Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Mặt trời đầu xuân ấm áp vừa nhô lên khỏi hàng cây trước nhà. Ông lão mù và con chó ngồi sưởi nắng ngoài sân.
Ông lão đã gần tám mươi. Con chó nằm cạnh sắp bước sang tuổi mười lăm. Nghĩa là qui ra tuổi người, nó cũng già như chủ, đến mức đi đứng không vững, nhìn không rõ, có thể nói gần như mù. Nó là con chó ta lai bẹc-giê, to cao, màu vàng nhạt, ở cái tuổi đáng kính ấy vẫn giữ được dáng vẻ của thời hoàng kim cách đây cả chục năm. Chỉ gầy đi đôi chút. Tất nhiên chậm chạp hơn và hiền chứ không hung dữ như xưa. Suốt ngày nó ở ngoài sân, thích thú tận hưởng cái ấm của mặt trời, lười biếng nằm bẹp xuống nền xi măng, có khi duỗi cả tứ chi ở cái thế chẳng lấy gì làm đẹp mắt. Từ lâu nó đã thôi không thèm sủa. Họa hoằn lắm, có kẻ gian, nếu đôi mắt mờ nhìn thấy, nó chỉ gầm gừ hăm dọa. Hăm dọa thôi chứ chẳng gì hơn. Qua rồi cái thời nó phải làm cái công việc trông coi nhà cửa như lũ con cháu. Con cháu nó chắc cũng nhiều, dù bây giờ không biết ở đâu. Như ông chủ, nó xứng đáng được hưởng những ngày còn lại của cuộc đời trong thanh thản và hạnh phúc. Dường như nó đang hạnh phúc, cái hạnh phúc đơn sơ theo kiểu chó...
Còn ông lão? Thì ông cũng hạnh phúc. Cũng theo cách của riêng ông, tất nhiên. Ông vốn nông dân, suốt đời chân lấm tay bùn, đến năm bảy mươi tuổi bị mù vì bệnh thiên đầu thống, được con trai đưa ra thành phố, cơm bê nước rót, đi đâu có con chó này dắt, bây giờ nó mù thì nhu cầu đi lại của ông cũng chẳng còn. Cách đây mấy năm, do vợ khó dễ, anh con mua cho ông ngôi nhà nhỏ này ở ngoại thành, thuê bà hàng xóm lo cơm nước, giặt dũ, còn mình thì mỗi tháng một lần đến thăm, trừ những tháng quên. Thế thì hỏi ông còn cần gì thêm? Đúng là chẳng cần gì. Ông vốn dễ tính. Tuy nhiên, nếu có được sự ấm áp gia đình thay cho ánh nắng vốn không phải ngày nào cũng có, và tiếng líu lo của những đứa cháu bụ bẫm chứ không phải tiếng gầm gừ của con chó, thì vẫn hơn.
Vậy là cả hai, con người và con chó, đang hài lòng, cùng sưởi nắng bên nhau, không bị ai quấy rầy. Lại vào một ngày nắng đẹp. Nhà bên, cách mảnh vườn nhỏ trồng mấy cây khế còn thấp nhưng um tùm lá, là ông hàng xóm đang lúi húi chữa xe máy. Ông ta, một người tóc húi cua, da đen, thấp mập, khoảng năm mươi, nghe nói về hưu non, không hiểu do giảm biên chế hay bị kỷ luật, hình như cũng vui vì luôn miệng huýt sáo, cả những lúc bất ngờ dấn ga rồ máy nghe đến sợ.
- Cái giống chó nhà mày ấy mà, Vện ạ, đúng là chẳng có chút tình nghĩa nào. - Ông lão lên tiếng, đập đập tay lên đầu con chó, sợ nó ngủ quên không nghe. Ông luôn gọi nó là Vện mặc dù hồi còn ở chung, vợ chồng con ông đặt cho cái tên tây là Micky. - Nghĩ mà xem, mày con đàn cháu đống như thế mà đến lúc già lại chẳng có đứa nào bên cạnh. May còn được tao thương cho ăn, không thì chết, chết đói thật đấy!
Con Vện khẽ gừ một tiếng rồi đưa chiếc lưỡi màu đỏ nhạt liếm tay chủ.
- Còn tao thì mày biết, tao đã kể bao nhiêu lần rồi. Tao chỉ có hai đứa con trai. Một nuôi mẹ, một nuôi bố. Mày không thấy thằng Khánh ăn ở với tao có hiếu à? Mấy năm trước, khi còn ở chung, tao được nó cho ở riêng một mình một tầng nhé. Tầng bốn, tầng cao nhất, mày hiểu chưa? Nó chẳng bắt làm gì, chẳng bao giờ quấy rầy. Chỉ đến giờ ăn thì gọi xuống. Hôm nào có khách còn bê lên cho ăn một mình. Nó dặn mấy đứa con gặp ông phải chào. Chỉ tội chúng hay quên. Con nít mà. Lại còn nhắc vợ phải ăn nói nhẹ nhàng với tao nữa. Mày thấy tao sướng chưa? ở quê ấy mà, khối người về già bị con bỏ rơi đấy. Tao thì không. Tiếc là hai thằng con không thỏa thuận được với nhau để tao và bà lão nhà tao sống chung một thời gian. Mấy ngày thôi cũng được. Bà lão nhà tao ấy mà, ngu thì ngu thật, nhưng hiền lành và biết điều. Chỉ tội mau nước mắt. Nói mày đừng cười, bà ấy bảo nhớ tao đấy. Cứ như còn trẻ. Cứ như người thành phố không bằng. Tao thì tao chẳng nhớ, nhưng thương. Tội nghiệp bà ấy, chừng ấy tuổi mà còn phải thui thủi một mình. Chả là thằng kia không chịu cho lên thành phố vì chê hay nhổ nước trầu bậy bạ. Mụ nhà quê nào chả mắc cái thói xấu ấy. Nó chỉ gửi tiền về. Nghe nói cũng khá. Nhưng bà ấy ngu lắm cơ. ăn uống chẳng dám, được đồng nào cứ tích góp cho vào cạp quần, khi thành món kha khá thì vợ chồng nó về hỏi vay. Tức là lại cho chúng. Thế mà đã năm năm nay vợ chồng tao chưa gặp nhau đấy. Chả đứa nào chịu đưa đi. Chúng bận làm ăn. Đúng thôi. Già chết đến nơi rồi còn gặp gỡ làm gì. Nhưng kể thỉnh thoảng được thấy nhau, nói với nhau đôi lời cũng hay. Mày nghĩ sao, Vện? Giống người khác giống chó ở chỗ sống có đôi. Chứ như chúng mày thì chỉ bầy đàn, để đến lúc già trơ khấc một mình. Khổ chưa? May mà mày còn có tao. Rồi chết chắc chỉ mình tao đi chôn mày. ấy là nói nếu mày chết trước. Còn nếu tao chết trước, mày có theo người ta ra mộ tao không? Công bằng mà nói, mày là con chó tốt, và có mày tao cũng đỡ buồn hơn nhiều... ờ mà sao mày chẳng nói gì cả? Vện, Vện, mày đâu rồi?
Con chó già không đáp vì nó đang bận. Ông lão đưa tay quờ quạng tìm nó.
- Đi ị hả? Nhớ ra tận góc vườn đấy nhá!
Không, lúc ấy con Vện đứng cạnh chủ, chỉ ngoài tầm với một tí. Nó đang chăm chú nhìn miếng mồi trước mặt. Đó là một miếng thịt khá to, nướng sém, dù đã nguội nhưng cái mũi thính của nó vẫn ngửi thấy mùi thơm. Vốn khôn ngoan, lại dày dạn kinh nghiệm của một con chó già, nó cảm thấy có gì đấy bất thường trong miếng mồi này. Nó đang lưỡng lự. Tuy nhiên sự hấp dẫn của miếng thịt, lại khi đang đói, cuối cùng đã thắng. Nó cúi xuống, thè lưỡi liếm liếm, dè dặt liếc nhìn ông lão rồi ngoạm vào miệng, nuốt chửng. Giống chó có thói xấu là ăn không nhai, chỉ nuốt.
Bỗng con Vện khựng lại. Có cái gì đấy vương vướng trong miệng. Một sợi dây. Sợi dây cước màu trắng mãi đến lúc này nó mới thấy. Không phải một đoạn mà cả sợi dài. Đúng lúc nó định tìm cách nhả ra thì sợi dây bị kéo căng, và nó thấy đau buốt trong cuống họng. Đau lắm. Như có cái gì sắc nhọn móc bên trong. Nó há to mồm, cố khạc ra. Không được. Sợi dây bị kéo căng, làm nó càng đau hơn. Vì đau, vì miếng thịt mắc ngay ở cuống họng, nó không sủa được. Chỉ rên ư ử, và đi theo hướng sợi dây đang kéo, không hiểu chuyện gì đang xẩy ra. Tiếng ư ử của chó, cho dù vì vui hay buồn, đều giống nhau.
- Mày làm sao thế, Vện? - Ông lão mù hỏi. - Sướng quá hóa rồ lại hát à? Nhưng mày hát gì mà nghe như khóc ấy. Không sao, thích thì cứ hát. Đời đẹp mà. Hôm nay ngày cũng đẹp. Gớm, tháng trước rét thế. May đêm ngủ có mày, chứ không tao cũng chết rét... Mà thôi, đừng rên thế nữa. Lại đây, lại đây ngồi với tao nào! Vện! Vện!.. Mày đâu rồi?
Lúc này con chó già đã bị kéo ra tới đường làng. ở đó, khuất sau bụi dâm bụt là một thằng đàn ông còn trẻ đội mũ cối, mặc quần áo màu rêu bộ đội, chân đi dép nhựa, mặt quắt và đầy trứng cá. Hắn nhanh nhẹn túm lấy cổ con Vện, úp vào mõm nó chiếc rọ đã chuẩn bị sẵn, trói cả bốn chân lại rồi vứt vào chiếc giỏ sắt lớn sau yên chiếc xe đạp dựng cạnh.
Bình thường, dẫu già con Vện vẫn có thể quật ngã hai tên như hắn. Nhưng lúc này nó đang đau, không sủa, không cắn được, dẫy đạp mạnh cũng không. Thằng kia biết, nên hắn mới có thể làm mọi việc bình tĩnh và trót lọt như vậy. Chưa nói đến kinh nghiệm, mà kinh nghiêm trong việc này thì hắn có thừa, vì hắn là một thằng câu chó chuyên nghiệp. Vâng, câu chứ không phải bắt trộm. Như người ta câu cá. Nhử cho chó ăn mồi, chờ chiếc lưỡi câu lớn ba cạnh móc vào họng rồi kéo dây. Sợi dây cũng bằng cước, mảnh thôi, chỉ nhỉnh hơn dây câu cá một chút, nhưng thử hỏi khi đã mắc mồi thì có con chó nào, dù to khỏe đến đâu, còn dám chống cự mà sợ đứt?
- Vện ơi, Vện! Mày đâu rồi? Có chuyện gì xẩy ra thế? - Ông lão lại gọi, lần này to hơn và đầy lo lắng. – Vện! Vện! Mày đi đâu đấy?
- Đi Nhật Tân rồi. - ông hàng xóm ngừng sửa xe, nói vọng sang.
- Nhật Tân là gì? Đi Nhật Tân là đi đâu?
- Là tới các quán thịt chó ở trên ấy chứ đi đâu nữa. Cụ lạc hậu quá.
- Nhưng sao con Vện lại đến đấy và đến thế nào được? - ông lão vẫn chưa hiểu.
- Không phải nó tự đến, mà bị bọn trộm bắt...
- Bắt trộm? Con Vện này mà chịu để người khác bắt trộm?
Ông hàng xóm kể rõ thủ đoạn của bọn câu chó. Ông lão nghe xong chỉ khẽ kêu một tiếng “trời” rồi ngồi im. Mãi lúc sau ông mới lên tiếng, giọng run run;
- Sao bác biết, không ra giữ nó lại?
Ông kia suy nghĩ một chốc, đáp:
- Tôi bận chữa xe.
Rồi vô cớ, cho rú máy inh oi.
Trên đời có những người làm điều ác, những điều ác kinh khủng mà chính họ nhận thức rất lờ mờ, thậm chí không coi là điều ác. Do vậy sự kinh khủng càng tăng thêm gấp bội. Thằng câu chó này là một thí dụ. Hắn vốn xuất thân từ một gia đình nông dân bình thường. Nhà nghèo, chỉ học hết lớp ba. Hắn chẳng có thói xấu nào. Không rượu chè, cờ bạc. Gây gỗ cũng không, và chưa từng một lần có vấn đề với pháp luật. Hắn chăm chỉ làm ruộng nuôi vợ con, không mẫu mực nhưng cũng chẳng đáng trách. Quan hệ với bố mẹ, xóm giềng cũng bình thường. Tóm lại, hắn là người không đến nỗi nào, trừ việc lúc rỗi đạp xe đi khắp vùng ăn trộm chó để bán cho các cửa hàng ở Nhật Tân.
Hắn có biết việc này là xấu không? Có lẽ có. ăn trộm là xấu rồi. Nhưng hắn không nghĩ đó là tội ác. Trộm vặt thôi mà. Nhất là trộm chó, cái giống gây bệnh dại mà cách đây không lâu ở quê hắn còn bị cấm nuôi, dân quân thi nhau đi từng nhà đánh chết bằng hết! Hắn chỉ có thể nghĩ đến thế, nên cứ tiếp tục “hành nghề”, hết con này đến con khác, hết năm này đến năm khác. Còn về sự man rợ của việc hắn ăn trộm chó bằng cách móc lưỡi câu ba mũi vào họng chúng mà kéo thì quả chưa một lần hắn nghĩ tới. Đầu óc ngu dốt, tăm tối và thơ ngây một cách đáng sợ của hắn đơn giản không cho rằng đó là điều man rợ. Hệt những kẻ ăn thịt người ở các bộ tộc mông muội ngày xưa không chút lương tâm cắn rứt khi xơi thịt đồng loại.
Câu chó và câu cá thì có khác gì nhau? - Có thể hắn nghĩ vậy. Nhưng con cá bị câu, thả xuống nước có thể sống. Còn con chó thì không thể gỡ lưỡi câu ra được, trừ phi sau khi thui bị mố họng. Đấy là chưa nói tới việc không thể ví chó với cá. Gần đây báo đưa tin ở Thụy Điển có anh hàng cá bị phạt tiền vì tội bán cá còn sống, tức là tội hành hạ loài vật. ở các nước phương tây ăn thịt chó là vi phạm luật bảo vệ động vật. Còn đây, hắn thản nhiên hàng ngày móc lưỡi câu vào họng những con chó tội nghiệp rồi kéo đi. Chưa có luật nào trừng trị hắn tội ấy. Mọi người xung quanh dường như cũng không lên án hắn. Vợ con hắn thản nhiên sống bằng đồng tiền moi họng chó ấy. Dân làng thản nhiên nhìn hắn “đi làm”. Các chủ quán Nhật Tân thản nhiên mặc cả giá những con chó với lưỡi câu ba ngạnh trong họng như mọi món hàng bình thường. Thực khách thản nhiên ăn chúng một cách ngon lành. Ông hàng xóm thản nhiên nhìn hắn bắt con Vện với lý do “bận chữa xe máy”. Anh con trai ông lão mù thản nhiên nói: “Mất con này thì mua con khác, thiếu gì mà bố phải khổ sở đến thế!” Còn chú công an khu vực trẻ măng khi được thông báo vụ việc còn có ý ngạc nhiên sao người ta có thể làm phiền nhà chức trách bằng những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Chuyện một con chó bị câu trộm!
Bạn đọc thân mến, nhưng tôi thì không sao thản nhiên nổi khi viết câu chuyện này. Hy vọng các bạn cũng không thản nhiên đọc nó. Một câu chuyện có thật, vừa xẩy ra ở cái huyện ngoại thành, là nơi, theo cách riêng của mình, vợ chồng tôi đang sống thanh thản và hạnh phúc như ông lão mù cùng con chó gần mù của ông. Hôm ấy đúng là ngày đẹp trời, nhưng với tôi lại là một trong những ngày u ám nhất.
Cho đến tận lúc này tôi vẫn có cảm giác như cổ họng mình đang vướng lưỡi câu ba ngạnh kia. Một sự công phẫn thôi thúc muốn thét to mà không biết thét vào ai, thét rằng trên đời vẫn tồn tại một sự dã man đến thế và người ta vẫn có thể thản nhiên với nó đến thế. Cái ác đang tồn tại khắp nơi dưới nhiều dạng, cả những dạng nhỏ nhặt và “hồn nhiên” nhất. Chúng ta, kể cả tôi, chúng ta vin đủ cớ để không nhìn thẳng vào chúng, và quan trọng hơn cả là không làm gì để chống lại chúng. Bản thân thái độ thụ động này cũng là một cái ác. Sự ngu dốt không nhận ra cái ác cũng là cái ác. Tôi không bao giờ trộm chó, cả ăn thịt chúng cũng không, vì hàng ngày tôi vuốt ve chúng, mỗi lần đi làm về chúng vẫy đuôi mừng tôi. Nhưng không vì thế mà tôi thấy mình không phần nào có lỗi trong việc con Vện bị giết một cách dã man và ông lão mù bị tước đi người bạn thân thiết duy nhất...
Vậy là tôi đã làm hỏng truyện ngắn này của tôi, bằng cách vô tình biến nó thành một bài tùy bút với những lời ủy mị không hợp mốt. Là nhà văn, lại đang trong cơn hứng “truyện ma”, tôi có thể hư cấu những chi tiết ly kỳ làm phần kết cho nó. Nhưng đây là chuyện có thật về một vấn đề nghiêm túc và khẩn thiết, tôi không thể cho phép mình được viết gì khác ngoài sự thật trần trụi và những ý nghĩ thật trong đầu tôi. Khi đọc truyện này, mong các bạn hiểu theo hướng đó.
PS.
Ông lão mù mới chết tuần trước. Tôi hỏi ông con thì được báo là cụ bỗng nhiên cảm thấy khó thở, không nói, không ăn mấy ngày rồi chết. Cũng đúng vào hôm đẹp trời. Vợ chồng tôi và cả ông hàng xóm “bận chữa xe” tiễn cụ tới tận nghĩa trang.
Chỉ tiếc không có con Vện.
Hà Nội, 8.10.2002.
Ông lão đã gần tám mươi. Con chó nằm cạnh sắp bước sang tuổi mười lăm. Nghĩa là qui ra tuổi người, nó cũng già như chủ, đến mức đi đứng không vững, nhìn không rõ, có thể nói gần như mù. Nó là con chó ta lai bẹc-giê, to cao, màu vàng nhạt, ở cái tuổi đáng kính ấy vẫn giữ được dáng vẻ của thời hoàng kim cách đây cả chục năm. Chỉ gầy đi đôi chút. Tất nhiên chậm chạp hơn và hiền chứ không hung dữ như xưa. Suốt ngày nó ở ngoài sân, thích thú tận hưởng cái ấm của mặt trời, lười biếng nằm bẹp xuống nền xi măng, có khi duỗi cả tứ chi ở cái thế chẳng lấy gì làm đẹp mắt. Từ lâu nó đã thôi không thèm sủa. Họa hoằn lắm, có kẻ gian, nếu đôi mắt mờ nhìn thấy, nó chỉ gầm gừ hăm dọa. Hăm dọa thôi chứ chẳng gì hơn. Qua rồi cái thời nó phải làm cái công việc trông coi nhà cửa như lũ con cháu. Con cháu nó chắc cũng nhiều, dù bây giờ không biết ở đâu. Như ông chủ, nó xứng đáng được hưởng những ngày còn lại của cuộc đời trong thanh thản và hạnh phúc. Dường như nó đang hạnh phúc, cái hạnh phúc đơn sơ theo kiểu chó...
Còn ông lão? Thì ông cũng hạnh phúc. Cũng theo cách của riêng ông, tất nhiên. Ông vốn nông dân, suốt đời chân lấm tay bùn, đến năm bảy mươi tuổi bị mù vì bệnh thiên đầu thống, được con trai đưa ra thành phố, cơm bê nước rót, đi đâu có con chó này dắt, bây giờ nó mù thì nhu cầu đi lại của ông cũng chẳng còn. Cách đây mấy năm, do vợ khó dễ, anh con mua cho ông ngôi nhà nhỏ này ở ngoại thành, thuê bà hàng xóm lo cơm nước, giặt dũ, còn mình thì mỗi tháng một lần đến thăm, trừ những tháng quên. Thế thì hỏi ông còn cần gì thêm? Đúng là chẳng cần gì. Ông vốn dễ tính. Tuy nhiên, nếu có được sự ấm áp gia đình thay cho ánh nắng vốn không phải ngày nào cũng có, và tiếng líu lo của những đứa cháu bụ bẫm chứ không phải tiếng gầm gừ của con chó, thì vẫn hơn.
Vậy là cả hai, con người và con chó, đang hài lòng, cùng sưởi nắng bên nhau, không bị ai quấy rầy. Lại vào một ngày nắng đẹp. Nhà bên, cách mảnh vườn nhỏ trồng mấy cây khế còn thấp nhưng um tùm lá, là ông hàng xóm đang lúi húi chữa xe máy. Ông ta, một người tóc húi cua, da đen, thấp mập, khoảng năm mươi, nghe nói về hưu non, không hiểu do giảm biên chế hay bị kỷ luật, hình như cũng vui vì luôn miệng huýt sáo, cả những lúc bất ngờ dấn ga rồ máy nghe đến sợ.
- Cái giống chó nhà mày ấy mà, Vện ạ, đúng là chẳng có chút tình nghĩa nào. - Ông lão lên tiếng, đập đập tay lên đầu con chó, sợ nó ngủ quên không nghe. Ông luôn gọi nó là Vện mặc dù hồi còn ở chung, vợ chồng con ông đặt cho cái tên tây là Micky. - Nghĩ mà xem, mày con đàn cháu đống như thế mà đến lúc già lại chẳng có đứa nào bên cạnh. May còn được tao thương cho ăn, không thì chết, chết đói thật đấy!
Con Vện khẽ gừ một tiếng rồi đưa chiếc lưỡi màu đỏ nhạt liếm tay chủ.
- Còn tao thì mày biết, tao đã kể bao nhiêu lần rồi. Tao chỉ có hai đứa con trai. Một nuôi mẹ, một nuôi bố. Mày không thấy thằng Khánh ăn ở với tao có hiếu à? Mấy năm trước, khi còn ở chung, tao được nó cho ở riêng một mình một tầng nhé. Tầng bốn, tầng cao nhất, mày hiểu chưa? Nó chẳng bắt làm gì, chẳng bao giờ quấy rầy. Chỉ đến giờ ăn thì gọi xuống. Hôm nào có khách còn bê lên cho ăn một mình. Nó dặn mấy đứa con gặp ông phải chào. Chỉ tội chúng hay quên. Con nít mà. Lại còn nhắc vợ phải ăn nói nhẹ nhàng với tao nữa. Mày thấy tao sướng chưa? ở quê ấy mà, khối người về già bị con bỏ rơi đấy. Tao thì không. Tiếc là hai thằng con không thỏa thuận được với nhau để tao và bà lão nhà tao sống chung một thời gian. Mấy ngày thôi cũng được. Bà lão nhà tao ấy mà, ngu thì ngu thật, nhưng hiền lành và biết điều. Chỉ tội mau nước mắt. Nói mày đừng cười, bà ấy bảo nhớ tao đấy. Cứ như còn trẻ. Cứ như người thành phố không bằng. Tao thì tao chẳng nhớ, nhưng thương. Tội nghiệp bà ấy, chừng ấy tuổi mà còn phải thui thủi một mình. Chả là thằng kia không chịu cho lên thành phố vì chê hay nhổ nước trầu bậy bạ. Mụ nhà quê nào chả mắc cái thói xấu ấy. Nó chỉ gửi tiền về. Nghe nói cũng khá. Nhưng bà ấy ngu lắm cơ. ăn uống chẳng dám, được đồng nào cứ tích góp cho vào cạp quần, khi thành món kha khá thì vợ chồng nó về hỏi vay. Tức là lại cho chúng. Thế mà đã năm năm nay vợ chồng tao chưa gặp nhau đấy. Chả đứa nào chịu đưa đi. Chúng bận làm ăn. Đúng thôi. Già chết đến nơi rồi còn gặp gỡ làm gì. Nhưng kể thỉnh thoảng được thấy nhau, nói với nhau đôi lời cũng hay. Mày nghĩ sao, Vện? Giống người khác giống chó ở chỗ sống có đôi. Chứ như chúng mày thì chỉ bầy đàn, để đến lúc già trơ khấc một mình. Khổ chưa? May mà mày còn có tao. Rồi chết chắc chỉ mình tao đi chôn mày. ấy là nói nếu mày chết trước. Còn nếu tao chết trước, mày có theo người ta ra mộ tao không? Công bằng mà nói, mày là con chó tốt, và có mày tao cũng đỡ buồn hơn nhiều... ờ mà sao mày chẳng nói gì cả? Vện, Vện, mày đâu rồi?
Con chó già không đáp vì nó đang bận. Ông lão đưa tay quờ quạng tìm nó.
- Đi ị hả? Nhớ ra tận góc vườn đấy nhá!
Không, lúc ấy con Vện đứng cạnh chủ, chỉ ngoài tầm với một tí. Nó đang chăm chú nhìn miếng mồi trước mặt. Đó là một miếng thịt khá to, nướng sém, dù đã nguội nhưng cái mũi thính của nó vẫn ngửi thấy mùi thơm. Vốn khôn ngoan, lại dày dạn kinh nghiệm của một con chó già, nó cảm thấy có gì đấy bất thường trong miếng mồi này. Nó đang lưỡng lự. Tuy nhiên sự hấp dẫn của miếng thịt, lại khi đang đói, cuối cùng đã thắng. Nó cúi xuống, thè lưỡi liếm liếm, dè dặt liếc nhìn ông lão rồi ngoạm vào miệng, nuốt chửng. Giống chó có thói xấu là ăn không nhai, chỉ nuốt.
Bỗng con Vện khựng lại. Có cái gì đấy vương vướng trong miệng. Một sợi dây. Sợi dây cước màu trắng mãi đến lúc này nó mới thấy. Không phải một đoạn mà cả sợi dài. Đúng lúc nó định tìm cách nhả ra thì sợi dây bị kéo căng, và nó thấy đau buốt trong cuống họng. Đau lắm. Như có cái gì sắc nhọn móc bên trong. Nó há to mồm, cố khạc ra. Không được. Sợi dây bị kéo căng, làm nó càng đau hơn. Vì đau, vì miếng thịt mắc ngay ở cuống họng, nó không sủa được. Chỉ rên ư ử, và đi theo hướng sợi dây đang kéo, không hiểu chuyện gì đang xẩy ra. Tiếng ư ử của chó, cho dù vì vui hay buồn, đều giống nhau.
- Mày làm sao thế, Vện? - Ông lão mù hỏi. - Sướng quá hóa rồ lại hát à? Nhưng mày hát gì mà nghe như khóc ấy. Không sao, thích thì cứ hát. Đời đẹp mà. Hôm nay ngày cũng đẹp. Gớm, tháng trước rét thế. May đêm ngủ có mày, chứ không tao cũng chết rét... Mà thôi, đừng rên thế nữa. Lại đây, lại đây ngồi với tao nào! Vện! Vện!.. Mày đâu rồi?
Lúc này con chó già đã bị kéo ra tới đường làng. ở đó, khuất sau bụi dâm bụt là một thằng đàn ông còn trẻ đội mũ cối, mặc quần áo màu rêu bộ đội, chân đi dép nhựa, mặt quắt và đầy trứng cá. Hắn nhanh nhẹn túm lấy cổ con Vện, úp vào mõm nó chiếc rọ đã chuẩn bị sẵn, trói cả bốn chân lại rồi vứt vào chiếc giỏ sắt lớn sau yên chiếc xe đạp dựng cạnh.
Bình thường, dẫu già con Vện vẫn có thể quật ngã hai tên như hắn. Nhưng lúc này nó đang đau, không sủa, không cắn được, dẫy đạp mạnh cũng không. Thằng kia biết, nên hắn mới có thể làm mọi việc bình tĩnh và trót lọt như vậy. Chưa nói đến kinh nghiệm, mà kinh nghiêm trong việc này thì hắn có thừa, vì hắn là một thằng câu chó chuyên nghiệp. Vâng, câu chứ không phải bắt trộm. Như người ta câu cá. Nhử cho chó ăn mồi, chờ chiếc lưỡi câu lớn ba cạnh móc vào họng rồi kéo dây. Sợi dây cũng bằng cước, mảnh thôi, chỉ nhỉnh hơn dây câu cá một chút, nhưng thử hỏi khi đã mắc mồi thì có con chó nào, dù to khỏe đến đâu, còn dám chống cự mà sợ đứt?
- Vện ơi, Vện! Mày đâu rồi? Có chuyện gì xẩy ra thế? - Ông lão lại gọi, lần này to hơn và đầy lo lắng. – Vện! Vện! Mày đi đâu đấy?
- Đi Nhật Tân rồi. - ông hàng xóm ngừng sửa xe, nói vọng sang.
- Nhật Tân là gì? Đi Nhật Tân là đi đâu?
- Là tới các quán thịt chó ở trên ấy chứ đi đâu nữa. Cụ lạc hậu quá.
- Nhưng sao con Vện lại đến đấy và đến thế nào được? - ông lão vẫn chưa hiểu.
- Không phải nó tự đến, mà bị bọn trộm bắt...
- Bắt trộm? Con Vện này mà chịu để người khác bắt trộm?
Ông hàng xóm kể rõ thủ đoạn của bọn câu chó. Ông lão nghe xong chỉ khẽ kêu một tiếng “trời” rồi ngồi im. Mãi lúc sau ông mới lên tiếng, giọng run run;
- Sao bác biết, không ra giữ nó lại?
Ông kia suy nghĩ một chốc, đáp:
- Tôi bận chữa xe.
Rồi vô cớ, cho rú máy inh oi.
Trên đời có những người làm điều ác, những điều ác kinh khủng mà chính họ nhận thức rất lờ mờ, thậm chí không coi là điều ác. Do vậy sự kinh khủng càng tăng thêm gấp bội. Thằng câu chó này là một thí dụ. Hắn vốn xuất thân từ một gia đình nông dân bình thường. Nhà nghèo, chỉ học hết lớp ba. Hắn chẳng có thói xấu nào. Không rượu chè, cờ bạc. Gây gỗ cũng không, và chưa từng một lần có vấn đề với pháp luật. Hắn chăm chỉ làm ruộng nuôi vợ con, không mẫu mực nhưng cũng chẳng đáng trách. Quan hệ với bố mẹ, xóm giềng cũng bình thường. Tóm lại, hắn là người không đến nỗi nào, trừ việc lúc rỗi đạp xe đi khắp vùng ăn trộm chó để bán cho các cửa hàng ở Nhật Tân.
Hắn có biết việc này là xấu không? Có lẽ có. ăn trộm là xấu rồi. Nhưng hắn không nghĩ đó là tội ác. Trộm vặt thôi mà. Nhất là trộm chó, cái giống gây bệnh dại mà cách đây không lâu ở quê hắn còn bị cấm nuôi, dân quân thi nhau đi từng nhà đánh chết bằng hết! Hắn chỉ có thể nghĩ đến thế, nên cứ tiếp tục “hành nghề”, hết con này đến con khác, hết năm này đến năm khác. Còn về sự man rợ của việc hắn ăn trộm chó bằng cách móc lưỡi câu ba mũi vào họng chúng mà kéo thì quả chưa một lần hắn nghĩ tới. Đầu óc ngu dốt, tăm tối và thơ ngây một cách đáng sợ của hắn đơn giản không cho rằng đó là điều man rợ. Hệt những kẻ ăn thịt người ở các bộ tộc mông muội ngày xưa không chút lương tâm cắn rứt khi xơi thịt đồng loại.
Câu chó và câu cá thì có khác gì nhau? - Có thể hắn nghĩ vậy. Nhưng con cá bị câu, thả xuống nước có thể sống. Còn con chó thì không thể gỡ lưỡi câu ra được, trừ phi sau khi thui bị mố họng. Đấy là chưa nói tới việc không thể ví chó với cá. Gần đây báo đưa tin ở Thụy Điển có anh hàng cá bị phạt tiền vì tội bán cá còn sống, tức là tội hành hạ loài vật. ở các nước phương tây ăn thịt chó là vi phạm luật bảo vệ động vật. Còn đây, hắn thản nhiên hàng ngày móc lưỡi câu vào họng những con chó tội nghiệp rồi kéo đi. Chưa có luật nào trừng trị hắn tội ấy. Mọi người xung quanh dường như cũng không lên án hắn. Vợ con hắn thản nhiên sống bằng đồng tiền moi họng chó ấy. Dân làng thản nhiên nhìn hắn “đi làm”. Các chủ quán Nhật Tân thản nhiên mặc cả giá những con chó với lưỡi câu ba ngạnh trong họng như mọi món hàng bình thường. Thực khách thản nhiên ăn chúng một cách ngon lành. Ông hàng xóm thản nhiên nhìn hắn bắt con Vện với lý do “bận chữa xe máy”. Anh con trai ông lão mù thản nhiên nói: “Mất con này thì mua con khác, thiếu gì mà bố phải khổ sở đến thế!” Còn chú công an khu vực trẻ măng khi được thông báo vụ việc còn có ý ngạc nhiên sao người ta có thể làm phiền nhà chức trách bằng những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Chuyện một con chó bị câu trộm!
Bạn đọc thân mến, nhưng tôi thì không sao thản nhiên nổi khi viết câu chuyện này. Hy vọng các bạn cũng không thản nhiên đọc nó. Một câu chuyện có thật, vừa xẩy ra ở cái huyện ngoại thành, là nơi, theo cách riêng của mình, vợ chồng tôi đang sống thanh thản và hạnh phúc như ông lão mù cùng con chó gần mù của ông. Hôm ấy đúng là ngày đẹp trời, nhưng với tôi lại là một trong những ngày u ám nhất.
Cho đến tận lúc này tôi vẫn có cảm giác như cổ họng mình đang vướng lưỡi câu ba ngạnh kia. Một sự công phẫn thôi thúc muốn thét to mà không biết thét vào ai, thét rằng trên đời vẫn tồn tại một sự dã man đến thế và người ta vẫn có thể thản nhiên với nó đến thế. Cái ác đang tồn tại khắp nơi dưới nhiều dạng, cả những dạng nhỏ nhặt và “hồn nhiên” nhất. Chúng ta, kể cả tôi, chúng ta vin đủ cớ để không nhìn thẳng vào chúng, và quan trọng hơn cả là không làm gì để chống lại chúng. Bản thân thái độ thụ động này cũng là một cái ác. Sự ngu dốt không nhận ra cái ác cũng là cái ác. Tôi không bao giờ trộm chó, cả ăn thịt chúng cũng không, vì hàng ngày tôi vuốt ve chúng, mỗi lần đi làm về chúng vẫy đuôi mừng tôi. Nhưng không vì thế mà tôi thấy mình không phần nào có lỗi trong việc con Vện bị giết một cách dã man và ông lão mù bị tước đi người bạn thân thiết duy nhất...
Vậy là tôi đã làm hỏng truyện ngắn này của tôi, bằng cách vô tình biến nó thành một bài tùy bút với những lời ủy mị không hợp mốt. Là nhà văn, lại đang trong cơn hứng “truyện ma”, tôi có thể hư cấu những chi tiết ly kỳ làm phần kết cho nó. Nhưng đây là chuyện có thật về một vấn đề nghiêm túc và khẩn thiết, tôi không thể cho phép mình được viết gì khác ngoài sự thật trần trụi và những ý nghĩ thật trong đầu tôi. Khi đọc truyện này, mong các bạn hiểu theo hướng đó.
PS.
Ông lão mù mới chết tuần trước. Tôi hỏi ông con thì được báo là cụ bỗng nhiên cảm thấy khó thở, không nói, không ăn mấy ngày rồi chết. Cũng đúng vào hôm đẹp trời. Vợ chồng tôi và cả ông hàng xóm “bận chữa xe” tiễn cụ tới tận nghĩa trang.
Chỉ tiếc không có con Vện.
Hà Nội, 8.10.2002.