• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Quản lý việc nuôi chó: Bất hợp lý!

khuemo

New Member
TT - Từ chuyện chó bẹcgiê cắn chết người, nhìn lại công tác quản lý việc nuôi các loài vật để thấy có những điều không hợp lý.

Chó boxer (lớn) và chihuahua (nhỏ) - việc nuôi hai loại chó quá khác nhau này lại đang được quản lý chung trong một nghị định - Ảnh: Minh Đức

Chó vốn được xem là loài vật nuôi thông minh, trung thành, giúp ích cho người rất nhiều. Ở nước ta, dù thành thị hay nông thôn, việc nuôi chó rất phổ biến. Khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động nuôi chó, mèo và các vật nuôi khác chủ yếu hiện nay là nghị định 05 của Chính phủ. Các loài vật nuôi đề cập trong đó gồm “chó, mèo và một số động vật nuôi khác dễ nhiễm bệnh dại”.

Nuôi bẹcgiê và chihuahua, quản lý giống nhau?

Trên thực tế có rất nhiều giống chó khác nhau với các đặc điểm về hình thể cũng như tính cách khác nhau, được nuôi vì những mục đích khác nhau. Ví dụ việc nuôi một con chó bẹcgiê to lớn, dữ tợn để giữ nhà thì không thể nào giống với nuôi một con chó chihuahua chỉ to bằng 1-2 gang tay để làm cảnh. Và việc nuôi chó dữ lại càng khác việc nuôi mèo.

Theo thông tư hướng dẫn số 48/2009/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, việc quản lý chó nuôi được quy định như sau: “Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ)…”. Quy định này thoạt nghe rất hợp lý vì đã buộc chủ nuôi chó phải áp dụng tối đa các biện pháp có thể để ngăn ngừa việc chó dữ cắn người. Tuy nhiên, chó nào là chó dữ thì không có quy định. Trên thực tế, có những con chó kích thước vừa phải (như giống chó ta), không được cho là chó dữ nên thường không bị rọ mõm, cột dây xích khi dắt ra đường, nhưng những con này cũng thừa sức cắn người.

Cần quản lý chặt hơn

Thỉnh thoảng chúng tôi thấy có nhiều người nuôi các giống chó lớn như bẹcgiê, chó đốm, chó ngao, không dùng xích hay rọ mõm khi cho chó đi dạo ngoài đường nhưng cũng không thấy ai xử phạt bao giờ. Người xưa có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, việc không xử phạt kịp thời như thế đồng nghĩa với việc bỏ đi cơ chế “phòng bệnh”, khi thiệt hại xảy ra mới truy cứu trách nhiệm thì cũng đã muộn. Đó là hậu quả của sự chênh giữa chính sách pháp luật và thực thi.

Về phía người nuôi chó, trừ trường hợp đặc biệt, trong nhận thức không ai muốn chó của mình cắn người bao giờ, nhưng trên thực tế chó vẫn cứ cắn. Lý do thì có rất nhiều như chủ quan hoặc tâm lý thờ ơ, “mặc-kệ-nó”... Mặc dù Bộ luật dân sự có quy định thú dữ là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ, trong trường hợp có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu phải bồi thường, kể cả khi không có lỗi (điều 623 Bộ luật dân sự), thế nhưng từ góc độ nhân văn, chúng ta đều hiểu rằng việc bồi thường số tiền dù nhiều đến đâu cũng không thể nào bù đắp được nếu thiệt hại đến tính mạng con người. Trong một xã hội dân sự văn minh, sức khỏe và tính mạng con người luôn phải được đặt lên hàng đầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Để làm được điều này, xã hội không chỉ cần phải có nhân tâm mà quan trọng nhất là hành động của con người phải thể hiện được cái nhân tâm đó.

Truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cần

Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn đối với các loài vật có khả năng tấn công và có thể gây chết người. Bên cạnh đó, cần có sự phổ biến pháp luật nhiều hơn, áp dụng triệt để các biện pháp chế tài để “phòng bệnh”. Trong trường hợp cần thiết nên truy cứu cả trách nhiệm hình sự nếu như người nuôi chó dữ cố tình không tuân thủ các quy định an toàn trong việc nuôi nhốt chó. Có như thế mới có thể làm thay đổi thói quen của người dân trong việc nuôi các loài vật trong nhà theo hướng phải tuân thủ quy định pháp luật, chịu trách nhiệm cao hơn đối với vật nuôi của mình, đảm bảo an toàn cho người khác. Với các loài chó to, chó dữ, khi không có người quản lý, trông giữ ở đó thì nên buộc người chủ phải xích lại hoặc phải rọ mõm, kể cả khi ở trong nhà vì chó có thể xổng ra ngoài cắn người bất cứ lúc nào. Chuyện chó cắn người đến chết có thể là chuyện hiếm hoi nhưng chuyện gây thương tích rải rác đã có xảy ra, chưa kể chuyện đã có những người phải gánh chịu hậu quả đau lòng vì tai biến khi chích ngừa dại. Nuôi chó để giữ nhà, đề phòng trộm cắp là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên vẫn phải trong khuôn khổ pháp luật và tình người.

Chó dữ hay hiền phụ thuộc nhiều yếu tố

Ông Khương Trần Phúc Nguyên, trưởng trạm phòng chống dịch và kiểm dịch động vật Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết chó dữ gồm nhiều loại như chó bẹcgiê, chó Phú Quốc, doberman, bull... Tuy nhiên, chó dữ hay không còn phụ thuộc cách nuôi. Bẹcgiê là giống chó dữ nhưng nếu ngay từ nhỏ được tiếp xúc hằng ngày với nhiều người sẽ thân thiện với mọi người, không còn dữ nữa. Chó được huấn luyện từ nhỏ sẽ nhận biết được và chịu sự điều khiển từ người chủ. Do vậy, với những loại chó này, việc hiền dữ thường phụ thuộc vào sự điều khiển của người chủ. Tuy nhiên, cũng có những lúc do môi trường xung quanh tác động, bản năng dữ của chó bột phát thì người chủ cũng không điều khiển được.

Chó dữ có thể tấn công người gây thương tích, chó chưa được tiêm phòng còn có thể truyền bệnh dại cho người bị cắn.

T.Dương

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG - LÊ NGỌC THƯƠNG

____________________

Chó dữ là nguồn nguy hiểm cao độ

Theo quy định tại khoản 1, điều 623 Bộ luật dân sự năm 2005 thì nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Như vậy, có thể thấy nguồn nguy hiểm cao độ có phạm vi rất rộng, chẳng hạn phương tiện giao thông vận tải cơ giới bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, trong đó phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ gồm ôtô, máy kéo, xe môtô hai bánh, môtô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người khuyết tật... Thú dữ cũng được xem là một loại nguồn nguy hiểm cao độ và cũng có phạm vi khá rộng. Thú dữ có thể là các loại thú vật có nguồn gốc hoang dã chưa được thuần dưỡng như hổ, báo, sư tử, mèo rừng... hoặc các loài vật nuôi nhưng có bản tính hung dữ như các loài chó chọi, chó thả vườn... sẵn sàng cắn người lạ đến gần.

Do nguồn nguy hiểm cao độ mang tính chất không an toàn như vậy nên chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường khắt khe hơn chủ sở hữu các loại công trình, vật chất, vật nuôi khác. Chẳng hạn chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết và trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, khi đã xác định được loại công trình, vật chất hoặc loại thú mà mình đang sở hữu là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu cần hết sức cẩn thận trong việc quản lý, sử dụng để tránh phát sinh các tình huống đáng tiếc.

Ảnh: Trung Tân

Con bẹcgiê to như con bê tỏ ra vô cùng dữ dằn khi các phóng viên rướn người qua hàng rào nhốt giữ để chụp ảnh. Chúng chạy đi chạy lại lấy đà vọt lên như để cắn người muốn tiếp cận. Những cú vồ hụt va vào bức tường tôn cao 2,5m khiến nhiều phóng viên mất vía. Ảnh chụp tại trại cà phê ông Thành (TP Buôn Ma Thuột), nơi xảy ra vụ chó cắn chết bà Phạm Thị Ngắn.
 
cho dù nuôi con vật gì đi nữa cũng phải có trách nhiệm với nó,lo cho cuộc sống của nó và không để ảnh hưởng xấu tới xã hội là 2 việc quan trọng như nhau.vì thế chủ nuôi cần trang bị một nền tảng kiến thức nhất định.Đáng tiếc là không mấy ai quan tâm đến tập tính của con vật mình nuôi,vì thế tôi cho rằng chủ nuôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi vật nuôi làm hại người.cách giaỉ quyết triệt để vấn đề này là chủ nuôi phải học cách nuôi một cách khoa học và an toàn, bất kể là nuôi với mục đích gì.Chứ không phải cứ đeo rọ mõm hay gô cổ lại chó dữ là xong:wall:
 
Top