• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Nhân Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10, nói về một cô gái có tấm lòng với thiên nhiên

amifidele

Member


Trần Ngọc Vân nhận giải nhất cuộc thi thiết kế sản phẩm quảng cáo trên báo in nhằm bảo vệ động vật hoang dã của WWF VN hôm 16-10 - Ảnh: HUY HÙNG

Hai động vật hoang dã, một gấu, một hổ với hai cái tên rất VN: Lành và Hảo đang bị bịt mắt và treo cổ. Mỗi con có một câu chuyện đau buồn về thân phận bị giam cầm, khai thác và tiêu diệt cùng với nỗi đau đồng loại đang ngày càng bị tận diệt... Đó là nội dung hai bức tranh đoạt giải nhất cuộc thi bảo vệ động vật hoang dã tại VN. Tác giả là một cô gái Việt kiều với rất nhiều câu chuyện đầy nhiệt huyết, trách nhiệm của một công dân toàn cầu.

Con người chỉ là một phần của thế giới

Nhỏ nhắn, hơi ngăm đen nhưng dáng đi quả quyết, ánh mắt luôn sáng rực nhiệt huyết, dáng vẻ bên ngoài của Trần Ngọc Vân dễ khiến người ta tin tưởng. Giọng nói khúc chiết, mạch lạc và cách nói chuyện luôn dựa trên căn cứ khoa học, đầy ắp thực tiễn cuộc sống của cô gái 26 tuổi càng khiến người tiếp xúc bị thuyết phục và lôi cuốn.

Chào đời tại VN, 6 tuổi, Vân theo bố mẹ sang định cư tại Đức. Tốt nghiệp đại học ngành thiết kế viễn thông, cô chuyển sang Anh tiếp tục học lên cao và tìm môi trường làm việc. Ham mê tìm hiểu thiên nhiên, cô tham gia hoạt động cho Tổ chức PETA (hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên, môi trường) có trụ sở tại Philippines. Tự nhận mình là công dân toàn cầu, cô chia sẻ: “Từ khi tham gia tổ chức này, mình có điều kiện đi lại khắp nơi. Tuy vậy đến tận năm 2007, mình mới thỏa mãn được ấp ủ bấy lâu, đó là về VN làm việc. Hiện mình đang làm nhân viên thiết kế cho một công ty tại Sài Gòn”.

Vốn nghe và tìm hiểu về việc bảo vệ động vật hoang dã ở VN đã nhiều, về quê hương Vân lao ngay vào việc tìm hiểu cách tham gia ngăn chặn săn bắt, khai thác và tiêu thụ động vật hoang dã. Cô trầm giọng kể: “Không khó để thấy cảnh người ta nuôi hàng chục con gấu trong lồng, bụng con nào cũng có một ống sắt để lấy mật, chúng nằm ngửa trong cảnh giam cầm, khai thác như thế hàng năm, mười năm hay lâu hơn nữa. Sau cùng, người ta chặt chân và thịt chúng. Bên cạnh đôi mắt tuyệt vọng, van lơn của chúng là rất nhiều đồng loại cùng cảnh ngộ...”.

Tận dụng thế mạnh về thiết kế, Vân đã thiết kế rất nhiều poster, những câu chuyện qua hình ảnh về thực trạng tiêu thụ, săn bắt động vật hoang dã quý hiếm ở VN. Càng đi nhiều, cô càng không yên lòng khi ngay tại các khu bảo tồn cũng ngày càng vắng dần những con vật quý hiếm. Cô giải thích: “Ở châu Âu, động vật hoang dã không phong phú như khu vực Đông Nam Á, nhưng từ nhỏ người dân được giáo dục cách ứng xử với thiên nhiên như một phần tất yếu của thế giới, giống như phần tồn tại của thế giới loài người. Những người yêu động vật ở đó đều tham gia các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã trên toàn cầu như WWF hay PETA chẳng hạn”.

Ở nhà, Vân nuôi rất nhiều con vật và luôn vui vẻ chia sẻ với mọi người xung quanh về quyền, trách nhiệm của con người với loài vật. Thời gian rảnh, cô cùng bạn bè đi các vùng bảo tồn, tham gia chăm sóc những con vật bị tổn thương do buôn bán, vận chuyển trái phép. “Tương lai của VN phải được bảo đảm bằng một môi trường phát triển bền vững, giới trẻ không tham gia làm thì sẽ là ai?”.




Tác phẩm đoạt giải nhất của Vân - Ảnh: HOÀNG MAI

Gần hết cuộc trò chuyện, Anymi - tên Đức của Vân, mới “bật mí” mẹ của cô chính là người phụ nữ VN nổi tiếng tại Đức: bà Hoài Thu, người mà tên tuổi gắn với Trung tâm Phụ nữ VN ở Berlin - Vinaphunu. Anymi khoe: “Không chỉ mẹ hoạt động thôi đâu, ngay khi mới 15 tuổi mình đã phụ trách đội múa của trẻ em VN tại Berlin. Mình lên mạng, nhờ người về VN mua hộ băng đĩa, lần mò học rất nhiều điệu múa, làn điệu dân ca các vùng miền... Đội múa tập luyện rất hăng say, kết nạp cả trẻ Đức, người nước ngoài để giới thiệu văn hóa VN luôn thể. Năm 2004, đội múa của mình đã giành giải nhất tại Đức”.

Vân khoe trong gia đình cô, ưu tiên số 1 là tiếng Việt, tên Việt, món ăn Việt và đề tài VN trong mỗi cuộc nói chuyện. Cô gái 26 tuổi hồn nhiên: “Chẳng thế mà sống ở Đức, học ở Anh, làm ở Philippines, nhưng tên mình vẫn là Trần - Trần Ngọc Vân”.

Vốn quê gốc miền Trung, Vân học mẹ nấu các món ăn Việt. Cô kể: “Mình mê nhất là làm bánh như bánh xèo, bánh bò, bánh bèo. Khi rảnh mình theo mẹ đi dạy nấu món ăn Việt cho người Đức. Cảm giác khi đó rất tự hào. Dù là công dân toàn cầu, quê hương vẫn là quê hương với tất cả trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc và cả một chút... nuối tiếc nữa. Nuối tiếc vì chưa làm được nhiều hơn nữa cho quê hương”.

HOÀNG MAI

Nguồn: Tuổi Trẻ Online
 
Top