hchungkt80
Dịch giả Vietpet
Đến tham quan Buôn Đôn (Đắk Lắk), ngoài bài thuốc tráng dương bổ thận mang tên Amakông, không ít du khách đã tậu những chiếc nhẫn xỏ lông đuôi voi được quảng cáo giúp “khu phong, ếm qủy, trừ tà”.
Họ nào biết có đến 99,99% những sợi lông của mấy ông khổng lồ rừng xanh là hàng dỏm chính hiệu!
Bán hàng nhờ tài bốc phét
Chiếc xe du lịch mang biển số 29 vừa cập bãi, vừa bước xuống, nhiều du khách đã sa chân vào dãy kiốt bán hàng lưu niệm ở lối vào cây cầu treo bắc qua đảo ÂyNô. Người mua nhẫn cỏ, lắc đồng, quần áo thổ cẩm, kẻ sắm kèn tù và được làm từ sừng trâu hay các loại dược thảo đặc trưng xứ núi…
Trong số các mặt hàng lưu niệm được bày bán, khách ấn tượng nhất là những chiếc nhẫn bạc được xuyên sợi dây đen đen mà theo người bán là "lông đuôi voi". Để "gả" được hàng, tùy độ ngây thơ của khách mà các ông bà chủ trổ tài... quăng lựu đạn.
Thấy đám khách 5 người đang đứng xớ rớ trước chiếc tủ kính bày la liệt những chiếc nhẫn lông đuôi, bà chủ tô son trét phấn, dáng người nục nịch xán tới chào hàng: "Trai gái ở đây khi lấy nhau đều trao nhẫn xỏ lông này đấy. Voi là giống chung thủy, khi bạn tình chết đi, con còn lại sẽ đau buồn rồi chết theo. Do vậy người M''nông ở đây xem nhẫn lông đuôi voi là biểu trưng cho sự chung tình. Vợ chồng, tình nhân nếu cả 2 người cùng đeo nhẫn thì không có trở ngại nào chia cắt được".
Tại quầy hàng kế bên, ông chủ gầy tong cũng đang gân cổ thuyết khách: "Voi là khổng lồ rừng xanh, sức mạnh vô song đến nỗi cọp beo còn sợ nữa là. Dân đi rừng lúc nào cũng ém trong người sợi lông đuôi voi để thú dữ nghe mùi là tránh xa, không dám xâm hại".
Thấy khách vẫn chưa ép phê, ông này tiếp tục gân cổ: "Do hấp thu tinh khí của sông suối, núi rừng nên mọi cơ phận của voi, kể cả sợi lông của nó có tác dụng khu phong, trấn trừ tà ma quỷ mạo. Đeo nó sẽ gặp may mắn, không bị cõi âm xâm hại".
Trung tâm Buôn Đôn có khoảng 10 quầy bán hàng lưu niệm và hầu hết đều bày bán nhẫn lông đuôi voi. Không chỉ “nổ tung trời” về tác dụng thần kỳ của những sợi lông đuôi ông khổng lồ, để khách tin tưởng móc ví xỉa tiền, nhiều ông bà chủ đã chứng minh lông của mình là hàng xịn trăm phần trăm bằng cách chìa ra mẩu đuôi voi khô đét dính lông đen tua tủa. Khách từ cảm giác hoài nghi ban đầu đã chuyển sang tin sái cổ.
"Lông xịn" làm từ sáp ong, nhựa đen!
Khi sự nghi ngại nhường chỗ cho niềm tin tuyệt đối qua những mẩu đuôi voi được chủ quầy minh chứng, nhiều du khách đã không ngần ngại trả hơn trăm ngàn đồng cho chiếc lông đuôi voi dài cỡ ngón tay cái người lớn có tiết diện gấp đôi cây kim may. Người sang hơn thì "quất" luôn cặp nhẫn bạc tùy trọng lượng có giá dao động từ 500.000 đồng đến một triệu.
Được mệnh danh là quê hương của những gã khổng lồ rừng xanh, Buôn Đôn nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung từng một thời nức tiếng với những thớt voi hùng hậu, thiện chiến. Nhưng trong thời buổi hiện nay, đó chỉ là câu chuyện quá khứ bởi số lượng đàn voi bị hao hụt thảm thương (còn chưa đầy 20 con) do bị săn trộm, bị chủ nhân vắt sức phục vụ khách khoái cưỡi voi nên chết thảm…
Qua trò chuyện với dũng sĩ săn voi rừng số 1 Tây Nguyên Amakông được biết, voi khi bị nhổ lông đuôi sẽ không bao giờ mọc được nữa. Vấn đề ở chỗ mỗi con voi chỉ có khoảng 300 chiếc lông mà phần lớn đã bị chủ nhân và du khách vặt xác xơ, đào đâu ra số lượng lông đuôi khổng lồ mà chủ cửa hàng nào cũng tuyên bố sẵn sàng đáp ứng với số lượng không giới hạn?
"Pín cọp, mật gấu, cốt trăn… người ta còn giả được huống chi đốt đuôi và mấy sợi lông voi". Sau khi bày tỏ sự cảm thán, một anh thợ chụp ảnh bật mí: "Tất cả đều là hàng giả hết đó. Trước đây lông đuôi được giả từ lông gáy heo rừng lâu năm tuổi. Sau heo hiếm, người ta mới nghĩ chuyện đúc lông đuôi từ nhựa đen. Nếu đem đốt sợi lông giả bay mùi nhựa khét, lông thật thối um trời. Thứ này tiếp xúc với nước một thời gian sẽ rã ra từng khúc thảm hại".
- Vậy còn cái đuôi voi họ đưa cho khách xem?
- Đồ giả nốt. Thứ đó làm dễ ẹc. Họ lấy sáp ong tạo dáng, cắm mấy sợi lông nhựa vào rồi phơi khô 3 nắng là thành đuôi voi thôi!
Minh tâm sự, dân Buôn Đôn ai cũng biết mấy chuyện lọc lừa có liên quan đến lông đuôi voi nhưng vì ngại đụng chạm nên cả thảy im lặng. Họ chỉ cười trong bụng mỗi khi thấy mấy ông bà khách người thành phố hoan hỉ trả tiền thiệt để rinh mấy sợi lông khổng lồ được đúc bằng nhựa.
Coi chừng vi phạm pháp luật!
Nếu có dịp đến Buôn Đôn, để không sụp bẫy lừa của các siêu bịp, tốt hơn hết là bạn đừng nghĩ đến chuyện rinh nhẫn hay lông đuôi voi. Nếu "ẵm" trúng lông giả thì bạn đã tự biến mình thành con mồi cho bọn xấu xẻo thịt.
May mắn "tậu" được sợi lông thật nghĩa là bạn đã vô tình góp sức cùng phường săn trộm làm hại đàn voi (Tây Nguyên đã và đang bùng nổ nạn chặt đuôi voi) và quan trọng nhất là bạn đã vi phạm Pháp lệnh bảo vệ động vật hoang dã. Bởi Sách Đỏ Việt Nam đã xếp voi châu Á vào danh mục các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
ZingNews, 12/02/2009 cập nhật lúc 20:17'