• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Huyền thoại Đôi chó mực và chiêu cầm nã thủ

nguồn http://www.aiki-viet.com.vn/giai_thoai/mldocument.2008-08-01.0156872514

Miền Tây Nam Bộ vào những năm cuối thế kỷ 19 đã liên tục nổi lên những phong trào chống thực dân Pháp, mà các địa danh Đồng Tháp Mười, Láng Linh, Thất Sơn luôn làm cho người Pháp lo ngại.


Triều đình Huế hầu như không kiểm soát được vùng đất miền viễn Tây này, nên những gì diễn ra ở đó luôn được tô vẽ thêm một màu huyền bí… Câu chuyện về một nhà sư giỏi võ nghệ, có tinh thần yêu nước, có những hành vi được huyền thoại hóa như xuất quỷ nhập thần, thực ra chỉ là một con người thật, một hảo hán học được bí quyết chân truyền của Thiếu Lâm Tự, ông được người dân Châu Đốc, An Giang tán dương công đức cho mãi đến bây giờ…


NHÀ SƯ LẠ VÀ CẬU HỌC TRÒ NGHÈO.

Vào cuối năm 1845, tức Thiệu Trị nguyên niên thứ 12 tại vùng Thất Sơn, Châu Đốc, có một ngôi chùa dưới triền núi Sam được xây dựng khá khang trang, tên gọi Tây An Tự, vào một buổi sẩm tối, có một cậu trai trẻ tay xách một cà ròn cũ (loại túi đan bằng lá bàng để đựng đồ đạc-TG) chừng như đựng hành lý, bước vào cổng chùa. Chú tiểu quét chùa nhìn sững người khách lạ không giống với bất cứ tín đồ nào thường lui tới chùa. Chú cất tiếng hỏi:

- Huynh tìm ai?

Cậu trai lễ phép:

- Dạ, tôi tìm thầy trụ trì.

Chú tiểu lắc đầu:

- Thầy đã đi độ kinh phương xa, chắc là tháng sau mới về. Mà huynh tìm thầy có chuyện gì không?

Cậu trai tỏ vẻ thất vọng:

- Chẳng dấu gì huynh, tôi là người ở xa tới đây, định xin xuất gia, nhưng ngặt nỗi…

Chú tiểu lanh lẹ:

- Không có thầy trụ trì ở nhà, nhưng mà may cho huynh, có vị sư phó ở Hà Tiên mới vừa tới, Huynh có thể…

Cậu trai còn đương tần ngần thì chợt nghe có tiếng bước chân từ trong chùa. Một nhà sư mặc áo nâu, nhẹ bước tiến lại, vừa cất tiếng hơi trầm đục:

- Thí chủ hỏi Thầy Tây An, có việc gì chăng?

Nghe giọng nói, cậu trai biết vị sư phó nầy gốc người Khách (người Hoa) nên chỉ cung kính lấy lệ:

- Bạch sư phụ, đệ tử có chút việc riêng cần trình bày với thầy trụ trì, chuyện đó e không tiện…

Vị sư Khách cười to, vừa đưa tay kéo cậu trai đi theo mình.

- Khỏi phải giấu, ta biết tiểu thí chủ muốn xuất gia, phải không?

Rồi không đợi cậu trai nói thêm, nhà sư đã tiếp:

- Thầy Tây An bận vân du đây đó, nên gần đây không nhận thêm đệ tử. Chỉ có ta, nhưng rất tiếc, ta cũng sắp lên đường. Vậy tốt hơn hết, tiểu thí chủ hãy trở về quê quán, lần khác chắc là có cơ duyên hơn…

Ông chỉ vào hậu liêu, nơi đã dọn sẵn một bữa cơm chay ở chiếc bàn đá:

- Tiểu thí chủ hãy ăn cho no, rồi lui gót, ta có thể chỉ cho một nơi trọ tạm.

Cậu trai quá đỗi ngạc nhiên:

- Bạch sư phụ, dù không được nhận cho xuất gia, nhưng đệ tử cũng không được trọ ở hậu liêu này một đêm sao?

Nhà sư nghiêm nét mặt:

- Ở đây đang bị mật thám Tây theo dõi ngày đêm, tiểu thí chủ bộ muốn bị vạ lây hay sao?

Cậu trai không tỏ vẻ gì lo sợ:

- Đệ tử chỉ muốn tu hành, đâu có làm gì mà sợ?

Vị sư phó dứt khoát:

- Tiểu thí chủ phải đi ngay sau khi ăn cơm. Tới cuối thôn Vĩnh Đông sẽ có người giúp đỡ, cứ nghe theo ta.

Nói xong ông đi nhanh vào hậu liêu, mất dạng. Cậu trai không hài lòng, nhưng vì đang đói cồn cào trong bụng, nên cũng gác nỗi bực, ngồi xuống ăn một hơi hết tô cơm đầy. Ăn xong cậu nhìn trước nhìn sau một lượt, rồi bước theo hướng vị sư phó chỉ lúc nãy…

ĐÔI CHÓ MỰC KỲ LẠ

Bước vô căn chòi duy nhất ở cuối thôn Vĩnh Đông, nơi mà cậu trai nghĩ là vị sư phụ đã mách, cậu ta rất ái ngại, vì quên không biết hỏi danh tánh ai ở đây? Nhưng đến khi vào trong rồi thì cậu ta lại ái ngại vì chuyện khác. Cả căn chòi không rộng lắm, nhưng trống trước trống sau, chẳng thấy có vật dụng gì, cũng như chẳng hề thấy bóng người. Không lẽ nơi đây đúng là chỗ mà nhà sư đã chỉ bảo?

Còn đang phân vân, chợt có tiếng động phía sau, cậu trai quay lại, đúng vào lúc hai con chó mực to lớn dị thường xuất hiện, như hai con mãnh hổ! Hai con vật không sủa, cũng không nhe nanh, giương vuốt. Nhưng đôi mắt chúng quắc sáng như hai ngọn đèn pha, làm cho vị khách thiếu niên sợ điếng hồn!

Cậu trai nhìn trước sau một lượt, để xem có vật gì có thể làm binh khí đối phó, nhưng tuyệt nhiên không. Toàn căn chòi trống rỗng, ngay cả một chiếc ghế gãy cũng không có, trước tình thế lâm vào ngõ bí, cậu trai nhẹ nhàng chống tay lùi vào phía trong. Lùi một lúc thì chạm vách phía sau, không có lối thoát. Đành thôi. Chàng ta như chờ đợi một đợt tấn công…..

Nhưng không, đôi chó mực chỉ từ từ tiến thêm một chút nữa, rồi đột ngột dừng lại, chúng chia thành hai phía đứng nhìn nhau, như hai đấu thủ trên võ đài. Chúng làm gì vậy?
Trước sự kinh ngạc của người khách bất đắc dĩ, hai con vật rùng mình xuống giống như hai võ sĩ xuống tấn, chuẩn bị một cuộc tấn công. Mà chúng tấn công thật sự. Con bên trái vung đôi chân trước lên, như con hổ vồ mồi, tức thì con bên phải cũng làm như thế, nhưng hơi thấp hơn một chút, rõ ràng con sau đang lựa chỗ hở của con trước, để chọc tay vào đối thủ. Cậu trai chẳng kềm được đã thốt lên:

- Một thế võ!

Cậu ta đã từng được học chút võ nghệ ở quê nhà, nên nhìn cách đánh của hai con chó, đã nhận biết ngay là miếng võ có bài bản, y như của con người!

Hai con chó đã đánh sang miếng thứ hai. Lần này con trái né sang bên một chút, rồi bất thần nhoài người trở lại, đưa một chân chọc thẳng vào mắt con kia. Lực chọc rất mạnh, tưởng chừng con nọ không thể nào đỡ nổi. Nhưng nhanh như chớp, con vật đã trườn mình lách được, nó luồn phía dưới bụng “kẻ địch” và bất thần tung thẳng lên một đòn, nhắm vào yết hầu con kia.

- Cầm nã thủ!



Cậu trai la lớn mà quên là mình đang cần ẩn mình. Hai con vật chỉ hơi khựng lại một vài giây vì tiếng la đó. Rồi chúng lại tiếp tục cuộc tỉ thí. Những đòn thế liên tiếp được tung ra, bài bản, tinh xảo, chuẩn xác đến từng li một. Đây là lần đầu tiên nhìn thấy một đôi vật bốn chân đấu võ, bởi vậy cậu trai mê mẩn, cứ há hốc miệng ra mà nhìn, quên cả tiếng động bên trái của mình và rồi đó có một người xuất hiện. Người đó là sư khách ở chùa Tây An.



Hai con chó mực chừng như đã nhận ra sự xuất hiện đó, chúng lập tức dừng cuộc tỉ thí lại, lùi về thế thủ lúc đầu. Vừa lúc nhà sư lên tiếng:

- Vạn phúc! Vạn phúc! Tiểu thí chủ là người nhiều cơ duyên lắm, nên mới được xem cảnh vừa rồi.

Cậu trai ngẩng lên, mừng rỡ:

- Bạch thầy con không ngờ….

Cơ duyên trời định! Đã 10 năm rồi đôi hắc khuyển này chưa biểu diễn như thế bao giờ, nếu không có chủ ra lệnh.

- Vậy ai là chủ của chúng?

Câu hỏi của cậu ta vừa dứt thì đôi chó mực đã chạy tới quấn dưới chân nhà sư. Thì ra chúng là vật nuôi của ông!

Vị sư phó, giọng hiền hòa:

- Chuyện còn dài, để rồi con sẽ biết.

Ông đã đổi cách xưng hô thật đột ngột và tự nhiên, làm cậu trai thoáng bối rối. Nhưng thật tâm thì cậu rất thích, vô cùng cảm động nữa là khác. Bởi từ rất lâu rồi, tấm thân côi cút của cậu chưa được ai gọi một tiếng con thân thương như vậy…

Nhà sư đột ngột kéo tay cậu trai đứng lên:

- Đi khỏi đây ngay, nơi này không còn ổn nữa.

Trước khi bước xuống một chiếc xuồng con với hai con mực đã nhảy sẵn xuống trước, nhà sư hỏi nhanh:

- Con tên là gì?

- Dạ, con tên La Hồng.

Chỉ dùng một chiếc sào mỏng manh, vậy mà nhà sư đã đẩy được chiếc xuồng lướt thật nhanh trên mặt nước.



MIẾNG VÕ CẦM NÃ THỦ

Đúng là một cơ duyên cho La Hồng, cậu trai côi cút. Cuộc gặp gỡ kỳ lạ với nhà sư và hai con chó mực ở chân núi Sam, đã là bước đầu cho một đoạn đời mới của chàng thiếu niên. Kể từ sau lần gặp gỡ đó, La Hồng đã được vị sư phó nhận làm đồ đệ. Nhưng không phải chỉ để xuất gia tu đạo, mà việc chính yếu là luyện võ. Nhà sư gốc Hoa đó đã tiết lộ cho La Hồng biết, ông chính là một đệ tử chùa Thiếu Lâm bên Trung Quốc, khi nhà Mãn Thanh thống trị Trung Hoa, ngôi chùa thiêng bị phá thì ông đã phải lưu lạc để lánh nạn, và đã trôi dạt tới vùng đất Hà Tiên của Việt Nam. Từ đó ông nhận đất mới là quê hương thứ hai và nguyện làm một việc gì đó để đền đáp nơi đã cho ông chốn dung thân. Và chính việc truyền võ nghệ cho La Hồng là một cách.

Năm năm sau nhà sư Thiếu Lâm đó đã qua đời, trong một cơn bệnh ngặt. Trước lúc chết ông chỉ căn dặn La Hồng có một điều:

- Thầy có một điều vẫn chưa nói hết với con, nhưng bây giờ thì không còn kịp nữa. Vậy khi thầy mất rồi, hai con chó sẽ thay thầy nói cho con biết…

Ông chỉ nói bấy nhiêu đó rồi tắt thở. La Hồng nửa tin nửa ngờ, suốt trong nhiều ngày thắc mắc hoài không thể hiểu nổi ý tứ sâu sắc của sư phụ. Làm sao hai con chó có thể nói được?

Vào một buổi sáng sớm cuối tháng chạp, bỗng hai con chó cắn ống quần La Hồng kéo đi về phía chân núi. Từ căn chòi của họ ở lên tới triền núi cũng không xa lắm, nhưng bờ dốc rất khó đi, cho nên hai ba ngày La Hồng mới dẫn hai con chó đi kiếm củi hay săn mồi. Bữa nay là ngày nghỉ, vậy mà lũ chó lại muốn đi, như ngầm bảo có điều gì đó?

Kể từ khi sư phụ mất, La Hồng đã tiếp tục chăm sóc cho đôi chó. Hai con chó rất mến người chủ mới, và chính chúng là người giúp La Hồng luyện tuyệt chiêu cầm nã thủ mà sư phụ đã truyền còn dở dang. Hễ lúc nào không làm việc thì hai “thầy khuyển” và cậu học trò lại ôn luyện. Tuy nhiên, La Hồng vẫn còn điều gì đó chưa ưng ý về ngón nghề của mình. Chàng đã tinh thông hầu như tất cả các tuyệt kỹ của Thiếu Lâm, nhưng riêng miếng cầm nã thủ thì còn một chút gì đó chưa tinh lắm? Phải chăng sư phụ còn dấu nghề, hay chính ông cũng còn chưa tinh diệu một số đòn pháp?



Hai con mực chạy trước, La Hồng chạy sau, phút chốc họ đã lên tới lưng chừng núi. Khu vực này La Hồng rất ít lên, nên có hơi lạ và ngại, đã có đôi lần chàng dừng lại định quay về. Nhưng hai con chó thì vẫn càng lúc càng chạy nhanh hơn. Chúng đã luyện được thuật kinh công, nên bước chạy khá nhẹ nhàng, lướt trên các gộp đá như người ta chạy trên các đường bằng phẳng. La Hồng nhủ thầm:

- Chẳng lẽ ta lại thua các ngươi!

Anh vận công, đề khí và phóng nhanh theo. Với 5 năm tập luyện chuyên cần, giờ đây La Hồng đã đạt tới nội lực, võ nghệ khá cao và hôm nay là dịp để thử tài…

Chỉ một khắc sau, khi nhìn lại, La Hồng hơi giật mình, vì chàng và hai con chó đã lên gần đến đỉnh núi Cấm. Bất chợt hai con chó dừng chân và như có ai ra lệnh, chúng quỳ mọp xuống tảng đá. La Hồng quá đỗi ngạc nhiên, vội nhìn lên phía trước mặt, lúc đó mới chợt hiểu: Ngay phía trước họ, cách chừng hai trượng, là một cửa hang động có khắc sâu mấy chữ Hán, mà qua mấy năm được sư phụ dạy La Hồng đọc được: ẨN TỊCH.

Mai danh để chết? Nhưng là ai ở trong đó?

Thấy hai con chó tỏ ra quá sợ, quá cung kính, La Hồng cũng ngại theo. Nhưng đứng quá lâu mà chưa thấy gì lạ, chàng nhẹ bước tiến thẳng vào trong động. Hang động hẹp, sâu hun hút, phải lần từng bước mới vào sâu được bên trong. Cuối cùng, trên một thạch bàn, có hai người ngồi trong tư thế tĩnh tọa. Cả hai đã chết khô từ lâu, nhưng lạ một điều là da thịt vẫn còn nguyên, chỉ nhăn nhúm lại thôi, không trơ xương.

Hai thi hài cùng nhìn về một hướng, tức về phía vách đá cách tầm mắt họ không xa. Chợt La Hồng nhìn thấy trên vách đá có những đồ hình thật lạ lùng, vẽ hình hai con chó đang vờn múa nhau. Chàng lẫm bẫm:

- Cầm nã thủ!

Đúng là những chiêu thức cầm nã thủ mà La Hồng đã được sư phụ dạy cho, cũng như hai con chó mực đã từng biểu diễn. Tuy nhiên hình như có điều ảo diệu hơn, sâu sắc hơn… Chợt La Hồng reo lên:

- Đúng rồi!

Chàng vung tay làm theo những động tác trên đồ hình. Càng ra chiêu càng như bị cuốn hút, cho đến một lúc thì toàn thân của La Hồng quay vun vút trên phiến đá hẹp. Không biết thời gian qua đi bao lâu… Cho đến khi La Hồng dừng tay lại thì không còn nhìn thấy chung quanh nữa. Chàng vừa định bước lui ra thì bỗng lảo đảo và ngã sóng soài xuống nền đá…

Khi tỉnh lại, vật La Hồng nhìn thấy đầu tiên là hai con chó mực. Chúng nằm ngay trước mặt chàng, đầu hướng về phía hai cái xác trên thạch bàn. Cả hai đều bất động.

Thấy có cái gì đó không bình thường, La Hồng đưa tay sờ lên đầu một con, bỗng chàng kêu lên khẽ:

- Chết rồi!

Thì ra hai con chó đều đã chết. Có lẽ chúng chọn cách chết trong tư thế như vậy, trong lúc La Hồng bị ngất đi. Đến đây thì La Hồng chợt hiểu tất cả. Chàng nhớ có lần sư phụ mình đã có nhắc đến hai bậc trưởng bối của ông hiện đang ở ẩn đâu đó, để luyện công phu và âm thầm mưu tính cho tương lai… Có lẽ họ là hai cái xác này. Họ đã ẩn thân nơi đây cho đến chết. Và hai con chó cũng chính là hai đệ tử của họ, nó đã theo sư phụ của La Hồng để bảo vệ ông, giờ đây chúng đã trở về đây và tịch theo với chủ thật sự.

Và, điều quan trọng nhất mà La Hồng hiểu ra, chính chiêu cuối cùng của chiêu Cầm nã thủ được cất giữ ở đây, và chỉ có hai vị cao tăng này mới am tường. Sư phụ đã thương La Hồng, nên đã ngầm dặn hai con chó đưa chàng tới đây để thông đạt sở nguyện. Giờ đây…

Nhìn hai thi hài trên bệ đá, rồi nhìn xuống hai con chó trung thành, chợt đôi hàng nước mắt của La Hồng tuôn rơi… chàng sụp lạy ba lạy về hướng hai bậc tiền bối, rồi quay bước trở ra. Bởi, với La Hồng, con đường trước mắt còn dài. Những gì sư phụ căn dặn lúc sinh tiền và những gì mà chàng đang hoài bảo, vẫn còn nguyên trong ý chí…

Những năm sau đó, ở vùng Thất Sơn luôn có sự xuất hiện của một vị sư trẻ tuổi. Đó là La Hồng, giờ đây đã khoác áo nâu sòng. Ông đã bắt đầu một cuộc sống mới: Đi đây đó giúp đỡ cho người nghèo, bằng cách bốc thuốc chữa bệnh miễn phí, hay ra tay cứu độ những trường hợp bị bức bách, hiếp đáp.

Có người rỉ tai rằng, thầy La Hồng có tham gia tổ chức chống Pháp. Do đó vị sư trẻ này là mục tiêu truy nã của người Pháp ở Châu Đốc…

Cả một vùng Thất Sơn thời đó xem ông như một vị Phật sống. Họ thêu dệt bao nhiêu huyền thoại chung quanh ông. Có người được ông dạy cho võ nghệ, về sau đi theo giúp đỡ cho những phong trào nghĩa quân chống Pháp ở vùng Thất Sơn, Láng Linh.

Tương truyền, có nhiều lần ông bị Tây bắt, canh giữ rất cẩn mật, vậy mà chỉ được một đêm, qua sáng hôm sau đã không còn thấy bóng ông trong khi khám vẫn khóa kín cửa!

Những chuyện như vậy dù sao cũng đượm tính hoang đường. Chỉ có điều này là thật: Suốt trong nhiều năm, nhà sư La Hồng đã như ẩn hiện ở nhiều nơi, làm những điều thiện, ra tay làm những việc nghĩa. Và ai ai cũng cảm phục. Duy chỉ có mật thám Tây là liên tục truy đuổi…
 
Top