(ANTĐ) - Đường Lâm (Sơn Tây) vốn đã nổi danh với tên gọi đất 2 vua, mảnh đất của đá ong với những ngôi nhà cổ thuần Việt. Những đặc sản làng quê nổi tiếng của xứ Đoài mây trắng cơm tám chợ Mía, tương bần Mông Phụ... cho đến ngày hôm nay vẫn giữ được hương vị truyền thống, nét riêng chỉ có ở mảnh đất này. Không chỉ vậy, Đường Lâm còn nổi tiếng với đặc sản gà Mía - gà tiến vua.
ông Phan Văn Ve bên đàn gà Mía để dành trong dịp Tết
Gà tiến vua nơi đất cổ
Theo cách lý giải duy nhất giống gà này được đặt tên theo tên làng Đường Lâm xưa. Đường Lâm, theo tiếng Nôm có nghĩa là Kẻ Mía. Có lẽ vì vậy mà một loạt các địa danh được gắn với cái tên làng Mía: chợ Mía, bến Mía và đặc biệt có ngôi chùa thờ bà Chúa Mía nổi tiếng. Cũng không ai biết, Gà Mía có mặt ở Đường Lâm từ bao giờ, chỉ biết rằng, hộ nuôi gà có thâm niên nhất tại Đường Lâm ngày nay đã 6 đời nuôi gà Mía. Song, một điều có thể dễ dàng lý giải vì sao gà Mía đã và sẽ mãi mãi là đặc sản của riêng Đường Lâm thì không có gì lạ, bởi giống gà này chỉ có thể nuôi được ở xứ này, nếu mang giống đi nơi khác chỉ cần qua 1 năm sẽ thoái hóa giống. Nếu lần đầu tiên được thưởng thức thịt gà Mía, sẽ khó ai có thể quên được vị ngọt, đậm đà dai thịt chứ không nhũn như thịt gà công nghiệp, và cũng không dai quá như gà ta, mà là dai mềm, thơm thịt, thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Gà Mía đầu nhỏ, mình vuông. Lúc còn nhỏ, da gà Mía có màu đỏ au như trái gấc chín, con trống rất ít lông. Từ 2,5kg trở lên da gà bắt đầu chuyển sang màu vàng. Gà Mía trưởng thành, con mái nặng từ 2,8-3kg, con trống nặng từ 4-6kg. Gà mái có bộ lông màu lá chuối khô, chân nhỏ, nhanh nhẹn, đặc biệt, sau khi đẻ từ 4-5 lứa lườn chảy xuống giống yếm bò. Con trống có thân hình to, dài, hình chữ nhật, phần lớn có màu mận chín, tuy nhiên cũng có màu đen. Cả gà trống và mái đều có mào cờ (đơn), tích tai chảy, da chân màu vàng nhạt. Với những người sành ăn, gà Mía trống thiến là lựa chọn số một.
Đất Đường Lâm vẫn tương truyền gà Mía là sản vật tiến vua nhưng cũng không ai biết được lai lịch ngọn nguồn ra sao. Đến bây giờ, những người già nhất trong làng cũng chỉ nhớ rằng, xưa kia, con gà Mía trống mà đạt được trọng lượng từ 6-7kg sẽ được người dân trong làng tuyển chọn làm vật tiến vua và tế lễ đầu năm tại đình làng. Không phải ngẫu nhiên mà người dân Đường Lâm chọn gà Mía làm giống vật gà tế lễ Thành Hoàng làng vào đầu năm mới, để thắp hương tổ tiên trong dịp Tết, lễ. Gà Mía về hình thức là loại gà đẹp, đầu công, mình cốc, cánh trai, ngắn quản, dài đùi, diều vịt, mã lĩnh. Những đặc điểm đó làm cho gà Mía có nét đẹp phảng phất con công, con phượng. Vì vậy, trong nghi thức tế Thành Hoàng làng không thể thiếu được sản vật này.
Bảo tồn loài gà quý
Có thể đây đó trên đất nước ta có nơi cũng nuôi gà Mía để thưởng thức, hoặc nuôi gà Mía thương mại nhưng chắc chắn có thể khẳng định một điều, sẽ không mảnh đất nào có thể nuôi được giống gà Mía thuần chủng như mảnh đất nhiều đá ong ở Đường Lâm.
Ông Phan Văn Ve - Hội trưởng Hội Bảo tồn và phát triển giống gà Mía ở Đường Lâm cho biết: “Gà Mía là giống gà khá dễ nuôi, chỉ cần thóc gạo, ngô... lại có độ kháng bệnh rất cao. Tuy nhiên, gà Mía lại không nuôi theo phương pháp công nghiệp mà chăn nuôi theo truyền thống thả vườn”. Theo ông Ve, đã có rất nhiều người, nhiều kỹ sư trong ngành nông nghiệp đến Đường Lâm mua giống gà Mía về nuôi nhưng chỉ qua một năm là chúng đã bắt đầu có biểu hiện thoái hóa giống.
Đặc biệt, tại Đường Lâm hiện nay nhà nào cũng có nuôi mấy con gà Mía nhưng hiện chỉ còn 6 hộ gia đình nuôi gà thuần chủng để giữ gene gà quý. Bộ NN&PTNT cũng đã quyết định đưa gà Mía vào danh sách 1 trong 4 giống gia cầm quý cần được bảo tồn gene. Vì vậy, Viện gia cầm Thụy Phương đã đặt hàng 6 hộ gia đình tại Đường Lâm để nuôi giữ gene. Trong đó có gia đình ông Phan Văn Ve đến nay đã 6 đời nuôi gà Mía. Hiện, ông cũng đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy nhưng 2 ông bà vẫn ngày ngày chăm đàn gà Mía trên 100 con. Ông Ve kể, giống gà Mía Đường Lâm mặc dù trọng lượng tương đối to nhưng chân lại rất nhỏ không như gà Đông Cảo, đặc biệt, khi gặp nước ấm, da gà chuyển sang một màu vàng như nghệ.
Song, đến nay, mặc dù cả đời gắn bó với con gà Mía nhưng ông Ve cũng không thể lý giải được, giống gà Mía ngày càng dễ thoái hóa giống ngay trên mảnh đất Đường Lâm. Đàn gà của ông cứ mỗi năm 1 lần phải thay bởi nếu không sang năm chúng đã bắt đầu có biểu hiện lai giống gà khác hoặc gà mái thì bắt đầu đẻ kém đi rất nhiều. Trong khi đó, trước đây, gà Mía có thể nuôi từ 3-4 năm mới phải thay một lần mà không hề có biểu hiện thoái hóa giống.
Thịt gà Mía trống thiến luộc có màu trắng, mỡ vàng, ăn giòn, thịt chắc, vị ngọt đậm. Theo ông Phan Văn Ve, gà tế Thành Hoàng xưa kia phải chọn cử người làng chăn nuôi cẩn thận, cuối năm chọn con to, đẹp nhất. Gà luộc để nguyên con đặt trên mâm xôi rước ra đình, đền làm lễ. Gà dùng trong bữa ăn ngày tết, ngày đám thì đem luộc, thái nhỏ lá chanh rắc lên trên đĩa thịt gà.
Trước tình trạng gà Mía, sản vật truyền thống của đất Đường Lâm có nguy cơ mất giống, ngay từ đầu năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã chú trọng phát triển chăn nuôi giống gà Mía đến các vùng núi, đồi gò của 4 huyện, thành phố phía Bắc. Đến nay, nghề chăn nuôi giống gà này đã phát triển đến 27 xã thuộc thành phố Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai. Tính chung có đến trên 4.500 hộ tham gia. Để tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa, hiện nay, thành phố Sơn Tây đã có gần 300 hộ chăn nuôi đàn tập trung với 100-300 con mái sinh sản hoặc 300-500 con gà thương phẩm/lứa. Khu vực chăn nuôi tập trung đã có 5 hộ lắp đặt được 6 máy ấp nở trứng giống; mỗi máy ấp được 600-800 quả trứng/lứa/tháng.
Mặc dù phát triển khá rộng, nhưng khách thập phương vẫn ưu ái đặc biệt với giống gà Mía Đường Lâm. Ông Ve cho biết: “Nhiều đoàn khách tận Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình đến Đường Lâm chỉ để thưởng thức đặc sản Gà Mía. Họ cho biết, mặc dù nhiều nơi cũng có bán loại gà này nhưng không đảm bảo thuần chủng, đã bị lai với các giống gà khác. Do đó, họ phải tìm lên tận Đường Lâm để tìm mua để được thưởng thức đúng giống gà Mía Đường Lâm ngày xưa”.
Ngân Tuyền
ông Phan Văn Ve bên đàn gà Mía để dành trong dịp Tết
Gà tiến vua nơi đất cổ
Theo cách lý giải duy nhất giống gà này được đặt tên theo tên làng Đường Lâm xưa. Đường Lâm, theo tiếng Nôm có nghĩa là Kẻ Mía. Có lẽ vì vậy mà một loạt các địa danh được gắn với cái tên làng Mía: chợ Mía, bến Mía và đặc biệt có ngôi chùa thờ bà Chúa Mía nổi tiếng. Cũng không ai biết, Gà Mía có mặt ở Đường Lâm từ bao giờ, chỉ biết rằng, hộ nuôi gà có thâm niên nhất tại Đường Lâm ngày nay đã 6 đời nuôi gà Mía. Song, một điều có thể dễ dàng lý giải vì sao gà Mía đã và sẽ mãi mãi là đặc sản của riêng Đường Lâm thì không có gì lạ, bởi giống gà này chỉ có thể nuôi được ở xứ này, nếu mang giống đi nơi khác chỉ cần qua 1 năm sẽ thoái hóa giống. Nếu lần đầu tiên được thưởng thức thịt gà Mía, sẽ khó ai có thể quên được vị ngọt, đậm đà dai thịt chứ không nhũn như thịt gà công nghiệp, và cũng không dai quá như gà ta, mà là dai mềm, thơm thịt, thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Gà Mía đầu nhỏ, mình vuông. Lúc còn nhỏ, da gà Mía có màu đỏ au như trái gấc chín, con trống rất ít lông. Từ 2,5kg trở lên da gà bắt đầu chuyển sang màu vàng. Gà Mía trưởng thành, con mái nặng từ 2,8-3kg, con trống nặng từ 4-6kg. Gà mái có bộ lông màu lá chuối khô, chân nhỏ, nhanh nhẹn, đặc biệt, sau khi đẻ từ 4-5 lứa lườn chảy xuống giống yếm bò. Con trống có thân hình to, dài, hình chữ nhật, phần lớn có màu mận chín, tuy nhiên cũng có màu đen. Cả gà trống và mái đều có mào cờ (đơn), tích tai chảy, da chân màu vàng nhạt. Với những người sành ăn, gà Mía trống thiến là lựa chọn số một.
Đất Đường Lâm vẫn tương truyền gà Mía là sản vật tiến vua nhưng cũng không ai biết được lai lịch ngọn nguồn ra sao. Đến bây giờ, những người già nhất trong làng cũng chỉ nhớ rằng, xưa kia, con gà Mía trống mà đạt được trọng lượng từ 6-7kg sẽ được người dân trong làng tuyển chọn làm vật tiến vua và tế lễ đầu năm tại đình làng. Không phải ngẫu nhiên mà người dân Đường Lâm chọn gà Mía làm giống vật gà tế lễ Thành Hoàng làng vào đầu năm mới, để thắp hương tổ tiên trong dịp Tết, lễ. Gà Mía về hình thức là loại gà đẹp, đầu công, mình cốc, cánh trai, ngắn quản, dài đùi, diều vịt, mã lĩnh. Những đặc điểm đó làm cho gà Mía có nét đẹp phảng phất con công, con phượng. Vì vậy, trong nghi thức tế Thành Hoàng làng không thể thiếu được sản vật này.
Bảo tồn loài gà quý
Có thể đây đó trên đất nước ta có nơi cũng nuôi gà Mía để thưởng thức, hoặc nuôi gà Mía thương mại nhưng chắc chắn có thể khẳng định một điều, sẽ không mảnh đất nào có thể nuôi được giống gà Mía thuần chủng như mảnh đất nhiều đá ong ở Đường Lâm.
Ông Phan Văn Ve - Hội trưởng Hội Bảo tồn và phát triển giống gà Mía ở Đường Lâm cho biết: “Gà Mía là giống gà khá dễ nuôi, chỉ cần thóc gạo, ngô... lại có độ kháng bệnh rất cao. Tuy nhiên, gà Mía lại không nuôi theo phương pháp công nghiệp mà chăn nuôi theo truyền thống thả vườn”. Theo ông Ve, đã có rất nhiều người, nhiều kỹ sư trong ngành nông nghiệp đến Đường Lâm mua giống gà Mía về nuôi nhưng chỉ qua một năm là chúng đã bắt đầu có biểu hiện thoái hóa giống.
Đặc biệt, tại Đường Lâm hiện nay nhà nào cũng có nuôi mấy con gà Mía nhưng hiện chỉ còn 6 hộ gia đình nuôi gà thuần chủng để giữ gene gà quý. Bộ NN&PTNT cũng đã quyết định đưa gà Mía vào danh sách 1 trong 4 giống gia cầm quý cần được bảo tồn gene. Vì vậy, Viện gia cầm Thụy Phương đã đặt hàng 6 hộ gia đình tại Đường Lâm để nuôi giữ gene. Trong đó có gia đình ông Phan Văn Ve đến nay đã 6 đời nuôi gà Mía. Hiện, ông cũng đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy nhưng 2 ông bà vẫn ngày ngày chăm đàn gà Mía trên 100 con. Ông Ve kể, giống gà Mía Đường Lâm mặc dù trọng lượng tương đối to nhưng chân lại rất nhỏ không như gà Đông Cảo, đặc biệt, khi gặp nước ấm, da gà chuyển sang một màu vàng như nghệ.
Song, đến nay, mặc dù cả đời gắn bó với con gà Mía nhưng ông Ve cũng không thể lý giải được, giống gà Mía ngày càng dễ thoái hóa giống ngay trên mảnh đất Đường Lâm. Đàn gà của ông cứ mỗi năm 1 lần phải thay bởi nếu không sang năm chúng đã bắt đầu có biểu hiện lai giống gà khác hoặc gà mái thì bắt đầu đẻ kém đi rất nhiều. Trong khi đó, trước đây, gà Mía có thể nuôi từ 3-4 năm mới phải thay một lần mà không hề có biểu hiện thoái hóa giống.
Thịt gà Mía trống thiến luộc có màu trắng, mỡ vàng, ăn giòn, thịt chắc, vị ngọt đậm. Theo ông Phan Văn Ve, gà tế Thành Hoàng xưa kia phải chọn cử người làng chăn nuôi cẩn thận, cuối năm chọn con to, đẹp nhất. Gà luộc để nguyên con đặt trên mâm xôi rước ra đình, đền làm lễ. Gà dùng trong bữa ăn ngày tết, ngày đám thì đem luộc, thái nhỏ lá chanh rắc lên trên đĩa thịt gà.
Trước tình trạng gà Mía, sản vật truyền thống của đất Đường Lâm có nguy cơ mất giống, ngay từ đầu năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã chú trọng phát triển chăn nuôi giống gà Mía đến các vùng núi, đồi gò của 4 huyện, thành phố phía Bắc. Đến nay, nghề chăn nuôi giống gà này đã phát triển đến 27 xã thuộc thành phố Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai. Tính chung có đến trên 4.500 hộ tham gia. Để tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa, hiện nay, thành phố Sơn Tây đã có gần 300 hộ chăn nuôi đàn tập trung với 100-300 con mái sinh sản hoặc 300-500 con gà thương phẩm/lứa. Khu vực chăn nuôi tập trung đã có 5 hộ lắp đặt được 6 máy ấp nở trứng giống; mỗi máy ấp được 600-800 quả trứng/lứa/tháng.
Mặc dù phát triển khá rộng, nhưng khách thập phương vẫn ưu ái đặc biệt với giống gà Mía Đường Lâm. Ông Ve cho biết: “Nhiều đoàn khách tận Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình đến Đường Lâm chỉ để thưởng thức đặc sản Gà Mía. Họ cho biết, mặc dù nhiều nơi cũng có bán loại gà này nhưng không đảm bảo thuần chủng, đã bị lai với các giống gà khác. Do đó, họ phải tìm lên tận Đường Lâm để tìm mua để được thưởng thức đúng giống gà Mía Đường Lâm ngày xưa”.
Ngân Tuyền