• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Luật hở, ý thức thấp, mua bán ĐVHD ngày càng cao

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Hàng năm, có khoảng 3.000 tấn thịt động vật hoang dã (ĐVHD), trong đó 45 - 50% được tiêu thụ trong nước, số còn lại được xuất bất hợp pháp qua biên giới Trung Quốc. Điều đáng lo ngại, theo các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên, những con số thống kê được chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Hàng ngàn vụ vi phạm chỉ là “phần nổi”

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho hay, những năm gần đây, tình hình buôn bán ĐVHD đã tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Từ năm 2005, đường dây nóng Chương trình Bảo vệ ĐVHD của ENV đã thiết lập và đến nay, Chương trình Bảo vệ ĐVHD của ENV đã lưu trữ hồ sơ của hơn 1.600 vụ vi phạm trong lĩnh vực này.

"Trăn, nai, khỉ, cá sấu... vốn rất nhều ở Cần Giờ TP.HCM nhưng nay chỉ còn trong phòng bảo tồn, Sở Thú vì ý thức người dân kém!". Ảnh: V.Giang​

Chưa có thống kê về số vụ buôn bán ĐVHD nhưng theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, tổng lượng động vật hoang dã sống và thịt được buôn bán trên địa bàn Việt Nam hàng năm vào khoảng 3.000 tấn, trong đó 45 - 50% được tiêu thụ trong nước, số còn lại được xuất bất hợp pháp qua biên giới Trung Quốc (qua cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn) và các nước Đông Á khác. Hầu hết thịt động vật hoang dã được tập trung tiêu thụ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Điều đáng lo ngại, theo các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên, những con số thống kê được chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Hiện nay, số lượng các loài bị đe dọa trong sách đỏ trong những năm qua không chỉ gia tăng về số lượng mà còn tăng về phân hạng đe dọa. Việt Nam đã có khoảng 700 loài động, thực vật đang bị nguy cơ tuyệt chủng ở cấp độ Quốc gia. Một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm nghiêm trọng loài dẫn đến tuyệt chủng là tình trạng săn bán, buôn bán động thực vật hoang dã một cách ráo riết.

Gần đây, 16 đại diện đến từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) của 9 nước Châu Á tham gia hội thảo nhằm tăng cường hợp tác khu vực trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép tại Hà Nội cùng lên tiếng báo động nạn săn bắt ĐVHD ngày càng tăng ở các quốc gia Châu Á.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận: Buôn bán động vật hoang dã trái phép đã trở thành một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận và là vấn đề nhức nhối chung của nhiều quốc gia. Đây chính là mối đe dọa tuyệt chủng đối với nhiêu loài ĐVHD của Châu Á.

Ý thức thấp, luật nhiều kẽ hở

Đây là nguyên nhân chính khiến nạn buôn bán động vật hoang dã ở VN vẫn rất đáng ngại về số lượng tăng mà không giảm.

Hổ, một đối tượng quý của các tay buônbán ĐVHD chỉ có thể sống yên bình trong chuồng sắt của Thảo Cầm Viên. Ảnh: V.Giang​

Chị Nguyễn Phương Dung, cán bộ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết, chị từng nhiều lần cùng tham gia vào các chuyến đi lập hồ sơ vi phạm về buôn bán động vật hoang dã. Có một thực trạng đáng ngại là: xử phạt hoàn toàn không đủ tính răn đe. Vì thế, có những người từng đóng tiền nộp phạt nhưng không ngại tiếp tục vi phạm, tiếp tục đóng tiền.

Trong luật cấm săn bắt, mua bán động vật hoang dã ở VN vẫn còn những kẽ hở để cá nhân vi phạm luồn qua “chối tội”. Ví dụ, không có điều khoản nào phân biệt rõ hành vi tàng trữ động vật hoang dã, buôn bán động vật hoang dã hay là nuôi nhốt động vật hoang dã. Dù những hành vi này mức độ rất khác nhau.

Đối với TS. Võ Ngọc Sơn, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục bảo tồn thì: “người dân miền núi, nơi có nhiều cơ hội săn bắt động vật hoang dã lại là những người ít hiểu biết nhất về pháp luật, ý thức bảo vệ động vật hoang dã”.

Một nguyên do nữa là nhu cầu kinh tế phải đáp ứng đủ cho cuộc sống của người dân miền núi mới có thể giảm đáng kể nạn buôn bán ĐVHD. Trong nhiều chuyến thực địa nghiên cứu về linh trưởng, TS Sơn nhận thấy phần lớn người dân không ý thức hết việc ĐVHD sẽ có nguy cơ tuyệt chủng như thế nào, họ chỉ biết có nhu cầu mua thì bắt bán và việc săn bắt bán này lại là cần câu cơm của không ít người.

Theo TS. Sơn, cần chú ý giáo dục ngay từ nguồn, tức là nơi người dân có nhiều cơ hội tiếp xúc với các loài ĐVHD để họ không săn bắt mà còn bảo vệ ĐVHD, tố cáo hành vi những kẻ xấu xâm hại chúng. Muốn đạt kết quả tốt, song song việc giáo dục bảo tồn nên phát huy những hoạt động như du lịch sinh thái để người dân có những “cần câu cơm” hữu ích khác. Ví dụ như khu vực đảo khỉ ở Cần Giờ, TP.HCM đã thực hiện rất tốt mô hình này.

Vinh Giang
 
Top