• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Galapagos – thiên đường của động vật hoang dã (Kỳ 1)

Hoangminh

Member
Galapagos – thiên đường của động vật hoang dã (Kỳ 1)05:20' 03/06/2009 (GMT+7) Nếu phải chọn một nơi hành hương, các tín đồ Hồi giáo chọn Ảrập Xêút vì có thánh địa Mecca, các Phật tử chọn Nepal, nơi có gốc cây bồ đề mà đức Phật Thích ca ngồi thiền và đắc đạo, người theo Thiên chúa giáo đến Jerusalem với hang đá Bethlehem nơi Chúa ra đời… thì với tất cả những ai yêu thiên nhiên hoang dã và muốn thấy sự phong phú, đa dạng của thế giới động vật sẽ chọn Ecuador, đất nước mang tên xích đạo có quần đảo Galapagos.

Galapagos, quần đảo diệu kỳ


Trước khi Christopher Colombus tìm ra châu Mỹ, chẳng ai biết đến một “chùm” đảo nằm trên Thái Bình Dương, mà sau này trở nên hấp dẫn đặc biệt đối với toàn nhân loại. Mãi tới năm 1535, nghĩa là 43 năm sau khi Colombus đặt chân lên tân thế giới ông giám mục De Berlanga người Tây Ban Nha cai quản vùng đất Panama bơi thuyền định sang Peru tìm nơi truyền giáo. Gặp cơn gió xoáy dữ dội, chiếc tàu của ông bị một dòng hải lưu cuốn về phía tây và trôi dạt vào một đảo hoang.

Rủi hoá may, ông được vinh danh là người phát hiện ra một vùng đất mới. Thấy hàng vạn con rùa biển khổng lồ chen chúc nhau trên bãi cát, ông bèn gọi nơi này là Đảo Rùa, mà tiếng Tây Ban Nha là Galapagos. Từ đó, nó có tên trên bản đồ thế giới.

Một số loài chim ở Galapagos: Hải âu chân xanh (ảnh trái), chim ức đỏ (ảnh trên, bên phải); hồng hạc (ảnh giữa bên phải), diều hâu (ảnh dưới, bên phải) - Ảnh: TLĐó là một quần đảo thuộc Ecuador nhưng cách “đất mẹ” trên dưới 1.000km, gồm 13 đảo lớn, 6 đảo nhỏ và 103 núi đá nhô lên khỏi mặt nước, hình thành từ những miệng núi lửa 3 triệu năm về trước. Gần xích đạo, lại được 2 dòng hải lưu nóng và lạnh chảy quanh, khí hậu quần đảo này vừa mang tính nhiệt đới, vừa ôn đới lại vừa hàn đới, nên thế giới động thực vật phong phú không hề có ở bất kỳ nơi nào trên Trái đất.

Trong suốt 4 thế kỷ kể từ ngày được biết đến, những hòn đảo chỉ là nơi trú ẩn để bọn cướp biển, nghỉ ngơi và chia chác “chiến lợi phẩm”, lấy nước ngọt, bắt những con rùa lên tàu làm thịt tươi để ăn dần vì rùa có thể sống hàng tháng, thậm chí hàng năm mà không cần ăn uống.

Ngoài ra, đảo còn là nơi những ngư phủ đánh cá xa bờ ghé tạm để xả hơi ít ngày. Tuy nhiên, khi thấy những tàu buôn qua lại, với hàng hoá chất đầy, lập tức họ cầm ngay gươm đao để biến thành những kẻ đi buôn không cần vốn. Galapagos trở thành cái tên kinh hoàng với những con tàu đi ngang qua đây.

Đến thế kỷ XIX, các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh đã đưa lực lượng vũ trang đến đảo, đánh đuổi bọn hải tặc và thay vào đó là hàng nghìn binh lính và những đội săn hải cẩu và cá voi… Việc tàn sát động vật hoang dã thời kỳ này quả là ghê gớm. Chẳng hạn một thợ săn trong 2 tháng giết bình quân 5.000 con sư tử biển để thu hoạch 5.000 bộ da quý bán cho các bà quý tộc với giá rất cao… Chỉ trong vài thập kỷ, khoảng 200.000 con rùa biển bị loại khỏi cõi đời.

Nhưng Chính phủ Ecuador đã ngăn chặn hiện tượng tàn sát đó, không phải để bảo vệ động vật hoang dã mà lợi dụng sự biệt lập của những hòn đảo giữa đại dương mênh mông làm nhà tù giam những tên tội đồ phải cách ly với xã hội, cho đến gần giữa thế kỷ thứ XX.

Năm 1935, kỷ niệm 100 năm ngày nhà sinh học vĩ đại Charles Darwin đặt chân lên đảo và chính sự phong phú của thế giới sinh vật nơi đây làm nên sự nghiệp bất hủ của ông, Chính phủ Ecuador quyết định biến quần đảo Galapagos thành một khu bảo tồn động vật hoang dã, một vườn quốc gia tuy không rộng nhất thế giới nhưng chắc chắn là độc đáo nhất thế giới.

Viện bảo tàng thiên nhiên số 1 của hành tinh

Dân cư trên đảo do sức cuốn hút của các đảo Thần tiên (Islas Encantadas - một tên khác của các đảo Galapagos) tăng nhanh chóng lạ thường. Nếu như năm 1808 mới có một tay giang hồ lãng tử là Patrick Walkins, sau khi lê gót khắp miền đất lạ, tạm dừng chân ở đây làm công dân đầu tiên, sống một mình như chàng Robinson nổi tiếng, tự làm nhà, trồng tỉa để tự túc cái ăn. Vào cuối những năm 1970 dân số mới là 800 người, thì nay đã lên tới 28.000 người.


Cá mập búa (ảnh trái); kỳ nhông, rùa khổng lồ và cá heo Galapagos (ảnh phải)
- Ảnh: ST



Tuy nhiên, chẳng có lý do gì để không gọi những con vật thân yêu đã sống hàng vạn năm là dân cư bản địa của đảo.

Theo thống kê, tại Galapagos có hơn 6.000 loài động vật trên cạn và dưới nước. Trong số đó 50% loài chim, 70% côn trùng, 85% bò sát, 17% cá và 42% thực vật là tài sản đặc hữu của đảo, những loài “có một không hai” trên hành tinh, bởi chúng hoàn toàn sống cách biệt với thế giới bên ngoài hàng vạn năm qua.

Những luồng gió đến từ lục địa đã mang lại những loài chim đã phải biến dị để thích ứng với môi trường mới. Hai dòng hải lưu chạy dọc quần đảo khiến hệ động và thực vật vô cùng đa dạng. Những con vật của xứ nhiệt đới kết bạn với những loài hàn đới. Gió Humbolt đã đưa những con hải cẩu và chim cánh cụt trôi dạt đến đây. Rồi El Nino đã đem cho đảo nhóm cư dân mới là kỳ nhông biển, thằn lằn và những loài rùa đến từ vùng Nam Mỹ. Sự cách ly và vắng mặt các động vật săn mồi, ăn thịt cho phép những loài của kỷ nguyên thứ hai tồn tại cho đến ngày nay. Hình dạng chiếc mai của những con rùa cạn thay đổi tuỳ nơi chúng sinh sống và nhìn vào đó thấy được sự tiến hoá của các loài.

Mỗi bước đi là một sự ngạc nhiên. Vừa gặp hàng trăm chú kỳ nhông thân dài cả thước, bộ da sần sùi, gớm ghiếc, các mấu thịt mọc dài trên cổ, trên lưng đung đưa một cách quái dị gợi lại loài khủng long trong sách vở, nằm phơi nắng trên các tảng đá để “nấu chín” loài rong biển bám trên đá núi lửa mà chúng vừa lặn xuống đáy biển để gặm vội vàng, không hề để mắt đến bạn, thì đã đụng mấy bác rùa mốc thếch, chắc cũng vài trăm tuổi, to cỡ những con rùa đá đội bia ở Văn Miếu, đang trèo lên lưng nhau… làm tình.

Lại chợt nhớ báo đăng cũng tại hòn đảo này có một “cụ” rùa được đặt tên là “George cô đơn” là cá thể duy nhất còn sót lại của một loài tưởng đã tuyệt chủng, được nâng niu ở một khu riêng và các nhà rùa học bao năm nay tích cực tìm một bạn đời cho cụ để cụ khỏi tuyệt tự mà chưa thành công.

Bạt ngàn sư tử biển, gấu biển, chó biển nằm sưởi nắng hoặc nô giỡn dưới biển khơi. Và kìa, một bầy chim cánh cụt đang đùa trên sóng. Vậy mà sách giáo khoa bảo chỉ Nam cực mới là đất sống của giống chim không biết bay này.

(Còn nữa)
  • Quốc Tín (Tổng hợp)
 

Hoangminh

Member
Galapagos – thiên đường của động vật hoang dã (Kỳ 2)

Galapagos – thiên đường của động vật hoang dã (Kỳ 2)09:09' 04/06/2009 (GMT+7) Galapagos chính là nơi học thuyết lớn nhất của ngành Sinh học ra đời.

Vào tháng 6/1831, thuyền trưởng Robert Fitz Roy được Viện Hoàng gia Anh cử đi vòng quanh thế giới khảo sát những vùng đất mới trên chiếc tàu Beagle trong thời gian 4 năm. Chàng sinh viên y khoa Đại học Cambridge mới 22 tuổi Charles Darwin xin đi theo tàu, không phải vì chàng ham thích nghiên cứu khoa học và những chuyến phiêu lưu mà chỉ vì hận do bị ông bố đuổi ra khỏi nhà.

Sau ba năm khảo sát vùng Nam Mỹ, tháng 9/1835, tàu ghé đảo San Cristobal trong quần đảo Galapagos. Sự phong phú và đa dạng của thế giới động thực vật đã cuốn hút chàng trai với một sức mạnh phi thường, làm chàng trai thay đổi chí hướng. Chàng hiểu rằng động vật hoang dã ở đây đã tiến hoá hoàn toàn độc lập với phần còn lại của thế giới, nhiều loại không nơi nào có. Chính vì vậy, nó là mô hình nghiên cứu lý tưởng nhất, có thể gợi mở rất nhiều suy nghĩ mới. Thấy được điều đó chàng quyết định trở thành một nhà sinh vật học.


Những chân dung khác nhau của nhà bác học Charles Darwin - khi còn trẻ (ảnh trái, bên dưới); khi ông bị chế giễu vì cho rằng loài người tiến hóa từ loài khỉ (ảnh giữa, bên dưới); và khi ông về già... (Ảnh: TL)
Trở về nước, sau khi viết xong hàng loạt báo cáo khoa học về chuyến đi, Charles Darwin dành toàn bộ thời gian suy nghĩ về những điều mắt thấy tai nghe trong ngồn ngộn những quan sát của chàng trên đảo. Đối chiếu với lý thuyết sinh học đương thời, chàng đưa ra những kiến giải riêng của mình.

Một loạt vấn đề cơ bản nhất của Sinh học được đề cập. Giới khoa học sững sờ về những giả thuyết thiên tài, táo bạo, đầy tính sáng tạo và thuyết phục về “chọn lọc tự nhiên”, “đấu tranh sinh tồn”, “nguồn gốc các loài”, và bao trùm lên trên tất cả là “Thuyết tiến hoá”. Do tính mới mẻ và quá khác lạ của nó, lúc đầu học thuyết Darwin bị phản đối dữ dội, đặc biệt về phía tôn giáo chính thống ở châu Âu vì nó trái với những điều nói trong giáo lý của nhà thờ nhưng thực tế ngày càng chứng minh tính đúng đắn của nó.

Charles Darwin được coi là nhà khoa học lớn nhất đương thời vì lần đầu tiên giải thích được sự hình thành thế giới sống theo quan điểm duy vật. Những điều còn mù mờ được ánh sáng từ học thuyết của ông rọi vào đều trở nên rõ ràng. Người ta đánh giá ông ngang với “người khổng lồ” Isaac Newton vì đóng góp to lớn của ông vào Sinh học giống như của Newton đối với Vật lý học (và khi ông mất, mộ ông được đặt bên cạnh mộ Newton trong nghĩa trang Westminster dành cho danh nhân của nước Anh).

Điều quan trọng đáng nhắc lại là tất cả những gợi ý để Darwin suy nghĩ, những dẫn chứng để ông căn cứ xây dựng nên học thuyết của mình mà không ai bác bỏ được đều bắt nguồn từ thế giới động thực vật độc đáo của Galapagos. Chẳng thế, Darwin tự nhận rằng chuyến đi khảo sát ở Galapagos là biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Một bức tượng đồng của ông dựng trên đảo San Cristobal nằm trong quần đảo này.

  • Quốc Tín (Tổng hợp)
 
Top