• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Rừng hết, thú không còn!

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Xã Macoiih nổi tiếng rừng già. Nhưng mấy năm nay, hầu như chẳng còn bao nhiêu gỗ!


Lâm tặc đã hạ gần hết những cây gỗ to thế này - Ảnh tư liệu của Kiểm lâm Đông Giang

Khoảng 4 giờ 30 sáng, tôi bật dậy bởi có tiếng xe rì rầm. Trong màn sương mờ đục, một chiếc xe cọc cạch có cần cẩu đang đổ dốc A Bông (xã Macoiih huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Bên dưới những cây gỗ tròn là gỗ hộp, dài khỏi thùng xe, ước chừng 6m3. Hôm sau ra huyện, tôi thắc mắc gỗ gì chở vào giờ đó, nhận được câu trả lời: “Hiện ở Đông Giang, có doanh nghiệp được phép tận thu gỗ lòng hồ Thủy điện A Vương và đường điện Zà Hung”. Tuy nhiên, người dân K’tu lại không nghĩ vậy, theo họ có thể “gỗ này” lẫn lộn “gỗ kia” nên xe không dám chở ban ngày.

Lâm trường Macooih thuộc Công ty nông lâm sản xuất khẩu P’rao là đơn vị được phép khai thác tận thu 2.048m3 gỗ thuộc khu vực lòng hồ thủy điện A Vương và họ giao phần lớn việc này cho doanh nghiệp tư nhân. Lợi dụng việc khai thác, vận chuyển gỗ của lâm trường, lâm tặc đã đột kích vào các rừng nguyên sinh để hạ gỗ lim, chò, kiền kiền... chuyển đi công khai. Nếu bị bắt, họ khai là tận dụng cành, nhánh, ngọn từ nguồn phế thải của lâm trường. Đã 5 năm trôi qua, giờ đây thủy điện A Vương đã đi vào hoạt động nhưng xem ra việc “tận thu” gỗ vẫn còn! Thật lạ!

Alăng Trưng, công an viên kiêm thôn phó A Bông nói với tôi: “Người phá rừng từ ngoài Bắc vào đây đông lắm. Chỗ mô có họ thì động rừng động núi. Họ không cưa ngã cây ngay mà chỉ cưa sẵn hai bên thân cây. Đợi khi gió ngã, nói bị bão ngã, tận thu. Cũng có khi họ chôn cây gỗ dưới đất, lâu ngày đào lên nói gỗ rục”. Anh dẫn chúng tôi ra phía sau nhà ủy ban xã xem đống gỗ kiền kiền non bị bắt từ bên trong Trạm bảo vệ rừng giống, tiếp: “Tới nay, phía Cà Dăng hết gỗ rồi. Mà nếu có cũng không chở ra được do đường ở Cổng Trời bị sạt lở từ sau bão số 6. Xã Macoiih cũng hết gỗ luôn. Chỉ còn gỗ từ phía làng tái định cư Cưk Ch’run và dưới sông Bung, ranh giới giữa Nam Giang và Đông Giang”.

Ông Alăng Ban, bí thư xã Macoiih nói trước máy ghi âm: “Rừng hết thú cũng không còn. Người các xứ tới đây phá hết rừng. Họ đem cả gia đình, làm lán trại trên núi, hồi nào có nhiều tiền mới về. Dân Quảng Bình đặt cả ngàn bẫy thú từ núi này sang núi khác. Tịch thu, phá hủy hoài không hết. Con nai, con nhím, con chồn chi cũng sạch. Chừ chỉ còn con heo rừng, con mang, con sơn dương”. Hang Dơi có còn không? Tôi hỏi. Ông trả lời: “Hang còn nhưng đâu thấy dơi! Xe chạy ngày đêm, ba năm nay dơi bay đi hết rồi”.

Sau cả chục lần đến Nam Giang, Đông Giang, tôi thấy những cánh rừng ngày càng xơ xác. Đứng trên đồi xã Macoiih, Alăng Trưng chỉ lên ngọn núi trước mặt, tiếc nuối: “Hồi trước rừng tốt lắm, đâu có nhìn thấy rõ mấy cái cây như bây chừ”. Rừng đã đi đâu? Rừng về xuôi, biến thành những khung sườn, cửa tủ, bàn ghế đẹp. Phần còn lại biến thành củi, cũng chở về xuôi cho người ta đốt lò. Con người dùng mọi thủ đoạn tàn phá rừng, hằng năm hằng tháng hằng giờ. Từng đống cây rừng dọc đường Hồ Chí Minh, đoạn bên kia cầu sông Bung (huyện Nam Giang) mà chúng tôi ghi hình hàng loạt, không biết đâu là gỗ lòng hồ, đâu là củi tận thu! Họ đến tận rừng để tận diệt rừng!

Tại làng Pà Dấu, nơi không có sóng di động, đội quân Min-khơ tập trung 24/7, biến nơi đây thành cứ địa hoạt động, có cả xưởng xẻ gỗ tại chỗ, có nhà ở, lán trại cách đường không xa. Mỗi chiều xuống, họ ùn ùn chở gỗ về phía Thạnh Mỹ, mỗi súc gỗ dài vài thước. Họ biến người dân nơi đây thành “công nhân” của đường dây lấy gỗ, ngày công mấy chục ngàn đồng với đủ loại công việc: cảnh giới kiểm lâm, lấy cỏ cho trâu ăn, trâu vào rừng kéo gỗ... Còn phía Đông Giang, đoạn giáp ranh Đà Nẵng, gần đây có hiện tượng xe gắn máy chở gỗ nửa khuya. Kiểm lâm và Đội kiểm soát liên ngành canh giữ gắt gao nhưng vẫn không vơi.

Hạt phó kiểm lâm Đông Giang Lê Hoàng Sơn nói với tôi: “Mấy năm trước, bắt được nhiều vụ chở gỗ dưới sông Bung. Có nhiều cây gỗ to bây giờ không tìm thấy nữa. Kiểm lâm mở nhiều đợt truy quét, gần đây là đội liên ngành liên tục làm ở các vùng giáp ranh Jơngây, Cà Dăng nên tình hình tạm lắng. Phía đường 604 cũng tạm ổn nhưng có nhiều đêm, anh em đuổi theo lâm tặc, bị chúng đạp ngã xe. Gần đây, xe 43S-1292 ngụy trang gỗ qua trạm, bị yêu cầu sạc xuống kiểm tra, chủ hàng Nguyễn Kiên gây sự, đập ly rách mặt kiểm lâm, tuồn xe chạy!”.

Theo anh, bình quân mỗi kiểm lâm viên Quảng Nam chịu trách nhiệm quản lý 7.000 ha đến 9.000 ha rừng, trong khi các loại phương tiện không mạnh, nhanh bằng lâm tặc! Mới đây nhất, nhờ điều được xuồng cao tốc, kiểm lâm Đông Giang phát hiện rất nhiều gỗ bị đốn hạ trong lòng hồ thủy điện A Vương. Thượng tá Huỳnh Hồng Thanh, trưởng công an huyện Đông Giang nói: “Cốt lõi vấn đề là giải quyết bài toán kinh tế cho đồng bào. Trước, đồng bào làm thuê cho lâm tặc, nay tự tay đồng bào cầm cưa lốc phá rừng. Cuộc chiến giữ rừng đã không cân sức nay càng phức tạp thêm...”. Ông cho biết, năm qua cả huyện tịch thu trên 600 khối gỗ lậu, trong đó công an thu giữ trên 300 khối. Còn hai tháng đầu năm? Ông tiết lộ: “Đang rộ lên vấn đề môi trường thủy điện, khai thác vàng, cả dưới sông và trên cạn. Nước sông A Vương đục ngầu không dùng được do họ khai thác vàng phía thượng nguồn. Mới đây ở xã Tư đồng bào lại đào đất rồi cho thuê đất để người ta tìm vàng. Đất đai tan nát như những cánh rừng...”. Rừng hết thú hết, đã đành. Ở Đông Giang niềm tin vào công cuộc giữ rừng cũng hợp, tan như sương mai trên đỉnh núi A Sờ...

Ký sự đường rừng của Đặng Ngọc Khoa
 
Top