crookshank
Member
Thế giới chỉ còn khoảng 3.200 con hổ còn lại trong tự nhiên và chúng đang phải đối mặt với hiểm họa ngày càng tăng - bao gồm mất chỗ sinh sống, bị săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu. Trong lịch sử số lượng hổ ở Tiểu vùng sông Mekong khá lớn. Nhưng ngày nay chỉ còn khoảng 350 con hổ còn sống sót tại khu vực này. Riêng Việt Nam chỉ còn chừng 30 cá thể hổ. Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) dự báo rằng, vào năm Nhâm Dần 2022, hổ sẽ biến mất hoàn toàn tại Tiểu vùng sông Mekong. Như vậy, nếu không có những biện pháp mạnh mẽ từ con người, 2010 sẽ là năm Dần cuối cùng hổ còn tồn tại trong môi trường hoang dã.
Năm Canh Dần 2010 có thể sẽ được đánh dấu như năm sống còn đối với loài hổ hoang dã tại Việt Nam. Mặc dù khó có thể đếm chính xác còn bao nhiêu cá thể hổ trong tự nhiên, nhưng nhưng tất cả các nhà khoa học đều nhất trí rằng quần thể hổ hoang dã của Việt Nam đã bị suy giảm trầm trọng trong hai thập kỷ gần đây. Bức ảnh con hổ trong tự nhiên ở Việt Nam gần đây nhất đã được chụp từ 13 năm trước (năm 1997, ở Vườn quốc gia Pù Mát).
2010 cũng là năm mà số phận của loài hổ được quan tâm hơn bao giờ hết trên toàn thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) đang triển khai “Sáng kiến hổ toàn cầu” bao gồm hội nghị thượng đỉnh về hổ tại Kathmandu năm 2009, hội nghị cấp bộ trưởng tại Hua Hin, Thái Lan cuối tháng 1 vừa qua và đỉnh điểm là Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo quốc gia tại Vladivostok vào tháng 9 2010 do đích thân giám đốc Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick và Thủ tướng Nga Vladimir Putin chủ trì.
Việt Nam đã tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng tại Hua Hin, nơi các thành viên tham dự đưa ra Tuyên bố Hua Hin thể hiện sự đồng thuận trong việc tăng cường các nỗ lực ngăn chặn đà giảm sút của số lượng hổ và hỗ trợ sự hồi phục của sinh cảnh mà hổ sinh sống.
Để thể hiện quyết tâm này, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề lớn nhằm giữ được hổ trong tự nhiên:
- Quản lý chặt chẽ các cơ sở nuôi, nhốt hổ để đảm bảo việc nuôi nhốt này hỗ trợ nỗ lực bảo tồn hổ trong thiên nhiên.
- Lập tức đóng cửa các cơ sở nuôi, nhốt hổ thực hiện hành vi buôn bán hổ và các sản phẩm từ chúng vì điều này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Việt Nam. Theo số liệu của Cảnh sát môi trường, hiện có 97 cá thể hổ được nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân tại Việt Nam.
- Dừng việc tiêu thụ các sản phẩm từ hổ - như đồ trang trí, thuốc - và thậm chí xem xét lại các điển dược y học đang sử dụng trong ngành y có nội dung khuyến khích sử dụng sản phẩm từ hổ.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán động vật hoang dã qua biên giới phía nam và bắc. Giảm thiểu được các hoạt động buôn bán bất hợp pháp không chỉ giúp phục hồi quần thể hổ ở Việt Nam mà còn phục hồi cả quần thể hổ ở các khu vực lân cận.
Theo WCS, mỗi cá nhân cũng có thể giúp cho loài hổ tại Việt Nam còn tồn tại được đến năm con Hổ tiếp theo, bằng cách:
- Không tiêu thụ các sản phẩm từ hổ dưới bất kỳ hình thức nào.
- Báo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện những hoạt động giết hại "ông ba mươi"
Năm 2010 là cơ hội duy nhất còn lại cho sự sống còn của hổ trong tự nhiên khi các quốc gia và các tổ chức lớn như WB cùng ngồi lại để đưa ra các chính sách bảo tồn hổ. Đây là thời khắc để các quốc gia - trong đó có Việt Nam - và từng người dân hành động để mở ra cho loài hổ một con đường sống.
theo vnexpress