• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Hà Tĩnh: giải pháp bảo tồn và phát triển bưởi Phúc Trạch

TaiVenh

Active Member


Bưởi Phúc Trạch là một trong những cây ăn quả đặc sản có giá trị của Hà Tĩnh. Bưởi Phúc Trạch được chọn là một trong những hoa quả đặc sản chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC 14. Bưởi Phúc Trạch cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu hàng hoá năm 2004. Tổng diện tích bưởi Phúc Trạch trồng đến tháng 10/2006 là 1.423ha, trong đó: diện tích đã cho thu hoạch là 1.180 ha. Bưởi Phúc Trạch được trồng tập trung chủ yếu ở 4 xã trọng điểm: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên (chiếm 43%) và 10 xã phụ cận.

Bưởi Phúc Trạch tại Hương Khê, Hà Tĩnh đã từng chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nguồn thu nhập của người dân. Vào thời điểm cuối vụ, giá một quả bưởi lên đến 60.000 đồng. Tuy nhiên, từ mấy năm gần đây, bưởi Phúc Trạch phát triển kém, có nhiều sâu bệnh, hiện tượng ra hoa và đậu quả không cao, ra hoa không tập trung, chất lượng quả kém, gây thất thu cho hộ trồng bưởi. Đặc biệt từ năm 1998 đến nay, tỷ lệ đậu quả năm cao nhất chỉ đạt 18 - 22%, năm thấp nhất đạt 7-10% sản lượng so với mức bình thường. Phần lớn các xã vùng trung và thượng huyện tỷ lệ đậu quả hàng năm rất thấp, như: Phúc Trạch, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Vĩnh, Phú Gia, Gia Phổ, Hương Long, Hương Bình. Một số hộ có diện tích vườn bưởi khá, trồng và chăm sóc đảm bảo theo quy trình kỹ thuật (bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh kịp thời) nhưng hàng năm chỉ thu hoạch bình quân 1-3 quả/cây, thậm chí còn thấp hơn. Năm 2005, giá trị thu nhập từ cây ăn quả của tỉnh được gần 27 tỷ đồng, trong đó bưởi Phúc Trạch (gần 3 triệu quả) đạt 22 tỷ đồng; năm 2006 tổng giá trị thu nhập từ cây ăn quả đạt 19 tỷ đồng, trong đó bưởi Phúc Trạch (gần 1 triệu quả) đạt 8 tỷ đồng.

Năm 2007 này, tình trạng mất mùa bưởi Phúc Trạch lại càng trầm trọng hơn. Người dân hết sức lo lắng, nhiều hộ đã có ý định tìm một số loại cây khác thay thế cây bưởi. Nguy cơ suy thoái, mất thương hiệu một loài cây đặc sản đang là nỗi lo của các nhà làm vườn và của chính quyền địa phương.. Nhiều đề tài dự án, hàng chục nhà khoa học của Sở KH&CN, Sở NN&PTNT,Viện Rau quả Trung ương, Viện Nông hóa thổ nhưỡng, Viện Bảo vệ thực vật, trường Đại học Nông nghiệp 1, Đại học Cần Thơ, các chuyên gia của Đài Loan… quan tâm đến vấn đề này. Nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra những giải pháp hữu hiệu nên bưởi chính vụ vẫn chỉ ra lá, ra hoa mà không đậu quả. Một điều nghịch lý là bưởi chính vụ không đậu quả nhưng bưởi trái vụ ra hoa vào tháng 8-9 lại đậu quả rất nhiều. Một số bà con tiếc của không nỡ bứt để lại và cũng bán được mỗi quả từ 1- 5 ngàn đồng. Tuy nhiên, chất lượng thì thua xa so với bưởi chính vụ.

Hiện nay, phần lớn bà con nông dân trồng bưởi Phúc Trạch vẫn kiên trì chờ đợi, các nhà khoa học và các nhà quản lý vẫn tiếp tục quan tâm. Và cuộc hội thảo do Liên hiệp hội Hà Tĩnh tổ chức là một minh chứng cho mối quan tâm đó. Hơn 80 nhà khoa học, các chuyên gia về cây ăn quả có múi, các nhà quản lý và bà con nông dân trồng bưởi của huyện Hương Khê đã về dự, gần 30 báo cáo và ý kiến tham luận đã được trình bày tại hội thảo.

Hội thảo đã bước đầu xác định nguyên nhân chính của việc mất mùa bưởi Phúc Trạch là do khí hậu, thời tiết trong những năm gần đây có những biến đổi bất thường và do việc phá bỏ vườn tạp (vườn tạp được hiểu là vườn gồm nhiều chủng loại cây, kể cả cây lâm nghiệp) dẫn tới phá vỡ sự đa dang sinh học. Thực tế cho thấy rằng những vườn bưởi trồng xen các cây bưởi “đúc”(cây bưởi mọc từ hạt), những cây bưởi được che bóng bởi các khóm tre, cây mít có tỷ lệ đậu quả cao hơn những vườn không có các loại cây khác. Hội thảo cũng nhất trí rằng sở dĩ mặc dù có nhiều đề tài dự án nghiên cứu tình trạng mất mùa của bưởi Phúc Trạch trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời chính là do sự đầu tư nghiên cứu không có sự tập trung, theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có sự kế thừa, hỗ trợ trao đổi lẫn nhau. Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng của các nhà khoa học, hội thảo kiến nghị bà con nông dân không nên chặt phá vườn bưởi, tiếp tục đầu tư chăm sóc và học hỏi kinh nghiệm của các mô hình kỹ thụât áp dụng có hiệu quả; tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật, loại bỏ bưởi trái vụ để tập trung bưởi chính vụ.
Hội thảo cũng kiến nghị: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phải có sự chỉ đạo, hỗ trợ Hà Tĩnh xây dựng một chương trình nghiên cứu tổng thể về cây bưởi Phúc Trạch, bao gồm những nghiên cứu đặc tính sinh vật học, sinh thái vùng trồng tới các biện pháp kỹ thuật trồng trọt và phòng trừ sâu bệnh để bảo tồn và phát triển bưởi Phúc Trạch - một loài cây ăn quả đặc sản quý hiếm không chỉ riêng của Hà Tĩnh mà của cả nước. Bưởi Phúc Trạch và bà con nông dân Hương Khê đang từng ngày từng giờ mong chờ câu trả lời từ phía các nhà khoa học, các nhà quản lý.

(Tham khảo web hatinh.gov.vn)

Cơ sở dữ liệu:

- Tổng diện tích trồng bưởi Phúc Trạch là 1.423ha (tính hết 10/2006), trong đó: diện tích đã cho thu hoạch là 1.180 ha. Bưởi Phúc Trạch được trồng tập trung chủ yếu ở 4 xã trọng điểm: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên (chiếm 43%) và 10 xã phụ cận.
- Nguy cơ suy thoái, mất thương hiệu một loài cây đặc sản đang là nỗi lo của các nhà làm vườn và của chính quyền địa phương


Nguồn: Rau, Hoa, Quả Việt Nam
 
Top