để ăn lá non. Sau mấy tuần lễ nắng liên tiếp trời đổ trận mưa lớn, ngày hôm sau là ngày đi săn tốt nhất. Nhờ có mưa nên lá rừng ướt và đất cũng ướt, chó săn dễ đánh hơi để đuổi nai.

Tối hôm trước, sau bữa cơm tối, mọi người nghe ba hồi còi (tù-và làm bằng sừng bò), đó là tiếng còi của ông bầu báo cho mọi người biết ngày mai sẽ đi săn. Mỗi ông bầu còi mỗi cách nên dễ phân biệt. Lúc nghe tiếng còi, chó trong nhà mừng ngoắt đuôi và chạy quấn quít bên cạnh chủ nó. Khoảng gà gáy, người đi săn thức dậy nấu cơm và bới theo để ăn trưa. Nếu nhà nào khá giả thì cho chó ăn bữa sáng, nếu không thì chỉ cho ăn trưa mà thôi. Trời vừa hừng đông, từ điểm tập trung, ông bầu còi mấy lần nữa để người đi săn biết đến đó và cùng đi.

Những con chó đi theo người chủ trông rất chững chạc và kỷ luật. Khi đến địa điểm săn, ông bầu bắt đầu phân công người và chó săn tùy theo kinh nghiệm. Tất cả chó săn đều phải cột dây để tránh vào rừng đuổi nai trước khi chuẩn bị kế hoạch. Về người thì chia ra ba nhiệm vụ: " đem muông" (tìm dấu nai); " hờ dông" (chờ và chận không cho nai qua phía bên kia núi); và " hờ bằng" (chờ nai nơi đất bằng và các nơi có nước). Chó săn thì chia ra hai loại: loại đuổi đường dài và loại đuổi đường ngắn. Loại đuổi đường dài thì theo người " đem muông" và " hờ dông" , loại đuổi đường ngắn thì theo người " hờ bằng" . Chủ và chó săn cùng đi với nhau theo từng toán.

Dông là một nơi hai bên bờ núi cao có một cái eo thấp, nai dùng eo nầy để chạy thoát từ núi bên nầy qua núi bên kia. Vì phải trèo dốc để lên eo núi nên mọi người phải chờ đến khi người " hờ dông" trèo đến đỉnh dùng còi báo cho biết là họ đã đến nơi, lúc đó người " đem muông" mới bắt đầu đi lùng tìm nai. Khi thấy chân nai, người “đem muông” có thể phân biệt được là dấu chân cũ hoặc mới của nai vừa đi ăn khi hôm để lại. Đồng thời họ nhìn thấy màu lá xanh bị chân nai đạp, họ cũng biết ngay dấu chân loại nào. Khi gặp dấu chân mới, chó của người " đem muông" bắt đầu đánh hơi nên nhảy chòm tới rất hăng nhưng người chủ không thả dây cột cho đến khi gần tới chỗ nai đang nằm ngủ mới tháo dây. Vừa thả chó ra người chủ vừa la to: Nai, nai....Thế là nai mất hồn chạy và chó tiếp tục đuổi theo. Người chủ thỉnh thoảng kêu tên chó của mình để vừa thúc dục vừa cho nó biết là mình đang ở chỗ nào. Nếu nai chạy lên eo núi thì người " hờ dông" theo dõi tiếng chó sủa và rình sẵn. Khi nai chạy gần đến đỉnh dốc, người " hờ dông" mới thả chó và la to làm cho nai sợ hãi và chạy xuống dốc trở lại. Lần nầy, vì có tiếng la và chó đuổi bất ngờ nên nai sợ hãi, đôi khi bị ngã lăn hoặc chạy xuống dốc nên nai bị toát móng, buộc nai phải chạy ra gò trống không cây cối để dễ chạy. Vì khát nước, nai bắt đầu tìm đến các lạch suối hoặc ao hồ để uống nước. Lúc đó người " hờ bằng" chực sẵn thả chó tiếp sức và rượt theo để đâm nai. Có khi nai không lên dốc qua eo mà cứ chạy loanh quanh mãi trong rừng. Trường hợp nầy thì nai ít bị mệt nên không chạy ra gò trống. Vì nai chạy lòng vòng, các dấu chân dẫm lên nhau, chó lạc hơi nên bỏ cuộc. Thế là buổi đi săn hôm đó xem như lỗ công.

Sau khi nai ngã, người đâm nai thổi mấy hồi còi báo cho mọi người biết để tập trung lại và chặt củi khô đốt lửa thui nai. Nếu gặp nai chà (nai đực) thì to cỡ như con trâu. Thui xong rồi xả thịt. Lúc xả thịt, chó săn nằm nghỉ ngơi rất im lặng. Nếu có con nào léng phéng chạy vào chỗ xẻ thịt thì bị những con chó đàn anh trị cho một trận đòn đích đáng. Việc đầu tiên là cắt thịt thăn (thịt dọc hai xương sống) để cúng. Thấy ông bầu khấn vái nhưng không nghe rõ là khấn vái ai và cúng ai, tôi đoán là cúng Sơn Thần. Xong rồi lấy thịt cúng chia đều cho tất cả chó săn ăn ngay tại chỗ. Lòng nai thì đem đến suối nước gần đó rửa sạch sẽ. Còn huyết thì dùng bầu nước để đựng (ở quê người ta dùng trái bầu khô để đựng nước). Kế tiếp là phần chia thịt cho mọi người theo nguyên tắc đã được ấn định thật là công bằng và " logic" . Phần ông bầu thì hưởng cái đầu và nọng (nọng là phần từ cổ lên đầu), bốn cái chân (phần từ đầu gối trở xuống), gạc (sừng của nai đực), gạc nhung (sừng non - món nầy rất quý được bán cho mấy tiệm thuốc bắc nấu " giao" (cao) ngâm rượu làm thuốc bổ). Phần " giáo tiên" (tức là người đâm nai lần đầu nhưng nai chưa ngã) được một bả vai. Phần " giáo nhì" (tức là người đâm nai ngã) cũng được một bả vai. Nếu người nào đâm một lần mà nai ngã thì lãnh cả hai bả vai. Chó đuổi đường dài (tức đuổi từ đầu đến khi nai ngã và chỉ có ông bầu mới có loại chó nầy - đôi khi cũng có người không làm bầu mà có loại chó giỏi) lãnh một đùi sau. Đùi nặng khoảng 120 cân Anh. Chó đuổi đường ngắn (nghĩa là khả năng đuổi chỉ có một quãng nào đó) lãnh một đùi trước. Việc chia hạng chó rất chính xác và công bằng vì ai ai cũng thấy con nào đuổi theo nai. Chót hết, số thịt còn lại cứ đếm đầu người chia đều không phân biệt già trẻ, lớn nhỏ. Thịt được xỏ vào dây mây và dùng cây làm đòn gánh. Trên đường về mọi người ai nấy đều thơ thới vui mừng mặc dù sau một ngày chạy theo nai mệt mỏi.

Tin được nai đã được thông báo người ở nhà biết nên nhiều người chờ sẵn để mua thịt. Từ đầu làng nhìn thấy mọi người khiêng gánh chứ không phải đi thong thả như những ngày ra về tay không. Tối hôm đó, từ đầu làng đến cuối xóm, nhiều gia đình đưa cay với vài xị đế cùng thưởng thức những món ăn ngon miệng như thịt xào lăn với sả xúc bánh tráng, cháo lòng, thịt nướng lá lốt, hoặc chả thịt bầm v.v... Nếu thịt ăn không hết còn dư thì làm món mắm nai dự trữ ăn cho mùa đông mưa gió. Tóm lại ông bầu được rất nhiều thịt vì ông có chó săn giỏi.
Lựa chó biết săn là cả một vấn đề kinh nghiệm. Phải xem tướng để biết chó nào biết săn, siêng năng, và săn đường dài không bỏ cuộc v.v... Chó đốm lưỡi (có bớt đen trên lưỡi) là loại chó khôn, dễ dạy. Chó khôn khi gặp nai không khi nào cắn nai từ phía sau vì sợ nai đá, còn gặp heo rừng không khi nào chạy trước mặt vì sợ heo húc bằng nanh. Mũi ướt là loại chó đánh hơi giỏi. Tai dựng đứng và nhỏ thì tốt, nếu tai quặp khi vào rừng dễ bị gai cào rách. Hai chân trước dãn ra, ngực nở, và bụng thóp là loại chạy nhanh và khỏe. Đuôi chỏng ngay lên hoặc cuốn cong tròn trên lưng và chót đuôi phải dấu kín bên trong, nếu ló ra ngoài là loại làm biếng đuổi nai một quãng rồi trốn ra ngoài tìm gốc cây nằm ngủ, đôi khi bỏ cuộc chạy về nhà. Mắt sâu là loại lì lợm. Chó săn giỏi thường bị mất tích, vì cọp nghe tiếng sủa đón đường chận bắt. Trường hợp nầy rất dễ biết vì chó đang sủa bỗng dưng im lặng.

Khi lớn lên, vì kế sinh nhai, tôi sống xa quê và chỉ về thăm mỗi năm được vài lần. Có lần tôi được nhìn lại vùng núi ở quê tôi từ trực thăng .... Nghe nói, trong thời chiến, đạn pháo bắn vào rừng nên thú sợ bỏ đi nơi khác. Đồng thời, cũng vì mất an ninh nên không còn ai dám đi săn bắn. Thỉnh thoảng có thịt rừng ăn là nhờ mấy ông phi công bắn từ trực thăng. Bây giờ thì rừng núi ở quê tôi trọc hết, một phần vì thuốc khai quang lúc trước, một phần vì chặt cây phá rừng cẩu thả không luật lệ.

Dù du lịch nơi đâu, sống ở xứ nào thì cũng thấy quê hương mình là đẹp hơn cả!

Phú Xuân

(soi_lua cắt bỏ một vài đoạn cho phù hợp)
 
Top