• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Rùa tai đỏ xuất hiện trên lưng cụ rùa hồ Gươm

Hoangminh

Member
XÃ HỘI
Thứ hai, 20/12/2010, 02:11 GMT+7

E-mail
Bản In
Rùa tai đỏ xuất hiện trên lưng cụ rùa hồ Gươm

Chiều 18/12, nhiều du khách dạo chơi ven hồ ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh cụ rùa hồ Gươm cõng trên lưng rùa tai đỏ nhiều giờ, khi nổi lên mặt nước.
> Rùa tai đỏ xâm nhập khắp hồ Gươm


Lúc 14h chiều 18/12 cụ rùa hồ Gươm lấp ló chuẩn bị nổi trên mặt nước đã xuất hiện trên lưng một con rùa tai đỏ nhỏ xíu. Rùa tai đỏ hiện đứng đầu trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, có thể mang vi khuẩn gây bệnh thương hàn.
Cụ tiến dần về phía góc hồ đoạn ngã tư Hàng Khay - Tràng Tiền.
Nhiều người dân có mặt chứng kiến tại đó cho hay, cụ nổi được gần hai giờ đồng hồ.
Sau đó rùa tai đỏ lặn mất.
... và cụ rùa cũng dần dần lặn xuống. Gắn bó với rùa hồ Gươm mấy chục năm nay, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết đã chụp được ảnh rùa tai đỏ ở hồ Gươm từ năm 2004. "Không thể biết trong hồ có bao nhiêu rùa tai đỏ, nhưng so với trước có thể thấy chúng tăng đột biến. Loài vật này sinh sôi rất nhanh, chẳng khác gì con ốc bươu vàng phá hoại lúa", ông Đức cho biết.
PGS Đức cho rằng rùa tai đỏ không xâm hại cụ rùa hồ Gươm, nhưng sẽ tranh nguồn thức ăn và rất dễ xâm hại những loài nhỏ hơn sống trong hồ. "Khi biết tác hại của rùa tai đỏ, tôi đã nhiều lần đề cập, nhưng vẫn chưa cơ quan chức năng nào có biện pháp ngăn chặn", ông Đức nói.
Ngoài viện phá hoại môi trường, rùa tai đỏ còn có thể mang vi khuẩn salmonella, loại gây bệnh thương hàn cho người. Vì thế Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã xếp rùa tai đỏ đứng đầu trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.
 

Hoangminh

Member
Rùa tai đỏ đang gặm nhấm cụ Rùa Hồ Gươm?

Rùa tai đỏ đang gặm nhấm cụ Rùa Hồ Gươm?

Dân Việt - Không chỉ gây nguy hại cho cụ Rùa Hồ Gươm qua việc cạnh tranh nguồn thức ăn, có nguy cơ loài rùa tai đỏ đã và đang gặm nhấm cả chính cụ Rùa.


Được phát hiện ở Hồ Gươm, Hà Nội vào năm 1997, từ đó đến nay, số lượng rùa tai đỏ xuất hiện tại đây ngày càng nhiều. Chỉ cần để ý quan sát, dễ dàng nhìn thấy rất nhiều rùa tai đỏ hiện đang cư trú tại Hồ Gươm. Chúng thường bò lên các cành cây ven hồ hay các đường ống là là mặt nước.
Rùa tai đỏ trèo lên lưng cụ Rùa Hồ Gươm. Ảnh: VnExpress

Thậm chí, dường như để khẳng định sự lấn át của mình, rùa tai đỏ còn lựa chọn chính cụ Rùa Hồ Gươm để làm nơi "tung tăng" thưởng ngoạn. Ngày 18-12 mới đây, rất nhiều người dân quanh hồ đã không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh cụ Rùa Hồ Gươm nổi lên mặt nước, trên lưng cõng theo cả rùa tai đỏ trong nhiều giờ.
Rùa tai đỏ có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới của Hiệp hội Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và nguồn tài nguyên Thiên nhiên (IUCN). Ngoài phá hoại môi trường, cạnh tranh với các loài rùa bản địa, rùa tai đỏ còn có thể mang vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn cho người.
Là một loài ăn tạp, nói như PGS.TS sinh học Hà Đình Đức là "ăn như lợn", rùa tai đỏ có thể ăn bất kể thứ gì có ở nơi chúng sinh sống, từ các loài thực vật như tảo, bèo tấm… cho đến động vật như nòng nọc, cá nhỏ, côn trùng và các loại thân mềm… Vì vậy, loài sinh vật xâm hại nguy hiểm này thực sự đã trở thành mối nguy cơ lớn đối với môi trường sinh thái của Hồ Gươm nói chung và nguồn thức ăn của cụ Rùa nói riêng.
Không chỉ dừng lại ở đó, có nguy cơ chính cụ Rùa Hồ Gươm cũng trở thành đối tượng gặm nhấm của rùa tai đỏ.
Trao đổi với Dân Việt chiều 21-12, PGS.TS sinh học Hà Đình Đức, người đã nhiều năm nghiên cứu Rùa Hồ Gươm đưa ra cảnh báo: “Có khả năng rùa tai đỏ đã và đang gặm mai cụ Rùa, do cụ Rùa Hồ Gươm là loài rùa mai mềm, diềm mai mềm giống như cụ Rùa hiện được trưng bày trong đền Ngọc Sơn. Mà loại rùa tai đỏ thì cứ đói là gặm, cái gì mềm nó cũng gặm được”.
Rùa tai đỏ sinh sống tại Hồ Gươm. Ảnh: PGS.TS Hà Đình Đức cung cấp

Mặc dù không xác định được chính xác số lượng rùa tai đỏ hiện đang xâm lấn Hồ Gươm, tuy nhiên, theo “nhà rùa học”, do loài rùa này ăn khỏe, sinh sôi nhanh, bên cạnh đó là việc người dân vẫn không ngừng thả rùa tai đỏ xuống hồ, nên hiện số lượng rùa tai đỏ tại Hồ Gươm đã tăng lên ngày một khủng khiếp.
PGS.TS Hà Đình Đức cũng cho biết, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về rùa tai đỏ sinh sống tại Hồ Gươm và cũng chưa cơ quan chức năng nào có biện pháp ngăn chặn sự xâm lấn của loài sinh vật nguy hại tại đây.
Khánh Linh
 

kieumailc

Active Member
tin vui

Thứ Năm, 23/12/2010 - 05:30

Có cách bắt hết rùa tai đỏ ở Hồ Gươm
Sau khi các báo phản ánh về hiện trạng Rùa tai đỏ ở Hồ Gươm, một doanh nhân thâm niên 13 năm nuôi rùa tai đỏ ở Hà Nội đã đề xuất phương án ngăn chặn hiện tượng này. Xin giới thiệu bài viết của tác giả QD trên báo Tiền Phong để bạn đọc hiểu rõ hơn...
>> Lo lắng hồ Gươm thành “vương quốc” rùa tai đỏ

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng ban thường trực Hội Bảo tồn Sinh thái TP Hà Nội, cho hay, nhờ phương pháp mà ông đề xuất áp dụng ở hồ Gươm, mới đây nhất, ông bắt gần như toàn bộ số rùa tai đỏ do chính ông nuôi suốt 13 năm qua.

Khi còn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thương mại Hà Nội (KAT Group), ông Khôi có một trang trại sinh thái rộng bốn hécta ở ngay nội thành Hà Nội và từng nuôi hàng trăm rùa tai đỏ hợp pháp. Chính vì thế, ông hiểu tập tính của chúng hơn ai hết.

“Đúng là rùa tai đỏ thường nổi lên để ăn và sống lơ lửng trong nước. Tuy nhiên, khi có động như bơi thuyền thúng ra chẳng hạn, chúng thường lặn ngay và rúc xuống bùn. Với mực nước không sâu như ở hồ Gươm, việc rúc xuống bùn khi có động là không có gì khó và lâu đối với rùa tai đỏ”, ông Khôi (còn là Ủy viên BCH Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam), nói.

Phương án bắt rùa tai đỏ được đưa ra căn cứ vào tập tính của rùa mà đích thân ông tìm hiểu trên các hồ ở khu Đầm Bông của gia đình.

Theo đó, rùa tai đỏ thường ăn tất cả các loại cây, rau nổi. Với động vật, ông Khôi quan sát thấy rùa tai đỏ hầu như không bao giờ ăn các động vật sống và chuyển động. Nhưng nếu là động vật chết và thối thì đấy lại là món khoái khẩu của chúng.

“Khi tôi thả da trâu xuống, chúng ăn hết. Thả cá sống, chúng không ăn. Cũng như vậy, nếu cá chết, nó ăn ngay”, ông Khôi kể. Cũng vì đặc điểm ấy, ông Khôi có ý định nghiên cứu sử dụng rùa tai đỏ giúp làm sạch môi trường thối rữa ở các ao hồ.

“Phương pháp gom rùa tai đỏ ở hồ Gươm, theo ông Khôi gồm hai phần, phần dưới là lưới thiết kế sao cho rùa tai đỏ vào mà không ra được (tất nhiên là, không để cụ Rùa vào). Để dụ rùa tai đỏ, ông cho đặt mồi là thức ăn thối rữa với lượng vừa đủ để không làm ô nhiễm môi trường nước hồ.

Phần thứ hai của hệ thống là bè tre, nơi để cho rùa tai đỏ phơi nắng. “Hiện tượng một con rùa tai đỏ ngồi lên lưng cụ Rùa hồ Gươm chính là thể hiện thú thích phơi nắng của loài này”, ông Khôi nhận định.

Vừa dụ cho ăn, vừa dụ cho phơi nắng như vậy, trong vòng một tháng ông Khôi đã thu gom gần như toàn bộ số rùa tai đỏ mà ông nuôi từ năm 1997 đến nay rồi cho thiêu hủy trước mặt đại diện các cơ quan chức năng.

Hồ Gươm, không phải môi trường cho rùa tai đỏ sinh sản

Ông Khôi cho rằng, một số loại tảo ở hồ Gươm có thể là thức ăn tốt cho rùa tai đỏ nhưng hồ Gươm không phải là môi trường lý tưởng cho chúng sinh sản.

Như nhiều loài rùa khác, rùa tai đỏ cần có bãi cát không chỉ để phơi nắng mà còn để sinh sản. Nếu ngăn chặn được nạn thả phóng sinh rùa tai đỏ xuống hồ Gươm khả năng sinh sôi của chúng ở hồ Gươm là rất thấp.

Ông Khôi từng theo dõi và nhận thấy, một bộ giống rùa tai đỏ gồm hai rùa cái và hai rùa đực, trung bình đẻ được 50-60 quả trứng/năm, song tỷ lệ nở thành con và thành con trưởng thành trong tự nhiên chỉ 10-20%.

Lý do là trứng không nở được trong môi trường thích hợp. Trứng ở dưới bùn sẽ bị thối. Trứng để trên cạn sẽ bị chuột tấn công. Rùa tai đỏ con còn là thức ăn của các loài thiên địch khác như cá trê, cá chim.

Theo QD
Tiền Phong
 

Hoangminh

Member
Hà Nội tìm cách cứu cụ Rùa

Hà Nội tìm cách cứu cụ Rùa

Giới chức Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan cùng các nhà khoa học đưa ra biện pháp xử lý rùa tai đỏ ở Hồ Gươm trong vòng 3 ngày.

Rùa tai đỏ trên lưng "cụ" Rùa. Ảnh: Vũ Long.
yêu cầu này được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra hôm qua, sau khi xuất hiện nhiều thông tin cảnh báo về việc cụ Rùa hồ Gươm đang bị ảnh hưởng bởi rùa tai đỏ. Thậm chí có nhà nghiên cứu còn lo rằng rùa tai đỏ có thể đã gặm chiếc mai mềm của Rùa hồ Gươm.
Theo công văn nói trên, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND quận Hoàn Kiếm là đơn vị liên quan, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý rùa tai đỏ, cứu "cụ" Rùa.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị trên báo cáo trước ngày 31/12.
Rùa tai đỏ là một trong 100 loài được cảnh báo là loại xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Nó cũng sinh sôi nảy nở rất nhanh, tương tự như loại ốc bươu vàng.
Hương T
 
Top