• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Gian nan nghề săn “cọp biển”

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Nếu như đi biển là một nghề nguy hiểm thì săn cá mập còn nguy hiểm hơn nhiều. Mưa dữ dội, biển gầm thét, sóng cấp 7, cấp 8 cuộn mạnh, dội vào bờ thì lúc ấy, những tàu săn cá mập mới ra khơi. Biển càng động, cá mập càng nhiều. Giữa ngàn trùng đại dương, không biết đâu là bến, là bờ, ngư phủ, cùng với sức khỏe, sự dẻo dai còn phải có một bầu nhiệt huyết đam mê, hiểu rõ lòng biển cả bao la mới thấy nghề săn "cọp" ngoài biển khơi là hấp dẫn.

Làng săn "cọp biển"

Rời bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), vượt khoảng 90 hải lý, chúng tôi mới đến được Phú Quý, hòn đảo tiền tiêu của tỉnh Bình Thuận. 18 giờ trên biển, trồi lên, ngụp xuống, nghiêng ngả theo con tàu trong sóng biển cấp 7, cấp 8, ruột gan chúng tôi như muốn lộn nhào. Lắc mạnh tay chúng tôi khi đoàn rời tàu HQ 633 lên đảo, Thuyền trưởng Võ Cát Khánh hóm hỉnh:

- Nhà báo sức khỏe thế này, lên đảo chắc cũng chỉ tắm biển thôi chứ làm sao theo ngư dân ra khơi săn cá mập nhỉ!


Một ngư phủ giới thiệu lao đâm cá mập.

Biết là đùa, nhưng câu nói của thuyền trưởng Khánh vẫn làm chúng tôi ấm ức. Phải thừa nhận rằng, nét thiên nhiên hoang sơ đã tạo cho Phú Quý sức cuốn hút lạ thường. Những ngọn núi, phủ một màu xanh thẫm nhô lên giữa đại dương bao la mang lại cảm giác ấm áp cho người đi biển lâu ngày. Ai đó đã đúng khi ví hòn đảo này như con cá voi khổng lồ, trồi lên mặt nước với dáng vẻ trầm tư, ngắm nhìn biển cả mênh mông hùng vĩ. Thêm vào đó, 10 hòn đảo lớn nhỏ với các bãi tắm ở vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang, bãi Dộc Cái… trải dài cát vàng phẳng mịn cũng tạo thêm sức hấp dẫn cho Phú Quý. Nhưng nỗi ấm ức kia vẫn thôi thúc khiến chúng tôi quyết tìm về làng chài của huyện đảo.

Đặng Văn Hữu, cậu "xe ôm" bất đắc dĩ là người hay chuyện. Đang lang thang rảo bộ tìm về làng chài thì thấy Hữu đi xe máy một mình. Vậy là xin "quá giang". Cậu ta bảo, cả đảo này rộng chừng 30km2, mấy khi có khách du lịch đâu, làm nghề "xe ôm" có mà chết đói. Thanh niên đến tuổi lập nghiệp là bám biển. Ngư trường Phú Quý rộng lớn, ngay ở ven bờ từ hòn Đỏ, hòn Đen, doi Thầy tập trung nhiều loại như cá mú giấy, hồng heo, hồng phèn, mực... nếu chăm chỉ, cần cù là đủ sống.

- Vậy còn ai theo nghề săn cá mập không? - tôi hỏi Hữu.
- Ô, ở đây không gọi là cá mập. Ngư dân gọi là "cọp biển" anh ạ - Hữu trả lời nhanh, rồi cậu giải thích - Trên rừng, chúa sơn lâm được xem là mãnh thú mạnh nhất, thì ở biển cá mập cũng được ví như vậy. Mới 22 tuổi thôi, nhưng em cũng có thâm niên 7 năm săn "cọp" rồi đó. Ông nội em, cha em và giờ là em theo nghề này. Mới đầu theo cha ra khơi xa, gặp sóng lớn, say đứ đử. Nhưng khi hết say sóng rồi thì lại thấy yêu biển, không thể xa được.

Vòng vèo một hồi quanh mấy con đê chắn sóng, doi cát, cuối cùng Hữu cũng đưa tôi đến làng chài khá khang trang bên bờ biển. Hữu bảo: Giờ chỉ còn 2 thôn này, thôn Quý Thạnh và Mỹ Thạnh, xã Ngũ Phụng là theo nghề săn "cọp biển".

Kỳ công…

Nhà ông Chín Ô, một ngư phủ lão luyện trong nghề săn "cọp biển", nổi nhất giữa xóm chài Quý Thạnh. Ngôi nhà mái bằng 2 tầng mới được quét vôi xanh. Lũ trẻ đang chơi trước sân, thấy người lạ đến chợt dừng lại, ngó trước sau rồi chúng hét toáng lên kêu nội.

Gọi là ông Chín Ô vì ông đứng thứ 9 trong gia đình, tên là Đặng Văn Ô. Gần 70 tuổi, nhưng dường như tuổi tác chỉ hiện diện qua mái tóc bạc trắng của ông. Làn da ông óng đỏ, săn chắc, dáng người thon, gọn. Kể về nghề săn "cọp biển", ông bảo:

- Tôi cũng không nhớ chính xác nghề săn này ở Phú Quý có từ khi nào, nhưng cũng phải cỡ vài trăm năm. Khi mới 14 tuổi, tôi đã theo cha ngang dọc trên đại dương. Ngày ấy làm gì có máy móc, ngư cụ như bây giờ, tất cả ra khơi đều là thuyền buồm và dựa vào kinh nghiệm. Quý Thạnh khi ấy cũng có đội tàu khoảng 40 thuyền buồm săn "cọp biển".

Ngày trước, gian nan, vất vả lắm - ông Chín Ô nói tiếp - Ngư dân phải tự làm thẻo (lưỡi) câu. Mỗi thẻo dài khoảng 6 phân, bằng i-nốc, cỡ 6 ly. Ngồi cả ngày mài mài, giũa giũa, rồi bẻ ngạnh, uốn khoen… một thanh niên cường tráng làm liên tục cũng chỉ được 10 chiếc. Một thẻo câu hoàn chỉnh khi được chuốt giấy giáp mịn, sờ mặt thép không gợn, các khúc quanh của thẻo đều, thanh mảnh, ngạnh đủ dài và chắc.

Tiếp đến là công đoạn làm giàn. Một giàn câu phải dùng đến 300 thẻo câu. Khi ấy, mỗi thẻo câu được chia làm 3 đoạn, đoạn trên là dây nhựa PE, đoạn giữa là cước 1,8 ly, đoạn cuối là cước 1,4 ly. Dây cước dài khoảng 3m, trước khi nối với thẻo câu thì nối với đoạn dây đồng dài khoảng 1m để bảo vệ thẻo câu không bị "cọp biển" cắn đứt. Các đoạn dây của thẻo câu đều có móc khóa xoay được để thẻo câu không bị xoắn vào nhau. Cứ 10 sải tay (cỡ độ 15m) là có 1 thẻo, một dây câu dài từ 6 đến 7 hải lý (1 hải lý khoảng 1,8km) và trên mỗi đầu thẻo câu đều có phao, gắn cờ hiệu.

- Gần 50 năm đi biển nhưng với tôi mỗi lần ra khơi là một lần rạo rực, phả hơi thuốc dài rồi ông kể, săn "cọp biển" phải có đam mê, là một cái thú chứ không phải ai cũng theo được. Mới đầu chưa biết, chỉ nghĩ đến loài vật ăn thịt này, chỉ ở đất liền thôi cũng đã sợ chứ chưa nói gì tới ra khơi. Nhưng khi đã hiểu được đặc tính của nó rồi, có kinh nghiệm trong nghề đi biển rồi thì tôi lại luôn muốn đối đầu với nó.

… và gian nan


Bộ giàn câu cá mập.

Mặc dù chuyện xảy ra cách đây cũng hơn chục năm, nhưng người dân hai thôn Quý Thạnh, Mỹ Thạnh thuộc xã Ngũ Phụng này thỉnh thoảng vẫn kể về "tai nạn nghề nghiệp" khi săn "cọp" của ông Đặng Một. Khi đó, cùng với đội tàu đang rút giàn câu, vô tình, tay ông dính vào thẻo câu bén nhọn, máu tuôn đầm đìa. Khi anh em quay lại hỗ trợ giúp ông, quên mất là đang kéo giàn câu nặng trĩu. Dưới lòng biển sâu, con cá mập mắc câu, rít từng hồi, lồng lên hung hãn, vô tình, nó kéo luôn Đặng Một xuống biển. Máu nơi bàn tay loang ra trên mặt biển, anh em trong đội tàu tái mặt. Vết máu ấy chẳng khác nào miếng mồi ngon cho sự trả thù của "cọp biển". Khi chưa ai dám nhảy xuống cứu thì ông Đặng Một đã phải chặt đứt bàn tay, giải thoát mình khỏi giàn câu đang bị kéo ra xa…

- Săn "cọp biển" là vậy đó, ông Nguyễn Diện, thôn Mỹ Thạnh, cho biết thêm: Mưa dữ dội, biển gầm lên, sóng cấp 7, cấp 8 cuộn mạnh, dội vào bờ thì lúc ấy, những tàu săn "cọp biển" mới ra khơi. Mùa đánh bắt "cọp biển" kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11, nhưng chủ yếu tập trung vào mùa biển động (tháng 8 đến tháng 11 âm lịch). Mưa gió ầm ào, biển gào thét khiến những đàn cá xô vào nhau tránh bão. Khi ấy là thời điểm thuận lợi để "cọp biển" lao vun vút trong làn nước săn mồi. Đó cũng là lúc các tàu săn buông câu, bất chấp những cơn sóng cả cuộn lên, cao bằng cả tòa nhà.

- Sóng to, gió lớn thế, mình khỏe như vầy cũng thấy ớn, lão ngư Nguyễn Diện tiếp lời. Trong đội tàu (khoảng 8, 9 người), có cậu to như con "tịnh" nhưng mới ra khơi xa cũng say khướt. Bỏ bữa là chuyện thường. Nhưng lâu dần sẽ quen, hết cảm giác say sóng thì sẽ thấy thích thú khi thu câu về được đầy khoang cá. Rồi ông kể tiếp: Săn "cọp biển" phải đợi đêm có trăng. Trăng sáng khiến mặt biển lấp lánh, "cọp" hoa mắt không phát hiện được mồi cá móc nơi thẻo câu. Những miếng mồi bằng cá thu, cá ngừ sáng loáng, thơm lừng treo trên đầu thẻo câu có sức lôi cuốn diệu kỳ với bất kỳ con "cọp biển" nào. Khi ống phao động đậy là lúc "cọp biển" đã mắc câu. Nhưng không dễ vậy. Sóng lớn, sự hung hãn của "cọp biển" sẽ làm nhụt chí những ai yếu tim.

Khi cá mắc câu, kéo được về gần mạn tàu, một ngư phủ phải dùng cây lao ở đầu có gắn mũi tên bằng thép, phóng trúng mình để con cá đổi hướng nằm ngang với mạn tàu, sau đó dùng một móc sắt uốn cong sắc nhọn móc vào quai hàm dìu theo tàu cho tới khi nó kiệt sức. Khi kéo nó lên thuyền cũng phải cẩn thận, không dám sơ sảy. Móc sắt vẫn phải giữ ở miệng, banh ra, để cho 3, 4 anh em dùng vồ đập nó cho đến chết. Vì nếu không, ở trên khoang rồi, nếu sơ ý, bị nó táp cho thì chỉ có toi mạng.

Một chuyến ra khơi mất chừng 90 ngày, nhanh thì 30 ngày - ông Diện bảo - Ngày xưa, làm gì có tầm ngư, thiết bị hiện đại như bây giờ. Mình ra khơi chủ yếu nhờ kinh nghiệm. Kể cả sau này cũng vậy, khi có máy móc, đôi khi tôi vẫn dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. "Cọp biển" thường theo luồng cá nhỏ lao đi kiếm mồi. Thông thường, cứ nằm trong khoảng 108-08 (108 kinh độ Bắc, 08 vĩ độ Đông), từ eo biển Đài Loan đổ về và hướng Nam từ Xin-ga-po chếch sang, khu vực ấy là nhiều "cọp biển". Thả câu ắt trúng. Năm 2007 có chuyến chỉ sau hai ba đêm buông câu, tôi đã bắt được vài chục con mập, thu về hàng trăm triệu đồng.

Ngày trước, trung bình mỗi chuyến săn được khoảng 30 đến 40 con. Khi cắt vi ra, anh em tiến hành phân loại luôn. Vi dài từ 40cm trở lên là loại 1. Từ 30 đến 35cm xếp loại 2, còn loại 3 là trong khoảng 20 đến 25cm. Một con cá mập nặng 4, 5 tạ cho khoảng 50 đến 60kg vi.

- Giờ thì ít hơn nhiều rồi, ông Diện bảo, "cọp biển" là loài rất khôn, khi nó ngửi thấy máu đồng loại là nó bỏ chạy và ít khi quay lại vùng biển ấy. Ngoài săn "cọp biển", anh em còn mở rộng thêm nghề câu cá ngừ nữa.

***​

Rời hai thôn Quý Thạnh, Mỹ Thạnh, lúc chia tay, ông Chín Ô cứ dúi vào tay tôi chai dầu gan cá mập. Dù đã phân bua với ông rằng, thật khó có thể vận chuyển chai như vậy bằng đường hàng không để mang ra Hà Nội, nhưng ông vẫn kiên quyết và còn nói thêm, cái ấy bổ lắm, giúp sáng mắt, nhất là cho trẻ con đó. Rồi ông bảo, nhờ theo nghề này mà cuộc sống gia đình cũng sung túc, đầy đủ. Hai đứa con ông, đứa nhỏ đang học đại học tại Nha Trang, con trưởng đã là công chức nhà nước. Dù không ai theo nghề cha nữa nhưng với ông như thế cũng là hạnh phúc rồi. Tất cả cũng nhờ từ nghề săn "cọp biển" ấy.

Thanh Hải

Ghi chú: Cá mập là loài động vật có trong danh mục động vật sách đỏ của Việt Nam được pháp luật bảo vệ. Nghề săn cá mập vừa là vi phạm pháp luật lại vừa nguy hiểm tính mạng đối với người đi săn. Bộ vây của loài này được coi là vật quý và có thể chữa được bệnh ung thư (điều này không đúng). Có thể đó là một trong những lý do mà loài cá mập bị săn đuổi ráo riết và có nguy cơ bị tuyệt diệt. Vì vậy nghề này cần phải được ngăn chặn, ngư dân có thể chuyển sang đánh bắt các loại cá khác để góp phần bảo tồn loài động vật quý hiếm này.
 
Mình xin cảm ơn bác hchungkt80 về bài viết này, tuy đây có thể coi là một nghề lâu đời nhưng nó lại là một nghề vi phạm pháp luật và ảnh hưởng tơi sự đa dạng sinh học của Việt Nam và cả thế giới. Mình xinh đính chính lại về phần toạ độ là 108 độ kinh đông và 08 độ vĩ bắc trong toạ độ phân bố của cá mập (điểm cao nhát của Viẹt Nam theo mình nhớ chỉ khoảng hai mươi mấy độ bắc thôi, còn vĩ độ tính từ xích đạo tới cả hai cực chỉ tới 90 độ thôi), nhờ các mod sửa lại dùm.
 
Top