• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Nuôi thú để trả lại rừng(báo CATPHCM sáng nay)

NguyenNhuThach

Active Member
Trong lúc có không ít người tìm mọi cách vào rừng săn bắt động vật hoang dã để bán cho các nhà hàng làm món nhậu, thì ở phường Đài Sơn, TP. Phan Rang - Tháp Chàm lại có một ông lão tìm mọi cách để cứu những con vật hoang dã đem về chăm sóc rồi tìm cách trả chúng về lại với rừng xanh.


Ông Trần Minh (phải) và con nai Chà
Vốn là một cán bộ kỳ cựu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nên với ông Trần Minh, những cánh rừng bạt ngàn của chiến trường khu 6 chẳng có gì xa lạ. Trong chiến tranh thì khu 6 là một trong những chiến trường khốc liệt nhất của cực nam Trung bộ. Đói ăn là chuyện thường tình, và chuyện săn bắt thú rừng để ăn thay cơm hồi đó chẳng có gì là ghê gớm. Từng chứng kiến cảnh đồng đội mình bắn hạ những con thú rừng to lớn làm thực phẩm để có thể cầm cự với quân thù trong cuộc chiến đấu dai dẳng. “Hồi đó thú trong rừng nhiều lắm, bộ đội mình bắn được cả những con min to khủng khiếp. Nhiều tháng trời tụi mình phải lấy thịt rừng ăn thay cơm. Nhưng đó là thời chiến tranh, còn bây giờ thì xót quá. Thú rừng càng ngày càng hiếm đi, người ta săn bắt chúng một cách vô tội vạ” - ông nói với chúng tôi như thế.
Năm 1996, một người dân ở vùng căn cứ kháng chiến cũ bắt được một ổ nhím con chỉ mới vài tuần tuổi. Biết ông là người thích nuôi thú nên họ đã đem biếu ông. Nhận những con thú đang còn trong tuổi bú mẹ từ tay người dân nọ, ông băn khoăn không biết phải nuôi chúng như thế nào đây? Tìm đến những cán bộ thú y để hỏi cách chăm sóc, rồi về loay hoay đóng chuồng, hàng ngày ra chợ xin rau, củ về cho bầy nhím con, ông đóng vai trò mẹ của bầy nhím con từ đó. Thậm chí ông nhịn luôn khẩu phần sữa của mình cho chúng. Bầy nhím lớn nhanh như thổi. Chúng quyến luyến ông như những đứa trẻ con, và chỉ có ông mới gọi được chúng trở về mỗi lần xổng chuồng. Có điều càng lớn chúng càng trở nên phá phách, cứ xổng ra một chốc là bao nhiêu cây cảnh của ông chúng đều cắn sạch. Có người khuyên ông nên làm thịt ăn cho bổ, vì nghe đồn rằng thịt nhím có vị thuốc, nhất là bao tử của nó. Thậm chí, nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng ông cương quyết không bán. Có điều bầy nhím bây giờ lớn lắm rồi, mỗi con cân nặng gần 8kg chứ ít ỏi gì. Chuồng trại càng lúc càng chật. Thế là ông quyết định đem chúng thả về với rừng. Ông chọn vùng rừng Tân Giang, vốn là một nơi hẻo lánh, ít người lui tới để thả bầy nhím đã gắn bó với ông gần 5 năm trời. Khi nghe ông thả bầy nhím về rừng, ai cũng nói ông hết chuyện làm nên mới nuôi thú để thả về rừng.


Những chú nai này sẽ được trở về với thiên nhiên
Biết được tính ông, nhiều người dân quen biết ông từ hồi kháng chiến cứ bắt gặp con vật hoang dã nào bị thương là họ đem xuống cho ông nuôi. Nào là vọoc, heo rừng... Lạ một điều là con vật nào qua tay ông đều trở nên khỏe mạnh, hồi phục vết thương một cách nhanh chóng. Tất cả đều được ông đem trả lại cho rừng xanh. Năm 2003, nghe tin có vị cha xứ ngoài Hộ Diêm, xã Hộ Hải (Ninh Hải) đang chăm sóc một con nai cái bị thương ở chân và đã được nhiều nhà hàng đến hỏi mua, ông liền sai đứa cháu lấy xe chở ông ra lập tức. Sau một hồi trò chuyện, ông đã thuyết phục được vị Linh mục họ đạo Phước Diêm nhượng lại con nai bị thương kia với giá gần 8 triệu đồng. Đem được con nai về nhà rồi, ông hì hục đóng chuồng rồi mời cán bộ thú y đến chăm sóc vết thương cho nai. Đến nay, sau 5 năm thuần dưỡng nó đã sinh 3 lứa nai con, lứa nào cũng vẹn toàn cả.

Để cho con nai cái cụt chân đẻ được con cũng là một kỳ công của ông Trần Minh. Ông phải lặn lội đến tận Đồng Nai để tìm mua một con nai đực về làm bạn tình với nó. Sau một thời gian dài tìm kiếm, cuối cùng ông cũng mua được một con nai đực tơ. Nghe ông giải thích lý do, người chủ nai đã ra tận nhà ông để “thực mục sở thị”, cuối cùng vì cảm tấm lòng của ông với thú rừng mà người chủ trại nai ở Đồng Nai đã đồng ý bán cho ông với giá rẻ bất ngờ. Cho đến bây giờ, sau gần 5 năm, từ con nai cái cụt chân đó, bầy nai nhà ông Trần Minh đã có tổng đàn hơn chục con.
Mới đây, có người dân ở xã Nhị Hà, thuộc huyện Ninh Phước bắt được và đem xuống cho ông ba chú mang con chưa rụng rốn, mẹ nó bị một người thợ săn bắn chết. Giờ đây chúng đã trở thành 3 chú mang với bộ lông vàng óng thật dễ thương, hàng ngày chạy nhảy tung tăng trong vườn nhà. Ông còn nuôi một con bò rừng con bị thợ săn bẫy dây làm hư hết một chân, người cháu của ông thấy vậy bèn năn nỉ mua lại đem về cho ông. Để nuôi chú bò rừng con đó, mỗi tháng ông phải tốn hết gần 300 ngàn đồng tiền sữa. Bây giờ thì chú bò rừng kia đã lớn lắm rồi và ông cũng đợi ngày nó thật khỏe để trả nó về lại với rừng.

Đã có nhiều chủ nhà hàng đến gạ gẫm ông để xin mua mấy con mang, con nai với giá cao ngất ngưởng nhưng ông nhất định không bán và sẽ không bao giờ bán cho dù có thiếu thốn cỡ nào đi nữa. Ước nguyện của ông là kiếm cho được một khu rừng thật sự an toàn để có ngày ông đem trả chúng lại cho núi rừng. Có hai cái tên ông đã chọn, đó là Vườn Quốc gia Núi Chúa ở huyện Ninh Hải và Vườn Quốc gia Phước Bình ở huyện Bác Ái. Ước nguyện này của ông đều được tất cả con cháu đồng tình. Một mai nếu ông có nhắm mắt xuôi tay thì những con thú rừng của ông chắc chắn sẽ được về lại với cái nôi của mình. Đó chính là môi trường sống tốt nhất dành cho chúng mà con người không thể nào thay thế được.
 
Top