• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Lên núi Dài ngắm gà rừng

TaiVenh

Active Member
[IMGL= ]http://www.baoag.com.vn/uploads/News/pic/small_nvn_1203386288.jpg[/IMGL] Hai chiếc tích màu trắng đặc trưng như điểm tựa làm thăng hoa màu đỏ hùng dũng trên gương mặt sắc nhọn của gà rừ Tôi qua đêm trên đỉnh Ngọa Long Sơn (núi Dài-còn gọi là núi Giài), một trong 7 ngọn núi thiêng trong dãy Thất Sơn hùng vĩ của An Giang, nơi được truyền tụng với bao huyền thoại về tên đất, tên người. Bên bếp lách tách lửa, chúng tôi thức thâu đêm bên những câu chuyện về núi, về rừng cho đến tận lúc tiếng gà rừng từ đại ngàn đồng vọng về…

*Vào lãnh địa gà rừng:

Đã từng lăn lộn trong thế giới gà nòi, nhưng vừa nghe gà rừng gáy là sự đam mê trong tôi trỗi dậy nên giục út Đạt, người dẫn đường chuẩn bị hành trang luồn sâu vào rừng để được tận mắt nhìn "chủ nhân" của tiếng gáy đầy mê hoặc… Là người có gần nửa thế kỷ sống với núi rừng, út Đạt rành rọt: Theo lời ông bà kể lại, ngày xưa núi Dài là lãnh địa của gà rừng… Nhưng rồi chiến tranh, tiếp đến là nạn phá rừng bừa bãi… đã tàn phá môi trường nên có lúc tưởng như gà rừng bị… tuyệt chủng. Khoảng chục năm nay, cùng với chương trình trồng rừng, phủ xanh đồi trọc, rừng lại hồi sinh và gà rừng lại có được lãnh địa để nhân đàn". Theo lời út Đạt, bây giờ, vồ nào ở núi Dài cũng có gà rừng, nhưng nhiều nhất vẫn là khu vực ô Sình, nơi có nguồn nước tự nhiên ẩn mình trên độ cao 500 mét. Thường, mỗi sáng gà rừng kéo đến đây uống nước trước khi đi kiếm mồi. Từ vồ Cờ, chúng tôi băng mình trong làn sương dày đặc để qua ô Sình. Còn cách khoảng 50 mét, út Đạt đã ra hiệu cho tôi bước thật chậm và nhẹ: "Nó nhát lắm, thoáng thấy bóng người, tiếng động là lủi vào lá khô mất dạng, phải nhẹ nhàng áp sát rồi kín đáo rình, chăm chú nhìn may ra mới thấy được". Từ trên đỉnh nhìn xuống, ô Sình như cõi thiên thai… Sương, khói từ các lạch nước ẩn mình trong lòng núi là đà thoát lên màu tinh khiết… Nắng sớm xuyên tàn lá như rải lên vách đá vườn hoa nắng. Chúng tôi bám vào những phiến đá rêu phong để áp sát đàn gà. "Thấy rồi", út Đạt đưa tay chỉ về hướng rừng le, nơi có đám lá khô vừa bị bới tốc lên. Đúng như dự đoán của út Đạt, một loáng sau, từ trong đám lá cả gia đình gà rừng chui ra. Dẫn đầu là anh trống hùng dũng, theo sau là 3 "phu nhân" và hơn chục gà con.

Dán mắt vào màn hình máy ảnh số đã được zoom hết cỡ. "Đẹp…" tôi suýt bật thành tiếng khi lần đầu tận mắt thấy gà rừng giữa đại ngàn mây núi. Trước mắt tôi là con trống hào hoa. Hai chiếc tích màu trắng đặc trưng như điểm tựa làm thăng hoa màu đỏ hùng dũng trên gương mặt sắc nhọn. Phủ dầy quanh cổ là bộ lông đỏ điểm vân sậm mịn màng. Phía sau, lông đuôi vút cao một cách đầy kiêu hãnh với màu đen bóng như nhung. Trên đôi chân màu xanh da cam đặc trưng, nổi lên đôi cựa nhọn hoắc, cong cớn lên như đôi sừng trâu mộng... Rất điệu đàng, cứ vài bước "hắn" lại ưỡn ngực, dang đôi cánh no tròn như bắp chuối mới trổ, rồi ngửa cổ lên nền trời nhả những chuỗi âm thanh trong vắt. Thấy tôi đê mê, út Đạt trổ hết kiến thức xứ núi: "Ăn hạt trầm hương, uống nước suối trong, thở khí núi đại ngàn nên giọng của gà rừng không chỉ hay mà còn linh nghiệm nữa". Khi núi rừng vắng bặt tiếng gà gáy, là người dân xứ núi biết dưới đồng bằng đang vào mùa lũ. Lũ rút, "hắn" lại cất tiếng hát vang cho đến đầu mùa lũ năm sau.

*"Gã lãng tử" rừng xanh:

Sau buổi sáng lùng sục, chúng tôi xé mì tôm "ăn tươi" lót dạ. Đang nhai rau ráu, bỗng út Đạt kéo tay tôi: "Ra xem gà rừng bay !". Trước mắt tôi, chú gà trống tung người lên không trung bay xuống hướng vồ Đá Ba Mặt, cách đó hơn 100 mét đường chim bay. Theo út Đạt, bay 100-200 mét là chuyện bình thường đối với gà trống đầu đàn. Khi bị chồn, cáo tấn công, gà đầu đàn có thể bay từ vồ này sang vồ khác để đánh lạc hướng kẻ thù, bảo vệ bầy đàn. Khi tình hình ổn định, "hắn" lại bay về, cất tiếng gáy tập hợp "lực lượng". Nhưng trong lần bay này, "hắn" đi kiếm bạn tình. Tuy chỉ nặng độ 1,2-1,5kg và trong đàn thường xuyên có 3-5 thê thiếp, nhưng gà rừng rất "nặng ký" về cái khoản hám "của lạ". Mỗi khi ngóng được tin "cô hàng xóm", nhất là nghe được tiếng nhảy ổ của mấy ả gà mái nhà được nuôi trên rừng là "hắn" tung cánh đi tìm. Cái chất "háo của lạ" này đã được nhà văn Liêm Châu, người có nhiều công trình biên khảo về vùng Thất Sơn phát hiện từ nửa thế kỷ trước: "Trước đây, ở làng ven chân núi Ba Chúc (Tri Tôn) có giống gà chân xanh nổi tiếng xạ giỏi, nhạy cựa. Gà này do gà rừng truyền giống cho gà nhà mà có". Anh Phước, người chuyên nuôi gà nòi tại khu vực vồ Đá Ba Mặt (núi Dài) xác nhận: Gà rừng tài lắm, gà mái nhà vừa kêu ổ là đã thấy "ổng" mò tới". Nhưng có lẽ chiêu "tán" của gà rừng mới là sản phẩm đỉnh cao. Anh Phước kể lại: "Một lần, nghe có "hắn" bay tới, tôi ém mình trong chòi rình xem rồi đâm ra phục sát đất". Không nóng vội áp thẳng vào mục tiêu, gà rừng cứ nhấn nhá bên ngoài rồi cất tiếng gáy. Thỉnh thoảng lại cắn cọng cỏ dưới chân rồi "túc" mái liên hồi như vừa săn được miếng mồi ngon. Cứ thế, chỉ một loáng sau ả gà nhà đã hoàn toàn ngã gục dưới lưỡi "cưa tình" của kẻ đa tình khi tự nguyện trốn nhà ra bìa rừng để "hò… xự… xang, xê, cống". Nhiều hôm "mê mồi" chàng và nàng quấn quýt suốt ngày. Nhưng có điều lạ là dù say đắm đến mấy, đến cuối ngày gà rừng vẫn dứt áo với "người tình" để trở về với "vợ nhà".

Anh Hãng, tay thợ săn nổi tiếng vùng Thất Sơn, đã "gác kiếm" mấy chục năm nay, trong những câu chuyện về một thời xa xưa đã hé mở thêm về đặc tính "lãng tử" của gã gà rừng đa tình. Cách đây hơn 20 năm, thấy đứa con quá ham mê, anh đã cài bẫy bắt gà rừng và đó cũng là lần duy nhất trong đời thợ săn của anh. Bởi sau khi bắt về, dù được chăm sóc rất chu đáo nhưng gã gà trống vẫn buồn rầu rồi chết. Trong suốt những ngày bị giam cầm, anh Hãng thấy đôi mắt của "hắn" ngó đăm đắm về đỉnh núi Dài sau hè, như người cha bị lâm vào vòng tù ngục nhớ về vợ con, gia đình. Sau khi gà chết, anh thề với lòng không bao giờ bắt gà rừng nữa.

Trời ngã chiều, tôi ngước mắt lên đỉnh Ngọa Long Sơn xa mờ trong màn mây giăng như cố giấu đi niềm xúc cảm: Có vật chất nào bù đắp được khoảng trống mùi vị quê nhà trong tâm thức người xa nơi chôn nhau cắt rốn, ngoài việc quay về với quê cha đất tổ, cho dù ở đó hàng ngày phải vật vã với chuyện chén cơm manh áo. Gà rừng đã dạy tôi như thế đấy các bạn ạ !

Thanh Bách
 
Top