• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Săn bắn kiểu "tận diệt", thú rừng đại ngàn kêu cứu

minhcuong

Active Member
Chính quyền thì mải mê quy hoạch đất sân golf, chả thấy lo dạy dân nghề ngỗng tử tế, nên dân phá rừng bừa bãi. Hậu quả đã thấy trước mắt. :(
---------------------------------------------
Nguồn VietnamNet

Vườn Quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh có trên 70 loài động vật, trong đó có những loài động vật quý hiếm như voi, voọc, bò tót, sao la… Nạn săn bắn thú rừng theo cách “tận diệt” đã làm cho một số loại thú quý hiếm có nguy cơ biến mất khỏi cánh rừng đại ngàn này.

Từ lâu làng Kim Quang, Làng Cò, Kim Thọ, Tân Quang của xã Hương Quang (Vũ Quang) không chỉ “nổi tiếng” với việc phá rừng lấy gỗ còn được mệnh danh là “làng săn bắn”. Có tới hàng chục người dân lấy nghề săn bắn thú rừng làm nguồn thu nhập chính.

Chúng tôi được theo chân Hùng, một thợ săn vào Vườn QG Vũ Quang đặt bẫy thú. Hùng là tay thợ săn có tiếng ở làng Kim Quang bởi rất “sát thú”. Chỉ tay về cánh rừng xa thẳm trước mặt, Hùng nói: "Trước đây thì cứ đi khoảng 5km trong rừng là có thể đặt bẫy được nhưng giờ ít thú rồi. Để bắt được thú lớn và hiếm phải đi sâu trong rừng, có khi đến cả vùng núi giáp biên với biên giới nước Lào”.


Giẫm chân vào chiếc hố này, con thú sẽ bị sập bẫy và bên cạnh là sợi giây cáp dùng để bẫy thú, đây là thứ giây được thợ săn ở Vườn QG Vũ Quang sử dụng phổ biến khi đi săn, đặt bẫy. Ảnh: V.Định

Hùng dắt một con dao nhọn bên hông, cuốn một cuộn dây cáp vào ba lô rồi ra hiệu cho tôi đi rừng. Đang men theo khe suối, bỗng Hùng dừng lại. Anh ngồi xuống quan sát rất kỹ lưỡng những dấu chân của một thú và phát hiện ra vết chân con nai. Sau một lúc, Hùng đào một hố đất rộng khoảng 60cm, sâu 40 cm, thả sợi giây cáp đã thắt “cổ tỏi” xuống, đồng thời anh buộc một đầu sợi giây cáp lên ngọn cây tre bắt khum (cần bẩy) xuống.

Sau khi đặt dây cáp, gài lẩy, Hùng dùng một lớp cành cây bắc ngang hố đất, phủ một lớp lá khô lên trên. Vậy là chưa đầy 10 phút Hùng đặt xong một chiếc bẫy.

Một ngày theo Hùng vào rừng đặt bẫy, tôi đếm anh đặt được 7 cái bẫy. Không biết 7 cái bẫy này có đánh được 7 con thú không, nhưng số lượng bẫy này mới bằng một nửa số lượng bẫy Hùng đặt vào mùa mưa.

Theo Hùng, gần đây đi đặt bẫy thường đánh được nai, lợn rừng, nhiều khi còn đánh được bò tót, trâu rừng và cả trút. “Đặt bẫy không tốn sức như đi săn, nhưng lại đánh được thú lớn. Cứ đến mùa mưa người ở làng Kim Quang lại kéo nhau đi đặt bẫy. Có người, một ngày đặt trên 15 cái bẫy và có ngày một người bẫy được hai, ba con thú là chuyện bình thường”, Hùng cho biết.

Một con nai lớn vừa bị thợ săn ở làng Kim Quang hạ gục. Sau khi lấy thịt bán cho các quán nhậu, đầu sẽ được mang đi sấy khô làm cảnh. Ảnh: Duy Tuấn

Ngoài việc đặt bẫy thì Hùng cũng là một trong những tay thiện xạ trong việc săn thú. Theo tay thợ săn này thì trong xã Hương Quang có hàng chục người có súng hơi, súng thể thao. Cứ đến đêm là họ lại trang bị đèn pin, quần áo kín người và mang súng vào rừng. Thú bắn được chủ yếu là mang, sóc, chồn...

Tận diệt thú rừng làm mồi nhậu và làm cảnh

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì thú rừng sau khi săn được thường nhập cho một tay đầu nậu chuyên thu mua rồi nhập cho những nhà hàng ở Vũ Quang, Hương Sơn, TP Hà Tĩnh... Nhiều lúc các nhà hàng “đặt hàng” trực tiếp cho những tay thợ săn.

Ở xã Hương Quang có khá nhiều quán nhậu thịt thú rừng, nhưng nhiều hàng nhất phải kể đến quán của Hải và quán của Hoà.


Bầy thú rừng này đã bị biến thành những con thú chỉ để làm cảnh cho những ai có sở thích này. Ảnh: V.Định

Hải, chủ quán nhậu cho biết, thịt thú rừng của quán anh nhiều loại và luôn tươi sống. Nói xong, Hải cũng không ngần ngại đưa tôi vào nhà xem ba chiếc tủ lạnh chất đầy thịt thú rừng. Anh khoe: “Kkhi nhiều thì có khoảng 7 yến thú rừng của thợ săn đến nhập cho tôi mỗi ngày, còn ít thì cũng được vài ba yến. Thành ra ở quán tôi lúc nào cũng có thịt thú rừng tươi bán, nhiều nhất là lợn rừng, trâu rừng, khỉ...”.

“Săn bắn, đặt bẫy được con thú nào cũng nhập cho các quán nhậu trong xã, từ đó các quán nhậu này “làm luật” đưa hàng đi tiêu thụ nơi khác. Nếu thợ săn đánh được thú mà đưa đi tiêu thụ thì khó vượt qua Ban quản lý Vườn QG Vũ Quang”, một tay thợ săn ở làng Kim Quang cho hay.


Sóc, lợn rừng, đầu bò tót... Đây là những loài thú có ở rừng Vũ Quang. Nạn săn bắn thú rừng ở đây theo cách "tận diệt" đã làm cho rừng Vườn QG này có nguy cơ biến mất nhiều loài thú quý hiếm. Ảnh: Duy Tuấn

Ngoài việc làm mồi nhậu cao cấp, thì da của những con thú rừng ở Vườn QG Vũ Quang còn được khâu lại, sấy khô để làm cảnh. Đây cũng là mốt chơi ở Hà Tĩnh hiện nay.



Chúng tôi tiếp tục theo chân một tay thợ săn đi đến địa điểm chuyên thuộc da thú rừng làm cảnh ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn. Đến địa điểm trên, chúng tôi không khỏi giật mình vì số thú rừng được thuộc da làm cảnh rất nhiều, không thiếu loại nào: voọc chà vá, khỉ, gấu, chồn, nai,...



Da của thú sau khi lấy thịt xong sẽ được mang đến đây, được những tay thợ thuộc nhét rất nhiều loại vải, bông vào rồi khâu lại thành hình thù như cũ của con thú. Sau khi được sấy khô, chúng sẽ được bán với giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, tuỳ từng loại.

Voọc chà vá Vũ Quang có nguy cơ biến mất

Cách đây 10 năm, chỉ cần đặt chân đến Vườn QG Vũ Quang là đã nghe tiếng hót của voọc. Nhưng hiện nay thì đi sâu vào trong rừng cũng không có tiếng hót của loài thú quý hiếm nằm trong sách đỏ này. Nạn săn bắn thú rừng đã đẩy đàn voọc Vũ Quang lâm nguy, có thể biến mất trong nay mai.

Khi giới thiệu chúng tôi là những nhà nghiên cứu về động vật, ông Minh (68 tuổi) - thợ săn có tiếng một thời ở Làng Cò, nay đã giải nghệ tiết lộ về một thời chuyên săn voọc.


Đáng chú ý nhất, ở Vườn QG Vũ Quang có sự sinh tồn của loài voọc chà vá, ngũ sắc. Nay cũng đang đứng trước nguy cơ biến mất vì nạn săn bắn và mốt chơi thú cảnh. (hình ảnh 1 chú voọc sau khi bị hành quyết được đem đi sấy khô làm cảnh). Ảnh: Duy Tuấn

Ông cho biết: “Muốn bắn được một con voọc phải chờ mưa xuống, ngồi lặng thinh nghe voọc hót. Khi xác định voọc đang hót ở khu rừng nào, phải đi rất nhẹ để đến gần. Khi cách đàn voọc 200m, người thợ săn phải trườn bò từng mét, qua từng bụi cây. Đặc biệt không phát ra tiếng động cũng như không để đàn voọc phát hiện ra mình, bởi chúng có tai rất thính, mắt rất tinh. Sau khi bắn hạ được một con voọc phải để ý đàn voọc chạy hướng nào, nhiều khi đeo bám theo có thể bắn thêm được một vài con nữa”.

Ngồi bấm đầu ngón tay, ông Minh lắc đầu bảo: “Hồi voọc đang hót gần đền thờ Phan Đình Phùng, có ngày người dân bắn được ba, bốn con. Nhưng hiện voọc ít đi, có tháng người ta bắn được một vài con”.

Tiếng là bắn voọc sách đỏ, nhưng giá một con voọc của thợ săn ở Hương Quang bán thấp hơn một con khỉ. Con voọc nào dưới 8kg có giá từ 600.000 đến 700.000 đồng/con, còn con voọc nào trên 10kg có giá xấp xỉ 1.000.000 đồng/con.

Bây giờ, muốn mua một con voọc ở xã Hương Quang không khó. Chỉ cần bỏ ra 100.000 đồng “đặt cọc”, trong vòng ba tuần có voọc. “Xã Hương Quang nằm trong rừng, dân không đi chặt gỗ thì vào rừng đặt bẫy, săn bắn thú bán. Thử hỏi sống trong rừng làm nghề chi ngoài hai nghề này” - ông Minh nói thêm.

Đang trò chuyện, trời đổ mưa rào, ông Minh chỉ tay về cánh rừng trước mặt tâm sự: “Mới chục năm đây thôi, sau trận mưa như thế này là nghe tiếng voọc hót râm ran rừng. Nhưng vì người dân vào rừng săn bắn nhiều nên giờ rất ít nghe tiếng voọc hót trong rừng. Có vào sâu vùng rừng giáp nước Lào mới cơ may nghe được”.

Ông đưa ánh mắt buồn xa xăm nhìn rừng xanh. Một thời dưới bàn tay ông đã nhuốm máu của voọc và nay ông chứng kiến con cháu của mình đang giết hại đàn voọc. Không biết rồi đây ai sẽ cứu đàn voọc Vũ Quang thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng?

Duy Tuấn - Văn Định
 
Top