Trĩ đỏ, loài chim có tên trong Sách đỏ Việt Nam, vốn chỉ sống ở núi rừng đã được anh Trần Đình Nhơn (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) nhân nuôi thành công trong vườn nhà.
Anh Nhơn (nguyên cán bộ công tác ở Chi cục Lâm nghiệp Lâm Đồng) kể: “Vào năm 2000, một người bạn mang tặng tôi 2 con trĩ trắng, nuôi được thời gian thì nó đẻ trứng, tôi mang trứng đó “gửi” cho gà ấp. Khi trứng gà đã nở hết thì trứng trĩ vẫn nằm trơ trơ. Thấy lạ, tôi đập vỡ trứng xem thử, thấy có con và hiểu rằng trứng trĩ phải ấp nhiều ngày hơn. Lần sau, tôi lấy hết trứng gà ra và để toàn bộ hơn 10 trứng trĩ cho gà ấp, quả nhiên hơn 25 ngày sau thì trứng nở được 6 con” - anh kể.
Đến đầu năm 2001, anh Nhơn tình cờ thấy mấy người bán 3 con “chim lạ”, liền mua về nuôi và cứ nghĩ đây là chim cút (khi nhỏ, trĩ và cút rất giống nhau). Không ngờ vài tháng sau, chim chuyển màu trông rất đẹp, thấy vậy anh tìm sách tra cứu về các loài chim thì mới biết đây là trĩ đỏ - một loài chim quý hiếm có tên khoa học là Phasianus colchicus. Anh rất mừng và từ đó, làm chuồng nuôi và nhân giống luôn loài trĩ trắng có sẵn. Năm 2005, một người quen ở Bảo Lộc lại mang tặng anh Nhơn một con chim trông rất thê thảm vì rụng lông. Vài tháng sau, con chim lạ này lại "lột xác" thành con trĩ vàng. Bây giờ, trong chuồng chim nhà anh Nhơn có 5 loại: trĩ đỏ (có tên trong Sách đỏ VN), trĩ xanh, trĩ vàng, trĩ nâu và trĩ trắng.
Anh Nhơn với chim trĩ xanh - Ảnh: G.B
Thức ăn của trĩ là các loại ngũ cốc, rau, cỏ và côn trùng. Anh Nhơn cho biết, nuôi trĩ dễ như nuôi gà. Nuôi gà còn bị đau ốm, dịch bệnh chứ anh nuôi trĩ gần 10 năm nay chưa thấy chúng có bệnh gì. Theo anh Nhơn, nuôi trĩ siêu lợi nhuận. Ngoài việc lấy thịt, lấy trứng, trĩ còn có thể nuôi làm cảnh phục vụ tham quan du lịch. Thịt trĩ được cho là giàu protein, canxi, sắt, vitamin...
Theo y học cổ truyền, thịt trĩ được sử dụng như một vị thuốc, có công hiệu bổ trung ích khí, tư bổ gan thận, chủ trị tỳ vị hư yếu, kém ăn. Trứng trĩ cũng có giá trị dinh dưỡng vượt xa các loại trứng chim khác. Chỉ sau 8 tháng là trĩ đẻ, trung bình một năm trĩ mái đẻ khoảng 70 trứng, cá biệt có con đẻ đến 100 trứng.
Chỉ trong mấy năm anh Nhơn đã nhân giống thành công hàng loạt, nhưng vì diện tích chuồng trại của gia đình quá chật nên chưa dám mở rộng quy mô. Được sự đồng ý của cơ quan chức năng, anh đã san sẻ cho nhiều người khác cùng nuôi và đều đã thành công. Đến nay anh đã bán được hàng trăm con giống đi khắp các nơi với giá một cặp trĩ trưởng thành đến 6 triệu đồng.
Anh Nhơn đang chuẩn bị đưa đàn trĩ vào nuôi thử nghiệm trong môi trường tự nhiên tại dự án khu du lịch sinh thái Thác Rồng ở xã Đa Nhim (H.Lạc Dương) mà anh hiện là trưởng ban quản lý. Mục đích của anh, ngoài việc phục vụ tham quan du lịch còn nghiên cứu xem trĩ sống ở môi trường tự nhiên như thế nào, có ấp trứng không, chăm sóc con ra sao...
Anh Trần Đình Nhơn chia sẻ bí quyết: “Khi chăm sóc trĩ con phải nuôi úm nó như úm gà con (nghĩa là phải sưởi ấm bằng điện liên tục), thức ăn của trĩ con cũng có chế độ riêng chứ không cho ăn như trĩ trưởng thành. Trĩ mái trưởng thành cũng không để cho chúng quá mập hay quá ốm vì sẽ không đẻ”. Hiện anh Nhơn đang hợp tác với Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) để nghiên cứu bảo tồn và phát triển chim trĩ đỏ trong môi trường trang trại theo hướng hiện đại. “Hiện nay trĩ đỏ vẫn còn được nuôi dưới dạng chim cảnh chứ chưa trở thành hàng hóa. Với việc nhân giống thành công hàng loạt này, hy vọng không lâu nữa, loài chim quý hiếm này sẽ không còn có tên trong Sách đỏ Việt Nam” - anh Nhơn tâm sự.
Gia Bình