• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Mua núi thiêng cho... thú ở

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
(TNTS) - Ông Sơn là nông dân đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ dám đầu tư tiền tỉ mua núi Két, một trong 10 đỉnh núi thiêng vùng "Thất Sơn mầu nhiệm", để bảo tồn động vật hoang dã.

Giữ lại nét xưa


Ông Sơn trên đỉnh ông Két uy nghi giữa trời xanh

Núi Két (còn gọi Anh Vũ Sơn) nằm tại ấp Ông Két, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang, cao 225 mét, dài và rộng trên 1.100 mét. Gọi là núi Két vì trên núi có phiến đá to dựng đứng nhô ra giống đầu một con két (vẹt) khổng lồ. Trong tâm tưởng người miền Tây, núi Két linh thiêng huyền bí nên khi gọi tên núi, họ thành kính gọi là núi Ông Két. Các cụ già vẫn truyền miệng cho con cháu đời sau rằng nếu mỏ Két xoay đổi hướng năm đó người dân có thể gặp phúc hay họa. Tương truyền chí sĩ Cử Đa từng tới đây tu đạo, ông thấu cảnh hồng trần nên lánh về non cao không màng thế sự.

Tôi men theo lối độc đạo lên núi thiêng, đi một mạch 15 phút đã thấy mỏm ông Két oai nghi giữa trời xanh. Ông Sơn trong lớp áo nâu sòng, mái tóc điểm bạc điềm đạm bảo khách: "Nhà báo hãy ngủ lại đây cho biết cảnh đêm huyền ảo của núi rừng. Tối nay lên điện A Di Đà nhìn xuống toàn cõi Tịnh Biên sẽ thấy hồng trần là như thế nào". Gió lành lạnh, cảnh tịch liêu núi rừng giúp chủ khách gần nhau.

Ông Sơn kể ông tên thật là Nguyễn Văn Sơn, 57 tuổi, người gốc An Giang. Lúc còn nhỏ gặp cảnh giặc giã nên cùng gia đình lìa quê lên Sài Gòn. Năm 19 tuổi thấy đất Sài Gòn khó sống, ông quay về vùng Thất Sơn. Bôn ba qua các núi đồi, cuối cùng ông dừng chân nơi núi Két, xin mấy chủ đất cho che cái chòi tạm sống qua ngày. Ông Sơn độ nhật bằng nghề hái đào và gánh đào tiên thuê cho các chủ rừng. Không lâu sau ông lập gia đình với một sơn nữ. Thấy nghề gánh đào cực mà chẳng tích lũy được gì nên vợ chồng bàn nhau chuyển qua nghề mua cây đào làm củi bán và mua bán hột đào. Gặp thời nên chuyện mua bán đào giúp ông phất lên. Có vốn kha khá ông Sơn nhanh nhạy mua chiếc xe ben chở cát đá thuê cho các chủ đầu tư khai thác đá núi. Rồi cũng như bao người khác, ông Sơn nhảy vào nghề khai thác đá núi lấy tên là Sơn Đào, cái tên này nhắc ông đừng quên thuở bần hàn.

Những ngày sống an bình dưới chân núi Két, ông Sơn đã mê bao câu chuyện như huyền thoại về đức Phật Thầy Tây An tức Đoàn Minh Huyên (1807-1856), giáo chủ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Là bậc chân tu nhưng Phật Thầy hào khí vạn trượng đưa các môn đồ khai phá rừng rú quanh núi Két lập nên nông trại giúp dân lành an cư. Ngoài chuyện hàng phục ác thú, điểm hóa chúng sinh, Đức Phật Thầy còn chống Pháp và các môn đồ của ông đều khí khái chống Pháp tới cùng. Ông Sơn còn mê chuyện ông Năm Chèo - tức cá sấu thần do ông Đình Tây nuôi hay chuyện Bùi Thiền Sư tay không hàng phục hổ... Quanh núi Két còn lưu các di tích của Phật Thầy và các đệ tử của ngài như thắng cảnh Đình Thới Sơn, ao nuôi ông Năm Chèo, mộ ông Đình Tây, Bùi Thiền Sư... Chính vì sự sùng kính này mà ông Sơn quyết tâm làm chuyện không ai ngờ nổi: Mua núi Két để bảo tồn khung cảnh tự nhiên.

Bồng lai tiên cảnh

Núi Két diện tích 45 ha, tới nay ông đã mua được trên 20 ha. Ông Sơn kể: "30 năm trước vùng này còn hoang vắng lắm. Tiếng là vùng núi nhưng vào mùa lũ đồng ruộng, vườn tược vẫn bị ngập lụt như thường nên đất núi có giá lắm, tỷ như 1 công đất ruộng 1 chỉ vàng thì 1 công trên đây từ 2-3 chỉ. Lúc đó trồng cây ớt, cây đậu trên đất núi không đủ bán cho người miền xuôi". Theo ông Sơn những người có đất trên núi Két ít xây nhà sống trên núi bởi cảnh núi rừng quá tịch mịch. Nên khi ông hỏi mua đất núi, họ thấy giá được bán liền.

Ông Sơn ví von núi Két giống như cái máy điều hòa. Du khách muốn biết không khí lạnh như Đà Lạt hay làn gió mát rượi ông sẽ đưa đến từng nơi. Ông đưa tôi lên các điện thờ cheo leo, trước hết là điện A Di Đà. Chúng tôi chậm chạp leo lên từng nấc thang bởi nếu bất cẩn sẽ nguy hại khôn lường. Điện A Di Đà là mỏm đá nhô ra như hình mũi tàu, đứng đây nhìn xuống huyện Tịnh Biên không khỏi rợn người với cảnh núi rừng chơi vơi. Phóng tầm mắt nhìn thấy toàn cảnh thị trấn Nhà Bàng, những cánh đồng ứ nước và con đường tỉnh lộ như mãng xà chạy dài xuyên tới núi Sam, núi Cấm. Vị sư già đi cùng bảo tôi rằng đứng trên mỏm đá này có cảm giác ông đang "cưỡi gió lướt mây". Những cơn gió cứ ào ào thổi tới khiến vị sư già không đặng ngồi thiền lâu. Ông lặng lẽ rời điện và hóm hỉnh bảo: "Nếu ngồi tịnh lâu chắc tôi đằng vân giá võ mất".

Chúng tôi qua Giếng Tiên nơi cao nhất nhì trên núi. Gió trời thổi nhè nhẹ, không buốt giá như điện A Di Đà. Từ đây nhìn thấy nhà cửa huyện Tri Tôn lô nhô, dãy núi Cấm cao vút trời xanh. Ông Sơn lại đưa tôi xuống điện U Minh nằm dưới một phiến đá hình đĩa. Nơi bốn mùa mát lạnh, xuân thu nhị kỳ nắng không chiếu tới nên bước vào đây có cảm giá phiêu diêu như lạc vào âm ty. Ông Sơn nói trên núi Két còn các điểm tham quan như Sân Tiên, điện Chư Thần, điện Phật Thầy, điện Ngọc Hoàng, điện Huỳnh Long, điện Ba Cô, điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi... Mỗi điện thờ mang điển tích riêng ghi công của bậc tiền nhân. Ông kể: "Hồi đó mướn thợ lên đây đục các phiến đá to để tạo nên các điện thờ khó lắm. Nếu hồi đó ở dưới xuôi trả tiền công thợ 1 ngày là 50.000 đồng thì mướn lên đây phải trả công gấp đôi, gấp ba. Đặc biệt là lúc đục đá điện A Di Đà, điện Phật Mẫu tôi phải cho thợ thầy đeo dây an toàn. Cẩn thận vậy nhưng nhiều thợ mới làm nửa buổi đã đòi nghỉ vì nhìn xuống thấy vực sâu thăm thẳm họ sợ. Tốp này bỏ đi kêu tốp khác, anh nào gan lắm làm vài ngày cũng đều xin nghỉ". Ông tâm sự rằng làm du lịch núi Két để có kế sinh nhai, sau nữa là cho người đời còn lưu lại công đức của bậc tiền nhân khẩn hoang núi rừng trong cái thời ác thú, độc xà ngự trị.

“Chúa núi” của thú hoang

Giữa giá lạnh núi rừng, chúng tôi chìm vào giấc ngủ. Văng vẳng trong đêm trường là tiếng gà rừng thi thoảng gáy te te, tiếng nai tác gọi bầy và tiếng gió đêm xào xạc rền rĩ giọng côn trùng. Sáng, hơi mù len qua khe cửa, dụi mắt đã nghe tiếng khỉ kêu khèn khẹt, tiếng lũ sóc gọi bầy. Nhìn ra thấy ông Sơn quăng cây trái cho bầy khỉ rừng ăn. Chợt nhớ lại Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí viết về vùng Thất Sơn như sau: Ở núi Nam Vi cây cối um tùm, khe sâu cỏ rậm, rất nhiều hươu, nai, hổ, báo... Còn ở núi Khe Săn (Khê Lạp) có cây tùng, cây trúc tốt tươi, hươu nai tụ tập... nhân dân thường đến núi này để tìm mối lợi. Ngoài ra nơi đây còn có phượng hoàng, quạ... Những loài thú kể trên ngày nay đâu tá, chỉ còn thưa thớt khỉ, rắn, côn trùng...

Các thợ săn Bảy Núi nói rằng ông Sơn là người hợm mình. Trên núi Két còn nhiều thú hoang như khỉ, rắn, nai, mễn, gà rừng, sóc... biết nhưng thợ săn chẳng đặt chân vào được vì "chúa núi" đã cấm săn thú rừng. Ông Sơn kể với chúng tôi rằng ngày xưa thú rừng Bảy Núi hầu như con gì cũng có. Chỉ tính riêng khỉ thôi nơi nào cũng thấy chúng, nghe nói hồi đó người ta đặt tên chợ Xà Tón (Tri Tôn) là vì chỗ đó khỉ đánh đu bầy bầy ghẹo người. Ngày nay con người săn lùng tận diệt khắp hang đồi nên thú hoang chẳng còn nơi trốn chạy. Ông Sơn tâm sự: "Bây giờ dưới chân núi Két chợ búa mở ra nhiều lắm, như vậy loài vật càng khó sống hơn. Tôi quyết định mót tiền mua hết núi này để bảo tồn cảnh tự nhiên và nuôi dưỡng cho thú hoang có chỗ sinh sống. Miễn tôi còn hơi thở nào là đố thợ săn nào đặt chân lên núi săn thú được. Tưởng tượng lại cảnh núi rừng mà vắng bóng thú hoang thì núi rừng đó đâu có sự sống vui nhộn".

Ông Sơn đưa chúng tôi xuống núi, tới mỏ Két ông ngừng lại khấn vái lâm râm chư thần. Nhìn xuyên qua đỉnh Ông Két thấy mây trời lồng lộng, đôi cánh chim to đang chao liệng săn mồi. Bao năm qua mỏ Két vẫn trầm mặc chứng kiến bao cuộc dâu bể. Ông Sơn nói rằng ông đã bỏ tiền vào núi này cả tỉ đồng nhưng nguồn lợi thâu lại chưa đáng là bao. Tôi nghĩ một vé vào cửa có 8.000 đồng, các đồ ăn thức uống trên núi cộng một đêm ngủ trọ khách chỉ tốn vài chục ngàn đồng thì ông "chúa núi" còn lâu mới thu được vốn. Khách hành hương phần đông là người trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lên đỉnh núi tưởng nhớ công đức Đức Phật Thầy Tây An, chư thần Năm non bảy núi. Ông Sơn nói: "Tôi mua núi này vì kính vọng tiền nhân đã khai sơn phá thạch. Núi non vùng Bảy Núi bây giờ đã bị khai thác quá nhiều nên cảnh tự nhiên chẳng còn. Trăm năm nữa núi đồi ô trọc xơ xác như núi Sam là chuyện sẽ xảy ra. Tôi mua núi bảo tồn những cảnh vật tự nhiên, không khai thác phá cây rừng phục vụ du lịch. Ai nhớ cảnh rừng rú ngày xưa cứ lội bộ lên du ngoạn. Tôi đoan chắc khi tôi còn sống cảnh núi rừng trên núi Két có sao tôi để vậy!".
 
Top