• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Làm bạn với... cá sấu

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Mùa cá sấu giao phối, cuộc chiến đầy bạo lực giữa các con đực kèm theo những tiếng kêu rống chói tai để thu hút bạn tình của chúng khiến người coi thú cũng phải... nổi gai ốcKhi câu cá sấu dần trở thành thú tiêu khiển hấp dẫn thì đội ngũ nhân viên chăm sóc cá sấu cũng bắt đầu mến tay, mến chân những “người bạn” hung tợn này.

Thú dữ cũng bén hơi người

Theo chân anh Lâm Trường Luận, cán bộ phụ trách bảo tồn sinh vật đi khảo sát khu nuôi thả cá sấu tại khu nghỉ dưỡng Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu) khi trời đã về chiều. Không gian tịch mịch, thích hợp với việc xả stress nhưng thi thoảng lại nghe tiếng quẫy nước cực mạnh: “Cá sấu chán nước, bò lên bờ đấy!”- anh Luận giải thích. Bước qua cánh cổng nhỏ, trước mắt chúng tôi là hàng trăm chú cá sấu... siêu mập. Anh cán bộ nhiệt tình này khoe: “Lứa cá sấu này nuôi cũng được gần 4 năm rồi, nuôi bảo tồn, trung tâm không bắt lấy da hay thịt nên chúng được tự do phát triển. Con loại trung bình cũng cân nặng hơn 1 tạ đấy”. Vừa khoe, anh vừa trao cho tôi chiếc cần dài, đầu dây không có lưỡi câu mà chỉ buộc vào đó chú cá thu tươi rói, bảo tôi thả mồi. Quen mùi thức ăn, lập tức, hàng chục chú cá sấu to đùng di chuyển, tập trung bên dưới khu vực chúng tôi đứng rồi... há mõm chờ. Vừa hạ tay, trong tích tắc, những chiếc mõm dài đã vươn tới, ngoạm gọn con mồi khiến người cầm cần câu giật nảy người. Thú vui của người đi “câu cá sấu” hấp dẫn là vì vậy!


Những chú cá sấu to đùng, hung dữ

Bóng chiều nhập nhoạng, lũ cá sấu cũng bắt đầu chộn rộn. Anh Luận giải thích: “Chúng biết sắp đến giờ ăn đấy! Mỗi ngày, trăm con cá sấu này ngốn gọn khoảng 50 kg cá tươi chứ đâu ít”. Lượng thức ăn như thế nhưng cá sấu vẫn giành ăn với nhau, tạo nên những cuộc chiến khá kịch liệt. “Nuôi từ nhỏ, thấy chúng đánh nhau cũng lo, nhưng đành phải chấp nhận để chúng tuân theo quy luật sinh tồn” - anh Luận trầm ngâm. Điểm đặc biệt là việc cho cá sấu ăn thường xuyên nên cá sấu đã xem những cán bộ của khu bảo tồn loại động vật này là “bạn” của chúng, chẳng bao giờ chủ động tấn công.

Mỗi tuần, lần lượt các anh đều xuống dọn chuồng, xử lý các tình huống phát sinh. “Khi cá sấu trưởng thành, bước xuống đầm cũng hơi sợ nhưng dần dà cũng quen”- một nhân viên chăm sóc cá sấu cho biết. Dù thú dữ tạm bén hơi người nhưng bản năng hoang dã của chúng vẫn còn khá mạnh. Do vậy, mỗi lần xuống đầm, nhân viên nơi đây đều phải thủ sẵn gậy để sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Ám ảnh tiếng gầm

Sống cùng nhịp sinh hoạt của cá sấu, hầu hết, nhân viên chăm sóc chúng đều sợ “bạn mình” khi chúng bước vào thời kỳ động dục. Lúc này, câu chuyện về cá sấu mới thực sự thú vị. “Vào khoảng tháng 2, tháng 3 là nghe cá sấu rống, khiếp lắm”- anh Nguyễn Văn Chế cho biết. Để gọi bạn tình, những con đực tạo ấn tượng với con cái bằng âm thanh khá “khủng bố”. Cứ một con cá sấu đực rống gọi con cái thì y như rằng các con đực khác cũng bày tỏ sự ganh tỵ, rống theo. Anh Chế mô tả: “Ngần ấy con đực hợp thành một dàn bè ầm ĩ, chói tai không tả được. Những người bình thường mà nghe chắc khiếp vía!”. Âm thanh khủng khiếp thế nên bản hùng ca giao phối của cá sấu ám ảnh người chăm sóc chúng đến nhiều ngày. Anh Luận chia sẻ: “Có khi, về đến nhà, nghỉ ngơi mà trong tai vẫn còn như văng vẳng tiếng cá sấu gầm”.

Ấp cá sấu con trong lồng kính​

Không dừng lại ở việc gầm ghè, thời kỳ động dục của cá sấu còn kèm theo những trận chiến khốc liệt hơn nhiều lần việc giành thức ăn. Theo hướng chỉ tay của anh Chế, chúng tôi chứng kiến một chú cá sấu cụt chân, gãy răng, trông thảm hại đến tội nghiệp. “Hậu quả của việc giành “gái” đấy” - anh đùa.

Đối diện với tử thần

Bước vào mùa mưa, khi cá sấu bắt đầu đẻ trứng vài ngày thì người nuôi lại kiêm nhiệm thêm việc đi lót ổ bằng cách đổ đất và lá tràm khô. Cá sấu cái chọn được ổ, bươi đất đẻ trứng rồi lấp lại. Lúc này, người nuôi phải xuống tận nơi, lấy trứng để ấp. “Lúc ấy, bản năng bảo vệ con khiến chúng rất dữ, sơ suất một chút là “tiêu” ngay”- anh Chế cho biết. Vì điều này mà mỗi đợt lấy trứng, họ đều phải đi 2 người, kèm vũ khí phòng thân. Người này lấy trứng thì người kia phải sẵn sàng vũ khí canh chừng. Anh Chế nói thêm: “Lấy trứng cá sấu căng thẳng không kém gì ra chiến trận đâu!”. Nhiều lần cá sấu không thuận ý người, nhào đến bảo vệ ổ trứng với hàm răng sắc nhọn, nhân viên cũng đành rút lui, đợi dịp khác.

Thành quả của hiểm nguy từ việc đi lấy trứng cá sấu, cuối cùng, cũng mang lại kết quả khá khả quan. Lứa cá sấu đầu tiên phát triển mạnh khỏe và lứa thứ hai sau 60 ngày ấp bằng điện cũng đã ra đời. Nhìn những chú cá sấu bé con chập chững bò loanh quanh trong chòi ấp, đối lập hẳn với vẻ dữ tợn của chúng khi trưởng thành, mới hiểu vì sao đội ngũ những người làm bạn với cá sấu nơi đây có thể yêu thương loài động vật vừa không đẹp vừa dữ dằn này. Gắn kết từ thuở chúng mới chào đời, chăm sóc, chứng kiến chúng ngày một trưởng thành có khác gì với việc nâng niu một mầm sống. Công việc mang lại kinh tế gia đình nhưng chắc hẳn, yếu tố gắn kết những thanh niên trẻ này với công việc đầy hiểm nguy còn là thứ tình cảm khó gọi tên, đã vô tình hình thành giữa người và vật.

NLĐO
 
Top