• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Phát hiện suối “cá thần” thứ hai ở Thanh Hóa

Hoangminh

Member
Phát hiện suối “cá thần” thứ hai ở Thanh Hóa

Đó là suối Đóng thuộc địa phận thôn Rùng, xã Cẩm Liên (Cẩm Thuỷ - Thanh Hoá) cách thị trấn Cẩm Thuỷ 15km về phía tây. Suối cá này và suối cá thần Cẩm Lương nằm ở hai phía bờ khác nhau của sông Mã.
>> Suối cá thần trong kỷ nguyên mới

Đàn cá đông đúc bơi lội dưới dòng nước trong vắt của suối Đóng

Người dân ở đây không dám đánh bắt cá, cá sống chung hòa bình với người, sinh sôi đông đúc, con lớn nặng từ 3 đến 4kg, con nhỏ 500g.

Nước suối Đóng trong vắt, nhìn rõ lớp đá cuội dưới lòng suối. Cửa hang chỉ rộng bằng cái mẹt và có tới ba cửa hang để cá chui ra - vào, nhưng lòng hang rộng và sâu bao nhiêu không ai biết.

Ban ngày cá từ dòng suối ngầm trong hang núi, theo dòng nước bơi ra đùa giỡn ở nơi suối Đóng, ban đêm lại bơi vào dòng suối ngầm nằm sâu trong lòng núi.


Toàn cảnh suối cá.

Nước ở suối Đóng là nguồn nước cơ bản chảy ra ruộng để bà con bản địa cấy hái nhưng cá chẳng bao giờ bơi ra. Chúng chỉ quẩn quanh trong một diện tích chừng 500 mét vuông rồi lại quay vào.

Loài cá này được người dân Mường gọi là “cá phôốc” có hình thù mình tựa cá trắm, căng tròn ở phần giữa thân, vẩy như vẩy cá chép, lưng hơi sẫm, môi có màu phớt hồng, vây và đuôi có chấm đỏ. Đây cũng là loài cá ở suối cá thần Cẩm Lương.

Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không bao giờ tanh. Người dân ở đây vẫn thường sinh hoạt nấu nướng bằng thứ nước của dòng suối này từ khi lập bản cho đến giờ.

Theo bee.net.vn
 

Hoangminh

Member
Thứ Bẩy, 22/03/2008 - 10:17 AM
Suối cá thần trong kỷ nguyên mới
(Dân trí) - Cách thành phố Thanh Hoá khoảng 90km, men theo QL 217 sẽ đến được suối cá thần (thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá). Suối cá đã tồn tại từ nghìn năm với hàng ngàn con cá hoa văn sặc sỡ, ẩn chứa bao điều kỳ bí…
Truyền thuyết cá thần trong kỷ nguyên Internet



Sinh ra và lớn lên ở Cẩm Thuỷ, từ bé, tôi đã thuộc nằm lòng câu chuyện cá thần. Vào đại học, tiếp xúc với thế giới internet, tôi giật mình xen lẫn tự hào, khi biết hang cá thần của quê hương mình đã nổi tiếng toàn thế giới!



Chợt nhớ câu chuyện nhuốm màu kỳ bí của cụ Thang, cụ già người dân tộc Mường, năm nay đã ở vào tuổi cổ lai hy nhưng trí nhớ vẫn sáng rõ như ban ngày. Cụ kể, nơi đây ngày xưa hạn hán quanh năm, người dân suốt ngày lam lũ trên cánh đồng mà vẫn không đủ ăn. Khi đó có hai vợ chồng sống với nhau đã lâu, tuổi cao nhưng vẫn chưa có con. Hàng ngày họ ra thửa ruộng bên suối, khơi nước vào trồng lúa và xúc cá, bắt ốc bắt cua về ăn.



Bỗng một hôm, người vợ tình cờ xúc được một quả trứng lạ. Bà nhặt thả xuống suối, nhưng mỗi khi nâng rổ lại vẫn thấy quả trứng nằm trong rổ, bà bỏ quả trứng vào giỏ đem về nhà, đưa trứng lên tổ gà ấp.



Đến một ngày gà ấp nở ra một con rắn, người vợ hoảng sợ gọi chồng. Người chồng đem chú rắn thả xuống khe Ngọc gần nhà, nhưng rắn không chịu rời và cứ bò về nhà. Hai vợ chồng đành cho rắn sống như một thành viên trong gia đình.



Lạ thay, từ khi có rắn, mưa liên tục đổ xuống, dân làng thoát khỏi cảnh hạn hán, mùa màng tươi tốt và dân được ấm no. Một đêm, trời trở cơn mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm. Sáng ra, người dân phát hiện chú rắn đã chết dưới chân núi Trường Sinh, đầu hướng về làng. Người dân lập nên một đền thờ thần rắn có tên Ngọc Từ ngay cạnh mộ rắn.



Thần linh báo mộng cho dân làng: Thần rắn chết do một trận thuỷ chiến với quái vật để bảo vệ dân làng nên được phong là Tứ Phủ Long Vương. Cũng từ đó trong khe Ngọc xuất hiện dòng nước trong veo, nằm dưới chân đền Ngọc Từ và cũng chẳng biết từ đâu, dưới suối xuất hiện đàn cá lạ hàng ngàn con, lượn lờ suốt ngày đêm.



Chuyện cụ Thang kể đượm màu truyền thuyết. Tôi mang câu chuyện lên thành phố nhưng chỉ giữ như một tài sản cổ tích cho riêng mình.



Thông điệp của thiên nhiên



Suối Lương Ngọc chỉ dài hơn một trăm mét, chảy ra nhiều khe rồi đổ ra sông Mã mà người dân nơi đây gọi là sông Mạ, tiếng Mường là sông Mẹ. Hàng ngàn con cá thảnh thơi bơi lội trước cửa hang rộng khoảng 1,5 mét.



Với đức tin sự sung túc của đàn cá trong dòng suối là sự bình yên, no ấm cho cuộc sống dân làng nên bao đời nay, bà con dân tộc Mường luôn giữ gìn nuôi nấng, không ai dám động đến loài cá thiêng. Theo cụ Thang, xúc phạm cá thần là xúc phạm thần linh; ai làm việc ấy chẳng những gieo tai họa cho mình mà còn cho cả cộng đồng.



Còn theo khảo tả của các nhà khoa học thì đàn cá hàng nghìn con lớn nhỏ ở suối cá Lương Ngọc gồm cá dốc (thuộc bộ cá chép, tên khoa học là Spinitarbichthys denticulatus, có tên trong sách đỏ Việt Nam), cá chài, cá mại. Hình dáng loại cá này rất phong phú, hoa văn đa dạng và lạ, với nhiều màu sắc như xanh, đỏ, hồng… Mỗi khi bơi lượn, thân cá phát ra nhiều màu, lấp lánh bạc trông thật vui mắt, ấn tượng.



Mỗi khi đồng bào Mường ra vo gạo, rửa rau, ai cũng nhớ thả cho cá thần một chút thức ăn. Hàng ngày cá thần nhảy lên khỏi mặt nước vui đùa cùng du khách tham quan. Những hôm trời lạnh, dòng nước trong vắt, du khách có thể đưa tay mơn man, vuốt ve những con cá thần to như bắp tay, bắp chân người, cầu mong sẽ gặp điều may mắn.



Với chuyến đổ bộ của phi thuyền Apolo 11, mặt trăng không còn chị Hằng chú Cuội; nhưng sau hàng trăm năm, Lương Ngọc quê tôi vẫn còn đó hang cá thần của bà cụ Thang. Hàng ngày vẫn có nhiều du khách trong ngoài nước đến tận nơi chiêm ngưỡng vẻ đẹp khác biệt của đàn cá sặc sỡ hoa văn, đã và đang chung sống hoà thuận với dân làng.



Các cụ già trong làng bảo, trong hang sâu còn có những con cá to và nặng hàng chục kg, nhưng vì miệng hang quá nhỏ nên cá không thể bơi ra ngoài “biểu diễn”.



Rời xa những câu chuyện truyền thuyết để trở về thực tại, tôi biết suối cá thần đã tạo nên một quần thể sinh vật độc đáo cùng với hệ thống núi Trường Sinh còn nguyên vẹn về mặt thiên nhiên. Cả thế giới đang sốt về khí thải, hiệu ứng nhà kính, nhưng ở quê tôi những vấn nạn đó thật xa lạ.



Cá thần là đại diện của thiên nhiên; suối cá thần là biểu tượng của cuộc sống yên bình giữa con người và thiên nhiên nơi đây.
 
Tôi đã lên suối cá 3 lần... khi nhìn vào những bức ảnh này tôi thấy như được chụp ở suối cá ở Cẩm lương thì đúng hơn.
 
Top